(VoThuat.vn) – Mùa hè năm 1973 khi những cơn mưa đầu mùa Nam Bộ bắt đầu đổ xuống thị xã nhỏ của tỉnh Long An, cư dân ở đây cảm thấy lạ lẫm khi xuất hiện một lớp võ với những chàng trai cô gái mang bộ võ phục màu xanh nước biển trong khuôn viên Nhà thờ Công giáo tỉnh.

Vovinam huyện Cần Đước, tỉnh Long An

Theo các di chỉ khảo cổ học, ngay từ thời cổ đại, Long An đã là địa bàn quan trọng của vương quốc Phù Nam – Chân Lạp. Khi Nguyễn Hữu Cảnh vào khai phá miền Nam, đất Long An thuộc phủ Gia Định. Thời Minh Mạng, đất Long An thuộc tỉnh Gia Định. Đầu thời Pháp thuộc, Nam Kỳ được chia thành 21 tỉnh, đất Long An nằm trong địa bàn 2 tỉnh Tân An và Chợ Lớn.

Ngày 22-10-1956, chính quyền Sài Gòn lập tỉnh Long An trên cơ sở sáp nhập hai tỉnh Chợ Lớn và Tân An. Tỉnh lỵ đặt tại Tân An, về mặt hành chánh thuộc xã Bình Lập, quận Châu Thành.

Năm 1976, tỉnh Long An hợp nhất với tỉnh Kiến Tường và 2 quận Đức Hòa, Đức Huệ của tỉnh Hậu Nghĩa thành tỉnh Long An mới. Toàn bộ đất của tỉnh Kiến Tường cũ trở thành huyện Mộc Hoá của tỉnh Long An. Cùng năm, xã Bình Lập, huyện Châu Thành được tách ra để thành lập thị xã Tân An – thị xã tỉnh lỵ tỉnh Long An. Tỉnh Long An lúc đó gồm thị xã Tân An và 9 huyện: Bến Lức, Cần Đước, Cần Giuộc, Châu Thành, Đức Hoà, Đức Huệ, Mộc Hoá, Tân Trụ, Thủ Thừa.

Hiện nay, tỉnh Long An có 15 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm thành phố Tân An, thị xã Kiến Tường và các huyện: Bến Lức, Cần Đước, Cần Giuộc, Châu Thành, Đức Hoà, Đức Huệ, Mộc Hoá, Tân Hưng, Tân Thạnh, Tân Trụ, Thạnh Hoá, Thủ Thừa, Vĩnh Hưng.

Với diện tích 4.494,93 km², tính đến 1-4-2019, dân số Long An là 1.688.547 người, trong đó 271.580 người sống ở thành thị (16%) và 1.416.967 người sống ở nông thôn (84%), mật độ 376 người/km².

Long An – cửa ngõ miền Tây Nam Bộ

Mùa hè năm 1973 khi những cơn mưa đầu mùa Nam Bộ bắt đầu đổ xuống thị xã nhỏ của tỉnh Long An, cư dân ở đây cảm thấy lạ lẫm khi xuất hiện một lớp võ với những chàng trai cô gái mang bộ võ phục màu xanh nước biển trong khuôn viên Nhà thờ Công giáo tỉnh.

Lớp Vovinam Việt Võ Đạo đầu tiên trên địa bàn tỉnh Long An do HLV Hoàng đai III cấp Đặng Ngọc Thọ (quê gốc ở Tuy Hòa, Phú Yên, tập Vovinam ở Nha Trang, sinh năm 1948, qua đời ngày 3-2-2018) khai giảng tại sân Trường Trung học tư thục Thánh Mẫu (trong khuôn viên Nhà thờ Công giáo của tỉnh), được đặt tên là “Võ đường 1”. Lớp tập này có khoảng 50 thanh thiếu niên tham gia, chủ yếu là học sinh các trường trung học, tiểu học trên địa bàn thị xã Tân An.

Khoảng 3 tháng sau, lại có một lớp mới được khai giảng tại đây. Sang năm 1974, “Võ đường 2” được khai giảng ở góc ngã tư giao lộ đường Nguyễn Huỳnh Đức và đại lộ Thống Nhất (nay là đường Nguyễn Trung Trực và Trương Công Định), địa điểm này là nhà riêng của một hộ gia đình, Ban huấn luyện thuê tầng trệt để mở lớp.

Song song đó, HLV Đặng Ngọc Thọ còn mở rộng địa bàn hoạt động đến các quận trong tỉnh như: Thủ Thừa, Bến Lức, Cần Giuộc, Bình Phước (nay là huyện Châu Thành).

