Võ thuật TP.HCM: 40 năm hội nhập, phát triển và những thách thức (kỳ 5)

Kỳ 1: Hội tụ, tỏa sáng và những thách thức

Kỳ 2: Vovinam – Việt Võ Đạo: Phải chuyển mình mới mong vươn ra biển lớn…

Kỳ 3: Võ cổ truyền TP.HCM – Trên đường thống nhất

Kỳ 4: Taekwondo TP.HCM – Hành trình của những cảm xúc

Kỳ 5: Judo TPHCM: Bao giờ cho đến tháng 10?

Cũng như các môn võ khác, TP.HCM là nơi tiếp nhận môn Judo sớm nhất và có phong trào phát triển mạnh mẽ nhất, là nơi đi đầu cả nước sản sinh ra những võ sĩ tài năng từ chuyên môn đến nhân cách. Thế nhưng, đây cũng là môn võ “lùm xùm” nhất, bị nhiều thế lực “không làm mà phá” nhiều nhất khiến trong một thời gian dài, Judo TP.HCM tụt dốc bởi những người tâm huyết không còn đủ nhiệt huyết…

Judo TP. Hồ Chí Minh thời vàng son
Judo TP. Hồ Chí Minh thời vàng son

Chuyện về cố chủ tịch Hoàng Việt Hùng

Nhắc đến sự thành công của Judo TP.HCM trong những ngày đầu thành lập, người hâm mộ không thể bùi ngùi khi nhớ đến hình ảnh của 2 cố võ sư Hoàng Việt Hùng và Nguyễn Hữu Huy, những người được xem là “kiến trúc sư” của Judo TP.HCM ngày đầu thành lập. Nếu phó chủ tịch Nguyễn Hữu Huy (từ nhiệm kỳ 1 đến nhiệm kỳ 5) lo chuyện chuyên môn (kiêm vai trò HLV trưởng ĐTQG) thì ông Hoàng Việt Hùng (tiếp nhận vai trò chủ tịch từ nhiệm kỳ 3 từ người tiền nhiệm Ngô Văn Ân) được xem là có công lớn trong việc đưa Judo VN “thâm nhập” làng judo thế giới.

Năm 1970, vừa tròn 15 tuổi, ông đã được trao chức trưởng tràng ở CLB Nhu đạo trường nông Lâm Súc Bảo Lộc sau khi hạ hết những võ sinh uy tín tại đây. Sau ngaỳ giải phóng, ông là giảng viên Giáo Dục Thể Chất trường ĐH Kinh Tế. Trong giai đoạn đất nước còn nhiều khó khăn, với quan niệm “khỏe để xây dựng và bảo vệ tổ quốc”, ông mạnh dạn xây dựng võ đường taekwondo và judo tại Nhà Thiếu Nhi TPHCM với mong ước gầy dựng sức khỏe cho giới trẻ. Chưa dừng ở đó, năm 1986, ông đưa cả phong trào võ thuật vào trường mẫu giáo với nhân vật thử nghiệm là đứa con mới 4 tuổi của mình.

Gia đình cố võ sư Nguyễn Hữu Huy- một hình tượng của gia đình võ thuật
Gia đình cố võ sư Nguyễn Hữu Huy- một hình tượng của gia đình võ thuật

Sau chiếc HCV SEA Games 1991 vượt ngoaì dự kiến của Phương Trinh, uy tín judo VN bắt đầu hình thành. Năm 1992, thông qua các mối quan hệ tốt đẹp, giaỉ judo quốc tế đầu tiên được tổ chứctại VN do Công ty First Holiday (Malaysia) tài trợ. Đến SEA Games 1993, sau 2 HCV của Phương Trinh và Quốc Trung, LĐ judo Singapore ngưỡng mộ VN đến mức nhượng cả 100 bộ võ phục của mình (vừa được Nhật Bản tài trợ) sang cho VN. Rồi cũng bằng mối quan hệ của mình với ông Wada, nay là chủ tịch danh dự của LĐ Judo VN, người bạn tốt Nhật Bản này đã tặng 1 tấm thảm đúng tiêu chuẩn đầu tiên cho VN vào những năm đầu khó khăn này. Năm 1996, ông Hùng dám đứng ra vận động cho VN đăng cai giải VĐ châu Á. Lần ấy, đối thủ cạnh tranh với VN là Macau đã đứng lên lấy 1 tấm séc chuẩn bị ký tiền đặt cọc (deposit) 5.000USD để lấy quyền đăng cai về mình. Dĩ nhiên với VN, số tiền ấy là không tưởng. May thay, LĐ Judo Singapore đã bảo vệ VN hết mình và đưa ra lập luận: “Cần để VN đăng cai để phát triển phong trào khu vực”. Vào thời điểm ấy, thậm chí có vài quốc gia chưa rõ địa thế của VN ở đâu trên bản đồ thế giới nhưng các bên cuối cùng đều ủng hộ VN thông qua đề xuất sau cùng của Nhật Bản. Để có kinh phí tổ chức giải, chính ông đã lên đường sang Nhật và cùng ông Takeuchi, chủ tịch LĐ Judo Nhật Bản bước vào tổng đoàn KONICA “xin tiền”. Kết quả thì ai cũng biết: VN đăng cai giải thành công tốt đẹp với 21 quốc gia và vùng lãnh thổ tham dự. Xin nhắc lại, đấy là thời điểm năm 1996…

