Ngày 4/11 vừa qua, nằm trong chuỗi hoạt động theo lời mời của Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Paris, Liên đoàn Lân – Sư – Rồng Việt Nam cùng Hội đồng Võ sư Vovinam – Việt Võ Đạo Quốc tế đã có chương trình biểu diễn, quảng bá văn hóa – võ thuật Việt với quy mô hoành tráng và đẹp mắt.

Chương trình biểu diễn được tổ chức tại thành phố Moissy-Cramayel (ngoại ô Thủ đô Paris, Pháp) với mục đích nhằm đưa bộ môn Lân Sư Rồng cũng như võ thuật Việt đến với cộng đồng quốc tế, thúc đẩy sự phát triển, hướng tới thi đấu thành tích cao. Bên cạnh đó, hoạt động này cũng là một trong số các hoạt động giao lưu văn hóa kỷ niệm 50 năm mối quan hệ ngoại giao Pháp – Việt trong năm 2023.

Lân trên mai hoa thung được xem là một trong những bài biểu diễn khó, đòi hỏi kỹ thuật, võ thuật của người biểu diễn

Mở đầu cho chương trình biểu diễn, Đại sứ, Đại diện Thường trực Việt Nam bên cạnh Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) tại Pháp, bà Lê Thị Hồng Vân đã đánh hồi trống mở đầu cho những tiết mục biểu diễn đặc sắc, mang đậm tinh hoa, võ thuật Việt Nam.

Ban tổ chức, đại diện các đơn vị chụp ảnh lưu niệm 

Ngay sau màn trống hội là các tiết mục biểu diễn Lân Sư Rồng và các môn phái võ thuật Việt Nam tại Pháp như Vovinam – Việt Võ Đạo, Sơn Long Quyền thuật, Minh Long… đã mang đến cho khán giả cảm thấy thích thú và mãn nhãn.

Biểu diễn Lân Sư Rồng đòi hỏi cao về nền tảng võ thuật 

Múa lân – sư – rồng là sự kết hợp giữa nét đẹp tâm linh, võ thuật truyền thống và sự sôi động của tiếng trống, tiếng thanh la, chũm chọe. Mỗi nhịp trống lại phù hợp với từng bộ pháp lân sư khác nhau, khi thì chuyển động, lúc thì đứng yên, khi thì chồm lên cao, lúc lại nằm rạp xuống đất.

Múa Rồng đồi hỏi sự uyển chuyển, nhịp nhàng cũng như tinh thần đoàn kết, hiểu ý của người biểu diễn

Hòa trong không khí đó, tiếng trống, tiếng thanh loa, tiếng chũm chọe thay đổi nhịp độ mang bầu không khí sôi nổi, gây ấn tượng mạnh với người xem. Đặc trưng của tạo hình lân – sư – rồng cũng vô cùng sống động, biểu lộ được nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau, như ngủ, thức, vui buồn, phấn khởi, tò mò, giận dữ, sợ hãi hay nghi ngờ…

Biểu diễn Lân Sư Rồng luôn chứa đựng những cảm xúc bất ngờ

Màn biểu diễn múa “Tứ quý hưng long” với đồng diễn của 4 con Lân-Sư; múa Lân trên Mai Hoa Thung (trên cọc); múa “Lân-Sư diệt mãng xà, thu hồi ngọc quý” và múa Rồng đơn, Rồng đôi. Đây đều là những tiết mục đặc sắc, nổi bật trong nghệ thuật biểu diễn Lân Sư Rồng, đòi hỏi sự thành thạo, uyển chuyển trong động tác cũng như kỹ năng võ thuật đầy kinh nghiệm.

Bộ môn Lân Sư Rồng hướng tới sự phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới 

Chia sẻ về nghệ thuật biểu diễn Lân Sư Rồng, Chủ tịch Liên đoàn Lân Sư Rồng Việt Nam, Võ sư Phạm Quang Long chia sẻ: “Nghệ thuật múa Lân Sư Rồng tại Việt Nam đã có lịch sử hàng nghìn năm, được thể hiện trên các bức tranh dân gian Đông Hồ, Hàng Trống. Để có thể thực hiện tốt các động tác, bài biểu diễn, những người tập luyện bộ môn cần có nền tảng võ thuật và thể lực tốt.”

