Cà Phê Võ Thuật: Không Cà Phê, cũng chẳng phải Võ thuật

Với bọn trẻ trai chúng tôi, “Cà Phê” không có nghĩa là Cà Phê – và Võ cũng vậy. Còn Cà Phê Võ Thuật nghĩa là gì? Tôi cũng không biết. Tôi không định hình được nó. Nhưng tôi biết rằng nó tồn tại đâu đó trong cuộc sống này của tôi, và của anh em bạn bè – những người khác cũng mê võ.

Cà Phê Võ Thuật : góc nhìn khác về Võ đạo – đạo của người võ sĩ

Cà Phê Võ Thuật : Nấc thang võ thuật

Chúng tôi không nghiện Cà Phê – hay theo như cách mà người anh lớn của chúng tôi vẫn hay nói: “Cà nào mà Phê nổi tụi bây”. Chúng tôi nghiện những cuộc trò chuyện. Chúng tôi nghiện những tiếng cười bên cạnh ly soda, nước mía, trà sữa… tất cả những thứ mà chúng tôi gọi tắt là “Cà phê”. Bạn biết đấy, Cà Phê gần như thành một phần của văn hóa rồi, nó đại diện cho những cuộc hội ngộ quán xá nào đó.

“Bọn” chúng tôi cũng chẳng rõ là năm hay bảy đứa. Có đứa đi làm, có đứa đi học – vòng vòng trong cái thị xã nhỏ này nên chạm mặt nhau suốt. Cũng có đứa đi làm xa, lâu lâu mới về. Hiếm khi nào cả bọn ngồi với nhau đông đủ vào một buổi “Cà phê” sáng nào đó.

Muốn thấy đủ mặt bạn bè? Lên sân!

 

Nếu phải mô tả, có lẽ chúng tôi phần nào đó giống bộ phim huyền thoại này: Fight club. Nếu không có một ngày đẹp trời, tôi biết đến võ thuật và để nó dạy lại những giá trị của sự nỗ lực, của ý chí, có lẽ tôi đang giống những lời nào đó, của một nhân vật nào đó trong bộ phim này “Tôi nhìn thấy trong Fight Club những người mạnh mẽ và thông minh nhất. Tất cả các bạn là những con người đầy tiềm năng. Và thật lãng phí khủng khiếp, cả một thế hệ làm công việc bơm xăng, phục vụ bàn, làm nô lẹ ở văn phòng trong những bộ cổ cồn trắng. Quảng cáo khiến chúng ta chạy theo xe hơi và quần áo. Phải làm những công việc ta ghét để có tiền mua những thứ ta không cần.” À, một lời khuyên chân thành, bạn nên xem bộ phim này để hiểu vì sao chúng tôi tìm đến võ thuật.

Ban đầu là hai thằng dở người, một thằng học Box đàng hoàng đâu được năm bảy bữa, một người anh lớn khá hơn chút, có dịp lên đất Sài Gòn ngậm máu mồm về dạy lại. Hai thằng cứ mỗi chiều là hẹn nhau ở công viên, khởi động vài phút, tập vài bài, rồi lại xỏ găng đập.  Rồi thằng thứ 3 xuất hiện, ngó ngó nghiêng nghiêng bình phẩm thế nào mà bị 2 thằng tôi lôi vào quẳng cho cặp găng thách đánh. Đánh rồi lại thành thân thiết. Thằng thứ 4 là bạn của thằng thứ 3, rồi cứ thế cái nhóm của bọn tôi lớn dần.

Bàn nước mía (à không, tôi sẽ gọi nó là bàn “cà phê”) bên cạnh công viên của chúng tôi mỗi chiều đông dần. Những câu chuyện cũng nhiều hơn. Lắm khi buông một câu đùa cợt, vừa giật mình ngẩng lên thì thấy 2 nắm đấm ở 2 bên đấm thẳng vào vai là bình thường. Dân võ mà – tay chân ngứa ngáy lắm.

Nhưng chúng tôi ít nói chuyện võ. Chúng tôi nói chuyện gã sếp đầu hói hôm nay lại ra cái luật quái đản gì. Chúng tôi nói chuyện trên trường hôm nay lại có gã trai đánh nhau vì cùng yêu một con bé. Chuyện trên trời dưới đất. Chuyện vui. Chuyện buồn. Có những chuyện tận đẩu tận đâu, có những chuyện ngay trong cuộc sống của chúng tôi. Một căn nhà mà cha mẹ vừa bán để trả nợ. Một đứa mới thất tình. Một đứa mới tập buôn bán nhưng thất bại.

Ban đầu thì có vài đứa muốn bỏ. Võ mà – cay đắng mà nói, nó không thể so sánh được với chuyện làm, chuyện học, chuyện phụ giúp gia đình. Lúc chúng tôi “tập và đập” thì đứa này vừa mới tan học ở trường cấp 3, còn phải chạy về nhà cơm nước, có đứa phải ra giúp mẹ dọn quán ăn ở chợ… Cũng có những đứa lên chạm găng được vài lần rồi bỏ hẳn. Có vài đứa may mắn hơn, sắp xếp được để lên sân thỏa mãn cơn nghiện.