Lễ khai giảng khóa 1 năm 1982- hàng đứng từ trái qua Nguyễn Văn Hóa – Nguyễn Thế Hùng – Nguyễn Thanh Phương – Tôn Thọ Nhân – Hàng ngồi từ trái qua Anh Tài (Công an thị xã Tân An)- Anh Nhuế CB phòng TDTT thị xã Tân An- XXXX- Châu Ngọc Thao.

Phong trào Vovinam ở Long An có các HLV khác tham gia như Thái Quý Hưng, Phan Văn Bửu, Sơn Khê, Huỳnh Lâm… Vào những buổi sáng Chủ nhật hàng tuần, các môn sinh được tập trung về “Võ đường 1” để tham gia sinh hoạt, hoặc luyện tập thêm. Một kỷ niệm đáng nhớ, năm 1974, hơn 100 môn sinh Vovinam Tân An đã đi cắm trại tại bãi biển Thùy Vân (Vũng Tàu).

Tuy dụng cụ tập luyện so với hiện nay còn thiếu rất nhiều, nhất là không có thảm (tapie), chỉ tập trên nền ciment hoặc gạch bông, nhưng tất cả môn sinh vẫn ôn luyện hăng say. Những khi tham gia biểu diễn, có lúc trên sân đá đỏ, nhưng với lòng nhiệt huyết của tuổi trẻ và kỹ thuật té ngã thành thạo, các môn sinh Vovinam Tân An đã biểu diễn thành công (các môn sinh đi biểu diễn lúc đó đều ở trình độ Sơ đẳng, cao nhất là Lam đai III cấp).

Tuy nhiên, vì thời cuộc nên phong trào Vovinam ở Long An đã tạm ngưng hoạt động từ đầu tháng 3-1975.

Vài tháng sau ngày thống nhất đất nước 30/4/1975, võ sư Đặng Ngọc Thọ trở lại thị xã Tân An cùng với các môn sinh cũ làm nòng cốt mở lớp nhưng được một thời gian rất ngắn rồi lại tạm dừng.

Thẻ môn sinh cấp năm 1974

Đến năm 1982, môn sinh Trần Văn Thừng (Vovinam Long An) lúc đó giữ chức vụ Phó bí thư Thị đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh thị xã Tân An muốn xây dựng phong trào luyện tập TDTT cho thanh thiếu niên thị xã cũng như nhằm phát triển môn phái (thời điểm đó trên địa bàn thị xã Tân An không có lớp võ nào được công khai hoạt động) nên đã chủ động mời võ sư Thái Quý Hưng về mở lớp tập huấn cho các môn sinh cũ.

Tham dự lớp tập huấn này gồm: Nguyễn Thế Hùng (sinh năm 1958, Phó phòng Kế hoạch Sở Xây dựng tỉnh Long An), Tôn Thọ Nhân (sinh năm 1958, Quản đốc phân xưởng Sửa chữa của Xí nghiệp Sửa chữa ô tô Long An), Châu Ngọc Thao (sinh năm 1956, bộ đội vừa xuất ngũ), Nguyễn Văn Hóa (sinh năm 1956, giáo viên Trường THCS Trần Phú, thị xã Tân An), Nguyễn Thanh Phương (sinh năm 1960, cán bộ kỹ thuật Ban Nông nghiệp thị xã Tân An). Lớp tập huấn tổ chức tại văn phòng Thị đoàn Tân An (đường Nguyễn Đình Chiểu, phường 1, thị xã Tân An, nay là thành phố Tân An).

Mặt khác, môn sinh Trần Văn Thừng đã trực tiếp bảo lãnh, xin phép UBND thị xã Tân An cho mở lớp huấn luyện Vovinam cho thanh thiếu niên thị xã Tân An. Lớp được tổ chức tại Trường Trung học Nguyễn Trung Trực, đường Lý Công Uẩn, phường 1, thị xã Tân An. Trước ngày 30-4-1975, trường này có kết cấu 1 trệt 2 lầu, 1 sân thượng của người Hoa sống ở thị xã Tân An xây dựng cho con em người Hoa học văn hóa, mang tên Trường tư thục Nhân Đạo, hiện nay là trường Mẫu giáo Sơn Ca.

