Lý Tiểu Long “đại chiến” Chân Tử Đan trong Tinh Võ môn: Ai thắng ai?

Xin nói ngay: Đây là lời thách đấu “truyền kiếp” giữa các “fan Lý” và “fan Chân” quanh vai diễn Trần Chân của Lý Tiểu Long (phim điện ảnh Tinh Võ Môn, Gia Hòa sản xuất năm 1972) và vai diễn Trần Chân của Chân Tử Đan (phim truyền hình Tinh Võ Môn, ATV sản xuất năm 1995). Ai diễn xuất thành công hơn ai?

bruce-lee

Tinh Võ Môn là bộ phim thứ hai của họ Lý (tính từ lúc anh từ Mỹ trở về Hồng Kông phát triển sự nghiệp, phim trước đó là Đường Sơn Đại Huynh) tạo nên cơn sốt khắp Á châu, với doanh thu 4 triệu đô la Hồng Kông, đoạt giải Kim Mã năm đó và được bình chọn vào danh sách “10 xuất phẩm điện ảnh kinh điển của HK”. Phim ăn khách đến nỗi chiếu 6 tháng liên tục tại Phillipines đến mức chính quyền tuyên bố hạn chế nhập cảng phim nước ngoài để nền điện ảnh quốc nội khỏi tiêu vong. Các rạp chiếu ở HK và Singapore tăng vé lên đến 20 lần mà khán giả vẫn cứ chen chúc nhau đi xem nghẹt đường, chính quyền phải đề nghị hoãn chiếu cả tuần để cảnh sát sắp xếp phương thức giao thông mới…

Tính duy thực và duy mỹ trong một cảnh quay để đời

tinhvomon

Nói đến Lý, mọi người sẽ nhớ mãi bộ phim này và ấn tượng nhất chính là phân cảnh Lý hạ gục đám đông cao thủ Nhật Bản tại một võ đường judo. Về khía cạnh cảm xúc, với câu nói: “Người Trung Quốc chúng tao không phải là Đông Á Bệnh Phu”, họ Lý đã thể hiện tình cảm dồn nén của 800 triệu người Trung Quốc thời điểm đó để anh nhanh chóng trở thành người hùng trong trái tim họ.

Trần Chân, với sự thủ diễn của Lý, đã tả xung hữu đột giữa muôn trùng vây, anh làm khán giả mê say với những động tác quyền cước liên hoàn, không khác gì nhảy múa. Lý trở thành huyền thoại với phân cảnh này ở chỗ: anh đã đưa cùng lúc “Cái thực” và “Cái đẹp” cùng lúc song hành trên màn bạc, nói cách khác, Lý là người đầu tiên hòa diệu tính duy thực và duy mỹ của võ nghệ vào điện ảnh. Anh cởi trần, phô diễn những bắp thịt nở nang, hài hoà với chiều cao của mình, khác gì những tác phẩm điêu khắc của trường phái Hy La cổ điển.

Cảm xúc “cái Đẹp” hình thể trong Lý càng được thăng hoa khi “Trần Chân” xuất chiêu. Võ thuật của Lý Tiểu Long, dưới ống kính nghệ thuật điện ảnh, vẫn không hề mất đi “cái Thực” bởi chính anh cũng là một con người của thực chiến trong quá khứ. Người ta cũng sẽ nhớ mãi tiếng “mèo tru” của anh làm khiếp vía kẻ thù ở trường đoạn này (mà nhiều fan cuồng Lý khẳng định: “Ấy là tiếng tru của mèo chúa) và hơn hết là lần đầu tiên, Lý đưa côn nhị khúc lên màn bạc cũng trong cảnh chiến đấu đầy xúc cảm này. Cho đến nay, anh vẫn là người thổi hồn thành công nhất loại vũ khí lợi hại này trên màn ảnh. Quá nhiều cái đầu tiên, quá nhiều khung hình chiến đấu hoàn hảo chỉ trong trường đoạn 10 phút này. Bởi thế, Lý mới là huyền thoại, Tinh Võ Môn 1972 mới là tác phẩm võ thuật kinh điển, để đời cho hậu thế. Người ta tự hỏi: “Đố ai làm được hơn ông chỉ trong 10 phút giây ngắn ngủi ấy”.

https://www.youtube.com/watch?v=DqoED3kvF48&feature=youtu.be

Trần Chân trong hoá thân của Chân Tử Đan

Năm 1995, phim Tinh Võ Môn của ATV ra đời, đã gây nên một cơn sốt mới ở các nước nói tiếng Hoa và Đông Nam Á. Phim dài 18 tập, thể loại phim truyền hình nên tình tiết được kéo dài hơn và cũng lấy cảm xúc khán giả “dài hơi hơn” (so với nhân vật Trần Chân từng được thể hiện qua Lý Tiểu Long, Thành Long và Lý Liên Kiệt)

Chân Tử Đan thật sự tạo được nhiều ấn tượng qua bộ phim này. Và chính xác, tại Việt Nam, các fan hâm mộ Chân Tử Đan bắt đầu biết đến anh cũng từ đây (nhiều người còn gọi anh là Trần Chân).

Thú vị ở chỗ, Trần Chân trở thành huyền thoại qua sự hoá thân của Lý (điều này chắc chắn không bàn cãi với những ai chỉ biết đến Trần Chân sau khi xem Tinh Võ Môn 1972). “Họ Chân” nổi danh cũng từ việc hoá thân huyền thoại Trần Chân với Tinh Võ Môn 1995. Vậy giữa Trần Chân họ Lý và Trần Chân họ Chân, ai hơn ai trong cuộc chiến thể hiện vai diễn này? Câu trả lời tuỳ thuộc vào nhận định của các fan.          

Nhưng là một fan của Lý Tiểu Long, chính Chân Tử Đan cũng thừa nhận: “Khi diễn vai Trần Chân, tôi chịu ảnh hưởng nhiều bởi vai Trần Chân của thần tượng Lý Tiểu Long, từ cách diễn tả trên nét mặt đến những pha múa võ có lẫn tiếng “mèo tru” đặc trưng của ông…”.

Nhật Vũ