Con đường MMA VN (Phần 2): Sức hút và tính tất yếu của MMA

Phần 2 của bài viết Con đường MMA VN sẽ làm sáng tỏ một trong những đặc tính nổi bật nhất của MMA, đặc tính có thể khiến chúng ta tự tin rằng MMA là mảnh ghép nên tồn tại trong nền võ thuật Việt Nam.

Con đường MMA VN (Phần 1): MMA cho người Việt, có nhất thiết phải đổ máu?

HLV nước ngoài không tiếc lời khen ngợi phong trào MMA Việt

Có nhiều quan điểm về việc xác định “tuổi đời” của MMA. Có người cho rằng đó là mùa UFC đầu tiên – giải võ tự do đầu tiên được tổ chức vào ngày 12/11/1993 cho phép võ sĩ ở nhiều môn phái thi đấu với nhau theo một luật chung – luật tự do. Có người lại cho rằng nên tính từ ngày 2/12/1963 – trận đấu đầu tiên trong lịch sử võ thuật hiện đại được tổ chức công khai giữa Gene LeBell (Judo) và Milo Savage (Boxing) theo luật tự do. Nhưng có người lại cho rằng lịch sử MMA bắt đầu sớm hơn: vào thập niên 20 của thế kỉ trước, khi mà gia tộc huyền thoại Gracie – cội nguồn của bộ môn Nhu thuật Brazil thách đấu các võ sĩ ở mọi trường phái trên toàn thế giới.

Royce Gracie – nhà vô địch đầu tiên của UFC.

Thế nhưng, nếu nhìn về những cột mốc đầu tiên của lịch sử võ thuật nhân loại – 800 năm trước Công Nguyên, những tài liệu đầu tiên còn lưu lại được của Pankaration, môn võ cổ xưa nhất thế giới đã chứng minh môn võ này sử dụng đầy đủ các kĩ thuật ở 3 trường phái striking (đấm đá đơn thuần), wrestling (vật) và grappling (khóa siết) giống như MMA ngày nay.

Điều đó cũng đồng thời chứng minh tính tất yếu của MMA trong nguyên lý võ thuật của con người: Bản năng của con người là hướng đến sự hoàn thiện, cải tiến và đa dạng. Võ thuật cũng thế. Việc con người luyện tập và sử dụng đa dạng các đòn thế võ thuật ở cả 3 trường phái phản ánh đúng bản năng đó của loài. Đó là tính tất yếu trong việc hình thành nên MMA với những dấu chân đầu tiên cách đây 28 thế kỉ – những câu chuyện của UFC, gia đình Gracie hay Gene LeBell chỉ là chất xúc tác tạo nên bộ mặt MMA hiện đại mà chúng ta đáng có hôm nay. Nhu cầu tạo nên và sử dụng MMA có trong bản năng của loài người – bản năng chiến đấu để sinh tồn bằng tất cả những gì có thể. Và cũng từ đó chúng ta có thể tin tưởng rằng bất cứ nền văn hóa nào, bất cứ dân tộc nào, bất cứ cộng đồng võ thuật quốc gia nào cũng luôn sẵn sàng để đón nhận MMA – vì nó phục vụ, chứ không chống lại bản năng võ thuật của loài người.

Một bức tranh về MMA.

Một điều nữa – yếu tố chủ đạo tạo nên sức sống mãnh liệt của MMA chính là yếu tố cạnh tranh của hình thức thi đấu này. Hãy nhìn về 3 sự kiện ở đầu bài viết này, ta dễ dàng nhận ra cả ba sự kiện đầu tiên đặt nền móng cho MMA hiện đại đều mang tính chất cạnh tranh khốc liệt. Xếp theo thứ tự thời gian, chúng ta có thể thấy: Gia đình Gracie dùng bộ môn BJJ thách đấu toàn thế giới, võ sĩ Judo Gene LeBell thách đấu tay đấm quyền Anh Milo Savage và cuối cùng là giải đấu UFC (thời kì đầu) tạo “sân chơi” cho tất cả các môn võ cọ xát và chứng minh bản lĩnh thực thụ mà không có một giới hạn nào: không hạng cân, không có đòn cấm, không có chiến thắng tính điểm. Và, khi mà những trận đấu võ tự do đầu tiên của lịch sử hiện đại khép lại, giới võ thuật nhận ra rằng một võ sĩ có khả năng chiến đấu bằng cả 3 trường phái võ thuật sẽ vượt trội một võ sĩ chỉ học riêng lẻ một bộ môn. Khái niệm võ tổng hợp cũng ra đời từ đây.

Từ đó, chúng ta có thể thấy rõ MMA là sân chơi công bằng cho mọi môn võ khi thi đấu với nhau. Giới võ thuật luôn tồn tại tranh cãi về sức mạnh của mỗi bộ môn – nhưng mỗi bộ môn đều có một môi trường thi đấu riêng. MMA giải quyết nhu cầu cạnh tranh của các môn võ về sức mạnh trên võ đài, tạo động lực cho võ thuật cải tiến, phát triển. Nền võ thuật Việt Nam sở hữu nhiều môn võ bản địa và ngoại nhập cạnh tranh với nhau nhưng lại thiếu một sân chơi công bằng cho tất cả, việc giới võ thuật trẻ yêu thích và trông chờ vào tương lai MMA ở Việt Nam là điều không quá khó hiểu. Hoặc, nếu chúng ta đủ khả năng bắt kịp thời đại, MMA không còn là sàn đấu của sự tranh chấp, mà chính là nơi chúng ta thống nhất những tinh hoa của võ thuật đối kháng.

[jwplayer player=”1″ mediaid=”95993″]

Hồ Võ