Vovinam Việt Võ Đạo hướng đến Lễ tưởng niệm Sáng tổ Nguyễn Lộc lần thứ 62

Theo truyền thống, từ trên 60 năm qua, vào những ngày cuối tháng 3, bước sang đầu tháng 4 âm lịch, tất cả môn đồ Vovinam Việt Võ Đạo trong và ngoài nước đều cùng nhau thành tâm tưởng nhớ, tri ân vị Sáng tổ môn phái cùng các môn đồ kế nghiệp đã vĩnh viễn đi xa… Hướng đến Mùa Tưởng niệm lần thứ 62 (1960-2022), chúng ta cùng nhau nhìn lại một số cột mốc quan trọng trong hành trình 84 năm qua (1938-2022).

Chân dung Sáng tổ NGUYỄN LỘC (1912-1960) – tôn sư võ thuật, sáng lập môn võ Vovinam.

Ngược dòng quá khứ, vào thập niên 1930, người dân Việt Nam còn bị thực dân Pháp đô hộ, tầng lớp thanh niên lúc bấy giờ không có nhiều lựa chọn, trong đó có việc bị lôi cuốn vào phong trào phóng đãng phương Tây. Là một thanh niên đương thời – lớn lên tại Hà Nội, ông Nguyễn Lộc đã chọn con đường Cách mạng Tâm Thân – một phương cách rèn luyện và tu dưỡng để có thân thể khỏe mạnh, tâm hồn cao thượng hầu vươn đến lối sống thanh cao, sáng đẹp.

Sáng tổ Nguyễn Lộc và các môn đệ (khoảng 1955) trước Trung tâm Huấn luyện Hiến binh (Thủ Đức)

Sinh ngày mồng 8 tháng 4 năm Nhâm Tý (24/5/1912) tại làng Hữu Bằng, huyện Thạch Thất, tỉnh Sơn Tây, nay thuộc thủ đô Hà Nội, ông Nguyễn Lộc là trưởng nam trong gia đình có 5 anh em. Năm 1945, ông Nguyễn Lộc lập gia đình cùng cô Nguyễn Thị Minh (1925-2015) và có 9 người con (3 trai, 6 gái).

Chưởng môn Lê Sáng (1920-2010).

Với thiên năng và ước vọng lớn lao như vậy, ông đã hoàn thành cuộc nghiên cứu Vovinam vào năm 1938. Ngót 1 năm sau, ông đưa lớp môn sinh đầu tiên biểu diễn ra mắt công chúng tại Nhà hát Lớn Hà Nội vào mùa thu năm 1939. Mùa xuân năm 1940, lớp Vovinam công khai đầu tiên được khai giảng tại Trường Sư phạm. Những năm sau, tuy có lúc bị chính quyền bảo hộ cấm cản hoặc phân tán do thời cuộc, nhưng Vovinam vẫn được quảng bá rộng rãi, tạo tiếng vang ở Hà Nội và một số tỉnh lân cận,…

Chưởng môn Lê Sáng và một số võ sư cao đẳng (hàng đầu) trong Lễ Tưởng niệm Sáng tổ

Giữa năm 1954, VS Nguyễn Lộc và một số môn đệ vào Sài Gòn. Sau khi biểu diễn giới thiệu Vovinam tại rạp Norodomme vào đầu năm 1955, VS Nguyễn Lộc mở lớp tại đường Thủ Khoa Huân và cử môn đệ huấn luyện ở một số nơi khác. Trong lúc công việc quảng bá Vovinam ở vùng đất mới chỉ mới bắt đầu và còn nhiều khó khăn, đau buồn thay, VS Nguyễn Lộc lại sớm từ giã cõi đời vào ngày mồng 4, tháng 4, năm Canh Tý (29/4/1960) và được an táng tại nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi (Sài Gòn), để lại cho dân tộc một sự nghiệp võ học quý giá. Bên cạnh đó, Sáng tổ Nguyễn Lộc còn lưu lại nơi gia đình, bè bạn và các môn đệ một tấm gương về nhân cách và đạo đức cao đẹp. Trước lúc vĩnh viễn đi xa, Sáng tổ Nguyễn Lộc đã trao nhiệm vụ lãnh đạo môn phái lại cho VS trưởng Lê Sáng. Hiện di cốt Sáng tổ được bảo quản tại Tổ đường (số 31, đường Sư Vạn Hạnh, Quận 10, TP.HCM).

