Những trận thách đấu biến Từ Hiểu Đông thành… ruồi muỗi

Vì nhiều lý do, cuộc thách đấu giữa Từ Hiểu Đông (MMA) và Ngụy Lôi (Thái cực quyền) có thể xem như cuộc đụng độ hot nhất trong những năm gần đây. Tuy nhiên, nếu xét về tính chất kỹ thuật, sức ảnh hưởng thời đại hay sự khốc liệt, cuộc đụng độ này chỉ là “muỗi” so với những trận thách đấu khác từng có trong lịch sử.

Từ Hiểu Đông: Lính SEAL không sống nổi 3 phút nếu đấu tay đôi với MMA

Võ sư Việt Nam khẳng định Từ Hiểu Đông sẽ thắng Chân Tử Đan

Từ Hiểu Đông đã gãi đúng chỗ ngứa khi chỉ trích làng võ thuật Trung Hoa bằng những cú đấm thẳng vào mặt Ngụy Lôi. Tuy nhiên, Từ Hiểu Đông không có tư cách để đại diện MMA và Ngụy Lôi cũng không phải người giỏi nhất của Thái Cực quyền. 10 giây ngắn ngủi của trận đấu đó cũng đủ cho Từ Hiểu Đông tung những cú Jab – Straight cơ bản trong Boxing chứ chưa hề mang nét MMA. Nó nổi tiếng vì Từ Hiểu Đông chấp nhận gây sốc, và nó châm ngòi cho mối mâu thuẫn vốn đã có từ rất lâu trong làng võ Trung Hoa: võ thuật đối kháng hiện đại (combat sport) và võ thuật (nói chung) truyền thống.

Nếu so sánh với những cuộc đụng độ “thứ thiệt” sau đây, cuộc đả bại Thái cực của Từ Hiểu Đông thực ra chỉ xếp hàng “ruồi muỗi”, không hơn một cuộc giải quyết mâu thuẫn cá nhân là mấy.

NAI KHANOMTONG (MUAY) ĐÁNH BẠI 10 VÕ SĨ MIẾN ĐIỆN (LEITHWEI)

Có thể thấy võ thuật ở các dân tộc sống cạnh nhau có xu hướng giống nhau. Đó là kết quả của hàng trăm năm liên miên xung đột sắc tộc, nơi các võ phái tử chiến với nhau trong các cuộc đụng độ và buộc phải học hỏi lẫn nhau sau mỗi lần dùng xương máu đổi lấy kinh nghiệm.

Nai Khanomtong  là một tù binh chiến tranh người Thái, bị quân Miến Điện bắt vào năm 1767 sau chiến tranh Miến Điện – Xiêm. Ông bị giam giữ cho đến năm 1774 thì có một sự kiện xảy ra. Vua Miến Điện lúc bấy giờ là Angwa đã tổ chức lễ hội ở Đại Thiền Tự tỉnh Rangoon, và đấu võ là một trong những môn được chọn để thi đấu tại lễ hội.

Bức phù điêu cổ mô tả trận đấu của Nai Khanomtong.

Biết tù binh người Thái ấy là một tay giỏi võ, vua Angwa quyết định đem ông ra để thi đấu mua vui với những võ sĩ người Miến Điện. Ngày 17 tháng 3, Nai Khanomtong đã đánh liền 10 trận không nghỉ giải lao với 10 võ sĩ Leithwei của Miến Điện, và đánh bại tất cả bọn họ. Trận đấu đã gây chấn động vang dội trong người dân và binh lính Miến Điện lúc bấy giờ. Sau khi tìm cách chiêu dụ Khanomtong ở lại Miến Điện mà bất thành, vua Angwa đã phải thương lượng với vua Thái đương thời về việc trả tự do cho ông.

Nhiều người cho rằng kể từ mốc thời gian này mà Leithwei của người Miến Điện có những chuyển biến kỹ thuật rõ rệt và có xu hướng gần hơn với Muay Thái.

