Hồi ký của một chưởng môn (Phần V)

Hồi ký của một chưởng môn (Phần V) – Theo Sáng tổ vào Nam

Hồi ký của một chưởng môn (Phần IV)
Hồi ký của một chưởng môn (Phần III)

Tháng 7 năm 1954 Sáng tổ đưa gia đình vào miền Nam, lúc đó uy tín của ông đã khá lớn. Nghe tin ông vào đến Sài Gòn, các nhà văn có tiếng lúc bấy giờ trong số đó có Hồ Hữu Tường, Lê Văn Trương là ký giả của báo Đông Phương đón tiếp niềm nở. Ông Hồ Hữu Tường hỗ trợ cho thầy Lộc dạy võ tại tòa soạn báo Đông Phương ở đường Thủ Khoa Huân vào ban đêm.

Tháng 8/1945 theo chân Sáng Tổ tôi đưa mẹ và cô em út vào Nam, thế là một lần nữa gia đình tôi phải làm lại từ đầu.

Vừa bước chân xuống máy bay gia đình tôi đã được nhiều người mời tới ở nhà họ nhưng tôi từ chối. Nguyên do vì tôi đi cùng với gia đình hai người bạn, tuy không thân nhau lắm nhưng đã đi cùng với nhau từ ngoài Bắc vào đây, họ nghèo hơn tôi lại không quen ai nên tôi không muốn tách riêng.

Sau đó không bao lâu, một người quen với tôi mua căn nhà ở số 141 đường Minh Mạng (nay là Ngô Gia Tự) với giá rẻ là 70 ngàn đồng, anh mời gia đình tôi về cùng ở chung, không đòi diều kiện gì cả, ngược lại anh nhờ bố mẹ tôi trông nom hộ các con của anh. Còn nếu tôi ngại, muốn chung tiền với anh mua nhà thì trả cho anh một nửa, gia đình tôi sở hữu một nửa căn nhà.

Nếu chỉ có gia đình tôi thì không thành vấn đề, nhưng vì có thêm cả hai gia đình kia nên tôi đề nghị anh bạn cho chúng tôi thuê, lấy tiền sòng phẳng với giá như người chủ cũ trước đây cho thuê là 500 đồng một tháng. Tôi ứng ngay tiền thuê sáu tháng là 3000 đồng, sau đó xin đóng từng tháng. Anh bạn tưởng tôi đùa nhưng tôi nhất định không chịu ở nhờ, sau cùng anh đồng ý nhưng đề nghị khi nào tôi đưa cho anh đủ 35 ngàn đồng thì sẽ chia đôi căn nhà cho gia đình tôi.

  Võ sư chưởng môn tập luyện cũng võ sư
Võ sư chưởng môn tập luyện cũng võ sư

 

Thế là chúng tôi dọn về nhà đường Minh Mạng, tôi mở hiệu sách tại đây lấy tên là Nguồn Sống do mẹ tôi trông nom. Hai gia đình kia sau thời gian làm ăn khấm khá, lại được tôi phụ giúp nên họ mua được nhà trước cả tôi. Gia đình tôi sống ở đây đến năm 1968, khi đó số tiền thuê nhà vượt xa con số mà bạn tôi yêu cầu, nhưng tôi không nhận phân nửa căn nhà như anh đề nghị. Tính tôi trước nay vẫn thế. Mãi đến khi cô em út của tôi tốt nghiệp và đi dạy học, cô dành dụm được ít tiền rồi tôi phụ thêm vào một phần mới mua được đất ở đường Sư Vạn Hạnh cất nhà và chuyển về ở nơi này. Căn nhà số 31 đường Sư vạn Hạnh trước đây chỉ có hai tầng, đến năm 1992 được các võ sư miền Tây đóng góp tiền xây dựng thêm thành bốn tầng lầu và nay được sử dụng làm Tổ đường của môn phái Vovinam.

Ngay từ khi mới vào Sài Gòn, Sáng tổ đã đứng lớp dạy võ và tôi làm trợ giáo, chủ yếu dạy cho một số thanh niên. Năm 1955 lần đầu tiên Vovinam biểu diễn tại nhà hát Norodom ở đường Thống Nhứt (nay là công ty xổ số kiến thiết đường Lê Duẩn) do tôi điều khiển. Lúc đó chưa có nhiều học trò giỏi, do vậy tôi điều khiển chương trình đến màn cuối xong phải lập tức vào thay võ phục để ra biểu diễn với Phan Dương Bình. Đấy là lần biểu diễn cuối cùng của tôi, sau đó tôi nhận nhiệm vụ lãnh đạo môn phái nên theo quy định không được biểu diễn nữa.

Thời gian ở miền Bắc, tôi và hai người bạn chí cốt tuy say mê võ thuật nhưng lúc bấy giờ dạy võ không sống nổi, việc phát triển môn phái rất khó khăn vì không có cơ sở, nên chúng tôi tập trung lo buôn bán làm ăn để hỗ trợ cho Sáng Tổ toàn tâm toàn ý lo cho môn phái. Tuy vậy chúng tôi vẫn ôm mộng chờ dịp thuận tiện đứng ra thành lập võ đường riêng.

Đến khi Sáng Tổ vào Nam chỉ có mình tôi đi theo. Lúc bấy giờ Sáng Tổ tuy có uy tín, bắt đầu có nhiều môn sinh nhưng hoàn cảnh vật chất còn nhiều khó khăn nên chưa có Tổ đình hay võ đường riêng nên đành dạy lưu động hết nơi này đến nơi khác. Đặc biệt Sáng Tổ có tính nghệ sĩ, ít chú ý đến việc tổ chức qui củ lại thích bầu bạn đàm đạo với các nhà văn, nhà báo, nhà thơ thâu đêm suốt sáng. Còn tôi giống như người nội tướng, chuyên lo chuyện nội bộ.

