Huyền thoại Boxing Sugar Ray Robinson và giấc mơ tử thần

Sugar Ray Robinson (tên thật Walker Smith Jr) là một trong những huyền thoại Boxing của những thập niên 40 – 60 thế kỷ trước. Ông được xem như một trong những người góp phần định nghĩa hình ảnh bộ môn quyền Anh hiện đại.

Conor McGregor thách Mayweather thi đấu boxing

Cú đấm “đóng băng” đối thủ trên sàn Boxing

Sinh năm 1921 trong một gia đình nông dân tại Mỹ, Robinson vốn được cha mẹ khuyến khích học hành đầy đủ để trở thành một bác sĩ. Tuy nhiên, ông đã chống lại tất cả, từ bỏ mái trường để đến với niềm đam mê Boxing. Ông bắt đầu trận đấu đầu tiên năm 15 tuổi và nhanh chóng trở nên nổi tiếng. Lối thi đấu đầy cảm hứng, tốc độ và uyển chuyển đến mức “ngọt ngào” của ông sớm được khán giả đặt thành cái tên đã đi theo cả sự nghiệp: Sugar.

"Sugar" Ray Robinson
“Sugar” Ray Robinson

1940, ông bước vào làng Boxing chuyên nghiệp và thắng K.O ngay trận đầu tiên. Cứ thế, ông tiếp tục kiên trì bám đuổi ánh đèn và tiếng hò reo của làng Boxing, tiến thẳng đến ngôi vô địch thế giới hạng cân Welterweight năm 1946.

Một năm sau, “Sugar” Ray Robinson có trận bảo vệ đai đầu tiên trước Jimmy Doyle, và đây cũng chính là câu chuyện đáng nhắc đến nhất cuộc đời ông. Trước trận đấu, ông đã nói với mọi người rằng ông mơ thấy mình đấm chết Jimmy Doyle. Robinson tỏ ra hết sức lo lắng và thậm chí đề nghị hủy trận đấu. Một linh mục đã trấn an và khuyên rằng ông nên tiếp tục.

Và giấc mơ ấy không may lại trở thành hiện thực. 25/6/1947, Robiosn hủy diệt Doyle trên sàn Boxing và hạ knock out ở hiệp thứ 8. Doyle rơi vào trạng thái hôn mê sau khi ngã xuống và qua đời tối hôm đó. Theo lời kể của Robinson, “Đó là một trong những điều ám ảnh nhất đời tôi”.

Khoảnh khắc ám ảnh nhất cuộc đời Robinson.
Khoảnh khắc ám ảnh nhất cuộc đời Robinson.

Những nhà cầm quyền thậm chí đã vào cuộc và dự tính đến việc tuyên án Robinson tội ngộ sát nếu cái chết của Doyle khiến khán giả phẫn nộ. Khi biết Doyle có ý định dành tiền thưởng trận đấu để mua một căn nhà cho mẹ, Robinson đã quyết định dùng hết số tiền 4 trận đấu kế tiếp của ông để gửi cho mẹ của Doyle. Cần hiểu rằng Boxing ở thời của Robinson vẫn chưa phải là một bộ môn hái ra tiền, và cuộc sống của nhà vô địch Robinson cực kỳ eo hẹp cho đến tận khi ông giải nghệ năm 1965 và qua đời vào năm 1989 vì bệnh tật.

Vào thời của Robinson, có khoảng 20 – 30 võ sĩ chết trên sàn Boxing mỗi năm. Những cú đấm khủng khiếp vào vùng đầu được lớp găng Boxing tạo thêm chấn động sâu, khiến các võ sĩ tổn thương não và đột tử. Là một tay đấm hàng đầu và được đánh giá cao cả về tốc độ lẫn sức mạnh, Robinson hẳn cũng tự hiểu bản thân mình có khả năng “tử thần” như thế nào. Theo các nhà tâm lý học, có lẽ chính suy nghĩ này đã khiến ông suy nghĩ nhiều, căng thẳng và xuất hiện giấc mơ trùng hợp trước trận đấu của Jimmy Doyle chứ không phải vì lý do siêu nhiên nào khác.

Jimmy Doyle được đưa lên cáng thương. Ông qua đời vào tối hôm đó.
Jimmy Doyle được đưa lên cáng thương. Ông qua đời vào tối hôm đó.

Kết thúc sự nghiệp lẫy lừng của mình, Ray Robinson chính thức hoàn thành giấc mơ 200 trận đấu (khác với các võ sĩ hiện nay, các võ sĩ thời Robinson có tần xuất thi đấu dày đặc, có khi lên đến 5 trận/năm), trong đó có 173 trận thắng với 108 lần knock out. Ông là người thúc đẩy việc sáng lập khái niệm Bảng xếp hạng “pound for pound” để đánh giá các võ sĩ ở nhiều hạng cân khác nhau, một khái niệm không chỉ được sử dụng trong Boxing mà còn ảnh hưởng đến những bộ môn như Kickboxing, Muay Thái, MMA… Sự kết hợp hoàn hảo giữa thể chất, kỹ thuật và chiến thuật của Ray Robinson còn ảnh hưởng đến các thế hệ sau, khiến ông được xem như người định hình lại lối chơi của Boxing hiện đại. Trong nhiều thập kỷ sau đó, hình bóng Ray Robinson vẫn là khuôn vàng thước ngọc, và niềm cảm hứng cho nhiều thế hệ đi sau, trong đó có một huyền thoại khác cũng được khán giả mệnh danh “Sugar”: Ray Charles Leonard –  “Sugar” Ray Leonard.

Huyền thoại “Sugar” Ray Leonard
Huyền thoại “Sugar” Ray Leonard

Video clip: Ray Robinson đấm chết Jimmy Doyle.

Hồ Võ