Năm 2007, sau cơn đau tim tại nhà riêng, ông Hùng vào cõi vĩnh hằng, khi ấy đang giữ chức chủ tịch Liên đoàn Judo Đông Nam Á. Toàn bộ tiền phúng điếu trong tang lễ của ông được gia đình trao lại cho quỹ từ thiện bảo trợ trẻ em nghèo TP.HCM…

Thời hoàng kim

Judo TP.HCM luôn là nòng cốt của phong trào cả nước giai đoạn đầu xây dựng
Judo TP.HCM luôn là nòng cốt của phong trào cả nước giai đoạn đầu xây dựng

Câu chuyện về cố chủ tịch Hoàng Việt Hùng cũng là minh chứng cho những tâm huyết – nỗ lực của những con người làm Judo TP.HCM trong giai đoạn đầu đầy gian khó.

Sau khi thống nhất đất nước, một vài điểm tập Judo được mở lại vào khoảng cuối thập niên 70 và đến năm 1986, Judo TP HCM đã có dịp giao lưu quốc tế qua các trận thi đấu hữu nghị cùng các võ sĩ Campuchia. Ba năm sau (7/1989) cùng với 7 môn võ khác, Hội Judo TP HCM được chính thức hình thành và một giải Judo toàn quốc thử nghiệm cũng được tổ chức tại TP HCM, mở đầu cho các giải vô địch, giải Trẻ toàn quốc tiếp tục diễn ra sau này.

Nhằm đánh giá thực lực của bộ môn, Tổng cục TDTT đã cử Judo Việt Nam tham dự Asiad 11 (1990) ở Bắc Kinh và VĐV Nguyễn Quốc Trung đã xếp hạng 7/19 ở hạng cân 60kg. Năm sau, nữ võ sĩ Cao Ngọc Phương Trinh (hạng cân 48kg) mang về cho Judo Việt Nam chiếc HCV SEA Games 16 (1991) sau 22 năm xa vắng. Chiến tích này là một trong những cơ sở thuyết phục ngành TDTT quan tâm nhiều hơn đến Judo. Tháng 8/1992, Sở TDTT và Liên đoàn Võ thuật TP HCM đã mời 2 võ sư người Nhật là Yukio Azuma và Yoshisada (6 đẳng) sang tập huấn kỹ thuật, luật thi đấu mà Kodokan vừa công bố vào tháng 12/1991. Tham dự khóa học cập nhật hóa nhiều bổ ích này có 47 HLV và võ sĩ từ 1 đến 6 đẳng của TP HCM và các tỉnh phía Nam. Tiếp đó, ngành TDTT cũng mời các chuyên gia Nga sang tập huấn cho đội ngũ HLV…

Từ đó, nhiều võ sĩ của TP HCM được chọn vào đội tuyển quốc gia đi tập huấn 1-2 lần/ năm tại CHLB Nga, Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản… Đến tháng 11/1993, TP.HCM tổ chức giải quốc tế và duy trì cho đến nay để tạo điều kiện cho VĐV học hỏi. Những giải quốc tế tổ chức thành công liên tục đã tạo được nhiều niềm tin để LĐ Judo châu Á cho Việt Nam đăng cai giải VĐ châu Á năm 1996. Và từ năm học 1997-1998, Judo được đưa vào hệ thống thi đấu trong trường học (Hội khỏe Phù Đổng) nhằm động viên và thúc đẩy phong trào. Bên cạnh việc liên tục chiếm ngôi hạng nhất toàn đoàn tại các giải VĐQG, Judo TP HCM còn có nhiều VĐV đoạt thành tích cao trên đấu trường quốc tế như: “cô gái vàng” Cao Ngọc Phương Trinh (3 lần liên tục VĐ SEA Games 16, 17, 18), Nguyễn Kim Vui (VĐ Sea Games 19, HCV Đông Nam Á 1994 và 1998), Nguyễn Quốc Trung (VĐ Sea Games 17, HCV Đông Nam Á 1998)…

Có thể nói, đây là giai đoạn phát triển rực rỡ nhất của Judo TPHCM. Một minh chứng rõ ràng nhất là cả BCH Judo TPHCM (Hoàng Việt Hùng, Nguyễn Hữu Huy, Trần Lê Vũ, Lý Thành Tâm, Vương Minh Hùng…) cũng được bầu vào BCH LĐ Judo Việt Nam (hình thành từ năm 1996). Và nhắc đến thành quả của Judo TP HCM nói riêng và Judo Việt Nam nói chung không thể quên sự hỗ trợ tích cực của ông Wada (người Nhật) và nhiều nhà mạnh thường quân khác.

