Võ cổ truyền Việt Nam là tinh hoa di sản của dân tộc, sức hấp dẫn của Võ cổ truyền được chứng minh là không hề kém cạnh bất cứ môn võ nào trên thế giới. Tuy vậy, trong giai đoạn hiện nay, Võ cổ truyền cần thiết phải có những bước chuyển mình lớn để tiếp tục hội nhập và phát triển.

Vothuat.vn đã có cuộc trao đổi với Đại võ sư Quốc tế Lê Ngọc Quang, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam liên quan đến một số định hướng và giải pháp để phát triển Võ cổ truyền Việt Nam.

Chào ông! Xin ông cho biết một số định hướng trong thời gian tới của Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam nhằm giúp Võ cổ truyền tiếp tục phát triển?

Như mọi người đều đã biết, trong giai đoạn vừa qua, Võ cổ truyền xảy ra một số vấn đề nội tại, làm ảnh hưởng đến sự phát triển của môn Võ này. Do vậy, Liên đoàn đang phải khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau đây nhằm chấn chỉnh và đưa các hoạt động của Võ cổ truyền trở lại quỹ đạo.

Có hai việc cần phải làm ngay đó là: Ổn định tổ chức và nâng cao chất lượng chuyên môn. Để các công việc của Liên đoàn được thực hiện trơn tru, thông suốt, đúng các quy định của pháp luật và Điều lệ đã đề ra thì trước hết cần phải củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy, trong đó con người là yếu tố quan trọng nhất.

Đại võ sư Quốc tế Lê Ngọc Quang trong một sự kiện của Hội võ thuật Hà Nội tổ chức

Trong thời gian vừa qua, BCH Liên đoàn đã phải khai trừ và cho thôi nhiệm vụ một số uỷ viên BCH vì có những vi phạm Điều lệ Liên đoàn và quy định của Nhà nước về tổ chức, hoạt động, quản lý hội thể thao quốc gia. Đây cũng là một trong các giải pháp nhằm ổn định lại công tác tổ chức, lấy lại niềm tin từ cộng đồng Võ cổ truyền.

Từ bây giờ đến đại hội nhiệm kỳ VI, khối lượng công việc của Liên đoàn là khá lớn, trong khi, bộ máy giúp việc của Liên đoàn chỉ có ít người, mặc dù các thành viên cũng cố gắng hết sức để hoàn thành một số nhiệm vụ quan trọng trong mấy tháng qua. Tuy nhiên, để triển khai được các kế hoạch lớn hơn nhằm đưa Võ cổ truyền bước vào giai đoạn phát triển mới, chắc chắn bộ máy tổ chức cần phải được tăng cường mở rộng hơn nữa. Do vậy, Liên đoàn đang tiếp tục kiện toàn, lựa chọn những người tâm huyết, có năng lực tham gia các kế hoạch phát triển Võ cổ truyền của Liên đoàn.

Võ cổ truyền Việt Nam sẽ có những đổi mới toàn diện bắt đầu từ năm 2024

Bên cạnh công tác tổ chức, Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam cũng đang nghiên cứu để có sự đổi mới nâng cao chất lượng chuyên môn nhằm đưa Võ cổ truyền hấp dẫn hơn nữa, thu hút được đông đảo giới trẻ quan tâm. Để làm được điều này, trong thời gian qua, Liên đoàn đã tổ chức hội thảo toàn quốc để tổng kết Chiến lược phát triển Võ thuật cổ truyền Việt Nam giai đoạn 2011-2020 và định hướng đến năm 2030, nhằm đánh giá, rút kinh nghiệm và tìm ra các giải pháp cơ bản để thúc đẩy sự phát triển của Võ cổ truyền đến năm 2030. Hội thảo được diễn ra tại TP. Quy Nhơn, Bình Định vào tháng 8/2023, với 4 nhóm vấn đề đưa ra để các nhà khoa học, chuyên gia, nhà quản lý và các đại biểu góp ý thảo luận. Đó là các nhóm vấn đề về bảo tồn và phát triển; nhóm tuyên truyền, quảng bá và hợp tác quốc tế; nhóm xây dựng và nâng cao chất lượng phong trào; nhóm nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ thuật môn Võ cổ truyền và hiệu quả hoạt động của Liên đoàn/Hội Võ cổ truyền.

