Tiết lộ những tuyệt kỹ võ thuật trên đỉnh Thiên Cấm Sơn (kỳ 1)

Dành cả đời tu luyện trên đỉnh Thiên Cấm Sơn, đạo sĩ Ba Lưới như một pho sách sống về các tuyệt thế võ thuật Thất Sơn bí ẩn từng một thời khuynh đảo giới võ học miền Nam, tạo nên những con người được người dân tôn thờ, ngưỡng vọng.

Giải mật các tuyệt kỹ võ công Thiếu Lâm Tự
Cận cảnh những tuyệt kỹ “sát thủ đất võ” hạ gục võ sĩ Quân đội

KỲ 1: TUYỆT THẾ “VÕ GỒNG” – ĐAO THƯƠNG BẤT NHẬP, VOI GIÀY KHÔNG CHẾT CỦA ÔNG BA ĐẠO VÀ TƯỚNG CƯỚP ĐƠN HÙNG TÍN

Ngoài được biết đến như một loại v. thuật có thể biến người luyện thành trở nên mình đồng da sắt, đao thương bất nhập, chịu sức nặng ngàn cân, voi giày không chết, võ gồng còn đưa Nguyễn Thành Đạo, Đơn Hùng Tín từ chỗ “vô danh tiểu tốt” lên đỉnh cao nghề võ với những con đường trái ngược nhau.

Bí ẩn võ gồng

Những tài liệu về võ học Thất Sơn hầu như không còn. Các dấu tích còn lại của những môn võ thuật bí hiểm trên chỉ lẩn khuất trong những câu chuyện đã trở thành giai thoại trên ngọn Thất Sơn. Tuyệt thế võ gồng cũng không ngoại lệ. Cho đến nay, người được cho là còn nắm rõ, nhận biết những thông tin về các môn võ Thất Sơn là đạo sĩ Ba Lưới sống ẩn dật trên đỉnh núi Cấm. Vị đạo sĩ hơn 102 tuổi, lên núi Cấm tu tâm luyện phép từ năm 18 -19 tuổi cho biết: “Tôi lên núi này từ năm 18 -19 tuổi nhưng cũng chỉ chú tâm tu luyện, không màng những chuyện ngoài đời. Nói đến các môn võ ở núi này cũng chỉ biết sơ sơ thôi chứ không đi sâu, không hiểu cặn kẽ cho lắm”.

ong nguyen trung hue ke lai giai thoai vo gong va dao si ba dao
Ông Nguyễn Trung Huê kể lại giai thoại võ gồng và đạo sĩ Ba Đạo

Theo đạo sĩ, môn võ được gọi là võ gồng thực chất là một loại khí công. Khi luyện thành, cơ thể con người tựa như sắt thép, đao thương bất nhập. Người luyện được võ gồng không chỉ giúp thân thể cứng như sắt đá mà còn biết về thuật ẩn thân, biến hình. Về nguồn gốc của loại võ thuật trên, ông Ba Lưới nhận định: “Tôi không luyện loại võ này nên không rành lắm, nghe đâu nó có gốc ở núi Tà Lơn bên Miên (Campuchia – PV). Sau này có hai người luyện thành là ông Ba Đạo và Đơn Hùng Tín. Ông Ba Đạo thì tu thân, tích đức hành việc thiện trên núi này còn Đơn Hùng Tín lại dùng võ để trở thành tướng cướp”.

Khẳng định thông tin trên, ông Nguyễn Trung Huê (62 tuổi) người trông giữ Trung Sơn Thiên tự, huyền tích duy nhất gắn với giai thoại võ gồng cho biết: “Ông Ba Đạo, người sáng lập ngôi chùa này là ông ngoại vợ tôi. Chuyện ông học võ gồng là việc ai cũng biết nhưng vì ông chỉ truyền dạy cho những đệ tử chân truyền và vô cùng bí mật nên chúng tôi cũng không rõ về loại võ này. Theo các đệ tử ruột của ông như bà Tư Huê, ông Ba Tiêu kể lại thì ông luyện được võ gồng đến mức cảnh giới. Nghĩa là dao chém không đứt, đạn bắn không lủng. Vì công năng của nó uy lực vô cùng lớn nên việc luyện võ gồng cũng hết sức phức tạp và bí hiểm. Gia đình tôi mặc dù là con cháu của ông nhưng cũng không được biết về cách thức luyện thành môn võ này. Những bí quyết của nó sau này chúng tôi mới được các đệ tử ruột của ông kể sơ sơ cho biết thôi”.

di anh hiem hoi ve ong ba dao, mot trong hai truyen nhan chan truyen cua vo gong tai viet nam
Di ảnh hiếm hoi về ông Ba Đạo, một trong hai truyền nhân chân truyền của võ gồng tại Việt Nam

Các giai thoại kể về quá trình rèn luyện võ gồng vô cùng bí hiểm. Đầu tiên, các đệ tử sẽ được thầy của mình dùng nội lực đả thông huyệt đạo trên cơ thể. Các huyệt đạo này chỉ có những người luyện thành võ gồng mới biết và sử dụng được. Bí quyết đả thông huyệt đạo trên cũng chỉ được truyền lại cho một vị đệ tử duy nhất khi người nắm giữ sắp tạ thế. Sau khi huyệt đạo được khai thông, người theo học sẽ được truyền các phương pháp luyện khí và các bài tập bí hiểm trong những điều kiện tự nhiên, thời gian, không gian nhất định. Song song với việc luyện tập sức chống chịu của cơ thể, luyện khí, môn sinh còn được thầy truyền cho các bài chú để niệm trong khi luyện tập.

Ông cho biết: “Việc đọc thần chú trong khi luyện tập, đánh võ là điểm chung của Thất Sơn thần quyền. Nghe các đệ tử của ông ngoại vợ tôi kể khi được chỉ các bài chú, người học võ sẽ phải học thuộc trong lúc ngồi thiền, kiên trì luyện tập, đọc chú kết hợp với vận nội công hằng ngày thì tự nhiên nội lực sẽ tăng lên. Lúc luyện thành thì da cứng như đồng, như sắt, đao kiếm không gây thương tích được”.

Người thành đạo sĩ – kẻ thành tướng cướp

Theo lời đạo sĩ Ba Lưới, khai sinh võ gồng ở núi Cấm chỉ có ông Nguyễn Thành Đạo và Đơn Hùng Tín. Cả hai nhân vật này vốn xuất thân bình dân, thuộc lớp bần nông. Tuy nhiên, từ khi theo nghiệp võ, việc tu luyện thành công môn võ gồng đã đưa cuộc đời hai con người này theo hướng thiện – ác trái ngược nhau. Nguyễn Thành Đạo còn được gọi là Ba Đạo sau ngày luyện thành võ gồng đã rời núi Tà Lơn về núi Cấm xây chùa, tu đạo, hành việc nghĩa. Ngược lại, với quyết tâm trở thành giang hồ, thảo khấu, Đơn Hùng Tín lại trở thành tướng cướp lừng danh, từng làm thất điên bát đảo chính quyền địa phương.

Ông Huê kể: “Ông ngoại vợ tôi muốn tu thân thành Phật nhưng sau khi tu tập một thời gian dài ở bên Miên, ông được sư phụ dạy rằng kiếp này ông không có duyên với Phật nên dẫu có tu cũng không thành Phật được. Nghe vậy, ông nghĩ không tu thành Phật được thì về núi tu thành tiên. Sau đó, ông về núi Cấm dựng cái am nhỏ tu thân, hái thuốc cứu người, sống bình lặng. Tuy nhiên, tiếng tăm võ thuật, y đức của ông ngoại vợ tôi nhanh chóng vươn xa khi ông dùng võ đánh đuổi thú dữ, hái thuốc cứu người”.