Võ sư Trần Huy Phong (1938-1997_ Chưởng môn 1986-1990)

Tháng11/1960, nhân VS Phạm Lợi (môn Judo) tham gia đảo chính, chế độ Sài Gòn đã hạn chế các võ phái hoạt động. Tuy nhiên, Vovinam vẫn khéo léo tìm cách mở lớp tại một số trường tư thục như Hồ Vũ, Thăng Long, Saint Thomas,… do VS Trần Huy Phong và Nguyễn Văn Thư hướng dẫn. Sau cuộc lật đổ Ngô Đình Diệm vào ngày 1/11/1963, các võ phái ở Sài Gòn được phép hoạt động trở lại, VS trưởng Lê Sáng tập hợp các VS Trần Huy Phong, Nguyễn Văn Thư, Nguyễn Văn Thông, Mạnh Hoàng, Phan Quỳnh,… để hình thành Ban chấp hành (BCH) môn phái đồng thời lên kế hoạch khôi phục Vovinam từ khoảng đầu năm 1964.

Chánh Chưởng quản Nguyễn Văn Chiếu (1949-2020)

Võ đường đầu tiên thời kỳ khôi phục và phát triển đặt tại số 61 đường Vĩnh Viễn (Quận 10, Sài Gòn). Lúc đó, BCH môn phái đã soạn thảo Quy lệ và xây dựng phương hướng phát triển. Dựa trên tư tưởng, kỹ thuật của Sáng tổ truyền lại, Chưởng môn Lê Sáng và vài VS cao đẳng đã xác lập chương trình giảng huấn võ đạo, huấn luyện võ lực và võ thuật theo từng cấ (sơ đẳng, trung đẳng, cao đẳng, thượng đẳng). Chiếc áo thun ba lổ và quần đùi mà võ sinh đã mặc từ trước được thay thế bằng bộ võ phục màu xanh da trời. Hệ thống kỹ thuật cũng dần dần được bổ sung thêm một số đòn thế mới, trong đó có thái dụng tinh hoa của một số võ phái khác.

Ban chấp hành môn phái trước võ đường Hùng Vương 1969

Bằng hoạt động năng nổ, sáng tạo của BCH môn phái, Vovinam đã thu hút được sự chú ý của nhiều giới và các võ đường khác dần dần xuất hiện như Chân Phước Liêm, Trần Hưng Đạo, Cao Thắng, Hoa Lư… Năm 1966, Vovinam được Bộ Giáo dục ở Sài Gòn mời cộng tác thực hiện chương trình “Học đường mới” với 4 thí điểm: Trung học Trương Vĩnh Ký, Gia Long, Chu Văn An, Trưng Vương. Và cũng từ năm này, danh xưng Vovinam được bổ sung thành Vovinam Việt Võ Đạo để thanh, thiếu niên chú trọng đến tinh thần dân tộc khi luyện võ hầu phấn đấu rèn luyện bản thân cả 3 phương diện: Tâm, Trí, Thể. Sau đó, một số trường trung học công lập và tư thục lớn tại Sài Gòn lúc bấy giờ đều có lớp tập ngoại khóa.  

Hội đồng Võ sư Chưởng quản

Từ năm 1967-1968, hàng loạt VS, huấn luyện viên (HLV) được đưa đi xây dựng phong trào ở hầu hết các tỉnh, thành miền Nam. Ngoài thanh, thiếu niên, sinh viên, học sinh, Vovinam còn mở lớp cho một số đối tượng khác như: công chức, quân nhân, tu sĩ,… Đến khoảng cuối năm 1967, võ đường 61 Vĩnh Viễn dời đến số 30 Trần Hoàng Quân (nay là 31 Sư Vạn Hạnh, Quận 10, TP.HCM) và là trung tâm điều hành tất cả hoạt động của môn phái. Nhiều sách, đặc san do Ban Nghiên cứu Việt Võ Đạo biên soạn và những bài hát do môn sinh, thân hữu sáng tác đã được xuất bản trong giai đoạn này. Hằng năm, vào dịp Lễ Tưởng niệm Sáng tổ, đại diện các tỉnh đã tập trung về Sài Gòn dự lễ, tập huấn, thi cử, cắm trại, tạo thành truyền thống tốt đẹp.

