Kỳ bí tuyệt chiêu điểm huyệt giết địch của nữ du kích Việt Nam

Vì nhiệm vụ cách mạng, cụ bà Lương Dung Nga là một trong 5 nữ du kích của Đội du kích Hoàng Ngân thời kỳ kháng chiến chống Pháp, được cấp trên bí mật cử vào rừng sâu để truyền dạy bài điểm huyệt thủ tiêu quân địch chỉ trong vòng 15 phút. Nhờ bài điểm huyệt này mà cụ đã nhiều lần trà trộn vào đội ngũ giặc Pháp, thủ tiêu hàng chục tên giặc ác ôn. Nay đã qua tuổi 87, nhưng kí ức cũ chưa hề phai nhạt trong tâm trí của người phụ nữ này.

Phẫn uất trước kẻ thù

Cả phố Hào Nam (Ba Đình, Hà Nội) không ai là không biết cụ Lương Dung Nga bởi cụ từng là một thành viên tích cực trong các phong trào đoàn hội của khu phố. Một cụ bà tuổi cao dẫn một đoàn “đệ tử” phần lớn đều trên 50 tuổi ra đình Hào Nam luyện võ đã trở thành hình ảnh quen thuộc với những người dân ở đây.

Cụ Nga mặc áo đỏ, đứng giữa cùng đội võ Hoàng Ngân của đình Hào Nam chụp hình lưu niệm trước khi đi biểu diễn.
Cụ Nga mặc áo đỏ, đứng giữa cùng đội võ Hoàng Ngân của đình Hào Nam chụp hình lưu niệm trước khi đi biểu diễn.

Nếu không hỏi kỹ thì khó nhận ra đâu là cụ Nga, đâu là học trò của cụ? Bởi dù đã ngấp nghé “cửu tuần” nhưng mỗi lần ra đường cụ vẫn đánh phấn tô son, diện đầm dài rất trẻ trung, đi dép quai hậu, trên người đeo khá nhiều trang sức… Và một khi đã bắt đầu câu chuyện thì khó ai có thể chen vào bởi cụ có rất nhiều chuyện để kể.

Cụ Nga sinh năm 1925, vốn quê gốc ở Phủ Lý – Hà Nam, là cháu đời thứ hai của nhà cách mạng Lương Khánh Thiện. Vì công việc của bố nên cả gia đình phải chuyển về sinh sống ở làng La Ngoại, Thanh Miện, Hải Dương. Bố cụ là giáo viên Pháp văn nên từ nhỏ cụ đã được ông rèn giũa tiếng Pháp tinh thông và truyền dạy võ nghệ cho con cháu. Gia đình cụ có tất thảy 10 anh chị em nhưng trong nhà cụ luôn là người tỏ ra nổi trội nhất.

Từ bé, cụ đã là một cô gái xinh xắn, nhanh nhẹn. Lớn lên, cụ là một nữ sinh nổi tiếng của trường Đồng Khánh. Cụ không chỉ học giỏi văn hóa mà còn thuần thục võ nghệ, lại có vẻ ngoài xinh đẹp nên được rất nhiều bạn trai để ý. Tuy nhiên, vì lòng căm thù quân giặc sâu sắc mà cụ đã gác lại chuyện học hành và chồng con để theo Cách mạng.

“Dân mình thời đó khổ lắm vì kẻ thù rất tàn bạo. Tôi vẫn còn nhớ chị Thuyên hơn tôi 5 tuổi. Chị ấy là dân quân nên kiên cường lắm, có thể ngâm mình cả người dưới nước và đội bèo tây để theo dõi tình hình của địch mà không nề hà. Một hôm, quân ta giao chiến với quân địch, nhưng do hỏa lực của mình mỏng quá, chị bị lộ, chúng bắt rồi hãm hiếp sau đó vứt xác ra sông.

Một lần tôi đi tản cư từ Hải Dương vào Thanh Hóa, trên đường đi có hai vợ chồng có con trai 3 tháng tuổi, đi đến đoạn gần bốt của bọn Pháp thì em bé ngằn ngặt khóc. Dỗ kiểu gì cũng không nín, cho bú cũng không nín. Không còn cách nào khác, ông bố buộc phải bóp mũi con để cứu cả đoàn người. Tôi tận mắt chứng kiến cảnh tượng đó mà xót xa vô hạn. Từ đó, tôi quyết tâm phải theo Cách mạng, phải diệt được lũ giặc ác ôn để rửa thù cho bà con nhân dân mình”– cụ Nga từng kể.

Một đêm thủ tiêu 33 tên giặc

Sở dĩ cụ sớm giác ngộ cách mạng và sớm được đứng trong hàng ngũ của đội du kích Hoàng Ngân là vì cụ được nữ du kích Hoàng Ngân dìu dắt.

Cụ Lương Dung Nga những năm sau khi đất nước hòa bình.
Cụ Lương Dung Nga những năm sau khi đất nước hòa bình.

