Hơn 30 năm qua kể từ thời điểm thành lập Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam, phong trào tập luyện và phát triển Võ cổ truyền đã có nhiều thành tựu lớn trong việc phổ cập trong nước và quốc tế. Tuy vậy, trước xu hướng hội nhập của thời đại, trong một “thế giới phẳng”, Võ cổ truyền Việt Nam cần thiết phải có những bước chuyển mình để tiếp tục chu kỳ phát triển mới.

Những thách thức

Có thể khẳng định rằng, Võ cổ truyền Việt Nam là tinh hoa di sản văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam, ra đời, tồn tại và phát triển song hành cùng cuộc đấu tranh dựng nước và giữ nước.

Hiện nay, Võ cổ truyền đã phát triển mạnh mẽ trên trường quốc tế với hàng trăm ngàn người đang theo học và tập luyện thường xuyên ở trên 30 quốc gia như: Mỹ, Canada, Úc, Đức , Pháp, Tây Ban Nha, Italia, Ma Rốc…Với sự phát triển mạnh mẽ như vậy, năm 2015, Liên đoàn Thế giới Võ thuật cổ truyền Việt Nam được thành lập để hoạch định những chính sách mới đưa Võ cổ truyền Việt Nam phổ cập rộng rãi hơn nữa trên trường quốc tế. Tuy vậy, do nhiều nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan, trong đó có những vấn đề nội tại của Liên đoàn, dẫn đến các mục tiêu đề ra chưa đạt được như kỳ vọng.

Võ cổ truyền Việt Nam là di sản văn hoá của dân tộc Việt Nam lưu truyền từ ngàn đời

Ở trong nước, mặc dù Võ cổ truyền vẫn tiếp tục được phổ cập tương đối rộng rãi, tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận không nhỏ quần chúng thờ ơ, thiếu quan tâm đến môn “Quốc võ”; bên cạnh đó là những thách thức lớn trong việc tiếp tục duy trì vị thế của Võ cổ truyền dân tộc trước làn sóng du nhập và phát triển mạnh mẽ của các môn võ quốc tế.

Nhiều võ sư nhận định, hiện nay sau hơn 50 năm du nhập vào Việt Nam, 2 môn võ Á Đông là Karate và Taekwondo đang phát triển mạnh mẽ và có tính phổ cập không hề kém cạnh so với Võ cổ truyền Việt Nam. Bên cạnh đó, sự du nhập của một số môn võ quốc tế mới trong hơn chục năm trở lại đây như MMA, Brazil-Jiu Jitsu, Jujitsu, Muay – Kick, Kudo… cũng nhận được sự quan tâm đông đảo của giới trẻ trong xã hội.

Võ cổ truyền cần được giới trẻ quan tâm hơn

Với sự du nhập của các môn võ mới mẽ này, kéo theo đó là sự thành lập của các liên đoàn, tổ chức quản lý thông qua hình thức tham gia tự nguyện, xã hội hoá kinh phí. Đáng chú ý, trong quá trình hoạt động, các liên đoàn, tổ chức này đã từng bước kết nạp rất nhiều hội viên, trong đó có không ít người vốn là các võ sư, huấn luyện viên Võ cổ truyền trước đó.

Đứng trước xu hướng chuyển dịch như vậy, liên đoàn/hội Võ cổ truyền các cấp cần phải tiếp tục củng cố hơn nữa bộ máy tổ chức, công tác điều hành hoạt động phải hiệu quả, hợp lý, minh bạch, công khai, và cần tạo ra những sân chơi mới hấp dẫn để tránh hiện tượng “chảy máu chất xám”.

Tiếp tục định hướng đưa Võ cổ truyền vào trường học

Chỉ còn 10 ngày nữa, Hội thảo bàn về các giải pháp để đẩy mạnh sự phát triển Võ cổ truyền Việt Nam đến năm 2030 sẽ được diễn ra trên đất võ Quy Nhơn, Bình Định (3-4/8). Đây được xem là hội nghị “diên hồng” lớn nhất mà Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam tổ chức nhằm thu nhận những ý kiến đóng góp để khắc phục các vấn đề tồn tại do bộ máy điều hành cũ để lại. Từ đó, đưa Võ cổ truyền Việt Nam tiếp tục chu kỳ phát triển mới.

Đưa Võ cổ truyền vào trường học là chiến lược đúng đắn để phát dương quang đại môn võ dân tộc Ảnh- Internet

Chắc chắn, sẽ có khá nhiều ý kiến đóng góp mà những người yêu Võ cổ truyền muốn gửi gắm đến Hội nghị lần này sau những “lùm xùm” trong gần 5 năm vừa qua.

Võ sư cao cấp Nguyễn Quang Tâm, Chủ tịch Hội Võ thuật cổ truyền tỉnh Quảng Trị cho rằng, hiện nay, Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam cần tiếp tục nỗ lực thực hiện chiến lược đưa Võ cổ truyền vào trường học. Bởi đây chính là nền tảng căn bản nhất cho việc phát triển, phổ cập Võ cổ truyền Việt Nam lớn mạnh.

Võ sư Nguyễn Quang Tâm chia sẻ tâm tư về việc phát triển võ cổ truyền

Võ sư Trần Ngọc Vũ, Uỷ viên BCH Hội Võ thuật cổ truyền Quảng Bình cũng đồng tình với quan điểm này. Tuy vậy, Võ sư Trần Ngọc Vũ cũng chỉ ra một thực tế khó khăn hiện nay đó là khi Võ cổ truyền vẫn chưa thể trở thành một môn học văn hoá chính thức.

“Liên đoàn Võ cổ truyền nhiệm kỳ trước đã từng tổ chức tập huấn toàn quốc cho giáo viên dạy thể dục về các động tác căn bản công pháp cho ba cấp học và những giáo viên đó tiến hành dạy lại trong trường học. Tuy vậy, đội ngũ giáo viên thể dục rất nhiều người không có chuyên môn về Võ cổ truyền nên những hiểu biết, đam mê của họ chưa đủ để truyền đạt cho học sinh. Đa phần họ chỉ dạy hời hợt cho đủ trách nhiệm và họ không hiểu nội dung phân thế của động tác nên không thể truyền được tình yêu võ cho học sinh”.

Võ sư Trần Ngọc Vũ kiến nghị, trước mắt, Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam cần phối hợp với Bộ Giáo dục & Đào tạo xây dựng kế hoạch cụ thể để đưa Võ cổ truyền vào chương trình học chính khoá dưới hình thức hoạt động trải nghiệm, rèn luyện kỹ năng: Kỹ năng tự vệ chống bạo lực và xâm hại tình dục.

Tập luyện Võ cổ truyền mang đến khả năng phòng vệ nhất là dành cho các bạn nữ

Võ sư Uông Ngọc Tân, Chủ nhiệm Võ đường Khai Tâm Chưởng (Quảng Bình) nhìn nhận, Chính phủ hiện nay đã có chủ trương chung trong việc đưa Võ cổ truyền vào các cấp học, tuy nhiên các chủ trương này mới chỉ dừng lại ở văn bản thông báo chứ chưa được cụ thể hoá bằng các quy định (Thông tư, Nghị định, Luật). Do vậy, Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam cần tranh thủ sự ủng hộ của Bộ VHTTDL, phối hợp với Bộ GD&ĐT trong việc tham mưu, đẩy nhanh thủ tục pháp lý ở các bước tiếp theo trước khi được Chính phủ và Quốc hội thông qua bằng các quy định cụ thể.

Đồng thời, Liên đoàn Võ thuật cổ truyền và Bộ GD&ĐT, cũng như các Sở GD&ĐT địa phương cần có sự chuẩn bị, phối hợp trong việc xây dựng một giáo trình chuẩn từ các kỹ thuật cơ bản (thân pháp, thủ pháp, tấn pháp, cước pháp) đến các bài quyền quy định (có thể áp dụng mỗi kỳ học tập luyện 1 bài quyền).

“Về nhân lực thực hiện định hướng chiến lược đưa Võ cổ truyền vào trường học, các trường Đại học TDTT cần xây dựng riêng chuyên khoa Võ cổ truyền nhằm xây dựng đội ngũ cử nhân phục vụ cho việc phổ cập vào các cấp trường học. Hoặc các trường học có thể tuyển dụng các võ sư, trợ giáo/HLV cấp quốc gia (3 đẳng trở lên) để ký hợp đồng lao động khi chưa được trao biên chế chính thức”, Võ sư Tân chia sẻ.