Lớp tập đầu tiên được khai giảng vào tháng 5-1982. HLV trực tiếp đứng lớp gồm: Tôn Thọ Nhân, Châu Ngọc Thao, Nguyễn Thanh Phương, Nguyễn Thế Hùng (đã qua đời năm 2017) và Nguyễn Văn Hóa. Sau 3 tháng tập luyện, khóa thi đầu tiên từ khi tái lập phong trào của tỉnh Long An được tổ chức với 140 thí sinh. Ban giám khảo gồm các HLV đến từ TPHCM như Thái Quý Hưng, Lê Huy Hoàng (Phòng TDTT Quận 6, TPHCM), Phan Văn Bửu (Điện lực tỉnh Long An).

Vovinam huyện Bến Lức, tỉnh Long An

Khoảng tháng 8-1982, Thị đoàn Tân An tổ chức biểu diễn giới thiệu môn võ Vovinam cho đoàn viên khối công nhân viên chức thị xã Tân An tại hội trường Văn phòng Thị ủy Tân An. Cùng thời điểm này, UBND thị xã Tân An đã ra quyết định chính thức thành lập CLB võ thuật trên địa bàn thị xã Tân An.

Tháng 9-1982, Long An tổ chức mitting mừng ngày Quốc khánh 2/9 tại sân vận động tỉnh Long An, có hơn 10.000 người tham dự, Vovinam đã được tham gia biểu diễn tại đây. Lực lượng biểu diễn gồm các HLV của Long An (Nhân, Thao, Hùng, Hóa, Phương) và hơn 15 HLV đến từ TPHCM.

Tháng 12-1982, lớp võ dời về Trường Tiểu học Võ Thị Sáu (đường Cách mạng tháng 8, phường 1, thị xã Tân An), số võ sinh chỉ còn hơn 80 em. Thời gian này có thêm HLV Nguyễn Văn Ngưu (tập Vovinam trong quân đội Sài Gòn, Hoàng đai I cấp) tham gia đứng lớp.

Trong năm 1983, Thị đoàn Tân An phối hợp cùng Chi đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Công an thị xã Tân An tổ chức lớp huấn luyện võ thuật cho lực lượng đoàn viên Công an thị xã Tân An, các HLV như Nguyễn Thanh Phương, Tôn Thọ Nhân, Nguyễn Thế Hùng đã tham gia đứng lớp. Do các HLV bận công tác chuyên môn của đơn vị mình nên lớp chỉ duy trì đến cuối năm 1983 thì dừng.

Năm 1988, Vovinam đã khai giảng khóa đầu tiên trong Nhà Thiếu nhi tỉnh Long An do HLV Nguyễn Văn Hóa đứng lớp (theo hình thức cộng tác viên), các HLV khác vì nhiều lý do riêng đã ngưng hoạt động.

HLV Nguyễn Văn Hóa đứng lớp đến năm 1990 thì giao lại lớp cho học trò là Nguyễn Hoàng Lang. Lúc này, tỉnh Long An chỉ còn 1 CLB Vovinam hoạt động tại Nhà Thiếu nhi tỉnh.

Học trò Vovinam huyện Tân Hưng, tỉnh Long An

Cũng trong năm 1990 để đảm bảo lớp Vovinam hoạt động tốt hơn, Ban giám đốc Nhà Thiếu nhi Long An đã chuyển lớp Vovinam cho 2 HLV Huỳnh Văn Giảng và Lý Quang Xuân phụ trách.

Đến năm 1991, HLV Nguyễn Thanh Phương trở lại tham gia hoạt động ở Nhà Thiếu nhi tỉnh cùng với 2 HLV Giảng và Xuân. Nhưng năm 1992, HLV Lý Quang Xuân ngưng hoạt động và phong trào Vovinam Long An nói chung phát triển chậm.

Năm 1997, HLV Nguyễn Tấn Công mở lớp ở xã Long Thượng, huyện Cần Giuộc. Năm 1999, HLV Nguyễn Tấn Công rời Cần Giuộc đến thị trấn Mộc Hóa mở lớp. Năm 2000, HLV Nguyễn Tấn Công rời Mộc Hóa, đến thị trấn Vĩnh Hưng khai giảng lớp mới, lớp duy trì khoảng 1 năm thì giải tán.

Khoảng cuối thập niên 1990, lớp tập miễn phí dành cho học sinh trường Khuyết tật tỉnh Long An (đường Sương Nguyệt Anh) hoạt động được 2 năm.

Năm 2001 HLV Nguyễn Hoàng Huy mở lớp Vovinam tại quê nhà huyện Đức Hòa, tỉnh Long An, lớp được duy trì đến năm 2003.

