Vovinam Đồng bằng sông Cửu Long – Nhìn lại chặng đường 50 năm hình thành và phát triển

(VoThuat.vn) – An Giang vinh dự là nơi đầu tiên của các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long được đón nhận môn võ Vovinam vào năm 1969. Đến nay, qua 50 năm hình thành môn Vovinam đã phát triển rộng khắp 13 tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long.

Được sự đồng ý về mặt chủ trương của Liên đoàn Vovinam Việt Nam và Hội đồng võ sư Chưởng quản Môn phái Vovinam – Việt Võ Đạo, ngày 30/10/2019 vừa qua, tại thành phố Long Xuyên, An Giang đã diễn ra cuộc họp trù bị về việc tổ chức Lễ kỷ niệm 50 năm Khai phá & Phát triển Vovinam Đồng bằng Sông Cửu Long.

Buổi lễ dự kiến sẽ được tổ chức vào ngày 15/12/2019 tại thành phố Long Xuyên, An Giang nhằm tôn vinh, khen thưởng, ghi nhớ công lao của nhiều thế hệ quý võ sư đã có những cống hiến xây dựng và phát triển môn Vovinam ở khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long; liên kết tạo mối liên hệ hữu nghị, đoàn kết, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm giữa các tỉnh, thành phố trong công tác huấn luyện, thi đấu để phát triển bộ môn Vovinam ngày càng hiệu quả và nâng cao thành tích khu vực cũng như của quốc gia.

Cuộc họp có sự góp mặt của ông Phạm Thế Triều (Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch An Giang), ông Lê Thành Tân (Chủ tịch Liên đoàn Vovinam An Giang), ông Lý Sơn Hùng (Tổng Thư ký Liên đoàn Vovinam An Giang), ông Võ Hữu Lý (Chủ tịch Liên đoàn Vovinam Cần Thơ), ông Huỳnh Thành Công (Trưởng bộ môn Vovinam Vĩnh Long), ông Lâm Tấn Đấu (đại diện Vovinam Trà Vinh), ông Nguyễn Đức Hiếu (Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Thể thao Sài Gòn) cùng các võ sư kỳ cựu và các đại biểu khách mời khác.

Sự kiện này cũng được sự ủng hộ nhiệt liệt của các tỉnh trong khu vực như Bạc Liêu, Sóc Trăng, Kiên Giang, Đồng Tháp, Bến Tre, Tiền Giang, Cà Mau, Hậu Giang.

Trong buổi họp, các đại biểu đã nhất trí ủng hộ việc tổ chức một lễ kỷ niệm mang tính nhân văn, giúp thế hệ võ sinh trẻ có cơ hội tìm lại cội nguồn, hiểu được lịch sử phát triển của bộ môn trên mảnh đất miền Tây Nam Bộ, những khó khăn trong buổi đầu khai phá và những giá trị cao đẹp đã được các thế hệ đi trước để lại. 

Đại diện cho Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch An Giang, ông Phạm Thế Triều (Phó Giám đốc Sở) cho rằng Vovinam là một bộ môn thể thao nòng cốt và đã đem lại nhiều thành tích cao cho khu vực ở tầm quốc gia và quốc tế. Do vậy một lễ tôn vinh các thế hệ võ sư đã hy sinh và đóng góp cho những thành công của bộ môn là cần thiết và hết sức bổ ích. Thay mặt Sở Văn hóa, Thể Thao và Du lịch tỉnh An Giang, ông hứa sẽ hết sức hỗ trợ và chúc lễ kỷ niệm thành công tốt đẹp.

Ông Lê Thành Tân (Vovinam An Giang) cảm ơn các tỉnh đã chung tay tham dự và hy vọng có được sự ủng hộ từ các đại biểu cũng như các võ sư và võ sinh trong khu vực.

Họp mặt truyền thống các võ sư Đồng bằng sông Cửu Long

Đại diện cho một đơn vị Vovinam mạnh với nhiều thành tích cao, ông Võ Hữu Lý (Vovinam Cần Thơ) đánh giá cao nỗ lực của An Giang trong việc tổ chức Lễ kỷ niệm. Theo ông Lý, đây cũng là một cơ hội để các đơn vị Vovinam khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cùng nhìn lại chặng đường phát triển và phát triển phong trào. Với vai trò là một trong những lá cờ đầu của Vovinam trong khu vực, ông khẳng định sẽ chung tay để cùng các đơn vị hướng đến thành công của buổi lễ.

Kỳ thi thăng cấp Vovinam tại An Giang năm 2009

Các đại biểu cũng phân tích thêm Lễ kỷ niệm sẽ là một tiền đề giúp gắn kết bộ môn Vovinam của các tỉnh thuộc Đồng bằng Sông Cửu Long. Sau sự kiện này, liên đoàn của các tỉnh nên nhân cơ hội để cùng nhau chia sẻ các kinh nghiệm huấn luyện, thi đấu và gặt hái nhiều thành tích cho khu vực, thông qua các phương tiện kỹ thuật số và mạng xã hội đẩy mạnh công tác truyền thông để quảng bá Vovinam tới các thế hệ trẻ.

Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Thể thao Sài Gòn (SSDIC) và báo điện tử VoThuat.vn cũng góp mặt tham gia với tư cách đơn vị song hành cùng Lễ kỷ niệm và sẽ hỗ trợ về mặt truyền thông và lên kế hoạch tổ chức sự kiện. 

Với sự hỗ trợ của Bác sĩ Đào Tuấn Kiệt, phong trào Vovinam An Giang khởi đầu bằng lớp tập tại Trường Tá viên Điều dưỡng tỉnh (trên 40 võ sinh) vào tháng 9-1969 và do võ sư Nguyễn Văn Nhàn trực tiếp huấn luyện. Khoảng tháng 10 cùng năm, một đoàn võ sư, huấn luyện viên của Tổng cục Huấn luyện tại Sài Gòn đã về An Giang biểu diễn nhân Lễ Khai phá Vovinam miền Tây. Từ An Giang, phong trào dần dần lan rộng sang các tỉnh miền Tây (khu vực Đồng bằng sông Cửu Long) như Châu Đốc, Phong Dinh (Cần Thơ), An Xuyên (Cà Mau), Ba Xuyên (Bạc Liêu)… Trước đó, khoảng cuối năm 1967, tỉnh Kiên Giang đã có lớp tập Vovinam do huấn luyện viên Danh Ky (1947-1987) hướng dẫn nhưng còn mang tính tự phát.

Thiện Tâm


Tin liên quan: