Cựu đô vật Lê Thị Huệ: Hi vọng vàng một thời

Sau hơn 10 năm bị chấn thương, cựu đô vật nổi tiếng một thời của thể thao Việt Nam Lê Thị Huệ giờ đây là một cô gái tàn tật, sống dựa vào người mẹ đã 75 tuổi.

Hành trình mưu sinh của các đô vật giấu mặt Mexico
Hy hữu trận hỗn chiến giữa hai đô vật và khán giả

Đô vật ngày nào Lê Thị Huệ giờ là một người tàn tật suốt đời - Ảnh: Ngọc Minh
Đô vật ngày nào Lê Thị Huệ giờ là một người tàn tật suốt đời – Ảnh: Ngọc Minh

Đưa đôi bàn tay run lẩy bẩy đẩy chén nước về phía tôi, VĐV giải nghệ vì chấn thương nói như mếu: “Em bây giờ vô dụng quá anh ạ! Rót chén nước cũng khó khăn. Chỉ tội cho mẹ, già lọm khọm rồi mà vẫn phải đêm hôm phục vụ cho em…”.

Thấy con gái bùi ngùi, bà Lường Thị Hường, mẹ của Huệ, an ủi: “Thế là phúc nhà còn lớn lắm con ạ. Gãy cổ mà sống được như ri cũng đã may mắn lắm rồi!”.
Nhưng rồi, bà Hường lại chép miệng: “Thôi giời đày cái số con nó thế! Giờ đành chịu chứ biết sao. Bố mẹ, gia đình có ai bắt mày đi đánh vật đâu cơ chứ!”.

Cuộc đời đầy nước mắt

Ham thích võ thuật, năm 1996, khi biết Sở Thể dục Thể thao Thanh Hóa (nay là sở Văn hóa – Thể thao – Du lịch) mở lớp, tuyển chọn VĐV cho bộ môn võ Judo, cô bé Huệ khăn gói từ quê nhà ở thôn Châu Chính (xã Quảng Châu, huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) lên thành phố Thanh Hóa tham gia thi tuyển.

Bà Lường Thị Hường (mẹ Huệ) ngậm ngùi kể về những tháng ngày khó khăn sau khi con gái bị tàn tật - Ảnh: Ngọc Minh
Bà Lường Thị Hường (mẹ Huệ) ngậm ngùi kể về những tháng ngày khó khăn sau khi con gái bị tàn tật – Ảnh: Ngọc Minh

Với tính cách kiên cường, cộng chút năng khiếu và đặc biệt là niềm đam mê võ thuật rất lớn, Huệ đã được tuyển vào Câu lạc bộ võ Judo của tỉnh nhà. Luyện tập Judo đến năm 2001, khi đã gặt hái được những thành công đáng kể như HCB, HCĐ tại các giải đấu Vô địch Judo toàn quốc, Huệ được chuyển qua tập môn vật tự do, một môn hoàn toàn mới của ngành thể dục thể thao Thanh Hóa lúc bấy giờ.

Với bản lĩnh của một võ sĩ Judo dày dạn kinh nghiệm, lại có tinh thần rèn luyện không biết mệt mỏi, Lê Thị Huệ đã nổi lên, trở thành một VĐV đầy tiềm năng của bộ môn vật tự do nói riêng và ngành thể thao Thanh Hóa nói chung.

Chỉ sau mấy tháng luyện tập, Huệ đã liên tiếp đoạt chức vô địch hạng 55 kg tại giải Vô địch quốc gia năm 2001 và 2002. Ngay lập tức cô gái xứ Thanh được triệu tập vào đội tuyển quốc gia và trở thành niềm hy vọng vàng của thể thao nước nhà tại tại kỳ SEA Games 22 được tổ chức vào năm 2003 tại Việt Nam. Con đường công danh tưởng như đã rộng mở đối với cô gái quê Lê Thị Huệ thì bỗng nhiên mọi thứ đều tan thành bọt biển.

Huệ nỗ lực tự rèn luyện để vượt qua nỗi đau sau chấn thương - Ảnh: Ngọc Minh
Huệ nỗ lực tự rèn luyện để vượt qua nỗi đau sau chấn thương – Ảnh: Ngọc Minh

Ngày 12.5.2003, khi đang luyện tập cùng đồng đội tại Trung tâm huấn luyện thể dục thể thao 1 ở Nhổn, Hà Nội để chuẩn bị cho SEA Games 22, Lê Thị Huệ đã bị gãy đốt sống cổ sau cú ngã cắm đầu xuống sàn đấu.

“Sau cú ra đòn quấn sườn, em mất trụ rồi ngã cắm đầu xuống sàn. Lúc tỉnh dậy, em nhận ra vị HLV đang lay gọi, nhưng miệng em không thể trả lời, chân, tay không thể cử động được”, Huệ nhớ lại.

Ngay sau đó, Huệ được các bác sĩ Bệnh viện Việt Đức phẫu thuật, rồi chuyển qua Bệnh viện Bạch Mai điều trị suốt một năm trời. “Hồi đó, Huệ được quan tâm nhiều lắm. Ngày nào cũng có lãnh đạo các cấp, lãnh đạo ngành thể thao vào thăm. Mấy bác lãnh đạo còn hứa sẽ cho Huệ ra nước ngoài để điều trị. Nhưng rồi, tổ chức xong SEA Games, chả còn thấy bác nào đến thăm nữa, việc đưa Huệ đi nước ngoài điều trị đã không được thực hiện như các bác ấy đã hứa”, bà Hường ấm ức.

