Võ thuật TP HCM: Hội tụ, tỏa sáng và những thách thức (kỳ 1)

Năm 2015, năm mà cả nước hân hoan chào đón sự kiện 40 năm thống nhất đất nước. 40 năm, đó cũng là hành trình của võ thuật TP HCM trên bước đường hình thành và tỏa sáng rực rỡ trong công cuộc góp phần vào niềm tự hào của thể thao Việt Nam trên bước đường hoà nhập đấu trường quốc tế. TP HCM, với lợi thế của một thành phố năng động và phát triển kinh tế bậc nhất quốc gia, luôn  lá cờ đầu của võ thuật cả nước. Nhân sự kiện trọng đại của dân tộc, chúng ta hãy cùng nhìn lại hành trình đáng tự hào này…

 Phần 1: Hội tụ, tỏa sáng và những thách thức

Không môn võ nào được khai sinh trên đất Sài Thành nhưng không nơi đâu phát triển võ thuật mạnh mẽ cả chất lẫn lượng như tại thành phố mang tên Bác…

 Đột phá tiên phong

Bảy năm gần đây, giới hâm mộ võ thuật Việt Nam đã quen thuộc với những chiến công vang dội của những Duy Nhất, Phú Hiển, Tự Do, Văn Đài, Văn Sang ở môn Muay Thai. Đấy là một minh chứng cho thấy truyền thống về thành quả “đi đầu – đột phá thành công” của võ thuật TP.HCM. Chỉ phôi thai trong thời gian ngắn nhưng với những bước đầu tư hiệu quả (tích cực gửi quân – vốn là những võ sĩ có nền tảng tốt các môn võ cổ truyền, quyền Anh…- sang tập huấn tại Thái Lan, các lớp huấn luyện HLV – trọng tài thường xuyên được mở, tích cực đăng cai các giải quốc tế…) Muay Việt Nam đã nhanh chóng hòa nhập với đấu trường Muay thế giới ở cả 3 cấp độ thi đấu: nghiệp dư, bán chuyên, chuyên nghiệp…

Nguyễn Trần Duy Nhất - võ sĩ Muay Thai với nhiều chiến thắng vang dội trên các giải đấu
Nguyễn Trần Duy Nhất – võ sĩ Muay Thai với nhiều chiến thắng vang dội tại các giải đấu

Quá khứ cũng minh chứng rõ ràng, những thành công đầu tiên của võ thuật Việt Nam (kể  từ ngày đất nước thống nhất) trên đấu trường quốc tế là đóng góp của TP.HCM. Đó là ngôi vương của Trần Quang Hạ, HCB của Lê Thị Kim Hương, HCĐ của Nguyễn Đăng Khánh ở môn Taekwondo; 3 danh hiệu vô địch SEA Games liên tiếp môn Judo hạng cân 48kg của cô gái vàng Cao Ngọc Phương Trinh (và lần thứ tư là Nguyễn Thị Kim Vui, cũng là võ sĩ đất Sài Thành). Trên đấu trường ASIAD, cũng ở môn Taekwondo, Trần Quang Hạ và Hồ Nhất Thống thay nhau thống trị hạng cân 58kg suốt 8 năm (2 kỳ đại hội tại Nhật Bản và Thái Lan năm 1994 và 1998). Đó đều là những cái tên từ lò đào tạo võ thuật của thành phố mang tên Bác. Hơn thế nữa, trong giai đoạn đầu hòa nhập với đấu trường quốc tế, hai môn Taekwondo và Judo luôn chiếm 2/3 số lượng võ sĩ TP.HCM trong đội hình ĐTQG. Để đạt được những thành quả ấn tượng đó, ấy là từ những quyết định sáng suốt, từ những con người “làm võ” cả tâm lẫn tầm, từ những sự hậu thuẫn và đồng lòng của các cấp…

Bộ ba cô gái vàng bộ môn quyền Taekwondo Việt Nam
Bộ ba cô gái vàng bộ môn quyền Taekwondo Việt Nam – Tuyết Vân, Xuân Linh, Lệ Kim

Với 2 môn quốc võ (không thuộc hệ thống thi đấu Olympic) là Võ cổ truyền và Vovinam, tuy không phải là nơi khai sinh nhưng TP.HCM vẫn khẳng định, đây là “mảnh đất lành để chim đậu, nơi hội tụ để tỏa sáng”. Đó là hai môn võ mà TP.HCM luôn giành thế thống trị trong các giải vô địch quốc gia, và còn hơn thế nữa, cùng với Liên đoàn Vovinam thế giới, Vovinam TP.HCM cùng chung tay phát triển cả chiều sâu lẫn chiều rộng đưa võ Việt vươn  ra khắp năm châu.

Vovinam biểu diễn song luyện kiếm tại Hàn Quốc 2012
Vovinam biểu diễn song luyện kiếm tại Hàn Quốc 2012

Ba nguyên nhân giúp võ thuật TP.HCM cất cánh và bay cao trong giai đoạn đầu có thể gói ghém trong 8 chữ: “Đoàn kết – nhạy bén – tích cực học hỏi”. Và việc võ thuật TP.HCM đi xuống trong thời gian qua cũng bởi TP.HCM đánh mất chính mình, xa rời những nguyên nhân giúp võ thuật thành phố  này phát triển mạnh mẽ trong 20 năm đầu. Sự chia rẽ, mưu cầu danh lợi thế chỗ cho sự đoàn kết; sự nhạy bén cũng không còn, chậm bước thay đổi so với các tỉnh thành bạn (nói chi phạm vi quốc tế); cách quản lý, điều hành chưa đáp ứng được quá trình xã hội hóa đang diễn ra tất nhanh tại TP.HCM; chế độ chính sách đãi ngộ chưa đáp ứng nhu cầu cuộc sống kinh tế tại TP.HCM cho các HLV, võ sĩ…  Từ thế mạnh, TP.HCM trở nên yếu thế, thất bại ngay cả trong các giải đua tài quốc gia.

Và những thách thức

So với không ít môn khác, võ thuật có nhiều điều kiện để vươn cao hơn những năm trước: được xã hội hóa (thành lập Liên đoàn hoặc Hội) từ rất sớm, lại có quan hệ quốc tế rộng rãi, có Trung tâm đào tạo được tổ chức quy củ, hệ thống năng khiếu xuyên suốt từ quận huyện đến thành phố, có lực lượng HLV nhiều kinh  nghiệm, điều kiện tập huấn và thi dấu cọ xát thuận lợi hơn nhiều địa phương khác, CSVC không đến nỗi thiếu thốn… Do vậy, không vượt hơn thành tích của chính mình của vài năm trước đã là thất bại, nói chi đến việc bị các địa phương khác bắt kịp ở giải trong nước, và thụt lùi ở thành tích quốc tế.

Võ thuật TP HCM – đặc biệt là 2 môn Judo và Taekwondo có chân đế rộng. Không chỉ quận huyện nào cũng có những lớp võ thuật hoạt động suốt ngày, mà 2 môn võ này cũng đã phát triển tốt ở trường học (CLB Judo trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, CLB Taekwondo trường ĐH Kinh Tế…). Các giải trẻ, học sinh 2 môn này cũng thu hút số lượng VĐV cao nhất trong tất cả các môn thể thao cá nhân. Mỗi đợt thi lên đai lên đẳng có đến hàng ngàn võ sinh (hầu hết đều còn trẻ) tham dự. Nhưng từ số này phát triển thành những võ sĩ tài năng vượt trội – không chỉ trong nước mà còn vươn ra các đấu trường quốc tế – như Quang Hạ, Thống Nhất, Phương Trinh, Huỳnh Châu, Tuyết Vân… không phải là dễ.

Hình thành đã hơn 20 năm, nhưng hoạt động của các Hội – Liên đoàn vẫn chưa thật sự đều tay, nên chưa đóng góp được nhiều cho sự phát triển chung của phong trào. Chọn được những người thật sự tâm huyết để củng cố BCH Hội – Liên đoàn là việc làm cần thiết để huy động tạo sức bật trong tương lai cho võ thuật, vì đặc biệt hơn nhiều môn khác, võ thuật có sức lan tỏa rất cao trong xã hội. Vì lý do ấy, nếu các hội – liên đoàn mạnh thì sẽ khơi dậy được những nguồn nhân lực, vật lực, tài lực rất phong phú và đa dạng trong xã hội.

TP HCM, với lợi thế của một thành phố năng động và phát triển kinh tế bậc nhất quốc gia, luôn  lá cờ đầu của võ thuật cả nước. (Ảnh: Internet)
TP HCM, với lợi thế của một thành phố năng động và phát triển kinh tế bậc nhất quốc gia, luôn lá cờ đầu của võ thuật cả nước. (Ảnh: Internet)

Truyền thống yêu chuộng võ thuật của người dân thành phố là điều hiển nhiên từ nhiều thế hệ. Quyền Anh đã từng là một “món ruột” của võ thuật Sài Gòn từ nhiều chục năm trước thì không thể chấp nhận việc môn võ này đang lẹt đẹt phía sau nhiều địa phương khác. Karatedo cũng đã bắt rễ tại thành phố này từ nhiều thập kỷ, nhưng từ nhiều năm qua, TP.HCM chỉ sản sinh ra mỗi Nguyễn Trọng Bảo Ngọc đoạt thành tích quốc tế (HCV Asiad từ năm 2002) là hoàn toàn không xứng với tiềm năng. Không phát triển được về cả bề rộng phong trào lẫn chiều sâu trong thể thao thành tích cao ở những môn này là điều cần phải nhanh chóng cải thiện. Truyền thống lâu đời và sự yêu thích của người dân sẽ là chất đệm quý giá để phát triển các môn võ này. Phát triển phong trào luyện tập võ thuật ra những vùng còn “trắng” sẽ là việc cần phải làm để mở rộng cơ hội phát triển tài năng trẻ. Cho đến nay, phần lớn VĐV năng khiếu đều chỉ được phát hiện từ các quận nội thành, trong khi trẻ em ở các vùng nông thôn thường có tố chất thuật lợi hơn trong thể thao từ môi trường sống và lao động.

Cho đến nay, đã có vài thế hệ VĐV võ thuật trở thành HLV sau khi giã từ thảm đấu. Con số này lên đến hàng trăm, và sẽ là vốn quý cho sự phát triển thành tích cho võ thuật thành phố trên bình diện quốc gia và quốc tế. Không gì thuận lợi bằng những HLV dày dạn kinh nghiệm thi đấu, nay đứng ra hướng dẫn các đàn em. Nhưng chỉ kinh nghiệm bản thân thì không đủ mà cần phải có biện pháp nâng kiến thức của các HLV này về nhiều mặt: dinh dưỡng, hồi phục, tâm lý… chứ không chỉ là những đòn thế chuyên môn. Làm sao khai thác được tối đa tài năng cũng như lửa nhiệt tình của lứa HLV xuất thân từ VĐV này sẽ là điều rất quan trọng, vì tương lai của võ thuật thành phố rực rỡ như thế nào, một  phần không nhỏ là do đội ngũ HLV này. Phát triển đội ngũ HLV ở cơ sở để phát hiện năng khiếu, huấn luyện ban đầu và làm công tác sàng lọc cũng cần được xem là khâu quan trọng không kém huấn luyện nâng cao.

Rõ ràng, để xây dựng được đội ngũ HLV và hệ thống đào tạo đều khắp không chỉ đòi hỏi nguồn nhân lực dồi dào, mà còn cần cả nguồn tài chính không nhỏ. Ngân sách Nhà nước khó kham nổi hoàn toàn, nên nguồn lực xã hội sẽ là yếu tố quan trọng. Để đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn mới cần phải đẩy mạnh hơn nữa các công tác này. Bây giờ không chỉ tìm tài trợ để tổ chức tranh giải mà còn phải tìm nguồn bảo trợ lâu dài để phát triển hệ thống tài năng trẻ, tạo cơ hội cho lứa VĐV trẻ này nhanh chóng trưởng thành qua môi trường luyện tập hiện đại, được thi đấu, cọ xát nhiều cũng như được học văn hóa nghiêm chỉnh. Vì trong thời đại hiện nay không thể không có tri thức nếu muốn trở thành một VĐV giỏi. Thậm chí, phải dành những chuyên gia giỏi nhất (kể cả chuyên gia nước ngoài) cho việc đào tạo lứa VĐV năng khiếu này.

Trong 40  năm qua, Võ thuật TP HCM đã có những bước tiến rõ rệt, nhưng vẫn còn nhiều điều phải làm để xứng tầm với một thành phố năng động, có truyền thống đam mê thể thao nói chung, và võ thuật nói riêng. Võ thuật TP HCM đang đứng trước những thử thách không nhỏ để đáp ứng yêu cầu của thời kỳ phát triển mới, nhưng có thể tin rằng dân làng võ thành phố sẽ vượt qua được những thử thách này để đưa phong trào lên một tầm cao mới, trên bình diện quốc gia lẫn quốc tế.

Đón đọc phần 2: Vovinam TP.HCM: Chuyển mình vươn ra biển lớn.

Hoàng Võ