Nét độc đáo của khí công môn phái Lâm Sơn Động

Với nhiều kungfu độc đáo và kỳ diệu của mình, cho đến nay, Lâm Sơn Động vẫn là môn phái duy nhất làm được những việc “không ai dám nghĩ tới”.

Các dòng họ võ thuật nức tiếng ở Bình Định
Giải mã môn võ Việt có thể “lấy một địch mười”

Đóng đinh vào cơ thể để đo sự đạt ngộ.
Đóng đinh vào cơ thể để đo sự đạt ngộ.

Võ sư Nguyễn Ngọc Hải cho biết: Hiện môn phái Lâm Sơn Động có đến hàng nghìn môn sinh nhưng những người được luyện khí công không nhiều. Theo quy trình học, sau khi học võ, nắm được các đường quyền thế thủ nâng cao, nhuần nhuyễn về binh khí, người học mới được tham gia rèn luyện về khí công.

Để đạt tới bước này, người học nhanh cũng phải mất tới 3 năm, người chậm cũng phải 5 năm và điều quan trọng nhất đó là “người tập luyện võ thuật đã xác định theo là nghiệp võ thì theo cả đời”.

Trên thực tế, luyện tập khí công chính là khám phá những khả năng kỳ lạ trong cơ thể con người. Điều cốt lõi trước tiên là người luyện khí công phải có tâm trong sáng, đức hướng thiện, tự tin, kiên trì, nhẫn nại và cũng phải có năng khiếu nhất định. Võ sinh của Lâm Sơn Động lại càng không thể thiếu được những điều đó.

Cách mà Lâm Sơn Động thường áp dụng để nắm bắt được sự đạt ngộ của các võ sinh khi bắt đầu một quá trình luyện tập khí công đó là dùng đinh đóng vào cơ thể. Chiếc đinh đó, lớn nhất có thể bằng đầu một chiếc đũa ăn cơm và nhỏ nhất bằng một mũi kim thêu. Kim phải bằng sắt và được khử trùng. Có thể bằng inox hoặc bạc nhưng vẫn thường dùng đinh ghim xương của ngành y tế.

Những người mới tập luyện hoặc thử đóng với mức độ thường xuyên thường dùng đinh ghim xương đã được mài nhẵn, sắc. Trong trường hợp mũi đinh bị cong khi đâm vào dây chằng thì cơ thể người tập nếu có hệ miễn dịch cao sẽ không vấn đề gì cả. Tác dụng của chiếc đinh này là nhằm thu tà khí, biểu hiện cho sự kiên trì và thành đạt của người luyện tập. Chiếc đinh khi rút ra, toàn bộ tà khí thu vào đó.

“Trong thời kỳ võ sinh luyện tập, có những người tôi lưu tới 7 ngày. Sau 7 ngày tôi lấy ra bình thường. Bình thường thì cơ thể con người không chấp nhận bất cứ một vật gì lạ trong cơ thể, nếu có sẽ gây sưng, chảy máu nhưng một số võ sinh tôi ấn chiếc kim vào trong cơ thể thì không có biểu hiện gì khác lạ, trừ khi chụp Xquang mới thấy” – Võ sư Ngọc Hải cho biết.

Theo kinh nghiệm của các võ sư, khi đóng chiếc đinh trắng vào cơ thể thường thu hỏa khí và khí âm lạnh nên khi rút ra nó thường có rất nhiều màu. Có thể là màu lửa, màu sắt, màu tím… và qua những màu sắc đó, các võ sư có thể đánh giá được mức độ thành công của các võ sinh.

Một kỷ niệm đáng nhớ của võ sư Ngọc Hải đó là trong một lần biểu diễn để ghi kỷ lục Guinness, anh ngồi chơi đàn cho người đệ tử đóng 12 chiếc đinh vào cơ thể vào nhiều vị trí trên cơ thể. Tuy nhiên, do thao tác sai nên khi đệ tử đóng đinh vào vai thì khóa luôn cơ vai của anh.

Khi đó, võ sư Ngọc Hải vẫn đánh đàn bình thường nhưng toàn bộ cánh tay không cử động được, cả xương và cơ bỗng nhiên cứng lại. Nếu là người bình thường thì tay của người đó sẽ bị tê nhưng do anh đã luyện môn Thiết Bố Sam trước đó nên anh vẫn có thể điều tiết được tay và chơi hết bản nhạc. Khi rút đinh ra, máu trên tay anh không hề chảy, miệng của vết đinh được gắn lại ngay sau đó.

Phơi nắng để thu khí:

Theo võ sư Ngọc Hải, các võ sinh, muốn luyện thành công cách vận khí, điều kinh thường trải qua nhiều quá trình luyện tập khổ hạnh, ở nhiều môi trường khác nhau.

Bên cạnh việc luyện khí công, võ sinh của Lâm Sơn Động cũng phải biết ít nhiều về y học để vận hành và dụng khí. Trong khí công có động công và tĩnh công. Động công là những thế thủ, thế quyền, khoa chân múa tay, còn tĩnh công là ngồi thiền hoặc nằm thiền.

Riêng khí thì hấp thụ năng lượng và quy nạp năng lượng. Chẳng hạn, nếu hấp thụ năng lượng đơn giản chỉ là hít thở bình thường thì quy nạp năng lượng lại là vận khí để trao đổi khí.

