Tiếc thương chàng trai đất võ tài năng…

Nghe tin TS Nguyễn Hữu Long – giảng viên ĐH TDTT TP.HCM vốn là VĐV Pencak Silat Quân Đội mà tôi từng biết khi tôi còn tham gia huấn luyện ở Trung tâm TDTT QPII/QK7 – đột ngột qua đời khi chưa đầy 38 tuổi và tràn đầy nhiệt huyết, tôi thực sự bất ngờ và cảm thấy xót xa cho sự ra đi quá sớm một tài năng trẻ đang còn đầy hoài bão…

Là võ sĩ xuất sắc xuất thân từ môn Võ cổ truyền của Bình Định,  sau khi tham dự giải Vô địch Võ thuật cổ truyền toàn quốc năm 1995, Long di chuyển vào Trung tâm TDTT Quốc phòng II – Quân khu 7 để luyện tập Pencak Silat. Tôi và khá nhiều đồng nghiệp đều đã rất ấn tượng với Long khi tôi còn làm công tác huấn luyện tại trung tâm TDTT Quốc phòng II – Quân khu 7. Nguyễn Hữu Long một vận động viên siêng năng, cần cù, và hơn hết là có niềm đam mê cháy bỏng với võ thuật. Ở hạng cân của mình, Long gần như không có đối thủ với lối đánh tốc độ, uy lực với các đòn đá mà đồng đội gọi là “kinh khủng”. Trong lần gặp gỡ gần đây nhất với Long khi vừa hoàn tất chương trình nghiên cứu sinh ở Trung Quốc về võ thuật, khi trò chuyện tôi vẫn thấy ở Long sự nhiệt huyết của tuổi trẻ và đam mê, Long vẫn với các vẻ nhiệt huyết như xưa và chia sẻ về những kế hoạch đang ấp ủ của mình, Long mong muốn có những công trình nghiên cứu về võ thuật Việt Nam, góp phần bảo tồn và phát triển võ Việt. Hằng ngày Long vẫn lên giảng đường huấn luyện, truyền dạy cho những học trò của mình niềm đam mê với võ thuật.

Tôi được biết sau khi giành HCB giải vô địch Võ cổ truyền toàn quốc năm 1994, Long đỗ Đại học TDTT TW2 và tìm đến Trung tâm TDTT QPII/QK7 để học Pencak Silat và được Nguyễn Duy Hùng – HLV trưởng bộ môn Pencak Silat Quân đội lúc bấy giờ hiện là Tổng thư ký Liên đoàn Võ thuật Quân đội trực tiếp huấn luyện. Thượng tá Nguyễn Duy Hùng từng chia sẻ với tôi về Hữu Long rằng: “Trong thể thao thì nhiều võ sĩ thường ép cân, nhưng với Long lại là một vận động viên rất có tố chất, có đam mê và lòng nhiệt huyết, Long cố gắng để đôn kí từ 60 kg lên 80 kg để tham gia thi đấu. Để hỗ trợ việc đôn ký, Long phải khoác vào người bộ võ phục may riêng nặng 5 kg – thế mà em vẫn di chuyển và tung đòn thanh thoát, tốc độ. Những ai xem Long thi đấu hay từng thi đấu với Long sẽ không thể quên được cú phang ống uy lực của Long mà ngay cả những võ sĩ có thể hình “khổng lồ” cũng đành bất lực chịu đòn. Ở cuối buổi tập, mặc dù các đồng môn đã nghỉ, nhưng riêng Long vẫn một mình miệt mài tập luyện với bao cát”.

 Nguyễn Hữu Long tiến bộ từng ngày, liên tiếp gặt hái những thành tích ở môn võ Pencak Silat. Bộ sưu tập huy chương của Long ngày càng dày cộp, từ những tấm HCV quốc gia, Đông Nam Á, SEA Games, châu Á cho đến thế giới. Không những vậy, là người tâm huyết với phong trào võ thuật, Long cũng có dịp gắn bó xây dựng phong trào Pencak Silat tại trường ĐH TDTT TW 2 (nay là ĐH TDTT TPHCM), trường ĐH Hồng Bàng, và phong trào Pencak Silat tại TP HCM.

