Võ thuật – món nợ không hẹn ngày trả

Bài dự thi Võ thuật trong trái tim tôi

Tôi quẩn quanh với những yếu kém của mình – ngại ngần tham gia vào những cuộc trò chuyện – khi đó tôi ý thức được rằng chỉ những người đã đổ mồ hôi, máu và nước mắt mới có tư cách để nói về võ.

 “Võ thuật là của thừa kế lớn nhất của cha ông để lại cho con.”

Cha tôi đã nói như thế kể từ khi tôi còn là một đứa trẻ. Và sau nhiều năm, nhiều sự kiện, tôi nhận ra: “Võ thuật là món nợ của tôi chưa trả được cho con cháu”.

Năm tuổi, tôi làm quen với những cú đấm, ngọn đá đầu tiên. Tôi tìm cách tránh né, thực sự thì một đứa trẻ năm tuổi sẽ chẳng tìm được một động lực nào khác để luyện tập võ thuật – điều khiến nó phải bớt đi thời gian chơi, ăn và ngủ. Tám tuổi, sau mọi nỗ lực, gia đình chính thức hết hi vọng về tôi, trong khi đám trẻ hàng xóm không hề dám chọc tôi giận – chúng vẫn luôn nghĩ tôi là một đứa con nhà võ, “có thể tay không đánh gục cả chục đứa trẻ khác dễ dàng”.

Tôi rời bỏ võ thuật, rồi trở lại, rồi vấp ngã, rồi nhận ra con đường riêng của mình. Nếu võ thuật là một mối tình thì có lẽ mối tình này của tôi chứa đủ “duyên” và “nợ”
Tôi rời bỏ võ thuật, rồi trở lại, rồi vấp ngã, rồi nhận ra con đường riêng của mình. Nếu võ thuật là một mối tình thì có lẽ mối tình này của tôi chứa đủ “duyên” và “nợ”

Mười tuổi, tôi cùng gia đình chuyển nhà đi – đến một nơi mà không một đứa trẻ nào biết đến truyền thống võ thuật của gia đình tôi.

Và… đó cũng là lần đầu tiên trong đời tôi nếm mùi nằm dưới một trận mưa đạp, cúi đầu nhìn máu mũi mình nhỏ xuống giữa sân trường, giữa tiếng cười của bao nhiêu đứa trẻ khác.

Tôi quay lại với võ thuật, “tập để khỏi bị ăn hiếp”. Nhưng với đôi chân còn thương tật từ tai nạn giao thông, tất cả những gì tôi có thể làm đó là cắn răng sau mỗi cú đá. Không dám nhắc lại chuyện học võ từ gia đình, tôi lọ mọ tìm học võ ở chỗ khác. Xui xẻo thay, tôi tìm thấy bọn trẻ đã đánh tôi tập ở đó.

Quãng thời gian cấp 2 không tồn tại nhiều kí ức, vì nó vốn… cũng chẳng có gì – những tháng ngày lủi thủi cắp sách đi học và tránh né gây gổ.

“Tuổi võ” của tôi chỉ thực sự bắt đầu từ năm tôi vào lớp 10.

Tự hoạ bản thân
Tự hoạ bản thân

Vietnamfight.com – Hẳn nhiều bạn đọc đã nhận ra cái tên này – forum võ thuật lớn nhất Việt Nam lúc bấy giờ. Tôi trở thành một trong những member trẻ nhất, nhiệt tình nhất, và… bị mắng chửi nhiều nhất. Đó là điều tất yếu xảy đến với một thằng nhóc 16 tuổi sống ở tỉnh lẻ với vài lớp võ phong trào, không hiểu biết được gì ngoài vài cú đấm ngọn đá, nhưng luôn nhanh tay gõ phím giữa nhiều bậc đàn anh mà tuổi võ đã gấp đôi tuổi mình. Khi tôi nhận ra tôi đã ngông cuồng thế nào, khi tôi đã sẵn sàng để thay đổi thì… vietnamfight.com đóng cửa.