Giữa cuộc đời buồn chán và áp lực này, chúng tôi coi võ thuật như một cứu cánh, một niềm vui.

Nghiện đấm, và nghiện bị đấm. Chúng tôi không có bất cứ lời giải thích nào về cái “nghiện” này. Chúng tôi không ra dáng dân võ, không đồng phục, không đai đẳng, găng cũng cặp nguyên cặp rách, không thể ra dáng ra oai với người khác. Lắm khi bạn bè biết chúng tôi tập võ, hỏi “Mày đai gì rồi?”, chúng tôi chỉ ngậm miệng quay lưng đi. Chúng tôi cũng chẳng chuyên nghiệp, chỉ có một người anh chỉ dạy lại, rồi “tập cùng nhau, đập lẫn nhau”.

Chúng tôi chẳng có gì đáng để tự hào. Vậy mà vẫn bất chấp mọi thứ để chiều được lên sân, và mang cái môi rách máu về nhà.

Có lẽ, vô tình, chúng tôi tạo nên một nơi để tất cả mọi người có thể sống thật với bản ngã con người mình nhất. Và chúng tôi nghiện nó.

Ở đó, chúng tôi có một thằng bé một ngày 8 tiếng đi học, về nhà lại ngồi dính vào bàn học. Nhưng lên sân, nó được bước, được nhảy, được tung nắm đấm.

Ở đó, chúng tôi chúng tôi có một gã trai đang trên đường lập nghiệp, sau nhiều thất bại, nhiều chán nản, gã tìm lại đôi chút tự hào, đôi chút tự tin mỗi lần tránh được một quả đấm, và trả được một quả đấm chuẩn xác.

Ở đó, chúng tôi có một gã viên chức ngày ngày nghiến răng luồn cúi chịu đựng ông sếp “cô hồn” (phỏng nguyên lời anh bạn của tôi), nhưng lên sân, anh được bung hết khả năng của mình vào những nắm đấm. Dù anh có “ăn” đấm, đó cũng là nắm đấm mà anh đã cố hết sức để tránh.

Đó không chỉ là Võ thuật. Đó là một góc nhìn của cuộc sống. Đó là nơi chúng tôi thể hiện được đúng bản năng của con người – vâng cơ thể con người sinh ra là để vận động, và trong từng giọt máu của con người vẫn có hoormone bạo lực, điều mà khoa học cũng không thể chối cãi.

Bàn "Cà phê" của chúng tôi ngập những cặp găng đang chờ khô mồ hôi, và những câu chuyện "Võ" của chúng tôi lại vòng quanh những bộn bề cuộc sống.
Bàn “Cà phê” của chúng tôi ngập những cặp găng đang chờ khô mồ hôi, và những câu chuyện “Võ” của chúng tôi lại vòng quanh những bộn bề cuộc sống.

Đó không chỉ là Cà Phê. Bất kể những cuộc “Cà phê” nào, từ những cuộc hội ngộ “chớp nhoáng” 15 phút trước giờ đi học, đi làm, cho đến bàn nước mía mỗi chiều tối sau buổi tập, khi tất cả đều đã “rã” người, nó đều vui hơn khi có thêm một người, và buồn hơn khi bớt đi một câu chuyện.

Cà nào mà Phê nổi chúng tôi. Nhưng khi cơ thể đã rã rời vì những cử động, thì khi đó, tâm hồn và suy nghĩ của bất cứ ai cũng đều yếu đuối, nhạy cảm, và dễ dàng cảm thông nhất. Đó là lúc mà những câu chuyện bắt đầu.

Đó là lí do vì sao nhóm chúng tôi, một bọn gà mờ tự gọi mình là “nỗi xấu hổ của bộ môn Boxing” vẫn tồn tại, và vẫn không thể sống thiếu nhau.

Một lần lướt web, tôi nhìn thấy bức ảnh này và mỉm cười. Chúng tôi không hề đơn độc. Chúng tôi tin rằng đây chính là hình mẫu rõ ràng nhất về cách Võ thuật kết nối con người.

Đó là Cà Phê Võ Thuật – là văn hóa của những người chơi võ. Và tôi tin chắc rằng trong cộng đồng võ thuật này, ở đâu đó, cũng có rất nhiều nhóm người như chúng tôi. Những người không thể sống thiếu Cà Phê (à không, những cuộc hội ngộ), và Võ Thuật.

Fight club (1999), một trong những tác phẩm điện ảnh hết sức sâu sắc và tinh tế, khắc họa rõ ràng mối liên hệ giữa cuộc sống đầy áp lực, và thú vui võ thuật. Một lời khuyên chân thành: nên xem.

[jwplayer player=”1″ mediaid=”84310″]

Hồ Võ