“Tôi còn nhớ, hồi đó chị Hoàng Ngân về gây dựng cơ sở ở làng. Chị đi bộ từ làng này qua làng khác, đi bộ nhiều đến độ chân bị rộp hết cả lên. Chị về nhà tôi ở, mẹ tôi rất thương chị nên mỗi lần đi chợ lại mua cả gánh bí đỏ về chất dưới gầm giường để nấu với gạo nếp, đỗ xanh, đường đen… cho chị ăn lấy lại sức và trị bệnh đau đầu. Còn tôi thì chuyên bóp chân cho chị. Kỳ lạ là ở quê thời đó nhà nào cũng nuôi một bầy chó 3- 4 con để đề phòng sự đột nhập bất thường của giặc Pháp, ấy vậy mà khi chị Hoàng Ngân đến nhà ai, lũ chó cũng dạt ra, không ho he một tiếng nào. Nhân dân cũng bảo vệ chị ấy lắm. Nhất cử nhất động đều được nhân dân mật báo kịp thời nên chị ấy bám trụ lại cơ sở được rất lâu. Chị Hoàng Ngân là một người phụ nữ chân chất, đức độ nhưng cực kỳ thông minh. Mỗi lần về làng, chị ấy đều tìm cách tiếp cận với người dân để giác ngộ họ đi theo Cách mạng. Trước khi rút khỏi cơ sở để sang một địa bàn khác, chị muốn gây dựng những hạt giống mới và chọn ba nữ du kích là dân của thôn, trong đó có tôi. Khi được nhận vào đội du kích Hoàng Ngân, tôi phải cắt ngắn mái tóc rất dài. Mẹ tôi tiếc quá, ngẩn ngơ mất mấy ngày…”.

Tham gia đội du kích Hoàng Ngân được một thời gian thì cụ bà Lương Dung Nga được cấp trên bí mật cử vào rừng để học bài điểm huyệt. Năm người nữ được chọn để giao nhiệm vụ hết sức quan trọng này đều là những người có nề nếp căn bản, có học hành và có đủ sự mạnh mẽ. Trước khi được truyền dạy, cụ và bốn chị em còn lại phải làm lễ tuyên thệ chỉ được dùng bài huyệt này để bảo vệ mình và thủ tiêu quân giặc, không được dùng vào những việc khác, không được hé lộ cho bất kỳ ai biết, kể cả người thân trong gia đình. Bài huyệt này chỉ một vài động tác đơn giản bằng cách điểm một số huyệt đạo phía sau gáy của đối phương và nếu trong vòng 15 phút, không được giải huyệt thì người đó sẽ chết. Tuy vậy, để thành thạo bài điểm huyệt này, cụ và bốn chị em phải luyện gần 1 tháng mới được.

“Có một lần, được trên giao phải tiêu diệt bọn giặc nhân dịp chúng mở tiệc mừng quốc khánh Pháp. Trước khi đi, tôi và 2 chị em nữa được đơn vị tổ chức truy điệu sống vì xác định khả năng bị hy sinh là rất cao. Nếu mất thì lấy ngày sinh làm ngày giỗ sau này. Hôm đó, chúng tôi vận toàn đồ đen, kín mít từ chân tới đầu, chỉ lộ mỗi con mắt, xát tỏi lên người để chó becgiê của chúng không phát hiện ra.

Khi bước vào, may mắn là đàn ngỗng của chúng cũng đang ngủ nên không con nào cất tiếng. Để cảnh giác, ngoài nuôi chó ra, bao giờ bọn Pháp cũng nuôi rất nhiều ngỗng. Hễ có người lạ là ngỗng kêu quang quác báo động. Tôi dẫn đầu đoàn, tiếp sát từng tên một và nhẹ nhàng sờ lên gáy điểm vào huyệt độc đạo của chúng. Hôm sau, tôi nghe tin 33 tên giặc Pháp bỏ mạng nhưng người ta cứ nghĩ chúng bị trúng gió độc.

Những lần sau, cũng bằng kế sách như thế, chúng tôi còn tiêu diệt được nhiều tên giặc Pháp và bọn Việt gian. Sau đó, giặc Pháp bắt đầu nghi ngờ, chúng khám nghiệm pháp y để điều tra căn nguyên cái chết. Chúng phát hiện được quân bị ám sát nên đề phòng rất cẩn mật…”.

“Sau ngày đó, khi ra đường tôi phải nhuộm răng đen. Mỗi khi đi phải mặc áo tơi cũ rách tả tơi, bôi bùn bẩn và cả mắm tôm lên khắp người để chó của chúng không ngửi thấy mùi. Thối lắm nhưng vẫn phải chịu đựng” – theo cụ Nga kể.

Những người đồng chí, đồng đội của cụ Nga đều đã khuất núi. Chỉ mình cụ là nắm giữ những bí mật về những ngày tháng hoạt động gian khổ giữa lòng địch. Với cụ, nỗi vui mừng lớn nhất để an ủi khi già chính là kí ức về những tháng ngày hoạt động cách mạng vẫn còn rõ mồn một trong tiềm thức. Đó là quãng thời gian cơ cực mà oanh liệt bởi cụ được sống giữa chị em, đồng đội và cùng nhau rửa hận, rửa thù cho nhân dân, đất nước.

Theo Dân Việt