Lý Tiểu Long “đại chiến” Muhammad Ali: Ai thắng ai? (Kỳ 2)

Kỳ 2: Cuộc đọ tài tốc độ, chiều cao và kỹ chiến thuật

Muhammad Ali là một tay đấm cừ nhất làng võ bởi sức mạnh của anh từng hạ knock out nhiều đối thủ ngay từ đầu trận. Ali có lợi thế về chiều cao (1m91) và sải tay (203cm), cơ bắp cứng như đá và phản xạ cực nhanh để tránh những cú đấm. Dẫu vậy, vào năm 1975, ai cũng nhớ Muhammad Ali đã từng thua điểm trước Ron Lyle khi bị đối phương phản công liên hoàn.

bruce lee

Tốc độ: Họ Lý hơn hẳn?

Vì lẽ gì mà một nhà phê bình điện ảnh khi xem bộ phim Ong xanh (Green Hornet) lại có ý kiến: “Tôi đặt cược chiến thắng vào Kato nếu nhốt chung Kato (Lý thủ diễn) vào một phòng với Cassius  Clay – tức Muhammad Ali”.

Nhiều lần khi dạy võ, Lý đặt chân lên ngực các học viên rồi họ lùi xa 1 inch. Anh rút chân lại và cho biết trước: “Tôi sẽ xấn đến và đặt bàn chân lên đúng vị trí cũ. Hãy tìm các né đòn nhé!”. Và thật sự Lý không làm ai thất vọng bởi tuyên bố của mình.

Lý có khả năng ra đòn cực lẹ bằng chân. Tốc độ đó được minh chứng trong quá trình làm phim Ong xanh. Bộ phận kỹ thuật đã phải đổi cảnh quay từ 24 lên 32 khung hình/ giây mới bắt kịp tốc độ của Lý. Bruce Thomas, tác giả của nhiều quyển sách về Lý Tiểu Long nói chắc như đinh: “Lý sẽ thắng Muhammad Ali về tốc độ ra đòn” và dẫn chứng 2 “ngón nghề” xuất sắc của Lý:

•Tốc độ các cú đấm của Lý ở cự ly 3 feet chỉ là 5 %  giây

•Lý có khả năng ném các hạt gạo vào không khí sau đó bắt chụp lại bằng… đũa hoặc bằng 2 ngón tay.

ly tieu long va cu dam 1 inch huyen thoai
Lý Tiểu Long và cú đấm 1 inch huyền thoại

Chiến thuật: Lý giỏi nhờ học hỏi Ali

Năm 1967, Lý lần đầu gặp nhà vô địch hạng nặng karatedo Joe Lewis. Sau đó không lâu, Lewis bắt đầu nhờ Lý huấn luyện khi anh ta nhận ra những “cách tân” trong kỹ thuật của Lý phù hợp với phong cách chiến đấu của karartedo.

“Anh ta hướng dẫn các kỹ thuật di chuyển cho tôi và chỉ ra đâu là tầm quan trọng của việc giữ khoảng cách và bước chuyển động của đối thủ” – Lewis nói.  “Chúng tôi đã từng phân tích chiến thuật trên các thước phim tư liệu quyền Anh. Chúng tôi học cách Ali đấm, phản đòn và di chuyển. Và rồi tôi đến với giải vô địch karatedo và chứng minh những hiệu quả của mình”.

Chiến thắng tại giải VĐ karatedo Hoa Kỳ năm 1968 của Lewis (sau khi được Lý huấn luyện), được báo giới mô tả Lewis là một võ sĩ tái sinh. Ngay sau khi đoạt giải, Lewis đã khiêm tốn gửi lời cám ơn đến “sư phụ” Lý Tiểu Long, hành động mà một võ sĩ nổi tiếng tự cao như Lewis chưa bao giờ thực hiện trước đó. Lewis về sau còn có biệt hiệu là “… Muhammad Ali của karatedo”.

ali va cleveland williams
Chiến thắng K.O của Ali trước Cleveland Williams là nguồn cảm hứng cho Lý Tiểu Long khi thực hiện bộ phim Mãnh Long Quá Giang

Trong cảnh chiến đấu giữa Lý với Chuck Norris (nhà vô địch Karatedo Hoa Kỳ 7 lần) trong Mãnh Long Quá Giang, Lý đã tấn công dồn dập bạn diễn bằng những cú đấm liên hoàn.  Cảnh quay được tái hiện sau khi Rồng nhỏ xem trận đấu giữa Muhammad Ali với Cleveland Williams vào ngày 14/11/1966, thậm chí quay lại cùng một góc máy mà Lý đã thưởng thức.

ly tieu long va chuck norris trong manh long qua giang
Lý Tiểu Long và Chuck Norris trong Mãnh Long Quá Giang

Xem clip: Cuộc chiến giữa Lý Tiểu Long và Chuck Norris trong Mãnh Long Quá Giang

http://www.youtube.com/watch?v=AjDIiTz7gsU

Xem clip: trận đấu giữa Muhammad Ali với Cleveland Williams  vào ngày 14/11/1966

Chiều cao và tầm với: Lý chẳng ngán Ali?