Thời gian đầu mới vào Sài Gòn, thu nhập từ việc dạy võ của tôi chưa được nhiều, có nơi còn dạy giúp không lấy tiền, thành ra đời sống gia đình lâm vào cảnh khó khăn. Tôi vốn giỏi xoay sở, có khiếu buôn bán, nên đến lúc túng bèn tính cách làm ăn.

Thời đó vùng Xóm Mới Gò Vấp phát triển nghề làm pháo, mỗi dịp tết đến người dân thành phố tiêu thụ pháo rất nhiều. Tôi muốn đi buôn pháo nhưng vì không có vốn nên phải nghĩ ra một cách là phải sử dụng căn nhà mặt tiền đường Minh Mạng làm đại lý buôn sỉ và nhờ những người bạn làm ở các tờ báo đăng quảng cáo dùm. Thông thường gần đến tết, khoảng tháng chạp, thị trường pháo mới băt đầu sôi động. Tôi có cơ ngơi nhà cửa đàng hoàng nên được bạn hàng tin cậy hơn. Mặt khác họ ngại đến mua trực tiếp ở Xóm Mới vì ở đây là xóm lao động, nếu ứng tiền trước mà người sản xuất thình lình dọn đi nơi khác thì không biết tìm họ ở đâu.

Tôi lại tính giá rẻ, lúc bấy giờ một bánh pháo giá mua vào độ 30 đồng cho 100 cây, tôi bán sỉ chỉ có 29 đồng nghĩa là chấp nhận lỗ vốn nhưng cũng nhờ vậy mà tôi yêu cầu bạn hàng đặc cọc trước phân nửa số tiền vào tháng tám, đến cuối năm tôi mới giao hàng. Có được số tiền kha khá rồi tôi đến Xóm Mới tìm người làm pháo giỏi để hợp tác. Tôi đến gặp anh Nguyên là một người sản xuất pháo rất có uy tín, pháo đẹp và tiếng nổ giòn dã. Tôi đề nghị làm đại lý phân phối pháo và ứng trước cho anh một nửa số tiền.

Thời đó nghề làm ăn buôn bán nào cũng phải chờ đến cuối năm khi công việc mua bán nhiều mới có tiền ra tiền vào, chứ còn khoảng giữa năm thì hầu như ai cũng khó khăn. Tôi biết điều này nên lựa đúng vào tháng tám tới đề nghị ứng vốn trước thì được anh Nguyên sốt sắng đồng ý ngay.

Nhưng không ngờ một tuần lễ sau đó khu Xóm Mới bị một trận hỏa hoạn lớn, toàn bộ nhà cửa tại khu vực dân làm pháo bị cháy ra tro. Tôi nghe tin dữ vội đến xem tình hình thì thấy nhà anh Nguyên bị cháy hết không còn gì. Khi đó tôi mới biết không phải anh chỉ nhận tiền của mình tôi mà còn của vài người khác nữa. Chủ nợ đến đòi tiền , anh ta nói liều :

– Bây giờ các ông có bỏ tù tôi thì tôi đành chịu chứ tôi không có tiền trả cho các ông đâu.

Chờ cho mọi người về hết tôi nói với anh :

– Anh đừng ngại, tôi chỉ đến thăm anh thôi. Tôi không đòi lại số tiền đã ứng, coi như giúp đỡ anh trong cơn hoạn nạn.

Anh Nguyên vô cùng mừng rỡ, tôi nói thêm :

– Anh có muốn làm tiếp không thì tôi giúp vốn.

Anh lại càng cảm động hơn. Trước đây anh làm pháo có tiếng tăm, hỏi tiền ai cũng dễ, nhưng nay chẳng ai chịu đưa tiền cho anh vì người ta không tin nữa.

– Ông giúp được thì cháu đội ơn, cháu muốn làm lại nhưng bây giờ ai mà chịu đưa tiền cho cháu.

Tôi hứa tuần sau sẽ mang tiền lên cho anh. Sau vụ cháy, mặt hàng pháo lên giá, tăng đến 40 đồng thay vì 30 như trước đây. Tôi nhờ bạn bè đăng báo quảng cáo lần nữa, giá pháo lên 40 đồng thì tôi chỉ bán 38, 39 đồng. Bạn hàng đổ xô đến đặt cọc được mấy chục ngàn, vậy là tôi có tiền đưa cho anh Nguyên.

Cũng như lần trước tôi giúp cho ông chú hàng xóm một số tiền lớn, lần này tôi cũng nổi tiếng trong giới làm pháo. Lúc bấy giờ cả làng pháo ở Xóm Mới nhiều người không còn vốn để sản xuất, cung ít cầu nhiều nên tôi lợi to, lấy lại cả vốn mà còn được lãi nhiều. Anh Nguyên cảm động về cách cư xử của tôi nên giao cho tôi độc quyền. Đặc biệt lúc này những người bên họ ngoại tôi ngoài Bắc mới vào phần đông còn nghèo, tôi biếu pháo cho vài cụ bán lẻ cũng có tiền tiêu nên càng quý tôi.

Thật ra trong việc này cũng nhờ may mắn một phần, chứ hồi đó mà thêm một đám cháy nữa thì bản thân tôi cũng khốn đốn theo. Sau đợt này tôi mua được chiếc xe Lambretta đầu tiên kể từ khi vào Sài Gòn.

Theo Chauminhhayblog