Thành lập Liên đoàn Judo TP.HCM là một bước ngoặt về “suy nghĩ” và “cách làm”

“Thành lập Liên đoàn Judo TP.HCM là một bước ngoặt về “suy nghĩ” và “cách làm” của xã hội hóa thật sự”

Đó là quan điểm của ông Lý Đại Nghĩa, tổng thư ký Liên đoàn Judo VN kiêm tổng thư ký Liên đoàn Judo Đông Nam Á trong cuộc trao đổi với phóng viên vothuat.info trước thềm đại hội thành lập Liên đoàn Judo TP.HCM nhiệm kỳ I (2014-2019) mà ông giữ vai trò là trưởng ban vận động thành lập Liên đoàn Judo TP.HCM…

ong ly dai nghia
Ông Lý Đại Nghĩa ( tổng thư ký Liên đoàn Judo VN kiêm tổng thư ký Liên đoàn Judo Đông Nam Á_

Với tư cách là trưởng ban vận động thành lập liên đoàn Judo TP.HCM nhiệm kỳ đầu tiên, ông đánh giá thế nào về tình hình phong trào,  ý nghĩa và tính cấp thiết để “nâng cấp” Hội  Judo TP.HCM thành Liên đoàn Judo TP.HCM?

Judo Thành phố Hồ Chí Minh là một trong những trung tâm Judo mạnh của cả nước, với 19 câu lạc bộ Judo quận, huyện gồm quận 1, 2, 3, 4, 5, 7, 8, 9, 10, 11, 12, Phú Nhuận, Thủ Đức, Bình Thạnh, Tân Bình, Tân Phú, Bình Tân, huyện Bình Chánh, huyện Cần Giờ; 1 câu lạc bộ Judo ban ngành là Nhà thiếu nhi thành phố; 2 câu lạc bộ Judo cho người khiếm thị tại Trường mù Nguyễn Đình Chiểu và Hội người mù Thành phố; 2 câu lạc bộ Judo trường học gồm trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai và trường THPT Nguyễn Du; và 1 câu lạc bộ Judo dân lập là trường Nhu đạo Quang Trung, quận Gò Vấp. Với tổng số võ sinh hiện nay là 1.200 võ sinh, Judo đã trở thành môn thể thao chính thức thi đấu trong các kỳ Đại hội Thể dục thể thao TP.HCM, Hội khỏe Phù Đổng và có hệ thống thi đấu hàng năm từ nhóm tuổi nhi đồng, thiếu nhiên đến giải trẻ và vô địch.

Phong trào Judo Thành phố Hồ Chí Minh thường xuyên cung cấp các vận động viên tài năng tham gia các đội tuyển trẻ, dự tuyển quốc gia tham dự các giải khu vực, châu lục và quốc tế. Tuy vậy, hiện nay TP.HCM vẫn chưa có tổ chức xã hội nghề nghiệp trong lĩnh vực Judo. Hội Judo TP.HCM không phải là một đơn vị pháp nhân mà chỉ là một hội chuyên môn trực thuộc Liên đoàn Võ thuật Thành phố trước đây. Điều này làm hạn chế rất nhiều trong việc chủ động huy động nguồn lực xã hội tham gia cho sự phát triển Judo và công tác xã hội hóa lĩnh vực Judo trên địa bàn thành phố.

Khá nhiều tổ chức thích chữ Liên đoàn hơn Hội nhưng khi vào hoạt động thì đâu vẫn vào đấy… Liệu “Liên đoàn” lần này có vực dậy phong trào judo TPHCM trở lại thời hoàng kim?

Chúng tôi quan điểm chữ  “Liên đoàn” hay là “Hội” đều là cách gọi, nó không thể hiện tổ chức đó lớn hay nhỏ, hiệu quả hay không. Để phát triển phong trào Judo Thành phố chúng tôi có 2 quan điểm chỉ đạo trong quá trình xây dựng chương trình kế hoạch.

– Thứ nhất đó là “đoàn kết”. Có thể thấy TP.HCM là đơn vị duy nhất trong cả nước có phong trào Judo phát triển mạnh mẽ với hơn 1.000 môn sinh. Trong đó, nhiều môn sinh của TP.HCM đang giữ những vị trí điều hành quan trọng của Judo quốc gia và quốc tế. Thực tế, chúng tôi đang bị chảy máy “chất xám”, nhiều HLV, nhà chuyên môn của Judo TP.HCM tản mác làm chuyên môn ở các tỉnh, thành khác, cũng có nhiều môn sinh Judo TP.HCM trở thành những doanh nghiệp thành đạt… Sự đoàn kết tập trung sức mạnh vốn có của mình sẽ tạo nên một bước nhảy vọt đáng kể cho phong trào Judo TP.HCM.

