Tự vệ chống dao như thế nào mới là thực tế nhất?

Trong những tình huống thực chiến đường phố, gần như 80% chúng ta sẽ phải đối mặt với những kẻ mang “hàng lạnh” bên mình. Vậy phương án nào là cách tốt nhất để tự vệ trước đối thủ mang dao hay hung khí?

Chạy – Phương án luôn được chọn hàng đầu trong đại đa số các trường hợp tự vệ đời sống. Không có gì xấu hổ khi từ bỏ một trận thi đấu không thưởng, không phạt và không công bằng thì chẳng có lý do gì bạn phải đối đầu. Tất nhiên trong nhiều tình huống không phải muốn chạy là được, bạn rơi vào tình thế buộc phải phản công.

Tìm vũ khí tự vệ ở xung quanh – Bất cứ vật dụng nào cũng có thể sử dụng như một món vũ khí. Miễn vật đó đủ cứng trước hung khí của đối thủ, giúp bạn cản những đợt tấn công, giảm thiểu thương tổn bản thân. Đặc biệt những chiếc balo, túi xách là công cụ hữu dụng giúp bạn tránh những đòn đập hay đâm, chém.

Giữ khoảng cách tùy tình huống – Với hung khí là dao găm hay những vật nhọn bằng kim loại nên giữ khoảng cách ngoài phạm vi đòn đánh. Còn riêng với những vật dụng dài như gậy thì nên lựa thời điểm để áp sát, lưu ý nên càng gần càng tốt vì hiệu quả của mỗi đòn của loại hung khí này cần lực của cả bàn tay. Nếu bạn nắm được cổ tay cầm hung khí thì gần như đối thủ không thể tung đòn hết sức nữa. Những thế võ tự vệ mà bạn học được có thể giúp bạn nếu bạn làm chủ được khoảng cách và nhịp di chuyển của đối phương. Tuy nhiên đây là điều khá khó khăn và đặc biệt là về tâm lý rất khó giúp bạn bình tĩnh đối đầu với vũ khí.

“Vừa chạy vừa la làng” – Thông thường thời điểm kêu cứu cũng là lúc đối thủ tấn công, nó chẳng khác gì một hiệu lệnh khiến đối thủ tấn công. Do đó lúc này bạn cần vài chiêu “võ mồm” trấn tĩnh đối phương rồi sơ hở mới bỏ chạy kêu cứu. Đối đầu ngay lập tức đôi khi sẽ gây nguy hiểm cho chính bản thân bạn. Nếu có giành chiến thắng trong trận đấu vô nghĩa này thì bạn cũng sẽ vướng vào vòng lao lý. Kêu cứu là hành động thể hiện bạn là nạn nhân và giúp bạn tránh rắc rối sau này.

Quang Phượng