Nam quyền Bắc cước – từ sự thật đến văn hóa võ thuật Trung Hoa

Người xưa có câu: Nam quyền Bắc cước và Nam thuyền Bắc mã để nói về các nét đặc trưng của 2 trường phái võ thuật này.

Đạt Ma Sư Tổ – người sáng lập nên Kungfu Thiếu Lâm

Võ tăng Thiếu Lâm tập Thiết Đầu Công như thế nào?

Phía bắc Trung Quốc do địa hình đa số là thảo nguyên, đồng ruộng bao la nên dân chúng thường đi lại bằng ngựa, võ thuật cũng ảnh hưởng rất nhiều bởi lối đánh phóng khoáng, bay nhảy, đá… Phía nam Trung Quốc (các tỉnh như Hải Nam, Phúc Kiến) do hệ thống sông ngòi, ao hồ chằng chịt và giáp biển nhiều nên dân chúng dùng thuyền làm phương tiện đi lại và vận chuyển là chủ yếu. Chính vì sống trên sông nước nên những người này mã bộ phải vững chắc, những đòn thế bay nhảy nhiều không còn thích hợp nữa mà bù vào đó là lối đánh chí cương chí dương, một đòn chắc một đòn, mã bộ vững.

Bắc Cước (thật ra là Trường quyền) (chữ Hán: 長拳; bính âm: cháng quán; dịch nghĩa tiếng Anh: Long Fist), tục gọi là Bắc quyền, là môt khái niệm bao hàm các võ phái quyền cước thuộc miền Bắc Trung Hoa, sau này các bộ môn quyền này được các môn đồ Bắc Thiếu Lâm tích hợp vào hệ thống võ Thiếu Lâm rồi cải biến đi cho thích hợp đường lối kỹ pháp của Thiếu Lâm.

Các loại Trường quyền

  1. Tra quyền
  2. Hóa quyền
  3. Hoa quyền
  4. Pháo quyền
  5. Trốc cước (đâm chân)
  6. Đàm thoái (đá bật)
  7. Phách quải quyền
  8. Bát cực quyền
  9. Thông bối quyền
  10. Phiên tử quyền
  11. Yến thanh quyền

Đặc trưng kỹ pháp

Trường quyền phóng dài, đánh xa Trường quyền là một loại quyền mà động tác trong bài quyền có số lượt quyền giá (quyền thức) và bộ hình (tấn pháp) di chuyển tương đối nhiều đồng thời lấy động tác đánh xa, nhảy cao đá nhanh, bộ pháp bước dài rộng linh hoạt làm chính.
Đấu pháp chủ yếu là lối đánh trường trận, công thủ từ xa, nên đòi hỏi phải di chuyển và hoán vị liên tục để tìm sơ hở của đối phương mà tấn công.

Đặc điểm là thi triển quyền pháp không gò bó, linh hoạt và biến đổi vị trí nhanh, tiết tấu phân minh, cương nhu tương tế, tay liền tay, chân liền chân như mưa sa bão táp. Vì vậy mà phạm vi các khớp hoạt động rộng, đối với cơ bắp và dây chằng yêu cầu tính mềm dẻo và sức bật phải khá cao.
Tấn pháp thay đổi theo bộ hình (bước di chuyển) trên địa bàn rộng, nhảy cao, đá lẹ, chạy nhanh là kỹ pháp dễ thấy của các loại quyền Bắc Thiếu Lâm.
Thân thủ linh hoạt, thân pháp khi di chuyển theo bộ pháp thường hay có những động tác uốn éo, lắc lư, nghiêng ngả, đầu cổ xoay nhanh theo thân thủ, mắt liếc nhanh và sáng quắc khi diễn tập y như những vũ điệu thời nhà Đường. Trong các quyền thức cũng thường hay nhảy nhót khá nhiều, nhào lộn và tung mình lên không trung xoay tròn đủ kiểu, … Phong cách đầy hoa dạng và có tính mỹ cảm cao làm cho Bắc Quyền có một phong cách khác hẳn các loại Nam Quyền ra đời sau này.

Nam Quyền (chữ Hán 南拳, bính âm: Nan Quan, hay Nan Kuen, dịch nghĩa tiếng Anh: Southern Fist), là khái niệm chỉ các phái võ ở miền Nam Trung Hoa và có nguồn gốc từ Nam Thiếu Lâm ở Toàn Châu và tỉnh Phúc Kiến là chủ yếu

Nam quyền có vẻ đẹp dương cương lộ liễu.