Hội thảo tại Liên hoan Võ cổ truyền Quốc tế Bình Định đã mở đầu cho những định hướng mang tính thay đổi Võ cổ truyền

Tiếp theo đó, hai cuộc hội thảo chuyên môn cũng được tổ chức để bàn sâu về các giải pháp nâng cao chất lượng chuyên môn theo đề xuất của Ban chuyên môn Liên đoàn. Khu vực phía Nam được tổ chức tại Bà Rịa – Vũng Tàu và khu vực phía Bắc được tổ chức tại Nam Định.

Qua ba cuộc hội thảo này, Liên đoàn đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp quý báu để có thể hoạch định rõ nét kế hoạch thúc đẩy sự phát triển của Võ cổ truyền Việt Nam tới năm 2030 và những việc cấp bách cần phải triển khai ngay trong thời điểm này.

Ông có thể chia sẻ thêm về một số kết quả đã đạt được tại 3 cuộc Hội thảo chuyên môn nói trên?

Trong các nhóm vấn được đưa ra tại cuộc hội thảo toàn quốc thì nhóm giải pháp nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ thuật môn Võ cổ truyền và hiệu quả hoạt động của Liên đoàn/Hội Võ cổ truyền là được quan tâm hơn cả. Cũng vì lý do đó, nên Liên đoàn đã quyết định tiếp tục tổ chức hai cuộc hội thảo chuyên môn tiếp sau tại hai khu vực, theo đề xuất của Ban chuyên môn Liên đoàn, để bàn sâu các giải pháp cấp thiết cần làm ngay, giúp giải quyết những bất cập liên quan đến các vấn đề chuyên môn được các đại biểu nêu ra trong hội nghị. Bất cập liên quan đến Luật thi đấu, quy chế chuyên môn, quy chế quản lý hội viên, Giáo trình huấn luyện thống nhất trong Võ cổ truyền.

Các vấn đề phát triển tiếp tục được đưa ra tại Hội thảo Chuyên môn Võ cổ truyền Việt Nam khu vực phía Nam

Sau hội nghị chuyên môn khu vực phía Bắc được tổ chức tại Nam định vào cuối tháng 10 vừa qua, là hội nghị thứ ba và cũng là hội nghị làm rõ nét hơn các vấn đề liên quan đến công tác chuyên môn, được đưa ra trong hai hội nghị trước đó. Với sự thống nhất cao của các đại biểu, Võ cổ truyền Việt Nam trong thời gian tới nên nghiên cứu điều chỉnh theo các vấn đề như sau:

1/ Về Luật thi đấu: Cần sửa đổi Luật thi đấu hiện hành khuyến khích các Vận động viên phát huy được những kỹ thuật hay, mang đậm nét bản sắc văn hóa truyền thống của Võ cổ truyền… Sửa đổi Luật thi đấu phù hợp với đối tượng thanh, thiếu nhi, học sinh và sửa đổi luật theo hướng mở thi đấu chuyên nghiệp. Việc sửa đổi này nhằm giúp Võ cổ truyền có nhiều sân chơi hấp dẫn, lôi cuốn hơn để có thể thu hút được mọi đối tượng tham gia, đặc biệt là giới trẻ. Đồng thời, việc sửa đổi luật thi đấu nhằm giúp Võ cổ truyền bắt kịp xu thế phát triển, cũng như hướng tới có mặt là nội dung thi đấu chính thức tại các đại hội thể thao quốc tế trong tương lai.

2/ Về quy chế chuyên môn: Nên áp dụng năm mầu đai theo các hệ thống đai trước đây đó là các mầu theo thứ tự đen, xanh, vàng, đỏ, trắng. Đen cho người mới nhập môn và trắng cho bậc trưởng lão. Việc điều chỉnh hệ thống đai đẳng phải được nghiên cứu kỹ lưỡng và kế thừa tính ưu việt của hệ thống đai đẳng đã ban hành theo các quy chế chuyên môn trước đây. Cùng với đó cần hoàn thiện hệ thống huấn luyện kỹ thuật cơ bản và nâng cao cho các cấp đai, cấp đẳng tương đương, nhằm thống nhất giáo trình huấn luyện Võ cổ truyền Việt Nam trên toàn thế giới để Võ cổ truyền có thể phát triển dễ dàng thuận lợi hơn.

