Cà phê võ thuật (Kì 4) – “Để bình thản trước những người như anh”

Cà phê võ thuật (Kì 3) – Khi con người chiến đấu giống con người

Cà phê võ thuật kì 4 là một câu chuyện tôi đã đọc được ở đâu đó – đã lâu lắm rồi. Vì không thể tìm lại được nguyên tác nên tôi mạn phép được biên tập, phỏng lược lại và đưa đến quý độc giả, cũng như mong mỏi nhận được những bình luận, suy nghĩ của quý độc giả sau bài viết này.

Xóm tôi khi ấy có một người võ sư. Thực tế thì ông ấy không nhận học trò, không thể gọi là “sư” được, nhưng bằng tất cả sự kính trọng, tôi cảm thấy hai từ “võ sĩ” và “võ sinh” không phản ánh đúng về ông ấy – cách ông ấy đi quyền toát lên một thứ gì đó vô cùng khó tả. Một phong thái mà kể cả các võ sư trên nhà văn hóa huyện tôi cũng không có được.
Ông ấy luyện quyền mỗi sáng, đều đặn hơn cả bọn trẻ con trong xóm đi học – bọn chúng vẫn có hôm nghỉ, còn bài quyền của vị võ sư hàng xóm thì được luyện tháng này qua năm khác. Võ thuật tồn tại như nếp sống của ông ấy vậy.
Ông ấy chưa từng dùng võ để đối xử với ai. Cũng chưa từng bắt cướp – à mà thực sự khu phố của tôi cũng quá yên bình rồi. Và dĩ nhiên là đám trẻ trai trong xóm tôi bắt đầu hoài nghi về ông.

Không có sức mạnh, nhanh nhạy như những người trẻ, nhưng những võ sư lớn tuổi luôn ẩn chứa một nét đặc trưng không thể nhầm lẫn về tinh thần, phong thái, cùng những giá trị văn hóa võ thuật.

Dạo ấy xóm tôi có một gã, người Sài Gòn chuyển về, nghe nói từng đánh giải này giải nọ và cũng đã có “huy chương vàng treo đỏ phòng khách” – gã nói vậy. Qua vài cuộc rượu chè, tôi biết thêm rằng ngoài nghiệp võ, gã còn đi…đòi nợ mướn kiếm thêm. Trời xui đất khiến thế nào mà gã chuyển về sát vách nhà vị võ sư đã gần năm mươi tuổi.
Giữa một gã thanh niên đang sung sức, với niềm kiêu hãnh không thể chối cãi cùng tính khí nóng nảy đặc trưng của một gã kiếm cơm bằng đe dọa vũ lực – và một người võ sư già vốn chẳng bao giờ hé lộ về khả năng của mình, bạn nghĩ sẽ có chuyện gì xảy ra?
Hôm đầu tiên, gã treo bao cát ra đấm thùm thụp trong khi vị võ sư vẫn đang đi bài quyền nhẹ nhàng của mình.
Hôm thứ hai, gã trở mặt thân tình sang nhà võ sư uống trà. Tưởng yên ổn, thế mà được dăm ba câu chào hỏi, gã kiếm chuyện:
– Ông bây giờ một lúc đánh được mấy người?
– Một.
– Ông là võ sư kiểu gì vậy?
– Tôi đâu phải võ sư.
– Thế ông luyện võ vậy, đánh được một lúc 10 người không?
– Không.
– Thế ông đánh được 5 người có vũ khí không?
– Không.
– Thôi giờ giá chót, 2 người có vũ khí, đánh được không?
– Không?
– Thế ông học võ làm cái khỉ gì vậy?
Vị võ sư châm thuốc hút, mỉm cười nhìn gã, đôi mắt hiền lành nhưng cũng đầy thách thức
– Để bình thản trước những người như anh.

Hôm sau, gã kia tháo bao cát ra treo tận sau vườn nhà gã – nơi mà chẳng ai nhìn thấy, trừ bọn nhóc trộm xoài như chúng tôi. Vị võ sư kia vẫn ngày ngày luyện quyền. Khu phố của tôi vẫn bình yên như thế, vẫn quay lại nhịp sống như thế…
Vẫn đều đều mỗi chiều, hai vị võ sư trên nhà văn hóa huyện ngồi cà phê trò chuyện, thỉnh thoảng nhắc đến người thầy trước kia, nay đã 50 tuổi, đã không còn giảng dạy nhưng vẫn thường xuyên luyện tập, hiện đang sống ở đâu đó trong cái huyện nhỏ này… Họ nhắc đến ông bằng tất cả niềm tôn trọng.

Hồ Võ