5 sự thật bạn nên biết trước khi bắt đầu bước vào con đường võ thuật

Bạn sẽ thất bại

Bước vào võ thuật là bạn bước vào những chuỗi ngày của thất bại. Thất bại từ việc thử một đòn đá, một cú đấm. Thất bại khi thi lên đai. Thất bại khi xỏ găng giao đấu. Bạn sẽ cảm thấy vô cùng hào hứng khi xem một bộ phim võ thuật nào đó, tưởng tượng mình như nhân vật chính và bắt đầu luyện tập võ thuật với niềm tin rằng tất cả đều suôn sẻ. Võ thuật sẽ dội gáo nước lạnh vào đầu bạn, không sớm thì muộn. Điều đầu tiên mỗi người võ sinh phải học được, có khi học được trước cả những cú đấm ngọn đá, đó là khả năng đứng dậy và vượt qua thất bại.

Bạn sẽ đau

Không có bất cứ môn võ nào nằm ngoài quy luật này, kể cả Aikido – môn võ được xem là “nhẹ nhàng” nhất vẫn có những buổi tập đầu tiên chỉ có té ngã, té ngã, và té ngã. Đó là sự thật. Và những chấn thương xương khớp có thể đến bất cứ lúc nào nếu bạn không thực hiện đúng kĩ thuật. Nếu bạn chưa sẵn sàng chưa điều này thì tốt nhất bạn nên tiếp tục nằm trên giường, quấn chăn và ngủ. Ít ra bạn có thể mơ thấy điều gì đó tốt đẹp hơn.

Bạn sẽ… tốn tiền

“Võ thuật là bộ môn nghệ thuật xa xỉ”. Bất kể bạn tập ở những trung tâm MMA với học phí tính bằng USD/tháng, hoặc lớp võ phong trào ở tỉnh lẻ, bạn vẫn sẽ tốn tiền. Bạn tốn tiền học phí. Bạn tốn tiền mua dụng cụ, võ phục. Bạn sẽ tốn tiền chữa thương. À, tốn tiền nước nữa… Cho dù có tiết kiệm được đến mức nào, bạn vẫn sẽ tốn. Một trong những điều an ủi nhất về vấn đề này, đó là một trong những câu nói “thấm” nhất tôi từng được nghe: “Mồ hôi, máu và nước mắt còn đổ ra cho võ thuật được thì tiền bạc giá trị gì?”

Bạn sẽ thường xuyên tranh cãi và đứng giữa tranh cãi

Cái tôi của dân võ rất lớn, cho nên tranh cãi là điều không thể tránh khỏi. Tranh cãi giữa môn võ này với môn võ khác, bên nào mạnh hơn. Tranh cãi giữa người này với người khác, kĩ thuật nào hơn. Tranh cãi về lý thuyết. Tranh cãi về thực tế. Tranh cãi về võ thuật và những thứ xoay quanh võ thuật, y học chẳng hạn. Nếu bạn chưa sẵn sàng với một cái đầu lạnh, tỉnh táo, sẵn sàng học hỏi và sàng lọc, bạn sẽ dễ bị cuốn vào những tranh cãi, hoặc đứng giữa những cuộc tranh cãi mà không biết tin vào đâu.

Bạn sẽ hoài nghi về chính những gì mình đang học

Bản thân từ “Võ thuật” đã bao hàm quá nhiều thứ: kĩ năng chiến đấu đối kháng, kĩ năng tự vệ, võ đạo, y học, văn hóa võ thuật…. Võ thuật tồn tại hàng môn phái – hệ phái, và bạn (thường) chỉ có thể theo một, hoặc một vài trong số đó. Mỗi môn võ – hệ phái có một hệ thống tư tưởng riêng, một con đường phát triển riêng, một đặc trưng riêng. Nếu không thấu hiểu rõ ràng về môn võ của mình, không có niềm tin, sự trung thành và một ý định luyện võ đúng đắn, bạn dễ rơi vào tình trạng “đứng núi này trông núi nọ”, hoài nghi những gì mình đang học, đang tập, đang trải nghiệm.

Hồ Võ