Lịch sử Nam Quyền có từ lâu đời, bắt đầu có thể truy gốc đến hơn 400 năm trước lưu hành ở bờ Nam sông Trường Giang (còn gọi là Dương Tử Giang) ở các tỉnh Phúc Kiến, Quảng Đông, Giang Tây, Chiết Giang, Hà Nam, Hà Bắc, Tứ Xuyên, Giang Tô, với nội dung vô cùng phong phú. Nam quyền ở các nơi tự thành thể hệ (chỉ sự vật, ý thức … liên hệ với nhau kết cấu thành một chỉnh thể) có phong cách riêng.

Về khí giới chủ yếu có Nam côn, đại cán (gậy), tứ môn đao, mai hoa đao, hợp tử đao (còn gọi là song hợp đao), song đao, tam tiêm soa (soa ba mũi), đơn giản (giản một chiếc), song giản, Liễu công quải (gậy ông Liễu), phủ (búa) , mâu, bừa(bà), thuẫn (mộc); lại còn biển đán (đòn gánh), xừ đầu (cuốc), ghế ngồi … là các dạng binh khí. Các khí giới này luyện tập đều theo đặc điểm của Nam quyền, đông thời cũng giống như quyền thuật của Nam quyền tức là có thể đơn luyện (1 người), cũng có thể đối luyện, như mâu đối thuấn, mâu đối đại cán (gậy tầy) hoặc đòn gánh đối ghế ngồi v.v…

Đặc trưng kỹ pháp

Đặc điểm chung của Nam quyền là lấy hình làm quyền, lấy ý làm thần, lấy khí thúc lực, lấy quan phát khí (quan đây là đóng, tức bế khí); động tác giản dị rõ ràng, thế quyền kịch liệt, giàu vẻ đẹp dương cương; chi trên động tác tương đối nhiều, về thân pháp thì yêu cầu trầm vai hạ khuỷu, co ngực mở lưng; về thủ pháp chuyên đánh ngắn, cầm nã , điểm đánh các huyệt vị; về bộ pháp phần lớn yêu cầu lấy tứ bình đại mã (trung bình tấn) làm cơ sở, trọng tâm hạ tương đối thấp, bộ pháp ổn định vững vàng, đồng thời yêu cầu hạ chân xuống đất như mọc rễ.

Trừ đặc điểm chung, các chi phái Nam quyền lại có đặc điểm riêng. Như trong Tượng hình quyền, Long Hình Quyền lấy luyện “thần” làm chính, đặc biệt coi trọng khí trầm đan điền. Hai cánh tay trầm tĩnh (xuôi lặng), “ngũ tâm tương ấn”(tức hai huyệt Lao cung ở tay, hai huyệt Dũng tuyền ở bàn chân và huyệt Bách Hội ở đỉnh đầu phải thông nhau). Khi vận động lên thì hung mãnh mau lẹ, toàn thân hoạt bát như thần long lướt trên không, co rút nhưng có lực thế mà không nghiêng vẹo. Khi cùng người giao đấu thì thường dùng “long trảo” (vuốt rồng) ngoài như sắt trong như bông, trong lỏng ngoài chặt, trong mềm ngoài cứng.

Hổ Hình Quyền thì lấy luyện cốt (xương) là chính, khi luyện thì phải đẩy khí toàn thân, tay cứng hông thực, sức ở nách phải đầy đủ, một khí liến đủ, từ đầu chí cuối không lơi lỏng. Thường dùng Hổ chưởng, lấy đốt phát kình, lấy khí tạo lực, thế quyền hung mãnh. Cổ, họng dùng kình cực kỳ mãnh liệt, phải nghiến răng mím miệng, mắt hổ hau háu thể hiện cho đầy đủ cái oai của hổ mạnh.
Hạc Hình Quyền lấy luyện tinh làm chủ. Lấy theo hình Hạc thì tinh đủ, thần tĩnh. Khi luyện phải ngưng tinh đúc thần, lỏng tay động khí, tâm thủ tương ứng. Dùng kê quyền thì phải coi trọng kỹ xảo, giỏi dùng chỉ trảo, đỉnh (ngón tay thẳng, ngón tay quắp như vuốt, húc), luyện sao cho hai tay bật vung như “gà vỗ cánh” lại hay dùng trửu pháp (đánh khủy tay) như “kê dực” (cánh gà).
Ngoài các thứ kể trên còn Báo Hình Quyền, Xà Hình Quyền, Sư (tử) Hình Quyền, v.v…, đều có đặc điểm riêng cả.

Phạm Vũ