Nhất Thống – Huyền Diệu: “Cặp song sát” làng taekwondo Việt

 Hồ Nhất Thống và Nguyễn Thị Huyền Diệu là 2 võ sĩ không hề xa lạ với làng võ TPHCM và Việt Nam. Bởi lẽ cả 2 đều là những trụ cột của taekwondo Việt Nam và từng đóng góp vào bảng vàng thành tích của thể thao nước ta. Chàng sinh năm 1975, theo tập taekwondo ở CLB Lý Nhơn (Q.4, TPHCM) từ năm học lớp Bốn. Được sự hướng dẫn của thầy Trương Ngọc Để cùng 2 sư huynh Nguyễn Đăng Khánh và Trần Quang Hạ, Hồ Nhất Thống từng giành HCV SEA Games năm 1997. Năm sau, chàng là võ sĩ duy nhất của Việt Nam đoạt HCV tại ASIAD 13 tại Bangkok, Thái Lan. Cũng trong năm này chàng đứng đầu danh sách VĐV tiêu biểu toàn quốc và được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì. Thành tích đáng kề tiếp theo của chàng là chiếc HCĐ tại giải vô địch taekwondo thế giới năm 1999. 

Nàng nhỏ hơn chàng 5 tuổi, đến với taekwondo tại CLB Lê Lợi, huyện Hóc Môn (TPHCM) từ những ngày hè năm 1993 khi chuẩn bị lên lớp Tám. Giỏi cả thi quyền lẫn đấu đối kháng. Những cú đá đầy uy lực và chính xác của nàng đã mang lại 4 ngôi vô địch SEA Games liên tục (1999, 2001, 2003, 2005). Bên cạnh đó, nàng còn là á quân tại giải vô địch châu Á năm 2002, 2004 và Asian Games 14 năm 2006. Nàng cũng được Nhà nước tặng thưởng 2 Huân chương Lao động hạng Ba năm 2001, 2003 và Huân chương Lao động hạng Nhì năm 2005.

2
Hồ Nhất Thống (trái) trong trận chung kết ASIAD 1998.

Nhất Thống và Huyền Diệu quen biết nhau từ năm 1999 khi cùng tập huấn trong đội dự tuyển quốc gia tại TPHCM, nhưng chính thời gian Nhất Thống tham gia huấn luyện cho đội tuyển quốc gia từ 2002-2008, hai bên mới chú ý đến nhau. Mạnh bạo, kiên cường trên sàn đấu, biết đứng lên từ những thất bại, nhưng hiền hòa trong đời thường, tận tình hướng dẫn và động viên, chăm sóc đàn em, nhất là khi thất bại hoặc chấn thương – những đức tính đó của Nhất Thống đã chinh phục được trái tim của Huyền Diệu. “Cảm động nhất là lúc tôi bị mổ đầu gối hồi năm 2004, suốt mấy tháng trời, anh Thống đều lên tận Hóc Môn để đón tôi và còn cõng tôi lên đến tầng 3 CLB Hoa Lư để học tiếp chương trình Đại học”, Huyền Diệu “bật mí”. Ngược lại, vui vẻ, siêng năng tập luyện, tính tình chân chất lại giỏi cả chuyện bếp núc của Huyền Diệu đã khiến người sư huynh không khỏi xao xuyến. Bên cạnh đó, những vất vả, buồn vui, nỗi cô đơn của đời võ sĩ trong những lúc tập huấn, thi đấu xa nhà cũng giúp họ dễ cảm thông với nhau hơn.

T5
Huyền Diệu và thành tích 4 lần bất bại tại SEA Games.

Đầu năm 2006, Ủy ban nhân dân Q.12, TPHCM đã cấp cho Huyền Diệu một mảnh đất có diện tích 76,4 mét vuông ở phường Hiệp Thành để tưởng thưởng những đóng góp của cô cho nền thể thao TPHCM và Việt Nam. Đến dự buổi lễ trao chủ quyền đất, Giám đốc Sở TDTT lúc bấy giờ là ông Nguyễn Hoàng Năng đã rất xúc động trước sự quan tâm của Quận ủy và Ủy ban nhân dân Q.12.

Theo học Đại học TDTT từ năm 1999, nhưng bận đi thi đấu cũng như dồn lớp, mãi đến cuối năm 2006, Hồ Nhất Thống và Nguyễn Thị Huyền Diệu mới lấy được tấm bằng Cử nhân. Và đến tháng 10-2007, chàng liền “rước nàng về dinh”. Với số tiền dành dụm được từ tiền thưởng trước đó, đôi uyên ương đã cất một căn nhà tường, mái tole trên mảnh đã được Q.12 cấp. Tháng 7-2008, bé trai Hồ Nguyễn Đại Tùng chào đời càng làm cho mái ấm của đôi vợ chồng trẻ đang vui càng thêm vui…

Sau một thời gian tham gia công tác huấn luyện, từ năm 2005, Nhất Thống về công tác tại Trung tâm Đào tạo Võ thuật TPHCM. Tối đến, anh còn tham gia hướng dẫn cho lớp phong trào tại Nhà thi đấu Rạch Miễu (Q. Phú Nhuận) chủ yếu là phát hiện tài năng cho taekwondo TP.HCM. Hiện nay, anh đang phụ trách bộ môn kempo TPHCM, từng đoạt 5 HCV tại SEA Games 26 ở Indonesia.

Huyền Diệu cũng nghỉ thi đấu từ năm 2007 để chuyển sang công tác huấn luyện. Năm 2008, cô về làm việc tại Sở TDTT TPHCM (nay là Sở VH, TT, DL TPHCM) và từ năm 2010 đã chuyển về Trường Nghiệp vụ TDTT TPHCM. Tại đây, bên cạnh công việc hành chánh, Huyền Diệu còn tham gia tập luyện và cùng HLV Nguyễn Thanh Huy hướng dẫn cho đội thi quyền TPHCM. Vẫn còn “máu” thi đấu, Huyền Diệu bày tỏ: “Hồi đó, anh Thống từng giành được huy chương thế giới, còn em thì chưa có. Bây giờ em tập lại trở lại để tham dự và giành huy chương tại giải vô địch quyền thế giới nhóm tuổi U 40 (cười)”.

Mỗi sáng hai vợ chồng lại đưa Đại Tùng đi học mẫu giáo. Trưa ăn nghỉ tại cơ quan, chiều mới rước con về. Thu nhập chủ yếu từ đồng lương nên cuộc sống của 2 người còn khó khăn trước vật giá leo thang. Dù vậy, trong căn nhà nhỏ của họ vẫn thường rộn rã tiếng cười.

Hỏi Nhất Thống về thành tích của anh, Thống còn quên nhưng Huyền Diệu đã vanh vách trả lời thay chồng. “Thế hai bạn có thường cãi vả nhau không?”, Huyền Diệu tươi cười và nhanh nhạy đáp: “Làm sao mà tránh khỏi những lúc bất đồng ý kiến. Lúc đó cả hai đều biết nhường nhịn nên… càng thương nhau hơn…”.

Hơn chục năm trước, họ là “sát thủ” trên sàn đấu và đến với nhau bằng trái tim chân thành. Ngày nay, với tất cả nhiệt tình, đôi uyên ương Nhất Thống-Huyền Diệu đang tiếp tục hướng dẫn cho thế hệ đàn em những kinh nghiệm quý báu để có thể tiếp tục mang vinh quang về cho thể thao TPHCM và nước nhà.

Hoàng Thịnh.