Coi trọng nhân tố con người

Bên cạnh việc chú trọng phát triển phong trào làm nền tảng cơ sở cho phát triển Võ cổ truyền, nhiều võ sư Võ cổ truyền cũng cho rằng, liên đoàn, Hội Võ cổ truyền Việt Nam các cấp cần có những thay đổi lớn trong việc quản lý bộ máy tổ chức. Trong đó, công tác điều hành phải hợp lý, minh bạch, công khai, dân chủ, hiệu quả; phải tạo ra những sân chơi mới, các giải đấu mới hấp dẫn để tránh hiện tượng “chảy máu chất xám” như những năm vừa qua.

Đại võ sư Đỗ Tấn Vương, Uỷ viên BCH Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam nhận định, yếu tố con người là tiên quyết, quan trọng nhất hiện nay nếu muốn đưa Võ cổ truyền phát triển mạnh và bền vững.

“Trong sử dụng con người, các liên đoàn, hội Võ cổ truyền các cấp cần ưu tiên sử dụng những người có tâm huyết, có kiến thức, có trình độ văn hóa, am hiểu về võ thuật. Có tâm, có đức, có tầm nhìn xa, đặt lợi ích chung trên lợi ích cá nhân. Và đặc biệt, không chèn ép, định kiến với những người có tài và có đức”, Đại võ sư Đỗ Tấn Vương nói.

Đại võ sư Đỗ Tấn Vương nêu ý kiến về việc nâng cao chất lượng trong quá trình đào tạo, cấp bằng

Theo Đại võ sư Đỗ Tấn Vương, đối với tiêu chuẩn cho các chức danh võ sư, huấn luyện viên, trợ giáo hiện nay, cần phải đảm bảo bằng cấp văn hóa đi kèm song song với đẳng cấp võ thuật. “Ví dụ, cấp võ sư phải có bằng tốt nghiệp cấp ba trở lên. Đại võ sư, võ sư cao cấp phải có bằng đại học trở lên. Trong các liên đoàn hoặc hội Võ thuật cổ truyền ở địa phương, phải ưu tiên các thành viên BCH phải là đại học, đặc biệt là các em có bằng đại học thể dục thể thao”, Đại võ sư Đỗ Tấn Vương nói.

Đồng quan điểm này, võ sư Uông Ngọc Tân cũng cho rằng, về nhân lực, tổ chức bộ máy của các liên đoàn, hội Võ thuật cổ truyền các cấp, cần ưu tiên những người có uy tín cao, trẻ tuổi, có trình độ học vấn tốt, có khả năng bao quát vấn đề, có khả năng quản trị hành chính, thông thạo văn bản, các quy định pháp luật vào các vị trí điều hành tổ chức đặt bên cạnh các võ sư đầu ngành có chuyên môn cao.

Võ cổ truyền đang đứng trước những thách thức để hội nhập sâu rộng

“Đối với bộ máy tổ chức hoạt động của các Liên đoàn/hội, công tác tổ chức cần có sự phân công nhiệm vụ rõ ràng, tránh chồng chéo giữa các ban chuyên môn, ban hành chính và ban truyền thông đối ngoại. Trong đó, ban truyền thông đối ngoại cần được nâng cao vai trò hơn nữa để đảm trách nhiệm vụ “xã hội hoá” trong khâu kêu gọi nguồn lực tài trợ cũng như quảng bá phổ cập sâu rộng hình ảnh Võ cổ truyền”, Võ sư Tân góp ý.

Có thể nói, mặc dù Võ thuật cổ truyền đang đứng trước những thách thức không nhỏ trong quá trình hội nhập sâu rộng hiện nay, tuy nhiên, với những nét đẹp đặc trưng, tính hấp dẫn và sự ưu việt trong chiến đấu đã được minh chứng qua hàng nghìn năm lịch sử, Võ cổ truyền Việt Nam hoàn toàn có thể phát triển mạnh mẽ hơn nữa trên trường quốc tế, xứng đáng là “Quốc võ” của Việt Nam nếu có một chiến lược hợp lý và đúng đắn.

Lệ Thủy

Nguồn: giaitri.thoibaovhnt.com.vn | Copy Link