Tôi bắt đầu tham gia những diễn đàn võ thuật trên Facebook và nhận ra một khái niệm đã đeo đuổi tôi đến tận bây giờ: “Chơi võ”. Ở đó không còn là những người một tuần ba buổi đến lớp võ một tiếng rưỡi rồi về. Võ thuật tồn tại trong họ không chỉ như là một khả năng, mà còn là một niềm đam mê, một thú vui, một thứ gì đó để họ hằng ngày tìm tòi, khám phá, và… một điều gì đó, một điểm chung để gắn kết những con người mê võ thuật ngồi lại với nhau bên bàn cà phê, trong phòng tập, và trong những sóng gió đời thường. Tôi bắt đầu cảm thấy yêu cách sống ấy – cách sống của những con người đã coi võ thuật như một phần tâm hồn.

Những câu chuyện là những dữ liệu có tâm hồn. Tôi quan niệm rằng công tác truyền thông, đưa những dữ liệu có tâm hồn của võ thuật đến với mọi người là một công việc hết sức quan trọng, nhưng vẫn thiếu người làm.
Những câu chuyện là những dữ liệu có tâm hồn. Tôi quan niệm rằng công tác truyền thông, đưa những dữ liệu có tâm hồn của võ thuật đến với mọi người là một công việc hết sức quan trọng, nhưng vẫn thiếu người làm.

Quay trở lại vấn đề cá nhân: tôi vẫn không phải một võ sĩ giỏi. Một đôi chân không cho phép thực hiện tốt những đòn đá thì cũng không thể là trụ vững cho những cú đấm. Tôi quẩn quanh với những yếu kém của mình – ngại ngần tham gia vào những cuộc trò chuyện – khi đó tôi ý thức được rằng chỉ những người đã đổ mồ hôi, máu và nước mắt mới có tư cách để nói về võ.

Tôi bắt đầu đọc nhiều tài liệu về võ thuật, tổng hợp lại và viết về nó như một thứ gì đó tối thiểu có thể làm cho cộng đồng này. Tôi bất ngờ nhận ra bản thân mình là giao lộ tình cờ giữa một cái trái tim yêu võ và một tay bút giỏi văn – trong suốt thời gian đi học, môn văn là môn tôi giỏi nhất.

Tôi bắt đầu nhận được những lời khen, chê, nhưng nhiều hơn cả là sự khuyến khích. Tôi bắt đầu viết cho các fanpage với lượt like lớn dần, cái bút danh “Cáo già” cũng dần được nhiều người biết đến. Tôi nhận ra có một sự tình cờ nào đó đã đẩy cuộc đời võ sĩ của tôi vào ngõ cụt, nhưng đưa đến cho tôi một niềm đam mê khác – điều đang dẫn dắt mỗi ngày tôi đang sống: một người viết về võ.

Tôi nhận ra tôi không được sinh ra để trở thành một võ sĩ. Nhưng trong tay tôi đang cầm thứ vũ khí mà hiếm võ sĩ nào có được: khả năng truyền cảm hứng và kiến thức võ thuật đến với nhiều người. Và đó cũng là điều duy nhất tôi có thể làm để phục vụ cộng đồng võ thuật này.

Tôi được vothuat.vn đón nhận ở cái tuổi 19, cái tuổi mà nhiều người đang quẩn quanh để tìm con đường sự nghiệp cả đời. Tôi không chọn. Võ thuật đã chọn tôi, đã cho tôi những niềm hạnh phúc không điều gì mang lại được. Và tôi biết, cũng giống như khả năng võ thuật tôi đang cố gắng rèn luyện để “trả lại” cho những thế hệ sau của gia đình này, thì những gì tôi đang viết cũng chính là món nợ tôi đang trả lại cho cộng đồng này : một cộng đồng yêu võ.

Huỳnh Phi Sang (Bà Rịa Vũng Tàu)