Ngậm ngùi

Sau một năm điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai, tình hình chấn thương tiến triển rất chậm nhưng Huệ không còn được chi trả tiền điều trị nữa. Đang trong lúc khốn khó, may mà Tập đoàn y dược Bảo Long đã ra tay giúp đỡ, đón Huệ lên Bệnh viện Bảo Long điều trị và nuôi ăn hoàn toàn miễn phí…

Việc đi lại bán hàng cũng là cách giúp Huệ luyện tập, cải thiện sức khỏe cho bản thân
Việc đi lại bán hàng cũng là cách giúp Huệ luyện tập, cải thiện sức khỏe cho bản thân

Và khi đang điều trị tại đây, Huệ đã được Liên đoàn vật thế giới trao huy chương danh dự và huy hiệu ghi nhận tinh thần cống hiến cho sự nghiệp thể thao cũng như sự bền bỉ vươn lên sau khi bị chấn thương của Huệ.

Việc cầm nắm với cô gái còn gặp nhiều khó khăn - Ảnh: Ngọc Minh
Việc cầm nắm với cô gái còn gặp nhiều khó khăn – Ảnh: Ngọc Minh

Tại buổi lễ trao huy chương đó, Huệ cũng đã đề đạt nguyện vọng được ngành thể thao quan tâm hỗ trợ đi điều trị ở nước ngoài nhằm cải thiện sức khỏe, cố gắng tự phục vụ bản thân mình nhưng đã không được chấp thuận.

Kể về giai đoạn khó khăn này, bà Hường không giấu được sự bức xúc: “Thấy con chẳng còn hy vọng gì, tôi đã nhiều lần lên tận trung tâm ở Nhổn để nhờ các bác lãnh đạo làm thủ tục cho Huệ hưởng chế độ trợ cấp của Nhà nước, nhưng một bác lãnh đạo nói rằng, bà và gia đình phải thông cảm, nhiều VĐV bị tai nạn, bị thương tật đang còn khó khăn lắm. Tôi bảo bác nói như thế là không được. Con tôi lúc các bác gọi vào luyện tập để làm nhiệm vụ quốc gia khỏe mạnh là vậy, giờ tàn tạ như thế này. Giả sử nó là con các bác thì các bác có nói như thế không. Nhưng các ông ấy chẳng trả lời…”.

Cũng phải rất vất vả, năm 2007, ngành thể thao Thanh Hóa mới làm được thủ tục trợ cấp cho Huệ, nhưng cũng chỉ là trợ cấp tai nạn lao động thông thường do Bảo hiểm xã hội trả hàng tháng. Bị mất 81% sức khỏe và hàng ngày phải có người phục vụ, nhưng hiện nay Huệ chỉ được hưởng mức trợ cấp khoảng 2,6 triệu đồng/tháng (cả công người chăm sóc). Vậy nên cuộc sống của mẹ con Huệ gặp rất khó khăn. Số tiền trên chẳng đủ mua thuốc men điều trị trường kỳ cho Huệ.

Không cô đơn và đang nỗ lực không mệt mỏi

Kể từ khi thôi không điều trị ở Bệnh viện Bảo Long nữa, Huệ trở về nhà sống dựa vào người mẹ già. Hàng ngày, nữ đô vật ngày nào vẫn nhẫn nại luyện tập trên đôi nạng sắt, nhưng do sức quá yếu nên Huệ cũng chỉ luyện tập từ trong nhà ra ngoài sân rồi phải nghỉ.

“Chỉ cần sơ xuất là Huệ có thể ngã lăn đùng ra nền nhà bất cứ lúc nào. Những hôm trái gió trở trời, khắp người Huệ lại đau nhức. Nhiều hôm đi chợ về, thấy con ngồi lê lết ở giữa nhà, cố đứng dậy trong đau đớn, tôi không thể cầm được nước mắt”, bà Hường nhớ lại.

Huệ tập phục hồi chức năng tại Bệnh viện Thể thao Việt Nam năm 2013 - Ảnh: Thúy Hằng
Huệ tập phục hồi chức năng tại Bệnh viện Thể thao Việt Nam năm 2013 – Ảnh: Thúy Hằng

Giờ đây, với sự hỗ trợ của đôi nạng, Huệ cũng đã có thể đi lại được 10 -15 m, lấy được vài thứ bánh trái, hàng hóa bán cho khách hàng. Tuy nhiên, mọi sinh hoạt cá nhân cô vẫn phải cậy nhờ vào người mẹ già nay đã 75 tuổi.

“Do các cơ bị co rút, em không thể nắm được chặt tay, việc cầm nạng cũng chỉ hờ hờ chứ không chắc được. Còn việc đi lại thì cũng chỉ độ mươi mét là phải nghỉ, chứ không thì mỏi và đau nhức lắm…”, Huệ nói.

Mặc dù các chế độ đãi ngộ của Nhà nước còn ít ỏi, nhưng rất may Huệ cũng đã nhận được sự cảm thông, chia sẻ của cộng đồng và các tổ chức xã hội. Sau khi biết được hoàn cảnh của Huệ, một số đơn vị, tổ chức đã quyên góp, tặng một số vốn nho nhỏ để Huệ mở một cửa hàng tạp hóa trên mảnh đất của chị gái bên đường lớn của xã Quảng Châu.

Giờ đây, việc bán hàng ngoài mục đích để mẹ con Huệ kiếm thêm đồng ra đồng vào, đi lại bán hàng cũng là cách để Huệ luyện tập cải thiện sức khỏe. “Mình thì di chuyển chậm chạp nên nhiều khi khách họ vội quá không chờ được, không mua hàng nữa nên mình cũng áy náy lắm. Cũng may mẹ em còn khỏe, phụ giúp được, chứ một mình em chắc cũng khó mà buôn bán được”, Huệ nói.

Theo Thanh Niên Online