Như trong bài viết trước mà tôi đã đề cập.
Võ thuật Việt Nam có nguồn gốc và truyền thống rất lâu đời, nhưng cánh cửa chỉ mới thực sự mở rộng để hội nhập với thế giới bên ngoài từ những năm đầu thập niên 40 của thế kỷ trước.

Ảnh minh họa: Võ thuật Việt Nam có nguồn gốc và truyền thống rất lâu đời.
Ảnh minh họa: Võ thuật Việt Nam có nguồn gốc và truyền thống rất lâu đời.

Trong hàng trăm năm dưới sự thống trị của người Pháp, thì trên khắp đất nước đâu đâu cũng có những hoạt động võ thuật âm ỉ cháy, nuôi dưỡng ý chí quật cường của dân tộc và bảo tồn một loại tài nguyên phi vật thể này.

Bên cạnh sự quản lý khắc khe của nhà cầm quyền thực dân, thì tinh thần độc tôn của nhiều võ phái cũng chưa được lột xác, đã góp phần đẩy phong trào võ thuật nước nhà lùi sâu vào thế giới riêng tư.

Do vậy không có một lớp võ công khai nào được tổ chức trên quy mô vài chục võ sinh. Mặc dù nhiều võ sư tài danh nổi tiếng rất sớm vẫn chịu cảnh cửa đóng then cài, họ chỉ hoạt động trong phạm vi một võ đường tư nhân và giữ phương pháp truyền thụ theo mô hình dạy võ thời phong kiến!

Ảnh minh họa: Việc dạy và học võ thời xưa chưa được quy hoạch cụ thể như ngày nay.
Ảnh minh họa: Việc dạy và học võ thời xưa chưa được quy hoạch cụ thể như ngày nay.

Trong bối cảnh như vậy, thì rải rác đâu đó cũng có nhiều võ đường của người ngoại quốc mở ra nhằm huấn luyện và phục vụ cho tầng lớp quý tộc hay nhân viên công quyền. Đa phần là môn quyền Anh.

Sự có mặt của nhiều võ phái nước ngoài cũng đã xuất hiện ở Việt Nam trong thời kỳ này, thông qua những hoạt động giao thương giữa Việt Nam và các quốc gia khác. Tuy nhiên đều nằm trong khuôn khổ phục vụ cho một số ít ỏi của tầng lớp có quyền thế.

Cũng chính trong giai đoạn này, với tinh thần đấu tranh chống thực dân, thì mùa Xuân năm 1940, một hiện tượng mới mẽ đã mở ra.

Sau cuộc biểu diễn ít lâu của lớp võ “nòng cốt”, ra mắt môn võ mới tại Nhà Hát lớn Hà Nội vào mùa thu năm 1939, thì lần đầu tiên người ta thấy những lớp võ công khai quy tụ hàng trăm thanh niên theo tập khắp nơi, mà khởi đầu là tại trường Sư Phạm (École Normale) Hà Nội.

Dưới sự động viên của ông Tạ Quang Bửu, là người đầu tiên tình nguyện học Vovinam. (Sau năm 1954, ông Bửu làm Bộ trưởng Bộ Nông Nghiệp). Đồng thời với sự khích lệ của bác sĩ Đặng Vũ Hỷ, Hội Trưởng Hội Thân Hữu Thể Thao cùng nhiều thân hào nhân sĩ khác, sau đó nhiều lớp võ liên tiếp được mở ra khắp nơi, và việc luyện tập rất tiến bộ, nhờ phương pháp huấn luyện tinh vi và khoa học, cộng với tinh thần dân tộc sáng chói của võ sư Nguyễn Lộc, người sáng lập ra môn phái Vovinam, đã tạo nên phong trào “người Việt học võ Việt” trong thanh niên thời bấy giờ.

Cố Võ sư Nguyễn Lộc (1912 - 1960) - Sáng Tổ Môn phái Vovinam - Việt Võ Đạo.
Cố Võ sư Nguyễn Lộc (1912 – 1960) – Sáng Tổ Môn phái Vovinam – Việt Võ Đạo.

Trong khoảng gần 15 năm (1940 – 1954), Vovinam không chỉ được quảng bá rộng rãi ở Hà Nội mà lan dần sang các tỉnh Sơn Tây, Nam Định, Thanh Hóa…)

Sau một thời gian các lớp võ công khai ra đời và hoạt động, thì nhiều cuộc xung đột đã xảy ra giữa thanh niên Việt Nam và thanh niên Pháp là thành phần con nhà quý tộc, khiến nhà cầm quyền bảo hộ lo ngại, nên đã ra lệnh đóng cửa các sân tập và cấm không được dạy võ.

Những lớp võ này là dấu mốc đầu tiên mở ra một “kỷ nguyên võ thuật” công khai và đại trà trên đất Bắc.

Lớp võ đầu tiên của võ sư Nguyễn Lộc đã phá vỡ “cái kén” để trưởng thành trong tư duy vừa tạo nền tảng cho phong trào thanh niên chống Pháp, vừa phát triển và hy vọng có cơ hội sẽ cùng hòa nhập với nền võ thuật thế giới.

Hoạt động được khoảng 15 năm, thì năm 1954 ông vào Miền Nam và tiếp tục khai giảng thêm nhiều lớp võ công khai khác, thu hút hàng trăm người tham gia luyện tập tại Sài Gòn và các khu vực lân cận.

