Nữ hoàng Fencing Việt Nam ăn Tết cùng vết thương đợi mổ

Nhắc đến làng đấu kiếm (Fencing) Việt Nam, bên cạnh kiếm sĩ đa tài Vũ Thành An, chúng ta không thể quên nhắc đến Nguyễn Thị Lệ Dung – người “nữ hoàng” trên sàn đấu kiếm nội dung kiếm chém (Sabre). Sau 12 năm liên tục đem về 9 tấm HCV SEA Games, con đường quay lại đấu trường Đông Nam Á của cô lần này lại gặp trở ngại không thể trớ trêu hơn.

Olympic 2016: Đấu kiếm Việt Nam tên tuổi nhỏ, ý chí lớn

“Hotboy đấu kiếm” được vinh dự cầm cờ TTVN tại Olympic Rio 2016

Đi theo bộ môn đấu kiếm là chấp nhận rủi ro chấn thương đầu gối – đó là điều mà mọi VĐV Fencing đều hiểu kể từ những ngày đầu tiên làm quen với cường độ tập luyện khủng khiếp với những bước chân “nhấp nhả” tưởng chừng đơn giản nhưng lại nắm đến gần một nửa yếu tố thắng thua. Riêng với Lệ Dung, trong 15 năm đeo đuổi bộ môn Fencing, cô đã phải chịu đựng hơn 8 năm đau đớn dai dẳng vì những chấn thương chưa bao giờ được điều trị dứt điểm: Một đầu gối bị rách sụn, đầu gối còn lại vừa rách sụn vừa bị tiêu mỏm khớp.

Nguyễn Thị Lệ Dung - niềm kiêu hãnh của Fencing nữ Việt Nam.
Nguyễn Thị Lệ Dung – niềm kiêu hãnh của Fencing nữ Việt Nam.

Được Bệnh viện Thể thao Việt Nam đồng ý hỗ trợ kinh phí và thủ tục đi mổ ở Singapore, khó khăn của Lệ Dung lẽ ra đã được xử lý vào tháng 9/2016 để cô có thể toàn tâm toàn ý  sớm quay lại phòng tập và cùng đội tuyển hướng thẳng đến SEA Games 2017. Cần nói thêm rằng Lệ Dung là một trong những “mỏ vàng” ổn định nhất của làng thể thao Việt Nam nói chung và bộ môn Fencing nói riêng qua các kỳ SEA Games. Tháng 2/2016 vừa qua, nước chủ nhà Malaysia đã “xi nhan” ý định loại bộ môn Fencing nhưng rồi vẫn quyết định đưa môn này vào danh sách thi đấu chính thức. Đó vừa là tin mừng, vừa là nỗi lo của Lệ Dung khi thời gian mổ và hậu phẫu tính đến hàng tháng trời, trong khi thời gian triệu tập cho SEA Games 2017 sẽ sớm đếm ngược từng ngày.

Lệ Dung là một trong những niềm hy vọng vàng có phong độ ổn định nhất. Cô lẽ ra cần được đầu tư chăm sóc và "gìn giữ" chứ không phải vật lộn với gánh nặng chấn thương như bây giờ.
Lệ Dung là một trong những niềm hy vọng vàng có phong độ ổn định nhất. Cô lẽ ra cần được đầu tư chăm sóc và “gìn giữ” chứ không phải vật lộn với gánh nặng chấn thương như bây giờ.

Tuy nhiên, đúng vào thời điểm lẽ ra Lệ Dung phải được đưa đi Singapore chữa trị thì toàn ngành thể thao lại đang tập trung vào Asian Beach Games 2016. Bệnh án của cô được dời ngày mổ đến 4/1/2017 và rồi tiếp tục bị hoãn vì… chi phí cho ca mổ thuộc biên chế năm 2017, và cả bệnh viện vẫn đang phải đợi nguồn tài chính phân bổ từ nhà nước cho năm 2017. Chia sẻ với báo chí, Lệ Dung cho biết: “Tôi rất sốt ruột, dù có phải đi mổ vào mùng 1 Tết tôi cũng sẵn sàng đi để kịp chuẩn bị cho SEA Games”. Ông Phùng Lê Quang, Trưởng bộ môn đấu kiếm Tổng cục TDTT cũng cho hay: “Chi phí mổ cho Lệ Dung vào khoảng 50.000 USD. Lãnh đạo bệnh viện cũng đã trao đổi với tôi là cố gắng xin thực hiện ca mổ cho Dung bằng kinh phí năm 2016, nhưng tôi cho rằng rất khó”.

Lệ Dung (trái) trong một pha đòn xuất thần tại SEA Games 2015.
Lệ Dung (trái) trong một pha đòn xuất thần tại SEA Games 2015.

Phạm Vũ