Thực hư việc “Đệ nhất vệ sĩ Trung Quốc” điểm huyệt giết chết đối thủ, có tài một địch mười

Theo tờ báo Trung Quốc thì võ công thật sự của huyền thoại võ thuật Đỗ Tâm Ngũ có thể không hề giống với sự tưởng tượng của nhiều người hâm mộ.

Hãng truyền thông New.QQ của Trung Quốc mới đây đã có bài viết với tiêu đề: “Đỗ Tâm Ngũ, đệ nhất cận vệ ở Trung Quốc giỏi cỡ nào? Võ công cao siêu đến đâu?”, nói về nhân vật giỏi nhất của phái Tự Nhiên Môn và được ca ngợi là “võ sư vĩ đại” của võ thuật cổ truyền Trung Quốc ở thế kỷ 20.

Tờ báo Trung Quốc cho rằng trên thực tế, trình độ võ công thật sự của Đỗ Tâm Ngũ có thể khác xa so với sự tưởng tượng của nhiều người hâm mộ. Chúng tôi xin lược dịch lại nội dung chính của bài viết này.

“Võ công thật sự của Đỗ Tâm Ngũ lợi hại như thế nào?

Bản thân Đỗ Tâm Ngũ qua đời vì bạo bệnh vào năm 1953, chúng ta chưa bao giờ nhìn thấy ông ấy thi triển võ công trước công chúng. Thực tế, câu hỏi rằng trình độ võ công thật sự của Đỗ Tâm Ngũ cao siêu tới đâu luôn là đề tài hấp dẫn với nhiều người, và dường như chưa có câu trả lời thực sự thỏa đáng.

Ví dụ, trong thời đại ngày nay, có nhiều nhân vật nổi tiếng như hòa thượng Thích Diên Giác phái Thiếu Lâm, Trần Sư Hành phái Võ Đang, Hà Đạo Quân phái Thanh Thành… Có người nói rằng võ công của họ là khó lường, có người lại nói võ công của họ là hư cấu. Thực tế, chúng ta khó có thể phân biệt được đâu mới là sự thật.

Chân dung huyền thoại Đỗ Tâm Ngũ

Bản thân lúc còn sống, Đỗ Tâm Ngũ không để lại bất kỳ đoạn video nào. Tất nhiên, ngay cả khi có video đi chăng nữa, nó cũng không phản ánh hết được võ công thật sự của ông ấy. Trong thập niên 1930 và 1940, một vị võ sư quê Hà Nam được biết đến là cao thủ có khả năng tay không thu phục hổ báo, thậm chí còn có một số hình ảnh và video ghi lại nhưng rốt cục, ông ta lại bị nhiều người tố cáo rằng đã dùng phương thức lừa đảo.

Chúng ta chỉ có thể hình dung trình độ võ công của Đỗ Tâm Ngũ thông qua lời kể của nhiều nhân vật trong làng võ Trung Quốc, qua đó đưa ra đánh giá và phán xét.

Như chúng ta thường biết là vào tháng 5/1912, Vạn Lại Thanh – võ sư nổi tiếng của Trung Quốc đã bái Đỗ Tâm Ngũ làm sư phụ rồi kế thừa những tinh hoa của Tự Nhiên Môn. Vạn Lại Thanh sau đó đã trở thành một bậc thầy về võ thuật. Trong những năm cuối đời, ông đã viết “Hồi ký của Vạn Lại Thanh” trong đó kể chi tiết nhiều thông tin liên quan tới Đỗ Tâm Ngũ.

Sau đó, dựa theo những lời kể của Vạn Lại Thanh cộng với nhiều giai thoại truyền miệng, hình ảnh chân dung của Đỗ Tâm Ngũ được dựng lên.

Theo lời kể trong hồi ký của Vạn Lại Thanh thì Đỗ Tâm Ngũ sinh năm 1869. Ông có thân hình tráng kiện và tài năng võ thuật thiên bẩm. Năm lên 4 hay 5 tuổi, ông đã tầm sư học đạo để rèn luyện công phu. Đến thuở thiếu niên, ông đã trở thành một cao thủ rồi đi thách đấu khắp nơi. Đỗ Tâm Ngũ treo một tấm biển rằng hễ ai đánh thắng ông, ông sẽ nhận người đó làm sư phụ.

Đỗ Tâm Ngũ (phải) và Tôn Trung Sơn.

Thế nhưng, Đỗ Tâm Ngũ mãi vẫn không tìm được đối thủ. Ông vô cùng thất vọng. Thế rồi, có một người theo học phái Võ Đang ở núi Nga My tên là Từ Ải Sư đã đánh bại Đỗ Tâm Ngũ và được ông bái làm thầy. Đỗ Tâm Ngũ mau chóng lĩnh hội những tinh hoa của phái Tự Nhiên Môn (do Từ Ải Sư sáng lập) và trở thành một cao thủ lừng danh.