“3 người đạp ga thua 1 ông đạp thắng”

3 người đạp ga không bằng 1 ông đạp thắng
3 người đạp ga không bằng 1 ông đạp thắng


Sau 4 nhiệm kỳ hoạt động hiệu quả và để lại dấu ấn tốt đẹp, nhiệm kỳ 5 (2001-2005) của Hội Judo TP.HCM bắt đầu có dấu hiệu rạn nứt giữa các thành viên trong BCH. Chính xác hơn, trong nội bộ có kẻ “không làm mà phá”. Hàng chục lá đơn liên tiếp chuyển đến các cơ quan chức năng, tố cáo những việc làm sai trái của hội. Ngày 10/12/2002, sau hơn 6 tháng thanh tra toàn diện, Thanh tra UBTDTT đã kết luận rất rõ ràng là các đơn tố cáo đều không đúng sự thật. Trong đợt kiểm tra này, Thanh tra cũng nhấn mạnh những sai sót trong hoạt động của Hội là xuất phát từ sự mất đoàn kết trong nội bộ Hội và yêu cầu có hướng giải quyết.

Thế nhưng, mâu thuẫn ấy cũng chẳng giải quyết ổn thỏa (vì có 1 người cố tình không muốn). Suốt năm 2003, Hội judo TPHCM vẫn phải sống trong cảnh không cùng chung chí hướng giữa những người mong muốn phát triển Judo TP.HCM và “kẻ không làm mà phá” này. Nhưng nào đã yên, những người hoạt-động-thường-xuyên trong Hội tiếp tục nhận được những thư tố cáo nhằm mục đích hạ uy tín Hội. Ngán ngẩm trước tình cảnh trên, cuối năm 2003, 4 thành viên trong Hội gồm: ông CT Hoàng Việt Hùng, PCT Nguyễn Hữu Huy, Ủy viên tài chính Thái Lý Nguyên và Ủy viên trọng tài Võ Nguyên Hoài cùng làm đơn xin từ nhiệm.

Ngày 27/2/2004, BCH lâm thời buộc phải bầu lại mới và kết quả là: “kẻ không làm mà phá” bị “yếu thế” nhất với chỉ 13/27 phiếu tín nhiệm. 5 thành viên mới vào BCH đều có số phiếu quá bán, dẫn đầu là Cao Ngọc Phương Trinh (24- về sau là TTK), Nguyễn Quốc Tuấn (23 – PCT), Thái Lý Nguyên (21- UV tài chính), Quách Thiên Chương (19 – UV hành chính) và Trần Lê Vũ (17 – CT). Dù chỉ là lâm thời nhưng Hội đã tạo sự đoàn kết rất tốt, mỗi người một việc, cùng xắn tay nhau làm tròn vai trò và quyền hạn của mình (do chẳng phải dẫm chân lên nhau). Vốn là trưởng bộ môn TPHCM có chuyên môn giỏi, Phương Trinh đã làm rất tốt nhiệm vụ của mình. Đề xuất của cô về việc tổ chức thi đấu giữa các VĐV các tuyến TPHCM và các VĐV quận huyện vào thứ 6 hàng tuần tại NTĐ Phú Thọ để tăng cường tính cọ xát cho các võ sĩ được xem là một trong những việc làm tích cực và đáng ghi nhận nhất của Hội trong giai đoạn này. Đùng một cái, ngay trước ngày bầu cử Hội nhiệm kỳ 2005-2009 (26/1/2005), những thành viên trong BCH lâm thời này lại bị gửi đơn tố cáo. Quá ngán ngẩm trước tình cảnh trên, ngay trong ngày bầu cử nhiệm kỳ mới, hàng loạt nhân vật tâm huyết, tài năng của Judo TP.HCM xin rút khỏi vai trò của mình…

Và Judo TP.HCM tụt dốc trong một thời gian khá dài…

Ban chấp hành Liên đoàn Judo TP.HCM nhiệm kỳ (2014-2018)
Ban chấp hành Liên đoàn Judo TP.HCM nhiệm kỳ (2014-2018)