HUYỀN THOẠI HELIO GRACIE (BJJ) BỊ BẺ GÃY TAY NGAY TRÊN ĐẤT BRAZIL

Đối với người Brazil vào thời điểm diễn ra trận đấu, Helio Gracie là một tượng đài thứ thiệt. Ông và gia tộc Gracie đã dùng BJJ thách đấu toàn thế giới và chiến thắng hầu hết các trận đấu, đánh bại mọi đối thủ đến từ Karate, Kungfu, Boxing… Nhưng họ đã mắc sai lầm khi đụng đến niềm kiêu  hãnh lớn nhất của Judo thời đại đó: Mashahiko Kimura.

Từ Hiểu Đông – Ngụy Lôi chỉ là “muỗi” khi so sánh với trận đấu này.

20.000 khán giả Brazil (trong đó có Tổng thống Brazil) đã đến xem cuộc thách đấu. Ngày nay, nếu bạn chú ý theo dõi các giải đấu UFC, bạn vẫn còn thấy người Brazil cuồng nhiệt với võ thuật như thế nào. Trước khi bước vào trận đấu, Kimura cũng được đại sứ Nhật tại Brazil “nắn gân” một cách chân thành: “Nếu thua trận này, anh đừng về Nhật nữa”.

Giữa tiếng sỉ vả và khiêu khách của hàng ngàn khán giả, Kimura đã bẻ gãy tay Helio Gracie bằng đòn khóa độc nhất vô nhị mà các võ sĩ đời sau của BJJ đã dùng chính tên ông đã đặt cho nó. Quá cay đắng khi thất bại ngay trên sân nhà, Helio kiên quyết không tapout (đầu hàng), buộc Kimura phải bẻ tay Helio thêm 2 lần nữa cho đến khi xương cẳng tay gần như gãy nát, khiến các con cháu của Helio phải quăng khăn trắng xin dừng.

Xét về độ “đụng chạm” tinh thần dân tộc, có lẽ đây là trận đấu gần giống với cuộc đối đầu Từ Hiểu Đông – Ngụy Lôi nhất. Tuy nhiên, nói về độ “lỳ” thì chắc chắn Ngụy Lôi không so sánh được với huyền thoại Helio.

KIETSONGRIT (MUAY) ĐÁ GÃY CHÂN RICK ROUFUS (KICKBOXING)

Đây được mệnh danh là trận đấu khiến toàn nước Mỹ phải kính nể Muay Thái. Vào thời điểm diễn ra (1998), Muay Thái vẫn là cái tên xa lạ trên bản đồ võ thuật. Kickboxing lúc bấy giờ được người Mỹ xem như hệ thống kỹ thuật đối kháng tốt nhất, dù nó thiếu đi món “đặc sản” của Muay Thái: Lowkick (đá thấp).

Cú đấm của Từ Hiểu Đông vào mặt Ngụy Lôi không thể nào so sánh với cú đá định mệnh này, cú đá thay đổi hoàn toàn tương lai của Muay Thái trên đấu trường quốc tế.

Trước Kietsongrit, đã có những trận đấu Muay Thái – Kickboxing, nhưng hầu hết các võ sĩ từ xứ sở chùa vàng đều thua thiệt do phải đánh bằng luật Kickboxing. Kietsongrit đã có cơ hội làm nên lịch sử khi được phép dùng lowkick trong trận đấu với Rick Roufus – võ sĩ Kickboxing hàng đầu thời bấy giờ. Và đó chính là những cú low kick sảng khoái nhất lịch sử Muay Thái hiện đại.

Bị Roufus knockdown và chèn ép liên tục, Kietsongrit như con thú bị dồn vào đường cùng và chỉ còn duy nhất lá bài cứu cánh mang tên Lowkick. Và điều kỳ diệu xảy đến: lá bài đó chặt gãy từng phần sức chịu đựng của Roufus cho đến khi hoàn toàn đốn gục đại diện Kickboxing, buộc anh ta phải lên cáng thương với chiếc xương đùi nứt gãy.

