Tổ sư Nhu đạo Jigoro Kano và phương pháp Randori

Nhờ chuyên cần hơn các bạn đồng môn trong phương pháp luyện Kata (quyền), võ sư Kano đã được chọn là người kế vị thầy để đảm đương một võ đường danh tiếng của phái Tenjin-Shinyo-Ryu. Tuy nhiên, khi phát biểu về phương pháp luyện võ, vị tổ sư của môn phái Nhu đạo lại tỏ ra nghiêng về phương pháp Randori. Sau đây là cách thức cùng hiệu quả của phương pháp Randori qua ý kiến của tổ sư Kano, do võ sư Lạc Hà tóm thuật.

Đòn chân Kouchi Gari tuyệt đẹp
Choáng với thể lực của lão võ sư Judo 64 tuổi

Kata và Randori là hai phương pháp luyện võ đã có từ nhiều năm trước và được tiếp tục trong môn Nhu đạo. Kata theo nghĩa đen là bài quyền nên phương pháp Kata là phương pháp luyện một chuỗi đòn nào đó đã được kết hợp thành bài. Trong Nhu đạo (Judo) cũng như trong Nhu Thuật (Jujitsu) việc rèn luyện luôn cần đến 2 người nên Kata không chỉ là “đi quyền” một mình mà là sự trao đổi theo giao ước định trước về các đòn chọn lựa. Vậy Kata chính là phương pháp song luyện hoặc đối luyện mà trong đó võ sinh được biết trước mọi động tác của người cùng tập.

Khác với phương pháp Kata, phương pháp Randori không hạn chế người tập chỉ là 2 người mà cho phép thực hiện từ 2 người trở lên trong những điều kiện của một trận đấu thực sự. Nói một cách khác, Randori là phương pháp rèn luyện bằng đấu tự do. Thực hiện Randori, võ sinh vẫn cần thực hiện các đòn thế đã được biết tuy nhiên sẽ không có hạn chế các sáng kiến về phối hợp các đòn hoặc cách thức ra đòn.

Tổ sư Kano đã diễn giải: “Tập Randori là nghiên cứu sự tương quan giữa hai người đang cố trang lấy phần thắng nên từ đó có thể rút ra hàng trăm bài học giá trị, vì Randori là giao đấu nên hai bên sẽ phải sử dụng hết năng lực, phải chụp mọi cơ hội và cái tinh thần tung đòn trong Randori sẽ hoàn toàn khác biệt với tinh thần tung đòn khi thực hiện phương pháp Kata, tức là tuân theo một số quy luật cứng ngắc”.

Tổ sư Nhu đạo Jigoro Kano
Tổ sư Nhu đạo Jigoro Kano

Theo tổ sư Kano, phương pháp Randori không chỉ đem lại sự thuần thục về cách tung đòn. Hiệu quả của phương pháp này mở rộng đến tất cả các mặt trí tuệ, đạo đức và còn tạo căn bản cho sự hình thành các quan niệm xử thế trong sinh hoạt thường nhật. Từ hướng nhìn lên, Randori không chỉ là một phương pháp luyện võ thuần túy mang tính kỹ thuật mà là một phương pháp uống nắn để đào tạo nên những con người có một phẩm chất đáng kể trong cuộc sống.

Bởi, theo tổ sư Kano, trong Randori, người tập luôn ở trong trạng thái đương đầu với những bất trắc khó lường nên sẽ phải rèn tập để tránh khỏi bối rối hầu đạt tới sự bình thản. Từ thành quả này, người tập sẽ dần dần nhận rõ các mặt đưa đến thành bại của một con người và do đó, có thể hoàn thiện bản thân mình. Không ai có thể phủ nhận rằng khi thực hiện Randori người ta sẽ phải vận dụng mọi khả năng như suy đoán, quan sát, phân tích… và trí tuệ đương nhiên được mở rộng. Lanh lẹ trong hành động, chính xác trong phán đoán, trầm tĩnh sáng suốt trong ứng phó là những thành quả mà phương pháp Kata không thể đem lại ngang với phuơng pháp Randori.

Về tác dụng của phương pháp Randori trong cách xử thế, tổ sư Kano nhắc tới trường hợp phải đương đầu với một đối thủ đang điên cuồng giành chiến thắng. Tổ sư nói: “Trước một đối thủ như thế thì cách duy nhất là không nên tranh thắng ngay mà hãy quần cho tới khi đối thủ dịu hẳn cơn say cố giựt bằng được chiến thắng. Sự hữu dụng của thái độ này trong giao tế hàng ngày thật rõ: Dù đang nắm hàng trăm lẽ phải trong tay ta cũng không thể thuyết phục một kẻ đang giận dữ điên cuồng. Tốt nhất là phải biết chờ đợi cho đến khi kẻ kia tiêu tan cơn giận. Bài học sáng suốt và kiên nhẫn đó không thể đến ngay nhưng chắc chắn sẽ đến sau một thời gian rèn tập Randori và hình thành thái độ ứng xử của ta một cách tự nhiên”.

Phương pháp Randori không chỉ đem lại sự thuần thục về cách tung đòn. H
Phương pháp Randori không chỉ đem lại sự thuần thục về cách tung đòn. (Ảnh minh họa/Nguồn: Internet)

Cũng theo cùng cách suy diễn đó, tổ sư Kano dẫn ra trường hợp một người thường dễ nóng nảy, bộp chộp chắc chắn sẽ đổi tính khi nhận thức được đó chính là những nguyên do đưa mình tới thất bại. Thêm nữa, nguyên lý chính của Nhu đạo là hạn chế tối đa việc phung phí sức lực vào những việc vô ích. Trong Randori, việc tuân thủ triệt để nguyên lý này là cách chắc chắn đưa đến thắng lợi. Như thế, rõ ràng môn sinh rèn luyện Randori cũng đang rèn luyện cung cách để luôn chỉ có những hành vi cần thiết và hợp lý trong cuộc sống.

Tổ sư Kano kết luận: “Với phương pháp Randori trong Nhu đạo, người rèn tập không chỉ phát triển một thể xác mạnh mẽ mà còn đạt tới khả năng kiểm soát hoàn hảo cả tinh thần lẫn thể xác của mình để vượt qua mọi bất trắc với một nhân cách đáng khâm phục”.

Dù sao, để theo đuổi tốt phương pháp Randori vẫn cần phải chuyên cần theo đuổi phương pháp Kata. Vì đây chính là cái nền cần thiết. Kata sẽ đem lại những cần thiết để có các kỹ thuật căn bản. Nhưng nên nhớ Kata không thể giúp cho một con người từ đáy vực thất vọng tìm lại niềm hứng khởi. Hiệu quả này phải nhờ cậy ở phương pháp Randori và chỉ riêng Randori mà thôi. Bởi, rèn luyện theo Randori là rèn luyện để giành thắng lợi, khởi từ phạm vi hẹp của võ đường để đưa vào phạm vi vô biên của cuộc sống.

Video minh họa về phương pháp Randori trong Nhu đạo:

Diệp Phong (tổng hợp)

Nguồn: Tạp chí Tìm hiểu võ thuật (1993)