Bao giờ cho đến tháng 10

Giông bão rồi cũng qua đi, hôm nay, Judo TP.HCM đang quyết tâm tìm lại hình ảnh của mình. Vừa qua, Liên đoàn Judo TP.HCM nhiệm kỳ mới (2014-2019) được thành lập. Ông Lý Đại Nghĩa, Tổng thư ký Liên đoàn Judo Việt Nam kiêm Phó Chủ tịch thường trực TP.HCM khẳng định, “Liên đoàn” hay là “Hội” đều là cách gọi, nó không thể hiện tổ chức đó lớn hay nhỏ, hiệu quả hay không. Để phát triển phong trào Judo Thành phố, 2 quan điểm chỉ đạo trong quá trình xây dựng chương trình kế hoạch được vạch ra rất rõ ràng:

1/ Đoàn kết: TP.HCM là đơn vị duy nhất trong cả nước có phong trào Judo phát triển mạnh mẽ với hơn 1.000 môn sinh. Trong đó, nhiều môn sinh của TP.HCM đang giữ những vị trí điều hành quan trọng của Judo quốc gia và quốc tế. Thực tế, TP.HCM đang bị chảy máu “chất xám”, nhiều HLV, nhà chuyên môn của Judo TP.HCM tản mác làm chuyên môn ở các tỉnh, thành khác, cũng có nhiều môn sinh Judo TP.HCM trở thành những doanh nghiệp thành đạt… Sự đoàn kết tập trung sức mạnh vốn có của mình sẽ tạo nên một bước nhảy vọt đáng kể cho phong trào Judo TP.HCM.

Cố võ sư Nguyễn Hữu Huy - tượng đài của judo TP.HCM và Việt Nam
Cố võ sư Nguyễn Hữu Huy – tượng đài của judo TP.HCM và Việt Nam

2/ Xã hội hóa: Hơn 25 năm, mặc dù Hội Judo TP.HCM được thành lập và vận hành, tuy nhiên nguồn kinh phí chủ yếu dựa vào sự hỗ trợ từ ngân sách nhà nước. Trong chương trình công tác nhiệm kỳ này, hơn 90% hoạt động của Liên đoàn là tự chủ. Nguồn kinh phí không từ Nhà nước, loại bỏ quan điểm “XIN” tài trợ, mà xây dựng hình ảnh, các gói sản phẩm dịch vụ uy tín, chất lượng để tạo nguồn thu chính đáng, hợp pháp cho hoạt động Liên đoàn.

Tại Đại hội TDTT toàn quốc 2014, TP.HCM trở lại ngôi đầu quốc gia (4 HCV). Tuy nhiên, với những nhà làm Judo TP.HCM, đây mới chỉ là động lực về tinh thần cho Judo TPHCM. Thực trạng cho thấy, Judo TPHCM luôn nổi bật so với các tỉnh thành khác chính là phong trào phát triển vững mạnh. Dựa vào lợi thế này, TP.HCM cần sớm quy hoạch đào tạo chính quy, chuyên nghiệp lực lượng trẻ từ 14 đến 16 tuổi. “Judo TPHCM có thế mạnh phong trào, nguồn để tuyển chọn năng khiếu từ thiếu niên, nhi đồng. Tuy nhiên khi chúng ta đào tạo đến mức “cận chuyên nghiệp” thì bị chi phối nhiều bởi các yếu tố văn hóa – xã hội, kinh tế, giáo dục, gia đình… của 1 thành phố lớn. Do vậy, vẫn là bài toán “trẻ” nhưng chúng ta sẽ thay đổi mô hình từ tuyển chọn phong trào “hình tháp” sang mô hình tuyển chọn khoa học dự báo, chuyên biệt, dài hạn và định hướng chuyên nghiệp. Chỉ theo phương thức này, Judo TPHCM mới thật sự có bước nhảy vọt tiếp cận thành tích châu lục và thế giới”, ông Lý Đại Nghĩa chia sẻ.

Hy vọng với một đội ngũ trẻ, năng động, có trình độ và khát vọng hai người con của hai vị võ sư uy tín của làng judo VN và TP.HCM là Lý Đại Nghĩa (con trai của võ sư Lý Thành Tâm, hiện đang nắm vị trí PCT thường trực LĐ) và Nguyễn Quốc Tuấn (con trai của cố võ sư Nguyễn Hữu Huy, hiện đang là TTK Liên đoàn) sẽ nối tiếp được truyền thống một thời của cha anh mình, đưa judo TP.HCM tìm về thời hoàng kim của chính mình… Luôn mong thế!

box

Kỳ 6: Thời vàng son còn đâu?

Hoàng Võ