Vovinam xã Phước Lý, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An

Ở tại thị xã Tân An, ngoài lớp Vovinam tại Nhà Thiếu nhi tỉnh có lúc phát triển thêm một số lớp ở các địa điểm: Trường Tiểu học Nguyễn Trung Trực (phường 3), Trường THCS Trần Phú (phường 3), Trường THCS Nhựt Tảo (phường 1), Trường Tiểu học Phú Nhơn (phường 5), Trường Tiểu học Cần Đốt (phường 6), Trường Đại học Kinh tế Công nghiệp Long An. Các lớp này do HLV Nguyễn Tấn Công tuần tự đứng lớp, nhưng duy trì không lâu, khoảng vài tháng rồi giải tán, lâu nhất là lớp ở Đại học Kinh tế Công nghiệp Long An kéo dài được gần 2 năm. Khi đề ra kế hoạch mở lớp ở trường Đại học này, bộ môn cũng hy vọng đây sẽ là nguồn bổ sung lực lượng nhanh nhất cho đội ngũ HLV của tỉnh, đây cũng sẽ là nơi cung cấp lực lượng VĐV nòng cốt tham gia các giải ngoài tỉnh, nhưng thật đáng tiếc vì nhiều lý do, lớp không duy trì được lâu.

Giải CLB trong tỉnh năm 2014

Tính đến tháng 11-2019 phong trào Vovinam tỉnh Long An đã hoạt động ổn định ở các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh như: Tân An, Kiến Tường, Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Bến Lức, Đức Hòa, Đức Huệ, Cần Đước, Cần Giuộc, Thủ Thừa, Tân Trụ.

Do số lượng môn sinh đăng ký thi trung đẳng hằng năm tăng lên, nên từ năm 2016, bộ môn Vovinam Long An và Liên đoàn Võ thuật tỉnh Long An đã đề nghị Liên đoàn Vovinam Việt Nam cho phép tổ chức thi cấp Trung đẳng tại tỉnh nhà.

Giải các CLB năm 2018

Bên cạnh đó, bộ môn Vovinam Việt Võ Đạo Long An còn tổ chức 2 hệ thống giải:

– Các giải tại địa phương:

  • Năm 2012, giải các CLB trong tỉnh, nơi đăng cai tổ chức: Vovinam huyện Cần Đước.
  • Năm 2014, giải các CLB trong tỉnh, nơi đăng cai tổ chức: Vovinam thành phố Tân An.
  • Năm 2016, giải các CLB trong tỉnh, nơi đăng cai tổ chức: Vovinam huyện Tân Hưng.
  • Năm 2018, giải các CLB trong tỉnh, nơi đăng cai: Vovinam huyện Cần Giuộc.
  • Năm 2019 giải Vovinam mở rộng do bộ môn Vovinam huyện Tân Hưng tổ chức

Kinh phí tổ chức các giải trên chủ yếu do cá nhân HLV tại nơi đăng cai trang trải, phần còn lại là sự đóng góp ủng hộ của một số mạnh thường quân.

– Các giải do cơ quan quản lý võ thuật của tỉnh tổ chức:

  • Năm 2015, Liên đoàn Võ thuật tỉnh Long An tổ chức giải vô địch Vovinam Long An.
  • Năm 2016, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Long An tổ chức giải Trẻ Vovinam Long An.
  • Năm 2017, Vovinam Long An được đưa vào nội dung các môn thi đấu của Đại hội TDTT tỉnh Long An (có 12 thành phố, thị xã, huyện trong tỉnh tham dự).
  • Năm 2018-2019 tỉnh không tổ chức giải cho môn Vovinam, lý do không có kinh phí.

Trên bước đường hoà nhập với Vovinam trong khu vực nói riêng và cả nước nói chung, Vovinam Long An cũng tự đặt ra cho mình định hướng phấn đấu phát triển phong trào ở các huyện còn lại trong tỉnh, trước mắt xây dựng phong trào Vovinam ở huyện Châu Thành trong năm 2020; tiếp tục củng cố và phát triển ở các đơn vị đã có phong trào và vận động thành lập Hội Vovinam tỉnh Long An.

Nguyễn Thanh Phương


Tin liên quan:

Võ sư Hoàng Minh Cường: Một đời gắn bó Vovinam

Vovinam Tiền Giang: 50 năm phát triển vững bền

Vovinam Cần Thơ – Nỗ lực không ngừng để khẳng định vị thế vững chắc