Cổng nhà thờ họ Nguyễn Đình ở xã Hữu Bằng, huyện Thạch Thất
Đình làng Hữu Bằng được xây dựng đã trên 300 năm

Có thể khẳng định, giai đoạn 1964-1975 là thời kỳ phát triển nhảy vọt của môn phái, qua đó xác định được vị thế trong làng võ miền Nam Việt Nam. Và theo chân các du học sinh, Vovinam xuất hiện ở Pháp, Ý, Đức, Thụy Sĩ,… vào đầu thập niên 1970. Người có công dựng cột mốc đầu tiên để phát triển Vovinam ra quốc tế (1973) là Giáo sư Tiến sĩ Phan Hoàng.

Cắm trại nhân Lễ Tưởng niệm Sáng tổ trước năm 1975
Lễ ra mắt tân Ban chấp hành Tổng cục huấn luyện 1974

Gần 1 năm sau ngày thống nhất đất nước, VS Nguyễn Văn Chiếu đã tập hợp một số VS, HLV về Quận 8 (TP.HCM) ôn luyện. Sau đó, VS Trần Huy Phong cũng tham gia huấn luyện. Ngày 15/12/1978, được sự chấp thuận của Sở Thể dục Thể thao (TDTT) TP.HCM và Ủy ban nhân dân Quận 8, lớp Vovinam chính thức khai giảng tại tụ điểm hồ bơi Hòa Bình (Quận 8). Trong khoảng thời điểm này hoặc sau đó, một số tỉnh, thành ở phía Nam cũng bắt đầu vượt qua nhiều khó khăn để tái lập phong trào. Đầu thập niên 1990, môn phái cũng bổ sung lần thứ hai vào chương trình huấn luyện một số bài quyền tay không và binh khí, giúp cho hệ thống bài bản, kỹ thuật đa dạng và phù hợp với nhiều đối tượng.

50 năm Vovinam Đông Nam bộ (1969-2019)
50 năm Vovinam Đồng bằng sông Cửu Long (1969-2019)

Trên đường xã hội hóa, VS Trần Huy Phong, VS Nguyễn Văn Chiếu biên soạn luật thi đấu Vovinam và Tổng cục TDTT đã cho Vovinam tổ chức Giải vô địch toàn quốc lần đầu tiên vào tháng 12/1992 tại TP.HCM. Ở các tỉnh phía Bắc, tuy khôi phục muộn hơn các tỉnh phía Nam, nhưng phong trào cũng nhanh chóng hòa nhịp cùng cả nước. Năm 2002, Vovinam góp mặt trong Đại hội TDTT toàn quốc. Bên cạnh các giải vô địch, trẻ, cúp các CLB toàn quốc được tổ chức hàng năm, Vovinam còn nằm trong chương trình thi đấu các kỳ Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc từ năm 2008. Ngày 21/7/2010, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đưa Vovinam vào hoạt động thể thao ngoại khóa trong trường học. Đến năm 2017, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức Giải học sinh toàn quốc và 2018 đã tổ chức thêm Giải sinh viên toàn quốc theo định kỳ hàng năm.   

Gia đình Vovinam sau giải vô địch thế giới 2009

Tháng 10-2007, Đại hội thành lập Liên đoàn Vovinam Việt Nam (VVF) tổ chức tại TP.HCM. Tiến sĩ Lê Quốc Ân đảm nhận chức vụ Chủ tịch VVF nhiệm kỳ I và II (2007-2017), tiến sĩ Mai Hữu Tín nhận nhiệm vụ Chủ tịch VVF nhiệm kỳ III (từ 2017 đến nay).     

Năm 2010, trước khi qua đời, Chưởng môn Lê Sáng đã thành lập 2 tổ chức: Hội đồng Võ sư Chưởng quản và Hội đồng Võ sư Tương trợ hải ngoại. Trong đó, Hội đồng Võ sư Chưởng quản là tổ chức cao nhất của môn phái, chịu trách nhiệm điều hành môn phái. Hội đồng Võ sư Chưởng quản do VS Nguyễn Văn Chiếu làm Chánh chưởng quản.

Kỳ thi do Tổng Liên đoàn Vovinam Việt Võ Đạo Thế giới tổ chức năm 2015

Về quá trình hội nhập quốc tế, nhân chào mừng 300 năm Sài Gòn – TP.HCM (1698-1998) và kỷ niệm 60 năm thành lập môn phái, Hội Việt Võ Đạo TP.HCM đã tổ chức Hội diễn Vovinam quốc tế lần 1 (20/7/1998) tại Nhà thi đấu Phan Đình Phùng (Quận 1). Năm 2008, Đại hội thành lập Liên đoàn Vovinam Thế giới (WVVF) được tổ chức tại TP.HCM. Lễ ra mắt BCH WVVF và trao tặng Kỷ niệm chương nhân kỷ niệm 70 năm thành lập môn phái đã diễn ra tại Nhà thi đấu Nguyễn Du (Quận 1). Giáo sư tiến sĩ Nguyễn Danh Thái được bầu làm Chủ tịch WVVF từ 2008 đến 2018. Từ 2018 đến nay, tiến sĩ Mai Hữu Tín làm Chủ tịch WVVF.

Lễ kỷ niệm 70 năm thành lập môn phái

Với sự hỗ trợ tích cực của ngành TDTT Việt Nam, các cơ quan chức năng và nỗ lực của WVVF cùng VVF, Vovinam được đưa vào chương trình thi đấu Đại hội Thể thao châu Á trong nhà (Asian Indoor Games) lần 3-2009 tại TP.HCM và lần lượt hiện diện tại SEA Games (Đại hội Thể thao Đông Nam Á) lần thứ 26-2011 ở Indonesia và lần thứ 27-2013 ở Myanmar, Asian Beach Games (Đạu hội Thể thao bãi biển châu Á) lần 5-2016 tại Đà Nẵng và Đại hội Thể thao sinh viên Đông Nam Á lần thứ 19-2018 tại Myanmar,… Năm 2018, Vovinam tổ chức Lễ kỷ niệm 80 năm thành lập môn phái (1938-2018) tại TP.HCM. Và sau 3 kỳ lỗi hẹn, Vovinam hiện diện ở SEA Games 31-2021 (được dời sang tổ chức vào trung tuần tháng 5/2022, vì dịch bệnh COVID-19). Nhiều khả năng, Vovinam sẽ góp mặt tại SEA Games 32-2023 do Campuchia tổ chức, vì Vovinam là thế mạnh của thể thao nước này. Và cũng vào tháng 6/2023, Vovinam sẽ hiện diện trong chương trình thi đấu chính thức của Đại hội Thể thao học sinh Đông Nam Á tổ chức tại thành phố Đà Nẵng.

Hội nghị Ban chấp hành WVVF 2019
Đại hội thành lập Liên đoàn Vovinam châu Phi

Hiện nay, Vovinam đang có mặt ở 70 quốc gia và vùng lãnh thổ khắp 5 châu. Một số tổ chức Vovinam châu lục hoặc khu vực (thuộc WVVF) được hình thành như: Liên đoàn Vovinam châu Á, châu Âu, châu Phi, Đông Nam Á, Nam Á và khối Ả rập. Từ việc hình thành các Liên đoàn châu lục và khu vực, Giải vô địch thế giới (WVVF) và một số giải vô địch châu Âu, châu Á, châu Phi, Đông Nam Á, Nam Á đã được tổ chức định kỳ 2 năm/lần hoặc các giải vô địch quốc gia từ nhiều công sức đóng góp của các môn sinh người nước ngoài.

Do hoàn cảnh lịch sử, Vovinam cũng còn có vài tổ chức khác. Năm 1996, VS Trần Huy Phong và một số VS ở nước ngoài đã thành lập Hội đồng VS lãnh đạo môn phái và Tổng Liên đoàn Vovinam Việt Võ Đạo Thế giới. Bên cạnh đó còn có một số tổ chức hoặc Câu lạc bộ (CLB) sinh hoạt riêng lẻ. Dù vậy, tất cả đều hướng đến mục tiêu chung là giúp mọi người có thêm phương cách rèn luyện sức khỏe và tinh thần.

Đại hội HĐVSTTHN lần 5-2019

Riêng VVF, trong nhiệm kỳ 2017-2021, BCH đã cùng với Hội đồng Võ sư Chưởng quản, các Liên đoàn/ Hội/Bộ môn tổ chức các kỳ thi thăng cấp, các giải thi đấu trong hệ thống quốc gia, biên soạn và phát hành một số tập sách như: Vovinam Việt Võ Đạo – Hành trình 80 năm (bản tiếng Việt năm 2018, bản dịch sang tiếng Anh năm 2019), Tiếp bước Sáng tổ (tập 1, năm 2020; tập 2 năm 2021), thành lập Ủy ban Kỹ thuật (năm 2021) và đã hoàn thành băng ghi hình kỹ thuật chuẩn chương trình Sơ đẳng (Tự vệ nhập môn, Lam đai I cấp, Lam đai II cấp, Lam đai III cấp),…Trong thời gian qua, chúng ta cũng ghi nhận Tổng Liên đoàn Vovinam Việt Võ Đạo Thế giới đã đóng góp một số tập sách về lịch sử môn phái và kỹ thuật.