Cũng từ trận đấu này mà làng võ thuật đối kháng phải nhìn nhận lại sức mạnh của Lowkick, và đồng ý mở ra thêm một luật đấu Kickboxing cho phép sử dụng Lowkick.

 WLADIMIR KLITSHKO (BOXING) VÀ HÀNH TRÌNH XÓA SỔ LỐI CHƠI “NỒI ĐỒNG CỐI ĐÁ”

Quyền Anh hạng nặng được mặc định như cuộc đối đầu của những tay đấm nồi đồng cối đá, những con bò mộng sẵn sàng lao vào nhau và lăn xả cho tới khi một người nằm xuống.

Wladimir Klitschko cũng là một con bò mộng, nhưng là một con bò mộng hiền lành theo cách đáng sợ hơn rất nhiều. Trong 20 năm tung hoành trên các sàn đài Boxing, trong đó có 11 năm thống trị những chiếc đai, Wladimir Klitschko đã viết lại định nghĩa của quyền Anh hạng nặng bằng những cú “nhồi” Jab – Straight căn bản đến mức khó chịu, cánh tay trái đa năng từ việc nhả Jab tới đánh gạt đòn và khả năng điều chỉnh nhịp trận đấu bài bản như một giáo sư. Đối với Klitshko, đó là một hành trình dài chứ không chỉ riêng một trận thách đấu. Ông đã cho Hasim Rahman “ăn” Jab tới mức nổi khùng mà vẫn phải ngoan ngoãn bị dắt mũi, đã tạt nước lạnh vào mặt David Haye và mới đây, ngay cả trong trận thua với tay đấm trẻ đầy tiềm năng Anthony Joshua, ông cũng để lại một nỗi ám ảnh cực kỳ to lớn về tính khoa học và bài bản trong lối chơi của mình.

Từ Hiểu Đông đấm 10 giây, nói rất nhiều và rồi khóa trang mạng xã hội của mình chỉ sau một tuần ăn to nói lớn. Klitschko đã một mình chống lại hàng chục tay đấm hăm he nghiền nát mình, chống lại hàng triệu fan Boxing “xôi thịt” trong gần 20 năm trời. Làm sao có thể so sánh?

GENE LEBELL (JUDO) – MILO SAVAGE (BOXING)

Gene Lebell – một trong những huyền thoại Nhu thuật đầu tiên của nước Mỹ. Nếu như gia tộc Gracie đang làm mưa làm gió tại làng grappler (chỉ chung những người tập các môn grappling như Judo, Jiujitsu) Nam Mỹ thì khi đó tại Mỹ, Judo chỉ mới ở buổi đầu gây dựng. Và tại thời điểm đó, Gene Lebell đã được mệnh danh là “cha đẻ” của làng Judo Mỹ. Ông từng dạy grappling cho Lý Tiểu Long và nhiều nguồn tin không chính thống tin rằng ông đã từng siết xỉu… Lý Tiểu Long.

Niềm kiêu hãnh của một Judoka bị đụng chạm khi nhà văn Jim Beck  (sống tại thành phố Salt Lake, bang Utah) tuyên bố sẵn sàng trả 1000 USD Mỹ cho bất cứ võ sĩ Judo nào có thể đánh bại một tay đấm Boxing (tại thời điểm đó, người dân Mỹ vẫn còn xem nhẹ khả năng của bộ môn Judo và cực kì yêu mến Boxing như một biểu tượng của sức mạnh). Gene Lebell đã chấp nhận lời thách đấu với Milo Savage – tay đấm quyền Anh đã chấp nhận lời mời của Jim Beck. Trận đấu diễn ra vào năm 1963 với luật được điều chỉnh từ cả luật Judo và Boxing, khiến nó được xem như trận MMA đầu tiên trong lịch sử loài người.