Trong tâm trí người dân lúc bấy giờ, ông Ba Đạo là một vị đạo sĩ đã thành tiên vì “không nể móng cọp, không sợ súng Tây”. Một trong những giai thoại về ông và võ gồng là việc ông dùng loại võ này để thoát thân dưới bàn chân voi dữ. Ông Huê kể: “Bà Tư Huệ kể rằng hồi đó, có một con voi dữ xổng chuồng. Nó rất hung dữ, tàn phá khắp nơi. Nghe tin voi dữ đang tàn phá gần chùa, ông cắp thương ra đánh đuổi thì bị nó vung vòi quấn chặt nhấc bổng lên, quật xuống. Lúc ông chưa kịp đứng dậy sau cú quật chết người, con voi đã giơ 2 chân trước đạp xuống bụng ông. Không thèm né, ông vận khí chống đỡ rồi vung thương chọc vào yết hầu con voi khiến nó đau đớn bỏ đi. Khi ông ngồi dậy, người ta thấy trên ngực, bụng ông còn hằn những dấu chân con voi to tướng”.

Trái ngược với sự thành tâm hành thiện cứu người của ông Ba Đạo, Đơn Hùng Tín, một đệ tử khác của môn võ gồng lại sử dụng nó vào con đường trộm cướp. Đạo sĩ Ba Lưới cho biết: “Những năm Đơn Hùng Tín nổi danh, y thường qua lại chỗ tôi. Người này cao lớn, có nét mặt tròn, giỏi các loại võ thuật chứ không riêng gì võ gồng. Đặc biệt, người này luyện thành thuật biến thân của loại võ gồng thất truyền. Vì thuật này, hắn có thể ra vô nhà của người khác mà không ai phát hiện ra. Hơn nữa, hắn cũng luyện võ gồng đến độ súng bắn không chết”.

Theo các tài liệu còn lưu giữ, Đơn Hùng Tín tên thật là Lê Văn Tín, quê ở Đồng Tháp. Tuổi thơ mồ côi, cơ cực luôn bị hà hiếp. Chứng kiến cảnh kẻ giàu bắt nạt người nghèo, kẻ có quyền ức hiếp dân đen… Tín chán nản, càng bộc lộ quyết tâm trở thành giang hồ, tướng cướp. Sau nhiều năm lang bạt, Tín nghe ở Tà Lơn có bậc kỳ tài võ học nên tìm đến xin theo.

Tại đây, hắn luyện thành môn võ gồng như các giai thoại được người dân núi Cấm lưu giữ. Nói thêm về các tuyệt kỹ của tướng cướp lừng danh Đơn Hùng Tín, đạo sĩ Ba Lưới cho biết: “Để có đàn em, Đơn Hùng Tín biểu diễn khả năng đạn bắn không chết của mình. Y cho người dùng súng bắn vào ngực, đầu mình khi đứng trên vách đá quay lưng lại với vực thẳm. Súng nổ, đạn bắn vào người mà y vẫn không hề hấn gì. Hắn còn có thuật ẩn thân rất giỏi, khi hắn nấp sau bụi cây, ngọn cỏ, không ai có thể phát hiện ra hắn. Hắn cũng nổi tiếng với thân thủ nhanh lẹ, có thể búng một cái là lên tới ngọn cây. So về thuật này, hắn chỉ thua chiêu “Bình sa lạc nhạn” của tôi thôi.

Do đó, hắn có thể vào nhà cao cửa rộng, tường kín rào cao ăn trộm mà không ai phát hiện. Trong các trận cướp bóc, hắn cũng nổi tiếng sức mạnh một hạ mười lại bắn súng ngắn rất giỏi”. Bằng những tuyệt kỹ được tôi luyện từ võ Thất Sơn trong đó có võ gồng, Đơn Hùng Tín nhanh chóng trở thành một tướng cướp lừng danh, khiến chính quyền sở tại thời buổi ấy thất điên bát đảo.

thien cam son

Theo Công Lý