Footwork – bộ pháp: Một trong những “tử huyệt” của võ thuật cổ điển

Rất khó để phủ nhận rằng các môn võ thuật cổ điển đang “hụt hơi” trong cuộc cạnh tranh với các môn võ thuật hiện đại. Không chỉ riêng “vụ việc” Từ Hiểu Đông dùng MMA đánh bại Thái Cực từng gây sốt trên cộng đồng mạng cách đây không lâu, có rất nhiều bằng chứng rõ ràng rằng võ thuật cổ điển không còn chiếm ưu thế trong những cuộc đối đầu.

Nếu dùng “đòn hiểm”, võ thuật cổ điển có thắng được MMA?

5 môn võ thuật cổ điển có sức ảnh hưởng nhất mọi thời đại

Từ khi gia đình Gracie – cội nguồn của bộ môn BJJ tổ chức những cuộc thách đấu với võ sĩ trên toàn thế giới (hơn nửa thế kỷ trước), những môn võ cổ từ châu Á đã tham gia và hầu hết bị đánh bại. Ngày nay, các võ sĩ xuất thân từ Karate hay Taekwondo phong cách cổ điển thường không có sự nghiệp “êm đẹp” trên đấu trường Kickboxing hoặc MMA, trừ khi anh ta phải crosstrain (tập thêm) các bộ môn khác. Chỉ riêng tại Trung Quốc, phong cách võ thuật mới của Sanda (hình thức đối kháng của Wushu) đã đánh bại rất nhiều võ phái cổ.

Có rất nhiều lý do để giải thích về điều này. Trong phạm vi bài viết này, chúng ta sẽ tìm hiểu riêng về “bộ pháp”, một phần kiến thức vốn đã là tinh hoa kỹ thuật nhưng nay đã không còn bắt kịp thời đại.

Trước hết, chúng ta phải hiểu footwork (các môn võ cổ Trung Hoa gọi là “bộ pháp” quan trọng như thế nào.

  • Bộ pháp là nguồn gốc của lực. Bộ pháp vững chãi và phù hợp với chuyển động đặc thù của bộ môn sẽ giúp cơ thể tạo lực va chạm tốt hơn. Ngay cả trong các môn võ thuật hiện đại như Boxing, dù đã ở một đẳng cấp cao hơn về khoa hoc thể chất nhưng nếu bỏ đi footwork, lực của đòn đánh cũng bị giảm đi rất nhiều.
  • Footwork là “xương sống” của chiến thuật. Cần hiểu rằng “Footwork” không có nghĩa là “bộ tấn khi đứng yên một chỗ”. Footwork hay bộ pháp còn bao hàm cả cách di chuyển, kiểm soát khoảng cách tương đối với đối thủ, tức là bao gồm kỹ thuật “vào” và thoát ra khỏi các pha đòn. Như vậy, footwork của môn võ sẽ quyết định môn võ đó có những chiến thuật, phương án ra đòn nào… và khả năng xử lý tình huống của môn võ đó như thế nào.
  • Footwork quyết định khoảng cách, và khoảng cách quyết định “chất lượng” của pha đòn. Mỗi đòn đánh đều có một khoảng cách tối ưu để tạo được hiệu quả lớn nhất. Khoảng cách thực tế lúc ra đòn dù nhỏ hay lớn hơn khoảng cách tối ưu đó đều dẫn tới giảm hiệu quả của đòn, đồng thời khiến các chiến thuật sau pha đòn đó cũng bị thay đổi. Để đảm bảo đòn đánh luôn có ưu thế, môn võ phải có footwork phù hợp để căn chỉnh khoảng cách và góc độ “vào đòn”.