Không chỉ riêng tôi mà ngay cả các đồng nghiệp của Long cũng rất ấn tượng với những gì mà cậu võ sĩ vùng quê nghèo Bình Định đã đạt được. Long vô địch trên các thảm đấu quốc gia, châu lục và thế giới; tốt nghiệp Đại học; học lên Thạc sĩ, rồi Tiến sĩ ở Trung Quốc, và giờ trở thành Giảng viên chính của bộ môn võ vật Đại học TDTT TP.HCM.

Vừa trở về nước được vài tháng sau khi hoàn tất chương trình tiến sĩ, Long lại tiếp tục đứng trên bục giảng để giảng dạy cho các thế hệ đàn em võ sĩ đang mong muốn tiếp cận các kiến thức chuyên sâu về võ thuật. Ngã xuống khi đang trực tiếp giảng dạy, sự ra đi bất ngờ của Nguyễn Hữu Long là một sự mất mát lớn của làng võ và cả thể thao quốc gia. Mất mát này chắc hẳn sẽ khiến giới mộ điệu Pencak Silat nói riêng và võ thuật nói chung tiếc thương vô hạn, tiếc cho một nhân tài đang ấp ủ biết bao hoài bão chưa thực hiện được. Hôm nay, cùng với các thầy, các đồng nghiệp, đồng đội ngày xưa và cả những lớp sinh viên của Long đứng trước di hài của em, lòng không khỏi xót xa và chạnh lòng khi vợ và hai con gái nhỏ của Long còn ngơ ngác chưa hiểu tại sao chồng, cha của mình ra đi đột ngột thế…?

Dẫu biết sống chết vô thường nhưng vẫn tự hỏi sao cuộc sống lại bất công đến thế? Con đường phía trước của em đang rộng mở, bao ấp ủ, dự án về xây dựng Trung tâm nghiên cứu võ thuật mà em nói với tôi 2 tháng trước nay chỉ còn là giấc mơ… Thôi em thanh thản đi nhé. Đồng nghiệp, đồng đội, sinh viên và những anh em làng võ vẫn nhớ tới em: một chàng trai đất võ Bình Định luôn có bầu nhiệt huyết, miệng nói tay làm, thậm chí phải ra thử đòn ngay để minh chứng điều mình nói! Mọi người khóc thương em, em đi nhé!

Tiến sĩ VÕ DANH HẢI

Phó Chủ tịch Hiệp hội võ thuật thế giới – Tổng Thư ký LĐ Vovinam thế giới – Nguyên HLV trưởng Vovinam QĐNDVN

>>> Thành tích của Nguyễn Hữu Long:

HCB giải Vô địch Võ cổ truyền toàn quốc 1994

HCĐ giải vô địch Võ cổ truyền toàn quốc 1995

HCV giải vô địch Pencak Silat toàn quốc 1999

HCĐ giải vô địc Pencak Silat toàn quốc 1997

HCV Pencak Silat tại SEA Games 20, 21

HCĐ giải Vô địch thế giới năm 2000

Huân chương lao động Hạng III được nhà nước trao tặng

>>> Xem một vài hình ảnh của Nguyễn Hữu Long:

Nguyễn Hữu Long trên mục nhận giải HCV SEA Games 21
Nguyễn Hữu Long trên mục nhận giải HCV SEA Games 21
Nguyễn Hữu Long (trái) với niềm đam mê cháy bỏng với võ thuật, ấp ủ những ước mơ hoài bão để phát triển võ Việt
Nguyễn Hữu Long (trái) với niềm đam mê cháy bỏng với võ thuật, ấp ủ những ước mơ hoài bão để phát triển võ Việt
Gia đình của Nguyễn Hữu Long
Gia đình của Nguyễn Hữu Long
Nguyễn Hữu Long tốt nghiệp Tiến sĩ ở Trung Quốc
Nguyễn Hữu Long tốt nghiệp Tiến sĩ ở Trung Quốc
Vợ và con của Nguyễn Hữu Long trong ngày tang lễ sáng nay.
Vợ và con của Nguyễn Hữu Long đau buồn trươc sự ra đi của chồng và bố  trong ngày tang lễ sáng nay.