(VoThuat.vn) – Khoảng 14 000 người mất mạng mỗi năm tại Việt Nam do tai nạn giao thông. Trong đó, người đi xe máy chiếm tỷ lệ khá cao (khoảng 59%) trong các vụ va chạm giao thông đường bộ trong cả nước. Phần lớn các trường hợp tử vong và thương tích này nằm trong độ tuổi lao động từ 15-29 tuổi.

Theo võ sư kì cựu Mạc Minh thì một phần lớn trong số các trường tai nạn giao thông đáng tiếc này hoàn toàn có thể được tránh khỏi nếu mọi người biết cách áp dụng phương thức nhận thức tình huống thường được sử dụng bởi các võ sĩ và các nhân viên an ninh. Không chỉ những tai nạn giao thông, rất nhiều tình huống trong cuộc sống mà chúng ta đối mặt với nguy hiểm. Nhưng, nếu học được cách nhận thức, phán đoán tình huống thì chúng ta hoàn toàn có thể phòng tránh được.

Hôm nay, chúng ta sẽ tìm hiểu về cách phòng tránh nguy hiểm cho bản thân từ kinh nghiệm thực tế của võ sư – nhiếp ảnh gia Mạc Minh. Ông là một người nước ngoài sinh sống, làm nhân viên an ninh tại Việt Nam và đã được VoThuat.vn đề cập trong bài viết Giữa lòng Sài Gòn số trước.

“Trở thành một bouncer có nghĩa là công việc của tôi phải đối mặt với những kẻ gây rắc rối lớn nhất trong thành phố. Đó là công việc mà các chủ quán bar trả tiền cho tôi làm. Vì thế, dù lúc đó tôi vẫn còn là một chàng trai trẻ, tôi đã có những kinh nghiệm đáng giá và giúp cho tôi chuẩn bị cho cuộc sống theo nhiều mặt khác nhau”, Mạc Minh chia sẻ.

Nhận thức và phản ứng

Từ việc bước vào nhà vệ sinh đến việc lái xe trên đường, tất cả những hành động mỗi ngày của chúng ta bị chi phối bởi những thứ xung quanh, thông qua việc quan sát chúng ta nhận thức được chúng và phản ứng một cách phù hợp. Đây có lẽ là điều hết sức quen thuộc và đa số trong chúng ta sẽ không suy nghĩ quá nhiều về cách thực hiện nó.

Việc nhận thức tình huống có thể hiểu là hành động quan sát về các yếu tố môi trường trong thời gian và không gian nhất định, sự hiểu biết của chúng ta về chúng và sự dự đoán về tình trạng của chúng trong tương lai gần. Việc nhận thức này có thể được chia ra thành 3 bước.

Bước 1: Nhận thức về các yếu tố trong môi trường.
Ở bước này chúng ta phải quan xác và xác định được các yếu tố chính của những sự việc chung quanh chúng ta và qua đó xác định được tình hình hiện tại.

Bước 2: Nhận thức về tình hình hiện tại.
Đây là sự kết hợp của các dữ kiện mà ta thu thập được và kết hợp chúng thành một bức tranh chi tiết và toàn diện. Cấp độ này dùng để chúng ta xác định trạng thái hiện tại nhằm hỗ trợ cho việc ra quyết định và hành động cách nhanh chóng.

Bước 3: Nhận thức về diễn biến có thể trong tương lai.
Ở đây sẽ là bước mà chúng ta sẽ dự đoán tình hình hiện tại sẽ diễn biến như thế nào trong tương lai. Cấp độ này sẽ hỗ trợ cho việc phản ứng nhanh và lên kế hoạch ngắn hạn nếu thời gian cho phép.

Nhưng cũng giống như một người lính không thể thức canh mãi từ ngày này sang ngày khác mỗi người trong chúng ta cũng không thể nào mai quan sát ở mức cao nhất mãi được. Vậy chúng ta nên có mức độ cảnh giác như thế nào trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta?

 1. Trắng 
Đây là trạng thái cơ thể hoàn toàn thư giãn, không có sự chuẩn bị, không quan tâm hoặc không nhận thức được thế giới bên ngoài.