Quay lại vấn đề của các môn võ cổ và footwork của các môn võ này, chúng ta có thể nhận thấy một điều thú vị: những kỹ thuật đặc trưng nhất ở những môn võ này sẽ phát huy hiệu quả cao nhất khi đối thủ bị “chôn chân”, ví dụ như “vào đòn” lỗi, bị gài khóa – níu giữ, hoặc chỉ đơn giản là không có footwork phù hợp. Chúng ta có thể điểm nhanh qua một số ví dụ:

Cầm nã thủ cổ điển của võ thuật Trung Hoa

Taekkyeon – môn võ 5000 năm tuổi của người Hàn có nhiều thế gài, khóa chỉ thực hiện được khi đối thủ bị khống chế hoặc không có khả năng di chuyển

Karate Okinawa cổ điển có phân thế kỹ thuật phát huy tối đa khi đối thủ không dùng (hoặc không kịp) triển khai bộ pháp thoát khỏi pha đòn

Vì phụ thuộc quá nhiều vào việc “đối thủ không có footwork tốt” nên các môn võ cổ gặp nhiều khó khăn khi đối đầu với các môn võ có footwork cải tiến nhanh như Boxing, Muay Thái hiện đại… Điều này không hẳn là chân lý, không phải mệnh đề đúng 100%, nhưng nó là sự thật phổ biến đã và đang diễn ra với rất nhiều bằng chứng tràn lan trên Internet, các kênh truyền thông về võ thuật. Chúng ta cũng có thể “đổ thừa” nhiều lý do khác khiến võ thuật cổ điển mất dần chỗ đứng, nhưng dựa trên phân tích vừa rồi, có thể thấy footwork vẫn là quân bài quan trọng trên ván đấu kỹ – chiến thuật giữa các môn võ.

Võ thuật hiện đại đặc biệt coi trọng việc phát triển, tinh chỉnh kỹ năng footwork.

Nhưng câu hỏi được đặt ra là, vì sao các môn võ cổ không phát triển bộ pháp, hoặc có bộ pháp “lạc hậu” hơn các môn võ hiện đại hơn? Có một số cách giải thích hợp lý:

  • Các môn võ cổ phụ thuộc nhiều vào địa hình. Trong cuốn “Taekkyeon toàn thư” có viết “Thế tấn Pumpalgi chỉ đặt trọng tâm thật lên chân sau, chân trước là trọng tâm giả. Các thế bộ pháp như Tam giác tấn cũng dựa trên nguyên lý tấn thật – giả, và thu hẹp phạm vi thế tấn, vì thi triển trên kỹ thuật trên địa hình đồi núi (đất Hàn đến 80% đồi núi, Taekkyeon vốn cũng ra đời từ vùng núi trung du Hàn Quốc), tấn rộng dễ trượt ngã”. Các dòng Nam quyền (phát triển ở đồng bằng Nam Trung Hoa) có lối đánh “Trường kiều đại mã” (Tay dài tấn rộng), khác với kỹ kích của quyền thuật Bắc Thiếu Lâm (vùng đồi núi). Như vậy, bộ pháp của các môn võ cổ thường khó phát triển nếu so sánh với các môn võ đã “lên đài xuống thảm” ngày nay. Cần hiểu rằng “bộ pháp rộng” không chỉ đơn giản là khoảng cách rộng giữa hai chân, mà còn là khoảng không tổng thể mà bộ pháp dùng để di chuyển để tạo các góc độ tấn công khác nhau.
Taekkyeon – môn võ xuất xứ từ vùng đồi núi Hàn Quốc có thế tấn rất ít khi mở rộng và bước theo các góc độ khác nhau.
  • Thiếu đối kháng. Môi trường đối kháng thể thao tạo điều kiện để các môn võ thực nghiệm và cải tiến kỹ thuật liên tục. Boxing và Muay Thái vốn cũng là “võ cổ” nhưng do đi theo con đường này nên bộ pháp phát triển rất nhanh và liên tục thay đổi theo chiều hướng tích cực. Nhiều môn võ thuật cổ điển không phát triển mạnh được trên đấu trường thể thao nên bị “chôn chân” như chính bộ pháp cũ vậy.

Điều may mắn rằng nếu bạn không bị gò bó hoàn toàn vào “kỹ thuật cũ”, bạn hoàn toàn có thể tự cải thiện bộ pháp của mình trong môn võ thuật cổ điển (thông qua crosstrain chẳng hạn), giúp môn võ vẫn có khả năng áp dụng được những kỹ thuật đặc trưng.

Hồ Võ