3/ Về quy chế quản lý hội viên: Nên có hệ thống quản lý hội viên chặt chẽ, khoa học, thống nhất từ trung ương đến địa phương. Từ đó phát huy được sức mạnh tổng hợp cho Võ cổ truyền, khắc phục tình trạng hoạt động lộn xộn đang diễn ra hiện nay của một số tổ chức Liên đoàn/ hội võ cổ truyền địa phương.

Hội thảo tại Nam Định đã làm rõ nét các vấn đề về công tác chuyên môn của Võ cổ truyền

Có thể nói đó là những vấn đề mấu chốt được các đại biểu thống nhất là những việc cần phải làm ngay để có thể thúc đẩy Võ cổ truyền Việt Nam phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.

Năm 2024 tới đây sẽ là thời điểm diễn ra đại hội nhiệm kỳ mới của Liên đoàn quốc gia. Trong nhiệm kỳ mới này, Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam sẽ có thực hiện những giải pháp nào nhằm đưa Võ cổ truyền có thể được vào thi đấu tại các đại hội thể thao khu vực, đặc biệt là Sea Games?

Đại hội Liên đoạn Võ thuật cổ truyền Việt Nam khóa VI (2024-2029) dự kiến sẽ được tổ chức vào tháng 3 năm 2024. Cũng như các môn thể thao truyền thống, thể thao dân tộc của các nước trong khu vực Đông Nam Á, Sea Games sẽ là mục tiêu lớn, Võ cổ truyền cũng không là ngoại lệ.  Vận động sự ủng hộ của các nước trong khu vực đưa Võ cổ truyền Việt Nam vào thi đấu chính thức tại Đại hội thể thao lớn nhất khu vực sẽ là mục tiêu quan trọng của nhiệm kỳ này. Rất tiếc là SEA Games 31, Võ cổ truyền đã bỏ lỡ cơ hội, tuy nhiên qua đó chúng ta cũng rút ra được rất nhiều bài học quý báu để điều chỉnh và khắc phục kịp thời giúp Võ cổ truyền Việt Nam có thể phát triển mạnh và bền vững hơn trong thời gian tới.

Có cả môn sinh là ngoại quốc nhưng hiện tại mục tiêu góp mặt ở SEA Games vẫn cần có thời gian

Nhìn thẳng vào thực tế, mặc dù mong muốn có mặt tại SEA Games nhưng Võ cổ truyền của chúng ta cho đến hiện nay chưa được phổ biến ở bất cứ quốc gia nào trong khu vực, một khối lượng lớn công việc phải làm nếu muốn biến mục tiêu này thành hiện thực đó là: Tích cực đề xuất sự quan tâm, tạo điều kiện của Chính phủ, các Bộ, ngành, sự hỗ trợ của Uỷ ban Olympic Việt Nam và tranh thủ sự giúp đỡ của Uỷ ban Olympic các quốc gia đông nam á trong việc phát triển Võ cổ truyền ở các quốc gia; Vận động thành lập Liên đoàn Võ cổ truyền Đông Nam Á…Không ngừng tự làm mới mình, vững về tổ chức, mạnh về chuyên môn, đảm bảo hấp dẫn, phù hợp xu thế phát triển và hội nhập quốc tế.

Hi vọng 2029, Võ cổ truyền sẽ có mặt tại SEA Games

Đây là một khối lượng công việc rất lớn mới bắt đầu triển khai, dự tính sẽ mất 5 năm để hoàn thành những công việc này, hy vọng SEA Games 2029, Võ cổ truyền có thể hiên ngang bước chân vào Đại hội thể thao lớn nhất khu vực này.

Vâng! Xin cảm ơn ông.

Uông Ngọc Tân thực hiện

Nguồn: giaitri.thoibaovhnt.com.vn | Copy Link