Từ năm 1887, Đỗ Tâm Ngũ đi khắp nơi để tỉ thí võ thuật. Từ Qúy Châu, Vân Nam, Tứ Xuyên, Quảng Tây, không bao giờ ông bỏ lỡ. Trong thời kỳ kháng chiến chống Nhật, ông từng đánh bại đô vật sumo nổi tiếng của Nhật Bản Ichiro Saito. Không lâu sau đó, ông được chọn làm cận vệ của nhà cách mạng Tôn Trung Sơn và được gán danh hiệu “Đệ nhất vệ sĩ Trung Quốc”.

Có rất nhiều chi tiết được Vạn Lại Thanh viết một cách rất sinh động và chân thực, như thể Vạn Lại Thanh từng tận mắt chứng kiến vậy. Tuy nhiên, những chi tiết đó lại cho người ta có cảm giác như đang đọc những tiểu thuyết võ hiệp.

Chúng tôi lấy ví dụ, có chi tiết kể rằng Đỗ Tâm Ngũ có thể dùng khinh công để vượt qua sông hồ và nghỉ qua đêm tại trang viên của một vị sư phụ họ Lý. Dưới trướng của ông già họ Lý này có hàng tá côn đồ, suốt ngày đi đánh bạc và hút thuốc. Đám côn đồ này còn bắt cóc những cô gái quanh vùng để biến họ thành nô lệ. Sau khi biết chuyện, vì quá phẫn nộ, Đỗ Tâm Ngũ đã rút đao chém một nhát đoạt mạng ông già họ Lý, sau đó đánh bại tất cả đám côn đồ theo cách vô cùng dễ dàng.

Lại có một chi tiết khác ghi lại một tình tiết rất đặc biệt về màn tỉ thí hi hữu giữa Đỗ Tâm Ngũ và Lưu Bách Xuyên, có thể nói là hết sức ly kỳ. Theo lời kể thì khi Đỗ Tâm Ngũ và Lưu Bách Xuyên đang giao đấu kịch liệt với nhau trong sân, Đỗ Tâm Ngũ đã dùng thuật khinh công nhảy vụt một bước lên bức tường cao hai mét. Lưu Bách Xuyên vì không có khinh công nên không còn cách nào khác đành phải cúi đầu nhận thua.

Ở đây, tôi muốn đề cập tới chi tiết Đỗ Tâm Ngũ đã nhảy lên đỉnh bức tường cao hai mét. Nếu ông ấy tham gia thế vận hội Olympic, ông ấy có thể giành HCV môn nhảy cao mà không gặp phải bất kỳ khó khăn nào.

Có một câu chuyện khác kể về cuộc giao đấu giữa Đỗ Tâm Ngũ với Triệu Kim Bưu. Triệu Kim Bưu đã dùng một cú đấm làm xương sườn của Đỗ Tâm Ngũ bị thương nặng. Nhưng sau đó, Đỗ Tâm Ngũ lại dùng một cây kim châm vào huyệt đạo để khống chế cơn đau, sau đó dùng tuyệt chiêu điểm huyệt để tấn công Triệu Kim Bưu. Họ Triệu ngay lập tức bị nôn ra máu và chết ngay sau đó.

Ở đây, chúng tôi muốn nói rằng sự kỳ diệu của thuật điểm huyệt có phải là truyền thuyết? Cách đây một thời gian, võ sư Hoắc Yến Sơn cũng từng dùng thuật điểm huyệt để hạ đo ván đối thủ ở môn sanda. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng Hoắc Yến Sơn đã dàn dựng trận đấu đó. Còn thuật điểm huyệt của Đỗ Tâm Ngũ liệu có thật hay không, chúng tôi xin để các bạn tự phán xét.

Cuối cùng, theo nhiều tài liệu được ghi chép lại thì cả Đỗ Tâm Ngũ và Vạn Lại Thanh đều là những võ sư có dáng người thấp và mảnh khảnh, gần giống với võ sư Dư Xương Hoa ngày nay vậy. Đặc biệt là Vạn Lại Thanh, có nhiều bức ảnh chân dung thực tế của ông ta cho thấy, ông ta gầy đến mức có thể gục ngã trước gió. Không thể tưởng tượng nổi những võ sư như Đỗ Tâm Ngũ hay Vạn Lại Thanh sẽ cao cường tới mức nào?!”.

Theo Pháp luật và Bạn đọc