Chân dung võ sĩ khét tiếng ở Hà thành – Phi Lân

Võ sư Phi Lân có dáng vẻ bề ngoài mà khi mới gặp, người ta hình dung ngay đến một nhân vật nổi tiếng trong Thủy Hử: Hoa Hòa Thượng Lỗ Trí Thâm. Võ sư Phi Lân tên thật là Bùi Ngọc Lân sinh ngày 24/7/1952 tại số nhà 50 Nguyễn Trường Tộ, Hà Nội.

Tình yêu võ của một vùng quê xứ dừa
Câu chuyện về lớp học võ thuật cổ truyền miễn phí ở Hà Nội

Hình 1
Võ sư Phi Lân

Sinh ra và lớn lên trong thời chiến, như nhiều thanh niên Hà thành lúc bấy giờ, Bùi Ngọc Lân ấp ủ trong mình niềm đam mê võ thuật nhưng phải đến năm 1968, ông mới được tiếp xúc với võ mà cũng chỉ là học lỏm, học mót thôi. Số là ông anh trai cả Bùi Ngọc Long thi thoảng lại tổ chức hội họp bạn bè tại nhà để bình văn luận võ. Và trong khi các anh lớn ôn luyện, trao đổi đường quyền, ngọn cước, Bùi Ngọc Lân say mê quan sát rồi âm thầm tự tập theo. Con đường võ thuật của ông bắt đầu từ đó và chính ông cũng không biết rằng, nó sẽ là cái nghiệp theo ông suốt cuộc đời.

Năm 1974, khi làm việc tại Đoàn xe 19/8 tại Đức Giang, gần nơi công tác có vợ chồng ông lão người Hoa sống bằng nghề bán nước vỉa hè. Vẻ bề ngoài hiền lành chất phác, ít người biết được rằng cụ Xu – tên ông lão – là một vị cao thủ võ thuật, hơn thế lại rất giỏi tướng số. Sau khi quan sát Bùi Ngọc Lân một thời gian dài, qua nhiều thử thách, cụ Xu mới quyết định nhận Bùi Ngọc Lân làm học trò và truyền dạy những kỹ thuật từ cơ bản đến phức tạp của cả võ Quảng Đông lẫn võ cổ truyền Việt Nam. Những buổi tập thường diễn ra hết sức bí mật vào buổi tối ngoài cánh đồng, kéo dài cho đến cuối năm 1977, khi vợ chồng ông cụ phải hồi hương vì lý do chính trị giữa hai nước Việt – Trung.

Video phóng sự nói về võ sư Phi Lân:

Ông tiếp tục theo tập Thiếu Lâm với cụ Cả Tiền tại ngõ Hàng Bột từ năm 1977 đến năm 1982, khi cụ Cả Tiền qua đời. Sau đó được một người bạn tên Phan giới thiệu, ông đến tập tại nhà võ sư Hoàng Tam Diệu vì mến mộ danh tiếng thân pháp cũng như những giai thoại về kỹ thuật đặc sắc của võ sư Vũ Bá Quý. Qua đây, ông có cơ duyên diện kiến Sáng tổ và từ đó đến mãi sau này trở thành một trong những học trò tận tụy, gắn bó, được Sáng tổ tin cậy và truyền thụ nhiều sở đắc võ học.

Suốt những năm từ 1983-1991, đều đặn một tuần 2 buổi, ông về tập với cụ Quý tại Mỹ Hào, Hưng Yên. Trong khoảng thời gian này cùng với những đồng môn khác như Tiến Đồng Xuân, Hiếu Bồ Đề, Vũ cao, Vũ lùn, Nguyễn Đình Trường… Bùi Ngọc Lân đắm mình trong tinh hoa võ thuật một đời của cụ Quý được đúc rút từ khi giữ đai vô địch Đông Dương đến quá trình trải nghiệm, nghiên cứu, phát triển sau này. Cũng từ đó, giới võ thuật biết đến cái tên Phi Lân như một danh xưng khét tiếng trong giới võ thuật và xã hội Hà thành.

Hinh 2

Cái tên này còn gắn với công việc của ông từ năm 1987, khi ông mở tiệm đồng hồ Phi Lân tại số 72 Nguyễn Thái Học (nay chuyển về số 129 góc ngã tư Văn Miếu). Nhạy bén với thị trường, vào khoảng thời gian trước và sau thời kỳ Đổi mới, nghề đồng hồ không những đem đến cho gia đình ông cuộc sống khá giả mà còn tạo cho ông cơ hội nuôi võ và hơn thế có điều kiện giúp đỡ cho các hoạt động của giới võ Hà Nội. Từ những ngày gian khó nhất đến bây giờ, ông luôn là vị Mạnh Thường Quân sẵn sàng tài trợ cho các giải thi đấu lớn nhỏ cũng như các hoạt động đối ngoại khác của Hội. Luôn nhiệt tình, hăng hái với phong trào, không có gì là ngạc nhiên khi ông được võ lâm đồng đạo tin yêu, nể trọng và tại Đại hội khóa IV năm 2007, ông được tín nhiệm giữ cương vị Chủ tịch Hội đồng cố vấn Hội võ thuật Hà Nội.

Nhìn người đàn ông phương phi, tráng kiện với gương mặt luôn thường trực nụ cười rạng rỡ, khó ai hình dung được võ sư Phi Lân đã bước qua ngưỡng tuổi 60. Duy trì chế độ luyện tập và sinh hoạt điều độ, ông luôn giữ được sức khỏe sung mãn để tham gia công tác huấn luyện, đào tạo các thế hệ kế cận, cùng ban lãnh đạo Hội võ thuật Hà Nội đưa phong trào võ thuật thủ đô phát triển lên những tầm cao mới.

Có được thành công này phải kể đến sự đóng góp của hậu phương vững chắc, đó là chị Xuân – bà nội tướng, người tri âm, luôn chia sẻ, sát cánh bên chồng và 4 người con ngoan ngoãn, thành đạt. Cuộc đời ông, đến nay có thể nói là toàn phúc và viên mãn.

Theo Vũ Gia Thân Pháp