Đa số chúng ta dành phần lớn thời gian ở trong trạng thái này, quá bận rộn với những công việc cá nhân để nhận thấy những mối nguy hiểm xung quanh mình. Nhưng nó chỉ thích hợp khi bạn ở nơi riêng tư hoặc trong môi trường có kiểm soát mà bạn không cần phải xem xét các yếu tố từ bên ngoài.

Phản ứng cơ thể: thoải mái

2. Vàng
Trong trạng thái này, bạn tỉnh táo và nhận thức nhưng cũng bình tĩnh và thoải mái. Bạn cảnh giác với môi trường xung quanh, những người trong nó và ngôn ngữ cơ thể của họ. Bạn tỉnh táo nhưng không hoang tưởng. Ở trạng thái này, nó rất khó để ai đó làm bạn ngạc nhiên.

Ở mức độ này, một người nhận thức được những gì đang xảy ra xung quanh họ, nhưng không tập trung vào một mối đe dọa cụ thể. Người này đã nhận ra rằng có những mối nguy hiểm đang tồn tại và sẵn sàng để đối mặt với nó. Đây là mức mà chúng ta có thể di chuyển một cách an toàn trong xã hội, đặc biệt là khi bạn đang điều khiển phương tiện giao thông.

Phản ứng cơ thể: thoải mái

3.Cam
Bạn đã cảm thấy rằng điều gì đó không đúng và đẩy mức độ nhận thức lên mức cao. Đây là thời gian để xây dựng và đánh giá lại kế hoạch của bạn.

Trong trường hợp này này, bạn đã nhận ra một mối đe dọa cụ thể. Nhưng bạn vẫn sẵn sàng để nhận ra các mối đe dọa khác. Để tránh sự việc leo thang bạn có thể tìm cách để né tránh hoặc hòa giải các vấn đề.

Phản ứng của cơ thể: Adrenaline được giải phóng, nhịp thở và nhịp tim tăng cao.

4. Đỏ
Đây là trạng thái khi nguy cơ, nguy hiểm đang diễn ra và bạn phải có những quyết định quyết đoán và nhanh chóng. Hoàn toàn tập trung nhằm mục đích nhận thức được các mối nguy hiểm và tự bảo vệ bản thân khỏi chúng.

Trường hợp này xảy ra Khi bạn đang phải tham gia vào một cuộc đối đầu, cơ thể bạn bắt chuẩn bị cho việc “chiến đấu hoặc bỏ chạy”, nhả ra các chất hóa học làm cho việc suy nghĩ trở nên khó khăn hơn.

Phản ứng của cơ thể: Adrenaline tiếp tục được cơ thể giải phóng, nhịp thở và nhịp tim tăng đến mức tối đa, tay chân mất khả năng hoạt động linh hoạt, góc nhìn bị giới hạn vào mục tiêu. Mức cam và đỏ nói chung là những mức độ phù hợp khi trực tiếp đối mặt với các mối nguy hiểm, nếu bạn có thể kiểm soát bản thân và giữ trong hai trạng thái này thì bạn vẫn ổn.

5. Đen
Đây là trạng thái xấu nhất, cơ thể, tinh thần rơi vào hoảng loạn, bạn không thể điều khiển được cơ thể của mình nữa. Khi các quá trình phân tích và giải quyết vấn đề ngừng hoạt động, những bản năng sống còn lấn át khả năng suy nghĩ. Khi phản ứng của bạn bước vào mức đen thì có nghĩa là bạn thua, bạn bị sốc hoặc chết.

Phản ứng của cơ thể: Đi vào sốc, mất ý thức, đau tim, đột quỵ, chết.

Trên lý thuyết thì việc áp dụng những điều trên dường như rất dễ nhưng khi chúng ta thực sự đưa nó vào cuộc sống thực thì đó lại là một câu chuyện hoàn toàn khác. Nó hoàn toàn phụ thuộc vào bạn và cuộc sống của bạn và mọi người đối với bạn có ý nghĩa như thế nào.

Thanh Bình


Tin liên quan