Dù chịu nhiều đòn đấm uy lực, Gene Lebell đã chiến thắng từ một cú vật ngã và siết cổ Savage đến khi ngất xỉu. Đây cũng được xem là chiến thắng mở đầu cho “kỷ nguyên” thù địch của giữa hai “thế lực” Grappler – Striker (Striker- các võ sĩ sử dụng kỹ năng đả thương đơn thuần như đấm, đá, chỏ, gối). Tuy hiện nay các võ sĩ MMA đều phải tập luyện cả 2 trường phái, tuy nhiên đa số vẫn giữ cho mình một xu hướng sở trường. Và có lẽ, cuộc đối đầu Lebell – Savage chính là mở đầu cho khái niệm “kinh điển” của những kèo đấu “Grappler – Striker”

ROYCE GRACIE VÀ UFC 1 2 4

Trong những mùa giải UFC đầu tiên (diễn ra từ năm 1993), khái niệm võ tổng hợp MMA gần như không tồn tại. UFC khi đó giống như nơi để các môn võ chứng minh mình trong một luật đấu cực kỳ thoáng, thậm chí cho phép tấn công cả… hạ bộ. Đây chính là cơ hội lớn nhất từng có trong lịch sử, nơi mà mọi môn võ đều công bằng đối đầu nhau trước ống kính truyền hình trực tiếp.

Trong hoàn cảnh đó, chàng trai Brazil đến từ gia tộc Gracie huyền thoại Royce Gracie đã dùng dùng Brazilian Jiujitsu khuất phục mọi đối thủ trong các mùa UFC 1, 2 và 4. Bằng máu của những pha đòn chấp nhận “ăn đòn” trước để tìm kiếm cơ hội vật ngã và khóa siết đối thủ, hình ảnh Royce Gracie được trọng tài giơ nắm đấm chiến thắng với bộ võ phục xộc xệch trở thành một trong những khoảnh khắc đáng nhớ nhất lịch sử võ thuật đối kháng, nơi hệ thống kỹ thuật grappling lên ngôi và gián tiếp thúc đấy hình thành sự xuất hiện của MMA.

MAURICE SMITH (KICKBOXING) VÀ MARK COLEMAN (WRESTLING)

Kể từ khi Royce Gracie dùng BJJ chiến thắng hàng chục đối thủ to cao khỏe mạnh, thời kỳ thịnh trị của ground fight được mở ra. Cùng với BJJ, Wrestling vươn lên thành một thế lực đáng gờm, bên cạnh việc nhiều võ sĩ như Bas Rutten phải học cách hài hòa mọi thứ. Tại thời điểm đó, một trận MMA mà thiếu vật ngã, thiếu những pha “giã nhau” từ ground fight được xem là “thiếu chất”.

Kickboxer huyền thoại Maurice Smith đã mở đầu lại thời hoàng kim của strking trong lồng sắt. Ngay từ trận đầu tiên chào sân UFC (1997), ông đã buộc đô vật Mark Coleman phải ngậm đắng nuốt cay, bắt đầu kỷ nguyên của như\ững striker thuần túy nhưng đã có khả năng sống sót cao hơn thời kỳ đầu của UFC – những cú đấm cú đá bắt đầu biết cách tránh bị biến thành con mồi của BJJ hay Wrestling.

Cũng từ sự ảnh hưởng này mà Maurice Smith được UFC chính thức vinh danh vào Hall of Fame – sảnh đường lưu tên những người được xem như huyền thoại của MMA.

MAYWEATHER – PACQUIAO

Sẽ là một thiếu sót lớn nếu ta không nhắc đến trận đấu huyền thoại này, cuộc đối đầu không thể hay hơn giữa trường phái phòng thủ và tấn công của làng Boxing. Nó nổi tiếng tới mức bài viết này không cần phải nhắc lại gì cả, kết quả vẫn còn nguyên đó như một vết hằn trong lòng người hâm mộ Boxing – có người thích có người không, có người buồn kẻ hài lòng. Dù sao đi nữa, nó xứng đáng được xem như một cuộc đối đầu mang tính chất rạch ròi giữa những thứ đối ngược, từ trường phái kỹ thuật cho tới tính cách của những tay đấm. Nó mang nhiều cái nhất: đầy kỹ thuật nhất, chuyên nghiệp nhất, lắm tiền nhất, và cũng nhiều tranh cãi nhất.

Phạm Vũ