Võ cổ truyền Việt Nam – Đôi điều về Võ Y

Chúng ta vẫn thường nghe nói võ thuật, võ đạo, võ y, võ lý, võ lễ, võ nhạc v.v… Ở đây chúng tôi chỉ xin nói đôi điều về Võ Y.

Y võ dưỡng sinh có lợi cho sức khỏe như thế nào?

Võ sư một chân Tạ Anh Dũng: Ngày bán báo, tối dạy võ

Võ Y là y thuật trong võ học, mà võ học thì mênh mông không thể một sớm một chiều mà lĩnh hội được. Trong suốt quá trình luyện võ, từ võ sinh lên võ sĩ, lên huấn luyện viên rồi lên tới võ sư làm sao không bị chấn thương! Mà khi bị chấn thương thì người thầy võ là ngưòi là người đầu tiên chữa trị cho môn sinh của mình. Chính vì vậy mà các vị võ sư tiền bối ngày xưa đã dày công nghiên cứu các bài thuốc võ để cho chúng ta sử dụng ngày nay. Các vị tiền bối đã làm được điều này bởi lẽ Võ thuật Cổ truyền Việt Nam được xây dựng trên nguyên lý Âm dương, Ngũ hành. Mà Âm dương, Ngũ hành là phần cốt lõi của y học phương Đông nên các vị đã nghiền ngẫm rồi biện chứng lập phương một bài thuốc theo nguyên tắc: quân, thần, tá, sứ; một phương huyệt theo nguyên tắc: huyệt chính, huyệt trực tiếp và huyệt bổ sung.

Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi chỉ xin đưa ra một số chấn thương thường gặp và cách xử trí:

  1. Ngoại thương
  2. Trật khớp: Nguyên tắc của sửa khớp là: “Nếu khớp trật vào bên trong thì kéo ra bên ngoài; khớp trật về phía trước thì đẩy về phía sau và ngược lại”.
  3. Chấn thương hạ bộ (tinh hoàn) thường xảy ra với 3 mức độ: nhẹ, vừa và nặng.

Nhẹ: Vận động viên bị đau đớn

Người thầy võ bảo vận động viên nhún chân nhảy lên cao rồi rơi xuống sàn đấu hay thảm đấu bằng hai gót chân 1 hoặc 2 lần là được.

Vừa: Vận động viên bị choáng

Người thầy võ đứng phía sau dùng hai tay xốc nách phụ đỡ vận động viên nhảy lên rồi rơi xuống sàn đấu hay thảm đấu bằng hai gót chân. Nếu vận động viên không thể đứng được thì cho ngồi, hai chân duỗi thẳng về phía trước. Người thầy võ đứng phía sau dùng hai tay xốc nách nâng vận động viên lên khỏi mặt đất chừng 20 – 30cm rổi thả rơi xuống nhưng vẫn còn ôm nhẹ để vận động viên khỏi ngả. Làm như vậy một vài lần có hiệu quả.

Nặng: Vận động viên bất tỉnh

Người thầy võ dùng ngón tay cái bấm các huyệt Nhân trung, Bách hội, Hợp cốc cho vận động viên tỉnh lại rồi cho vận động viên nằm ngửa, tay trái nắm cẳng chân kéo thẳng ra, tay phải dùng đầu xương cổ tay trong (Long trảo) đánh mạnh vào gót chân vận động viên 1– 3 cái rồi cũng làm như vậy cho chân bên kia sẽ đạt được kết quả mong muốn.

 

Trên sàn đấu võ, nguy cơ chấn thương luôn là nỗi ám ảnh các võ sĩ.
Trên sàn đấu võ, nguy cơ chấn thương luôn là nỗi ám ảnh các võ sĩ.
  1. Bị chảy máu:

Máu màu đỏ thuộc hỏa – thủy khắc hỏa nên lấy Cỏ mực sao đen, tán

nhỏ rắc vào vết thương máu sẽ cầm chảy.

Hoặc sử dụng huyệt đạo, như khi vận động viên bị chảy máu mũi người thầy võ dung hai ngón cái hoặc hai ngón trỏ cùng lúc bấm vào hai huyệt Thượng tinh và Phong phủ từ 10 – 15 giây, mỗi tay bấm một huyệt máu sẽ cầm chảy tức thì; bởi đây là hai huyệt đặc trị chảy máu mũi.

         

  1. Nội thương
  2. Bị trúng đòn bất tỉnh: Nếu vận động viên bị trúng đòn bất tỉnh, người thầy võ liền dùng bột “Thông quan tán” thổi vào mũi cho vận động viên tỉnh lại rồi sau đó cho uống bài “Sâm phụ hồi dương” để lấy lại nguyên khí.

Bài thuốc “Thông quan tán”

  Tạo giác             20g             Bạch chỉ               12g

  Tế tân                 12g             Xạ hương              02g

  Thiềm tô             02g             Băng phiến            02g

Cách chế: Trừ Xạ hương, Thiềm tô, Băng phiến ra, còn 3 vị kia cho vào chảo sành sao khô, tán mịn rồi trộn đều cả 6 vị, cho vào keo đậy nút kín, phòng khi hữu sự lấy ra dùng.

Cách dùng: Dùng bột thuốc này thổi vào lỗ mũi người bị trúng đòn bất tỉnh nhân sự cho tỉnh lại. Kể cả người bị trúng gió bất tỉnh nhân sự dùng phương này cũng rất hay.