Lý quả thật quá “lùn” trước một Muhammad Ali quá cao. Liệu anh thắng nổi và “với tới” đối thủ không? Câu trả lời gần nhất là cảnh chiến đấu giữa Lý với Kareem Abdul Jabbar, ngôi sao bóng rổ cao 2m20 và cũng là học trò Lý trong phim cuối cùng của anh “Đùa Với Tử Thần” (Game of death).

Cảnh chiến đấu này y như David đụng độ Goliath.  Nó bộc lộ tính linh hoạt của Lý trong việc thấm nhập vào khả năng phòng thủ của gã khổng lồ này. Lý cực kỳ linh động, mềm dẻo và sức bật cực tốt để đá từ đất lên đầu đối thủ. Để thực hiện cảnh quay này, Lý đã hơn 300 lần tấn công lên vùng thượng đẳng bạn diễn.

canh chien dau giau ly tieu long va kareem abdul jabbar trong "dua voi tu than"
Cảnh chiến đấu giữa Lý Tiểu Long và Kareem Abdul Jabbar trong “Đùa với tử thần”

Kiểm nghiệm thực tế: Điểm 10 chất lượng cho Lý Tiểu Long

Một võ sĩ đai đen karatedo Nhật Bản tham dự một cuộc biểu diễn ở Seattle đã khăng khăng đòi thách đấu với Lý. Lần ấy, Lý Tiểu Long đã sử dụng những đòn đặc trưng của Vịnh Xuân Quyền, đánh bật anh ta ra khỏi khu vực giới hạn, kết thúc bằng cú đá vào mặt đối thủ.

Đầu thập niên 60, Lý Tiểu Long thành lập Viện Công Phu Trấn Phiên tại Broadway thì lập tức một võ sư kung fu khác và đám đồ đệ từ một võ đường khác của cộng đồng người Hoa ở San Francisco đến thách đấu. Gã này đưa ra tối hậu thư cho anh: “Nếu Lý Tiểu Long thất bại phải đóng cửa võ đường hoặc ngưng dạy cho người da trắng”. Chỉ trong vòng 1 phút, đám thuộc hạ của kẻ thách đấu cố ngăn trận đấu lại vì Lý Tiểu Long đã hoàn toàn chiếm thế thượng phong (nhưng chúng cũng bị đệ tử của Lý cản ngăn). Ba phút trôi qua, với sức tấn công mãnh liệt của Lý Tiểu Long cũng qua những đòn cổ điển của võ Vịnh Xuân, đối thủ đã bỏ chạy. Khi cả hai quay về giữa trung tâm phòng tập, Lý Tiểu Long đốn ngã đối thủ xuống sàn, đứng trên người gã rồi khoan nắm đấm. “Đủ rồi, tôi thua” – kẻ thách đấu nài nỉ, họ Lý mới buông tha.

Trên đây chỉ mới là 2 trong số hàng chục cuộc tỉ thí võ công đời thật của Lý. Về khả năng thực chiến, xem ra Lý Tiểu Long hơn hẳn Muhammad Ali. Thời thơ ấu của Lý còn thường xuyên có những cuộc đụng độ tóe lửa ngoài đường phố. Trong người Rồng nhỏ lúc nào cũng có giấu dao và dây xích (dù ít khi nào anh sử dụng). Hậu quả những cuộc chiến đường phố là quần áo rách toạt, mũi đầy máu, tay chân lấm lem đất bùn.

Một nhà phê bình điện ảnh đã viết: “Có thực chiến, có những cuộc chạm trán thật sự là tiền đề giúp các cảnh võ thuật trên màn ảnh về sau của anh sống động và thật hơn bất cứ diễn viên điện ảnh nào khác thể hiện”. Chính Muhammad Ali cũng thừa nhận: “Chỉ có những cuộc chiến đường phố thật sự mới chứng tỏ bản lĩnh sức mạnh. Bởi ở đó, bạn không dễ có nhiều cơ hội chiến thắng”.

Vậy thì ai thắng ai?

Cuộc đấu trí siêu tưởng qua mọi thời đại vẫn không có lời kết. Dĩ nhiên, những hậu duệ của mỗi trường phái (Lý và Ali) đều tin vào chiến thắng của trường phái mà mình ngưỡng mộ. Người ta chưa nghe Ali nói một câu về Lý nhưng với Lý, anh mãi mãi xem Ali là tượng đài sừng sững cho đến ngày Rồng nhỏ qua đời. Tuy nhiên, Lý từng hãnh diện về mình qua câu nói: “Nếu trong quyền Anh cho phép sử dụng đôi chân, tôi sẵn sàng dạy anh ta đá và chắc chắn Ali sẽ là võ sĩ bách chiến bách thắng”.

Họ đã chẳng gặp nhau nhưng tính cách và tài năng của cả hai đã tạo nên cuộc chiến kinh điển cho mọi thời đại. Ở trận đấu này, ai cũng là người chiến thắng và khán giả, chính là những người hâm mộ võ thuật, đã được khai sáng rất nhiều về phong cách sống, kỹ năng chiến đấu và tinh thần thượng võ của hai con người huyền thoại này.

Nhật Vũ