Nói về footwork, cả boxing và MMA đều có cho mình những kỳ tài với lối footwork vượt trội, nhưng tại sao trên đấu trường kickboxing và Muay Thai, những đôi chân nhanh nhạy như “khiêu vũ” lại không quá phổ biến?

Thực tế, footwork chiếm một phần quan trọng trong tất cả các môn thể thao đối kháng, từ đấu kiếm liễu đến đấu vật, footwork cũng chiếm một vai trò tối quan trọng. Tuy nhiên, đôi khi do tính đặc thù của nhiều môn võ khiến cho yếu tố footwork không thể hiện quá nổi bật trong những trận đấu.

Nếu như trong Boxing, những bước di chuyển của Muhammad Ali hay Lomachenko luôn là tâm điểm chú ý của mọi ánh nhìn, thì ở MMA, Dominick Cruz và Tj Dillashaw cũng là những võ sĩ đã thành công trong việc trình diễn những kỹ thuật footwork điêu luyện. Nhưng vì sao, trong võ đài Kickboxing – Muay Thai, dường như không một ngôi sao nào lại có thể “khiêu vũ” như vậy? Dù cho bộ luật của Kickboxing thoáng hơn so với Boxing và giới hạn hơn so với MMA?

Lối footwork của Boxing

Do luật thi đấu bị giới hạn ở đôi tay, lại không được phép quay lưng chạy trốn, các boxer phải đảm bảo được khả năng di chuyển của mình để không vi phạm luật đấu mà vẫn bảo đảm an toàn cho bản thân. Chính vì lý do này, tầm quan trọng của footwork trong Boxing được đẩy lên cao nhất. Càng ở cấp độ cao, footwork càng chiếm một vai trò quan trọng bên cạnh các yếu tố tốc độ và sức mạnh, thể lực.

Vì luật đấu chỉ cho dùng tay tấn công, các đòn vả, chưởng, ngạnh cũng không được phép sử dụng. Kỹ thuật giữ đầu ôm ghì dirty boxing cũng bị cấm, việc đưa nắm đấm đến mặt đối thủ trở thành nhiệm vụ khó khăn hơn bao giờ hết. Để có thể làm được điều đó, các tay đấm chỉ còn cách tìm kiếm những góc độ khó chịu để ra đòn. Để tìm được góc độ tốt, bạn phải di chuyển đến góc đánh đấy.

Đối với những tay đấm thiên về di chuyển như Lomachenko hay Muhammad Ali, họ đều phát huy tối đa khả năng tìm kiếm góc đánh tốt để có thể đẩy mạnh hiệu quả tối đa của mọi cú đấm.

Lối footwork của Kickboxing và Muay Thai

Dù không được thể hiện rõ nét, sẽ thật sai lầm nếu bạn cho rằng Kickboxing và Muay Thái không có footwork. Chỉ duy một điều, lối sử dụng footwork của Kickboxing và Muay Thai nếu sao chép 100% từ Boxing sẽ khiến cho người sử dụng gặp rắc rối vì một lý do duy nhất: những cú đá phá trụ.

Ở thời kỳ đầu của Kickboxing, khi mà luật đấu vẫn còn chưa cho phép các đòn đá từ dưới hông trở xuống, footwork của Kickboxing cũng đa màu sắc không kém gì Boxing. Tuy nhiên, kể từ sau khi huyền thoại Muay Kietsongrit đè bẹp Rick Roufus bằng phá trụ, thế giới mới nhận ra sự lợi hại của kỹ thuật này. Tuyệt nhiên, việc dùng footwork để làm hoa mắt đối thủ trở nên quá nguy hiểm kể từ khi thế giới biết đến low kick.

Kickboxing cổ điển không cho phá trụ, đó là lý do khiến Rick Roufus phải nhận thất bại trước Kietsongrit khi thi đấu trong một luật Kickboxing mở

Trong Kickboxing và Muay Thai hiện tại, lối sử dụng footwork mang tính cẩn thận và an toàn hơn. Footwork cũng được dùng để tìm kiếm những góc đánh thuận lợi, nhưng thông thường, các võ sĩ Kickboxing – Muay Thái phải phủ đầu đối thủ trước khi bẻ góc.

Nguyên nhân chính, Kickboxing có thêm đôi chân, một vũ khí mạnh mẽ hơn đôi tay rất nhiều. Một pha trúng đòn đá gây nhiều sát thương hơn một cú đấm, đó là điều không phải bàn cãi. Đó là chưa kể đến việc nếu lệ thuộc vào footwork, võ sĩ sẽ nhanh chóng mất toàn bộ vũ khí thi đấu nếu gặp một kẻ phá trụ tốt.

Tần suất diễn ra các tình huống như trên rất hiếm xảy ra trong các trận Kickboxing hoặc Muay Thai, ngay cả Giorgio Petrosyan cũng không lạm dụng kỹ thuật này

Có thể nói, lối footwork hoa mỹ không phù hợp trên võ đài Kickboxing khi các đòn đá và các đòn phá trụ xuất hiện. Tuy nhiên, nếu nói Kickboxing và Muay Thai không có footwork lại hoàn toàn là một điều sai lầm.

Lối footwork của MMA

Thật khó để nói rằng MMA là một môn võ khi mà cả những võ sĩ cùng lò tập với nhau, vẫn có thể có những nền tảng thi đấu khác nhau. MMA nói cách khác, là một thể thức đối kháng mở cửa cho tất cả các môn võ vào so tài. Và để sống sót trong võ đài MMA, các võ sĩ phải tự nâng cấp bản thân với những môn võ khác nhau. Trong đó, sự khác biệt đáng kể nhất phải kể đến ground game (địa chiến).

Tuy nhiên, dù có bộ luật mở như thế, các võ sĩ MMA lại có cơ hội để trình diễn footwork hơn vì bởi, các võ sĩ MMA khi thi đấu đều trong trạng thái đề phòng những pha takedown của đối thủ. Các yếu tố thuần striking đều mang tính chất tương đối khi yếu tố grappling luôn hiện diện trong mọi trận đấu MMA. Chính vì lý do này, kể cả khi trông thấy những cơ hội để “phá giò” đối thủ, những võ sĩ MMA cũng rất dè chừng không biết có phải đó là cái bẫy takedown.

Thêm một lý do nữa mà có lẽ sẽ ít người chịu thừa nhận, các võ sĩ MMA sẽ không bao giờ đạt được trình độ striking như những Boxer và Kickboxer, vốn là những người dành cả đời để chơi striking, do striking không phải là nội dung duy nhất mà các võ sĩ MMA phải chú ý. Do đó, khả năng nhìn nhận các tình huốn và nắm bắt cơ hội striking đối với các võ sĩ MMA cũng không sắc bén bằng những Kickboxer và Boxer cùng đẳng cấp.

Chính vì vậy, việc nắm bắt bước di chuyển của những Dominich Cruz, Tj Dillashaw càng trở thành nhiệm vụ bất khả thi. Nhất là khi cả hai ngôi sao này đều là những wrestler có hạng. Họ đều có khả năng đang chờ đợi một cú ra chân để thực hiện pha shoot in bốc vật

Theo Webthethao.vn

Nguồn: giaitri.thoibaovhnt.com.vn | Copy Link