Thiền trong võ học – biến những điều không thể thành có thể

Bài dự thi Võ thuật trong trái tim tôi

– Người đàn ông có khả năng để xe ô tô hàng tấn cán qua người?

– Đi chân trần trên những hòn than còn đỏ lửa?

– Cắm dây điện vào người sau đó nối nguồn điện nhưng ông ta không làm sao?

– Họ đều là những người theo tập luyện một môn võ nào đó?

Tôi chưa từng tin rằng họ có thể làm được những điều kỳ lạ đó. Nhưng đến một ngày…

Tôi tận mắt chứng kiến một thanh niên mang võ phục đóng đinh vào cổ, dùng chính đầu đinh còn lại treo một xô nước đầy đi vòng quanh sân. Tôi thấy máu chảy. Nhưng đôi mắt anh ta dường như vô định. Có gì đó khiến anh ấy quên hết nỗi đau đớn.

 “Tại sao anh lại làm được điều đó?”; “Anh luyện tập như thế nào?”; “Lúc ấy anh ấy đang nghĩ đến gì?”. Anh ấy chỉ trả lời tôi vẻn vẹn rằng: “Kiên trì tập luyện, lấy Thiền làm gốc”.

Trong đầu tôi chợt sáng lên câu nói của một vị triết gia: “Thiền định sẽ đưa đến trí huệ, tâm thần an định ắt trí huệ sinh”.

Ngày xưa, khi sư tổ Bồ Đề Đạt Ma sang đất Trung Hoa để truyền bá đạo Phật, ngài đã từng sáng tác “Dịch cân kinh”, và khai sáng ra võ thuật Thiếu Lâm. Ai cũng biết Ngài lấy Thiền làm gốc.

Một vị tổ sư của khí hiệp đạo (Aikito), ông Ueshiba đã từng nói: “Các người không thể quật ngã được tôi vì tôi đã hoà đồng cùng vũ trụ”. Qua những  lời trên của ông, cái thấm sâu vào trong tôi vẫn là chất Thiền. Thiền đã giải tỏa dục vọng và làm cho cảm giác lúc nào cũng nhẹ nhàng, tâm tĩnh, từ đó hòa vào mới mọi thứ xung quanh.

du-lich-vo-thuat-2
Thiền trong luyện tập võ thuật cũng như việc tìm kinh tu tâm, là con đường đi đến một trạng thái nhất định nào đó. Khi trạng thái này đạt đến đỉnh cao, con người quên đi vui buồn thế thái, quên những đau đớn tinh thần lẫn thể xác.

Thiền sư Hạnh Tư, người đứng đầu tăng chủng, học trò của Lục tổ Huệ Năng, có lần  cũng nói: “khi chưa tham Thiền, nhìn núi là núi, nước là nước; lúc tham Thiền nhìn núi không phải là núi, nước không phải là nước; tới khi tham thiền khai ngộ, nhìn núi lại vẫn là núi, nước lại vẫn là nước”. Cũng giống thiền sư Hạnh Tư, theo lời của một tờ báo, con rồng châu Á Lý Tiểu Long, từng phát biểu: “khi tôi chưa học võ, thấy quyền chỉ là quyền, thấy cước chỉ là cước; khi tôi đã học võ rồi, thấy quyền không phải là quyền, cước không phải là cước; khi tôi đã nhập vào chốn thâm sâu của võ, thấy quyền chỉ là quyền, thấy cước chỉ là cước” (Theo tạp chí Black Belt). Đó là sự hài hòa các kỹ thuật võ học, biết biến cái kỹ thuật rườm rà về đơn giản, để có thể đạt thành quả tốt. Đó là sự tiếp xúc với triết lý Thiền đạo, dung hòa tư tưởng, tạo nên sự cách tân cho từng thế võ. Vì thế mà sư tổ Bồ Đề Đạt Ma qua sông Trường Giang, trở về quê hương của mình trong trạng thái phiếu du trên cành lau nhỏ bé.du-lich-tam-linh-thai-lan (1)[4]

Những người tập luyện võ thuật, tâm họ rất tĩnh, những dục vong “tham – sân – si” không còn chi phối hành động và suy nghĩ của họ được nữa. Bỏ bớt được những dục vọng đó, người ta dễ nhận ra nhiều hành động tốt, nhận biết thế giới xung quanh sâu xa hơn, từ đó điều chỉnh được bản thân theo đúng ý muốn, biến những thứ phức tạp thành đơn giản.

Thiền trong luyện tập võ thuật cũng như việc tìm kinh tu tâm, là con đường đi đến một trạng thái nhất định nào đó. Khi trạng thái này đạt đến đỉnh cao, con người quên đi vui buồn thế thái, quên những đau đớn tinh thần lẫn thể xác. Chúng ta trở nên nhẹ nhõm, thanh thản, cảm tưởng mình chỉ như một chiếc lá, hay một cơn gió nhẹ thoảng qua…

Bởi vậy mà ta biết khả năng của con người là vô hạn, có thể biến những cái tưởng như không thể thành cái có thể.

Nguyễn Trí Hiếu/Hà Nội