Trong võ thuật không có chỗ đứng cho sự ma mị ảo tưởng

Võ thuật dù nhìn từ góc độ nào thì cũng phải thừa nhận một thực tế, đó là công phu luyện tập một cách khoa học.

Võ thuật đã xuất hiện cùng với con người rất sớm để nhằm mục đích đấu tranh sinh tồn.

Từ việc hái lượm quả, hạt cho đến săn bắt và các cuộc tranh chấp bằng vũ lực, cũng đều với mục đích sinh tồn và bảo vệ lợi ích cá nhân, lợi ích tập thể.

Con người đã nâng cấp từ những động tác có tính phản xạ tự nhiên, lên thành kỹ năng sử dụng động tác phản ứng nhanh, mạnh hiệu quả hơn, mà kỹ năng này thì cần luyện tập thường xuyên và lâu dài.

Sự phát triển võ thuật phản ánh khát vọng cổ điển của loài người trong việc đấu tranh sinh tồn với thiên nhiên, với các cá thể khác. Ảnh: thần thoại Hercules tay không đánh bại sư tử

Tuy nhiên, khả năng phản ứng này chỉ phát huy hiệu quả với những trận chiến mang tính đơn đấu hoặc song đấu mà thôi.

Từ những kinh nghiệm đơn lẻ, con người dần dần biết đúc kết và phối hợp các biện pháp đấu tranh lại với nhau và truyền thụ rộng rãi. Nền tảng võ thuật chuyển sang võ học từ đó.

Võ học trong thời huyền sử đã đi từ đơn đấu đến quần đấu, rồi thâm nhập vào binh pháp. Hiện tượng này khởi đầu bằng những cuộc giao đấu cá nhân chuyển sang trường hợp quần đấu trong các trận chiến giữa các bộ tộc, bộ lạc với nhau, rồi mới tới trình độ đưa võ học vào binh pháp như các trận đánh giữa An Dương Vương-Hùng Vương đời thứ 18 là một ví dụ.

Võ thuật châu Á có sự hòa quyện với các trường phái triết lý như Nho giáo, Phật giáo

Sau khi võ học đã phát triển mang tính quảng đại, thì một sự kiện khác xuất hiện. Đó là nền tảng võ đạo được hình thành.

Tinh thần Tam Giáo (Nho giáo-Phật giáo và Lão giáo) đã được hội nhập vào võ học, để làm nền tảng khởi thủy cho tinh thần võ đạo Việt Nam (được gọi là tinh thần tiền võ đạo).

Trong các cuộc chiến mang tính chất quần đấu, thì yếu tố chiến thắng phụ thuộc rất lớn vào chiến lược và chiến thuật. Gọi tóm là binh pháp.

Chiến trường trung đại đề cao tính thực dụng của binh pháp chứ không phải võ thuật.

Trong một số câu chuyện mang tính lịch sử như Tam Quốc Chí, thì nhân vật Gia Cát Lượng không phải là một người có tài kêu mây gọi gió (hô phong hoán vũ) mà là một nhân vật rất am tường về thiên văn địa lý – khí tượng thủy văn. Biết kết hợp các yếu tố thời tiết với những kỹ năng về chiến thuật mà hành động mang lại chiến thắng, chứ chẳng phải phép thuật bùa chú gì.

Tóm lại binh pháp bao gồm cả chiến thuật, chiến lược tâm lý và tài dự đoán thời tiết để thực hiện một kế hoạch trong chiến tranh.

Các hình thức mang tính tâm linh huyền bí ẩn chứa tính cách thần thoại thì không thể gom nó vào trong lĩnh vực võ thuật.

Bởi lẽ, một lực đánh, một phương pháp thực hiện, một nguyên lý khoa học không có, không lý giải được, mà chỉ nhờ cậy vào một “ảo lực” của thế giới vô hình nào đó, thì không thể công nhận nó nằm trong lĩnh vực võ thuật, mà nó thuộc phạm trù tâm linh huyền bí.

Như phần đầu đã đề cập, thì võ thuật bắt đầu từ những động tác dùng sức thực tế, và nâng cao dần với sự tinh luyện mà thành. Hoàn toàn do lực và kỹ thuật bản thân, không dựa vào một ngoại lực vô hình nào cả.

Võ thuật được phân tích và lý giải hoàn toàn dưới góc khoa học, mà không có gì gọi là không thể lý giải.

Võ thuật – một bộ môn khoa học dựa trên cơ thể con người

Một “võ sĩ” khi thực hiện các động tác võ bất kỳ trong tình huống nào, mà không phải do tự thân phát ra, không lý giải được đòn thế, thậm chí không biết nguyên lý ra đòn, thì có thể gọi đó là võ thuật hay không?

Trong lịch sử và trong quá khứ, nhiều quốc gia trên thế giới đã hứng chịu nhiều cuộc chiến tranh, tiêu hao không chỉ kinh tế mà cả nhân sự, đã không hề có dấu tích can thiệp nào nhằm giảm thiểu thiệt hại cho quốc gia từ một loại hình “võ thuật thần bí”. Thì đàng sau đó là gì?

Châu Minh Hay

Nguồn: giaitri.thoibaovhnt.com.vn | Copy Link