Đường khí được thể hiện đi qua lỗ chân lông và các mô để xâm nhập vào cơ thể. Huyết muốn lưu thông được phải nhờ khí. Thường thì người ta luyện khí công nói chung để làm tăng khí dương, điều hòa khí huyết trong cơ thể, đẩy tà khí, uất tàng lâu ngày ra khỏi cơ thể, bởi vì khí uất giữ trong cơ thể lâu ngày sẽ trệ khí. Do đó, khi luyện khí công người học cũng phải dựa vào ngũ hành tương sinh tương khắc, tức là phải nhập khí theo vũ trụ.

Một tiết mục biểu diễn của môn sinh phái Lâm Sơn Động
Một tiết mục biểu diễn của môn sinh phái Lâm Sơn Động

Cũng chính vì thế Lâm Sơn Động thường chọn rừng núi, sông hồ vắng vẻ để luyện tập vì những nơi đó mới có đủ khí tinh cho người luyện nhập vào. Khi luyện hành thủy người luyện thường phải luyện dưới nước, kể cả mùa hè nóng nực hay mùa đông lạnh giá, khi luyện hành thủy người luyện đều phải thường xuyên tiếp xúc với môi trường nước, có như vậy võ sinh mới có sức đề kháng để chịu đựng được các kungfu.

Về hành hỏa, có khi người luyện nằm trên một sân rất nóng, giữa trời nắng trên 40°C. Người luyện võ không chỉ quy nạp khí âm mà cả khí dương, bởi trong khí bốc lên của hơi nước và khí nóng có cả những khí rất độc.

Môn phái Lâm Sơn Động luyện khí công chia thành nhiều phái, mỗi phái luyện có một “bí kíp” riêng. Mỗi môn tuy xem ra là rời rạc nhưng lại có logic với nhau. Chẳng hạn, muốn luyện được chiêu Thôi sơn phá thạch (đấm vỡ dừa, gạch hoặc vỏ chai) trước hết người luyện phải luyện cơ bản về quyền pháp để có được những đòn đánh lanh lẹ, phải tập luyện ngạnh công để những điểm va đập đó phải chịu đựng được.

Có như thế khi ra đòn mới không bị chảy máu, gãy xương, trầy da. Ngoài ra, võ sinh còn phải luyện Thiết bố sam công để dùng thần sai khí, dùng khí sai lực và sau đó dùng lực phát kình… Khi phát ra lực mà bên ngoài không chịu được nghĩa là người đó đã luyện thành công.

Theo võ sư Ngọc Hải, một trong những môn khó luyện nhất phải kể đến chỉ huyết điều khí. Đây là môn đòi hỏi người ta phải đạt được tất cả những yếu tố của môn khí công đẳng pháp.

Võ sư Ngọc Hải kể, trong một lần sang biểu diễn và huấn luyện võ thuật tại Nhật Bản năm 2006, khi anh biểu diễn màn đập chai, thanh gang và quả dừa vào đầu… người Nhật rất lấy làm lạ. Người Nhật yêu cầu gắn một chip nhỏ ở gần điểm mà anh sẽ đập thanh gang vào, nối với một chiếc máy để đo độ rung, độ chấn động.

Từ đó phân tích lượng đập có trọng lượng là bao nhiêu và sức chịu đựng của hộp sọ là bao nhiêu? Sau khi phân tích xong, họ có nói với anh: “Nếu ở một người bình thường với nhát đập như vậy thì xương hộp sọ không chịu đựng nổi nhưng ở anh xương hộp sọ không ảnh hưởng gì, màng túi bọc não cũng không sao”.

Biểu diễn xong, họ hỏi: “Anh có thể làm lại như vậy nữa không?”. Anh rất sẵn sàng bởi khi lượng công, mức chịu đựng, tính chất khí mà anh bỏ ra có thể làm được 3 lần như vậy. Thường, những người không luyện tập, vô tình đập đầu xuống đất sẽ bị chấn động hộp sọ và não, chảy máu trong, mạch máu trong não bị rạn nứt, gây ra kẽ hở, khí sẽ đẩy lên não rất nguy hiểm gây ra triệu chứng bại liệt.

Theo kinh nghiệm của người học võ thuật những trường hợp bị chấn động ở não rất hay nôn khan, những người có triệu chứng như vậy cần điều trị ngay.

“Riêng màn Dụng thương thôi xa (cắm thương vào cổ đẩy cong cán thương) hoặc thích đoản ty mà đệ tử của tôi thường biểu diễn là cắm hai đầu nhọn vào huyệt Thiên Đổn, sau đó vận khí đẩy 2 thanh sắt phi 10 cong mà cổ không vấn đề gì đó cũng là môn luyện tĩnh tâm định thần, dùng thần sai khí, dùng khí sai lực, dùng lực phát kình để biến con người thành những sức mạnh khôn lường ở những điểm yếu nhất. Lúc này, tại cổ của người đó có sự hậu thuẫn của khí nội sinh nên sức chịu đựng rất ghê gớm” – võ sư Ngọc Hải nói.

Cùng với rất nhiều kinh nghiệm dân gian, kết hợp với các học thuyết của âm dương và khí công, những màn kungfu của môn phái Lâm Sơn Động đã thực sự làm toát lên được những khả năng kỳ diệu của con người. Tuy nhiên, trong số những con người kỳ diệu ấy, có một con người kỳ diệu mà khi nghe những thành tích của anh chắc hẳn ai cũng phải nghiêng mình thán phục. Con người kỳ lạ đó là ai và anh đã làm được điều gì khiến người khác phải thán phục?

Minh Tân (sưu tầm)