Trước xu thế phát triển của thời đại, mọi tổ chức, hoạt động đều phải đổi mới để tồn tại. Từ tháng 11/2017, Võ nhạc Vovinam đã chào đời tại TP.HCM và đang được phổ biến trong học đường (chính khóa, ngoại khóa) tại 40 tỉnh, thành, đồng thời lan tỏa đến một số nước.

Ban chấp hành VVF nhiệm kỳ II (Ảnh Vân Linh)

Đặc biệt, tuy phải chịu ảnh hưởng dịch bệnh COVID 19 trong 2 năm qua, nhưng những khi điều kiện cho phép, các CLB, các tổ chức Vovinam trong và ngoài nước đều mở lớp, tập huấn, tổ chức thi đấu, củng cố tổ chức… Sắp tới, VVF sẽ hình thành đội Tình nguyện viên gồm một số VS, HLV trẻ, có năng lực tốt được trang bị ngoại ngữ tham gia huấn luyện cho các nước có nhu cầu,…

Tám mươi tư năm là chặng đường ngắn ngủi, dù vậy Vovinam đã có những đóng góp nhất định vào phong trào võ thuật Việt Nam và thế giới. Với hệ thống kỹ thuật mang tính dân tộc, khoa học, thực dụng, sáng tạo cùng với triết lý nhân sinh thượng võ và tấm lòng xả kỷ, Vovinam đã góp phần giới thiệu đất nước và con người Việt Nam với cộng đồng quốc tế.

SEA Games 26-2011 trước phút chia tay

Tính từ thời điểm này, chỉ còn 16 năm nữa, Vovinam sẽ tròn 100 tuổi, các tổ chức Vovinam cần chung tay xây dựng hình ảnh và định vị 90 năm, 100 năm Vovinam trong nền văn hóa, võ học Việt Nam và võ học thế giới. Hiện nay, nội bộ đang có hiện tượng phân hóa, thế nên sự định vị cũng như một số vấn đề liên quan đến tổ chức điều hành môn phái, hệ thống kỹ thuật, quy chế thi cử, luật thi đấu, nâng tầm đội ngũ quản lý, huấn luyện, nâng cao chất lượng phong trào, xây dựng Học viện Vovinam toàn cầu và thời điểm Vovinam hiện diện ở Asian Games (Đại hội Thể thao châu Á),… rất cần sự chung tay hợp lực và phát huy trí tuệ nhiều hơn nữa của tất cả môn đồ Vovinam toàn thế giới. Mặt khác, tiếp tục giáo dục tinh thần võ đạo – Sống, để người khác sống và sống cho người khác – cho các môn sinh, vận động viên cũng là một thách thức không nhỏ.

Một số thành viên Hội đồng Võ sư Chưởng quản và Ủy ban Kỹ thuật khảo sát băng hình Kỹ thuật Vovinam chương trình Sơ đẳng

Nhân Mùa Tưởng niệm Sáng tổ Nguyễn Lộc lần thứ 62 và Hội đồng Võ sư Chưởng quản, WVVF, VVF chuẩn bị phát hành băng hình hệ thống kỹ thuật Vovinam Việt Võ Đạo chuẩn (chương trình Sơ đẳng), chúng ta thành kính thắp nén tâm hương tưởng nhớ và tri ân Sáng tổ Nguyễn Lộc (1912-1960), Chưởng môn Lê Sáng (1920-2010), VS Trần Huy Phong (1938-1997), VS Nguyễn Văn Chiếu (1949-2020) cùng quý môn đồ Vovinam đã quá vãng… Đồng thời, chúng ta gửi lời cảm ơn cùng lời chào Việt Võ Đạo đến tất cả quý thân hữu, đồng môn khắp năm châu – những người đã và đang âm thầm vượt qua rất nhiều gian khó, cống hiến tài năng, công sức để nâng tầm  Vovinam Việt Võ Đạo.

Ban tổ chức và Trọng tài giải vô địch Vovinam các đội mạnh toàn quốc 2021

 Hạ tuần tháng 3 năm Nhâm Dần-2022

Hội đồng Võ sư Chưởng quản

Liên đoàn Vovinam Việt Nam

Nguồn: giaitri.thoibaovhnt.com.vn | Copy Link