Các đoàn Lân Sư Rồng chính là những “lò” võ dân gian thúc đẩy phát triển võ thuật 

Từ một loại hình nghệ thuật dân gian kết hợp võ thuật mang đậm nét giải trí, biểu diễn lân – sư – rồng nay đã trở thành hoạt động thi đấu thể thao, khuyến khích người tập nâng cao thể chất, tầm vóc và nghị lực. Bởi lẽ, ở một khía cạnh nào đó, các Đoàn Lân – Sư – Rồng cũng được xem như là những “lò” võ dân gian.

Khán giả chăm chú thưởng thức những màn biểu diễn kịch tính 

Bên cạnh đó, Võ sư Phạm Quang Long cũng cho biết để có thúc đẩy đưa văn hóa Việt Nam đến với cộng động thế giới, Liên đoàn Lân Sư Rồng Việt Nam sẽ phối hợp với Tổng Liên đoàn Vovinam – Việt Võ Đạo Thế giới tổ chức biểu diễn miễn phí trong các dịp Lễ,Tết của cộng đồng. Đồng thời, ông cũng bày tỏ hy vọng về sự phát triển mạnh mẽ, ngày càng mở rộng về quy mô, Lân Sư Rồng sẽ sớm trở thành bộ môn thi đấu tại SEA Games và sớm thành lập được Liên đoàn Lân Sư Rồng Thế giới để có thể quảng bá hơn nữa văn hóa – võ thuật Việt Nam ra trường quốc tế.

Vovinam được biểu diễn bởi các môn sinh tại châu Âu

Đan xen các tiết mục Lân Sư Rồng là những màn trình diễn võ thuật đồng đội, thương thuật, kiếm thuật và đối kháng tay không cũng nhận được sự hưởng ứng nồng nhiệt từ khán giả Việt Nam, những kiều bào đang sinh sống, học tập, làm việc tại Pháp cũng như khán giả nước sở tại.

Tiết mục biểu diễn thương thuật

Chủ tịch Hội đồng Võ sư Vovinam – Việt Võ Đạo Thế giới, Trần Nguyên Đạo cho biết: “Bộ môn Vovinam tồn tại và phát triển ở châu Âu gần 50 năm. Đây là một trong những điều kiện thuận lợi để hỗ trợ, phát triển bộ môn Lân Sư Rồng của Việt Nam mở rộng ra cộng đồng quốc tế. Nền tảng của các hội võ chính là môi trường để Lân Sư Rồng dần phát triển. Do đó, Lân Sư Rồng Việt Nam có thể dựa vào Vovinam để mở rộng quy mô khắp châu Âu cũng như thế giới.”

Sự kiện đã mang văn hóa – võ thuật Việt Nam đến gần hơn với cộng đồng quốc tế 

Hoạt động này trên đất Pháp không chỉ góp phần thúc đẩy mối quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam – Pháp mà còn góp phần quảng bá đưa võ thuật, nghệ thuật Lân Sư Rồng Việt Nam đến gần hơn với công chúng. Đồng thời, thúc đẩy bộ môn này phát triển theo hướng ngày càng chuyên nghiệp và quy mô hơn.

Liên đoàn Lân Sư Rồng Việt Nam mới được thành lập ngày 15/4/2023. Đây là lần đầu tiên hoạt động biểu diễn do liên đoàn tổ chức tại nước ngoài, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển môn nghệ thuật văn hóa dân gian, đồng thời quảng bá hình ảnh Việt Nam đến bạn bè quốc tế.

Tin/Ảnh: NSND Trọng Trinh – Phó Chủ tịch Liên đoàn Lân Sư Rồng Việt Nam đưa tin từ Paris, Pháp

Nguồn: giaitri.thoibaovhnt.com.vn | Copy Link