Bài thuốc “Sâm phụ hồi dương”

  Nhân sâm             20g             Phụ tử                  08g

  Can khương          04g             Chích thảo           06g

  Đại táo                 3 quả.

Cách dùng: Đổ 2 chén nước sắc còn 7 phân, cho uống khi thuốc còn ấm

  1. Bị trúng đòn tùy khu vực: Tùy nơi bị trúng đòn mà ta sử dụng bài “Thập toàn trật đả thang” gia vị để chữa trị.

Bài thuốc “Thập toàn trật đả thang”

   Quy vĩ                  20g             Xích thược            12g

   Đảng sâm             12g             Tam lăng             12g

   Nga truật              12g             Nhũ hương          12g

   Một dược             12g             Tục đoạn            16g

   Hoàng kỳ             16g             Cốt toái bổ          16g.

Cách gia vị:

–   Bị thương tại đầu, gia:             Cảo bản 12g, Khương hoạt 12g

– Bị thương bên đầu não, gia: Phòng phong 08g, Xuyên khung 12g

–   Bị thương trước trán, gia:            Thăng ma 12g, Bạch chỉ 12g

–   Bị thương hai mắt, gia:                Tật lê 12g, Cúc hoa 08g

–  Bị thương yết hầu, gia:                 Xạ can 08g, Tử kim long 12g

–  Bị thương bộ phận cánh tay, gia: Quế chi 12g, Ngũ gia bì 12g

– Bị thương vùng trước ngực, gia:    Chỉ xác 12g, Xương bồ 12g

– Bị thương phía hông bên trái, gia: Long đởm thảo 08g, Thanh bì 12g

– Bị thương phía hông bên phải, gia: Sài hồ 12g, Hạnh nhân 12g

– Bị thương bộ phận sau lưng, gia:  Cẩu tích 12g, Uy linh tiên 12g

– Bị thương bộ phận eo lưng, gia: Đỗ trọng 12g, Phá cố chỉ 12g

– Bị thương vùng bụng dưới, gia: Tiểu hồi hương 12g, Đại phúc bì 12g

–   Bị thương vùng thận, gia:     Cốt toái bổ 12g, Trầm hương 12g

–  Bị thương bộ phận chân, gia:   Ngưu tất 12g, Mộc qua 12g

–  Bị thương hòn dái, gia:            Kiết cánh 12g, Quất hạch 12g

– Bị thương vùng giang môn, gia: Mộc hương 12g, Mộc thông 12g

–  Toàn thân thọ thương, gia:   Độc hoạt 12g, Tang ký sinh 12g

–  Bị thương răng cắn chặt, gia:   Tạo giác thích 12g, Tế Tân 08g.

Cách dùng: Sắc uống ngày 1 thang.

Lần 1: Đổ 3 chén nước sắc còn 1 chén (10 phân)

Lần 2: Đổ 2,5 chén nước sắc còn 7 phân

Lần 3: Đổ 2 chén nước sắc còn 5 phân.

Sắc nước nào, uống nước đó. Uống thuốc còn ấm trước lúc ăn cơm từ 30 – 60 phút.

Kiêng kỵ: Đàn bà có thai không được dùng.

Trật đả là khía cạnh quan trọng của Võ Y
Trật đả là khía cạnh quan trọng của Võ Y

Chúng tôi cũng xin trình bày 36 tử huyệt để nếu lỡ bị trúng đòn thì còn biết cách chữa trị. 36 tử huyệt ấy được phân bố như sau:

–        9 huyệt ở đầu: Bách hội, Thần đình, Thái dương, Nhĩ môn, Tình minh, Nhân trung, Á môn, Phong trì, Nhân nghinh.

– 14 huyệt ở ngực, bụng: Đản trung, Cưu vĩ, Cự khuyết, Thần khuyết, Khí hải, Quan nguyên, Trung cực, Khúc cốt, Ưng song, Nhũ trung, Nhũ căn, Kỳ môn, Chương môn, Thương khúc.

– 8 huyệt ở lưng, thắt lưng: Phế du, Quyết âm du, Tâm du, Thận du, Mệnh môn, Chí thất, Khí hải du, Trường cường.

–  5 huyệt ở tay, chân: Kiên tỉnh, Thái uyên, Túc tam lý, Tam âm giao, Dũng tuyền.

Tóm tắt bằng thơ 36 tử huyệt cho dễ nhớ

Ba sáu tử huyệt là gì?

Á môn, Bách hội, Phong trì, Nhân nghinh

Nhân trung, Nhĩ môn, Tình minh

Tam âm, Cự khuyết, Thần đình, Đản trung

Kỳ môn, Nhũ căn, Nhũ trung

Khí hải, Thần khuyết, Tâm du, Dũng tuyền

Trung cực, Khúc cốt, Quan nguyên

Ưng song, Cưu vĩ, Thái uyên, Trường cường

Thương khúc, Quyết âm, Thái dương

Kiên tỉnh, Chí thất, Chương môn tiếp liền

Mệnh môn, Phế, Thận ưu tiên

Hải du, Túc lý bồi nguyên tuyệt vời.

 Lương y – Võ sư Nguyễn Tấn Xuân

(Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu – Ứng dụng Võ thuật M.C)