– Thứ hai đó là “xã hội hóa” thật sự. Hơn 25 năm, mặc dù Hội Judo TP.HCM được thành lập và vận hành, tuy nhiên nguồn kinh phí chủ yếu dựa vào sự hỗ trợ từ ngân sách nhà nước. Hôm nay, thành lập Liên đoàn Judo TP.HCM là một bước ngoặc về “suy nghĩ” và “cách làm”  của xã hội hóa thật sự. Trong chương trình công tác nhiệm kỳ này, hơn 90% hoạt động của Liên đoàn là tự chủ. Nguồn kinh phí không từ Nhà nước, chúng tôi cũng loại bỏ quan điểm “XIN” tài trợ, mà chúng tôi xây dựng hình ảnh, các gói sản phẩm dịch vụ uy tín, chất lượng để tạo nguồn thu chính đáng, hợp pháp cho hoạt động Liên đoàn.

photo 3
Bao giờ Judo TP.HCM mới tìm lại được thời hoàng kim?

Đâu là những tiêu chí hoạt động của Liên đoàn Judo TP.HCM trong nhiệm kỳ mới, thưa ông?

Chín chỉ tiêu cơ bản của nhiệm kỳ 2014 – 2019 là:

1. Thành lập, tổ chức hoạt động của Chi hội Para-Judo, Chi hội Watsu Kappo, Câu lạc bộ Huyền đai Nhu đạo và Ban biên tập Tạp chí Judo.

2. Xây dựng biên chế nhân sự tại Văn phòng Liên đoàn, tạo hoạt động thường xuyên, liên tục.

3. Phát triển phong trào đến cuối nhiệm kỳ có 35 câu lạc bộ Judo toàn thành phố Hồ Chí Minh.

4. Nghiên cứu ban hành chương trình huấn luyện cho các đối tượng tập luyện phù hợp với từng nhóm lứa tuổi và chương trình Judo học đường. Nghiên cứu tối thiểu 2 đề tài khoa học ứng dụng, hỗ trợ thiết thực cho việc huấn luyện, nâng cao thành tích các tuyến đào tạo VĐV tại TP. HCM.

5. Tổ chức Kỳ thi Huyền đai Quốc gia hàng năm để nâng cao chuyên môn cho lực lượng.

6.  Ký kết bản ghi nhớ (MOU) với Liên đoàn Judo Đông Nam Á về việc định kỳ hàng năm tổ chức bồi dưỡng chuyên môn cấp quốc tế cho HLV, VĐV, trọng tài.

7. Tổ chức các hoạt động kinh tế – dịch vụ để tạo nguồn thu hợp pháp.

8. Chủ động toàn bộ kinh phí xã hội hóa để tổ chức các giải Thành phố hàng năm.

9. Tổ chức giải quốc tế hàng năm.

 Nhân sự của Liên đoàn Judo TP.HCM lần này có thật sự là của xã hội?

Đề án nhân sự Ban chấp hành Liên đoàn nhiệm kỳ I (2014 – 2019) lần này được xây dựng chặt chẽ, chi tiết và khoa học, việc quy hoạch giới thiệu nhân sự đảm bảo tính thiết thực và phát triển. Chúng tôi kiên quyết đấu tranh loại bỏ việc cơ cấu hình thức. Mỗi ủy viên BCH đều có nhiệm vụ cụ thể góp phần cho sự phát triển Liên đoàn.

Cụ thể trong dự kiến nhân sự có 30% là doanh nghiệp, 15% là nhân tố xã hội, 15% là đại diện phong trào cơ sở quận, huyện, trường học, 30% là nhà chuyên môn, nhà khoa học và 10% là khối thông tin, báo chí.

Vừa là nhân tố “chính” của Judo TP.HCM và là tổng thư ký Liên đoàn Judo VN, ông đánh giá phong Judo TP.HCM nằm ở đâu trên bản đồ judo VN? TP.HCM cần làm gì để phát triển phong trào và nâng cao thành tích?

Judo TP. HCM trong những năm gần đây có những biểu hiện “chựng lại” và đã mất đi vị thế thành tích cao tại các giải quốc tế trong nhiều năm. Tại Đại hội TDTT toàn quốc 2010, TP.HCM đã đánh mất hình ảnh là lá cờ đầu cả nước. Nếu thiếu hoạch định chiến lược phát triển, trong 5 năm tới đây TP.HCM sẽ “trắng tay”. Do vậy, Đại hội lần này tập trung trí tuệ, nguồn lực để xây dựng một chiến lược, một chương trình hành động cụ thể, hiệu quả nhằm khôi phục và nâng cao vị thế của Judo TP. HCM trên quốc gia và quốc tế.

Trần Quân (thực hiện)