Tại Miền Nam vào thời kỳ Pháp chiếm đóng thì cũng không hơn gì Miền Bắc!

Cho đến cuối năm 1950, giáo sư Hồ Cẩm Ngạc nhận được thơ mời của bộ Thanh Niên và Thể Thao, tổ chức phòng tập Nhu Đạo tại số 75 Phan Đình Phùng Saigon tức Sân vận động Phan Đình Phùng, do một người bạn có thẩm quyền tại bộ thanh niên biết được giáo sư có thực tài về môn Nhu Đạo giới thiệu.

Giáo sư võ sư Hồ Cẩm Ngạc (1923-1965) giáo sư Judo đầu tiên của Việt Nam.
Giáo sư võ sư Hồ Cẩm Ngạc (1923-1965) giáo sư Judo đầu tiên của Việt Nam.

Phòng tập Nhu Đạo tại sân vận động Phan Đình Phùng đã thu hút được một số rất lớn thanh thiếu niên Sài Gòn – Chợ Lớn đến tập, cũng như học sinh các trường trung học công lập Saigon đều được gởi đến đây để tập Judo.

Số học sinh tham gia nhiều nhất là trường kỹ thuật Cao Thắng, và trường thực nghiệp Nguyễn Trường Tộ.

Giáo sư Võ sư Hồ Cẩm-Ngạc đang hướng dẫn môn sinh tại võ đường 75 Phan Đình Phùng.
Giáo sư Võ sư Hồ Cẩm-Ngạc đang hướng dẫn môn sinh tại võ đường 75 Phan Đình Phùng.

Cũng như ông Nguyễn Lộc, có thể nói chính giáo sư Hồ Cẩm Ngạc là người đầu tiên bứt phá mở cánh cổng võ thuật cho luồng gió mới lùa vào, thổi bùng ngọn lửa võ thuật vẫn âm ỉ cháy trong lòng người Miền Nam bằng môn Judo, một môn võ đầy tự hào của người Nhật.

Sau những lớp võ Judo công khai là sự xuất hiện của các lớp võ Taekwondo vào năm 1962.

Tháng 12/1962, khóa đào tạo HLV Taekwondo đầu tiên cho người Việt Nam được tổ chức tại Thủ Đức, mở đầu cho nhiều lớp Taekwondo được ồ ạt khai giảng.

Có lẽ “thị trường” này khá sôi động khi quân đội Đại Hàn có mặt khắp nơi trên toàn lãnh thổ Miền Nam Việt Nam vào những năm cuối thập kỷ 60.

Tháng 2/1966, Tổng cuộc Thái Cực Đạo (tên gọi trước đây của Taekwondo) được thành lập, và đến năm 1968 con số người tập luyện ở miền Nam đã lên tới khoảng trên một trăm nghìn người, chủ yếu tập trung trong các lực lượng quân đội, trường học và một số võ đường tư nhân.

Ảnh minh họa: Từ khi mới du nhập vào Việt Nam, Taekwondo đã thu hút được rất nhiều võ sinh theo học.
Ảnh minh họa: Từ khi mới du nhập vào Việt Nam, Taekwondo đã thu hút được rất nhiều võ sinh theo học.

Trước đó. Sau Hiệp định Genève 1954, một võ sư Karate người Nhật tên Suzuki Choji là một cựu binh trong quân đội Nhật Bản, đã quyết định ở lại Việt Nam và tham gia Mặt trận Việt Minh kháng chiến chống Pháp, với cấp bậc đại uý, nhận lời huấn luyện võ thuật cho một đơn vị bộ đội ở Lạng Sơn. Ông Suzuki Choji có vợ là người Tam Quang – Bình Định .

Năm 1954, võ sư Suzuki Choji cùng gia đình về định cư ở Huế. Năm 1960, ông mở đạo đường mang tên Suzucho Karatedo Ryu Dojo Noen, dạy Judo và Karatedo, cũng từ đó khai sinh Trường phái Suzucho Karatedo tại Việt Nam.

Võ sư Suzuki Choji (1919 - 1995) - Sáng tổ hệ phái Suzucho Karatedo.
Võ sư Suzuki Choji (1919 – 1995) – Sáng tổ hệ phái Suzucho Karatedo.

Tóm lại, dựa trên các dữ liệu, thì chính Cố Võ sư Nguyễn Lộc là người đầu tiên đưa võ thuật thoát ra khỏi tình trạng “cửa đóng then cài” trong suốt cả thế kỷ qua. Từ đó cánh cửa võ thuật đã mở ra một làn sóng dạy võ công khai và đại trà của nhiều lớp võ, và các võ phái từ đó thi nhau nở rộ.

Trong thời gian đó, võ cổ truyền Việt Nam vẫn hoạt động nhỏ lẻ, vì các võ phái cổ truyền chưa tìm được tiếng nói chung, cho đến khi Liên đoàn Võ Cổ truyền ra đời, thì các hoạt động của Võ Cổ truyền Việt Nam mới thực sự bước ra khỏi thế giới khép kín và hội nhập.

Đến nay sự lan tỏa mạnh mẽ của võ cổ truyền Việt Nam trên khắp đất nước, đã ghi nhiều dấu ấn quan trọng giúp võ thuật Việt Nam tự hào và tỏa sáng.

Võ sư Châu Minh Hay.