Lời khuyên về tìm hiểu võ thuật (Kì 1) – Thuật ngữ

Hãy học, hãy biết, hãy nhớ, hãy tìm hiểu thật nhiều thuật ngữ tiếng Anh.

Đó là lời khuyên chân thành nhất tôi có thể gửi đến quý độc giả, và đây cũng là thói quen tồn tại trong hầu hết lĩnh vực khoa học, nghệ thuật…, kể cả võ thuật. Riêng dân võ chúng ta, dù tự học võ hay thường xuyên đến võ đường, hẳn cũng đã không ít lần phải tìm xem các clip kĩ thuật – thi đấu trên Youtube hay các website khác để học hỏi thêm.

Một độc giả từng chia sẻ: “Thời gian mới lọ mọ học côn nhị khúc, tôi thường xuyên phải tìm hiểu kĩ thuật trên Youtube vì… tự học 100%. Thế nhưng, đáp lại những từ khóa “loan côn”, “chuyền côn” hay “côn nhị khúc thực chiến” tôi sử dụng để tìm kiếm là số lượng kết quả ít ỏi, rất nhiều clip có chất lượng và nội dung rất kém. Thế nhưng, sau khi tìm hiểu được các thuật ngữ mà nước ngoài sử dụng về côn nhị khúc, tôi đã tìm ra được nhiều clip dạy hay, chuẩn xác, bằng các từ khóa như “hand roll”, “vertical strike”, hay “horizontal roll”.”

Bạn hãy thử chuyển sang Youtube, lần lượt tìm hai cụm từ khóa sau đây: “cách thực hiện đòn đấm thẳng” và “how to do Jab Boxing”. Cách tìm kiếm nào đưa ra cho bạn nhiều kết quả hơn? Chất lượng hơn?

Có nhiều môn võ yêu cầu bạn phải ghi nhớ thuật ngữ tiếng bản địa như Karate. Thế nhưng, bạn cũng nên ghi nhớ thuật ngữ tiếng Anh

Nhiều bạn phê phán tôi về cách làm “sính ngoại” này. Tôi chỉ có giải thích thế này thôi: Đây là thời buổi mà Võ Thuật cũng toàn cầu hóa như kinh tế hay chính trị vậy. Một người Anh có thể học Karate Nhật. Một người Nga có thể học Muay Thái. Người Iran đang học Vovinam và rất nhiều người châu Âu đang học Capoeira của Brazil. Việc nhiều môn võ được biết đến trên toàn thế giới đòi hỏi một hệ thống thuật ngữ chung, để ta có thể tiện trao đổi, bàn luận, tìm kiếm.

Hơn nữa, thử hỏi, giữa một ngôn ngữ có hàng tỉ người sử dụng và một ngôn ngữ có 90 triệu người sử dụng, ngôn ngữ nào sẽ giúp ta tiếp cận được với nhiều nguồn thông tin hơn? Đây là sự học tập, không phải bắt chước. Người Việt mình vốn có ưu điểm là biết học hỏi và ham học hỏi. Có gì sai khi ta học cách sử dụng thuật ngữ tiếng Anh để biết được nhiều thông tin hơn, để bắt kịp với trình độ thế giới ở mọi lĩnh vực, trong đó có võ thuật? Và một điều ta không thể phủ nhận, đó là trình độ thể thao – võ thuật chúng ta vẫn chưa sánh bằng nhiều nước, các clip tiếng Việt nhan nhản trên Youtube chúng ta có bao nhiêu phần trăm là chất lượng?

Cú front kick này có rất nhiều tên gọi khác nhau ở các môn Karate, Mauy Thái, Taekwondo…

Võ thuật có hàng trăm ngàn hệ phái và hệ thống thuật ngữ khác nhau. Thế nhưng, tựu chung lại, võ thuật cũng chỉ bao gồm các nhóm kĩ năng đấm-đá-khóa-bẻ-gạt-đỡ-vật. Nhiều thuật ngữ khác nhau ở các môn phái có thể diễn đạt chung bằng một thuật ngữ (có thể là tiếng Anh). Có thêm hiểu biết về thuật ngữ trong các ngôn ngữ phổ biến như tiếng Anh chính là một lợi thế lớn cho bạn trong việc tìm kiếm, tiếp cận thông tin, đặc biệt là với những bạn có thói quen học hỏi thêm kĩ thuật và kiến thức võ thuật từ các video clip trên Internet.

Việc nắm rõ các thuật ngữ tiếng Anh không những giúp bạn chủ động tìm kiếm thông tin, mà còn giúp bạn có thể dễ dàng trao đổi, trò chuyện với bạn bè cùng môn võ khác. Sự thực là có rất nhiều kĩ thuật ở các môn võ, tuy tên gọi bản địa khác nhau nhưng lại giống nhau về kĩ thuật, và có thể mô tả bằng một thuật ngữ ngoại ngữ duy nhất.

Nên biết thêm nhiều thuật ngữ ở các ngôn ngữ phổ biến như tiếng Anh. Kiến thức đang chờ bạn. Hãy chủ động khám phá bên ngoài tầm mắt nhỏ hẹp của bạn, người ta đang làm gì, đang đạt được những gì.

Hồ Võ