Những vận động viên Việt Nam đại diện thi đấu Kun Bokator tại SEA Games 32 đã mang niềm tự hào của Võ cổ truyền lên sàn đấu quốc tế. 

Kun Bokator Việt Nam đã mang về 6 tấm huy chương vàng, toàn thắng 6 trận chung kết chỉ trong một ngày, góp công lớn vào bảng thành tích chung của đoàn thể thao Việt Nam tại SEA Games 32.

SEA Games 32 tại Campuchia cũng là lần đầu tiên đội tuyển Võ thuật cổ truyền Quốc gia được thành lập, đại diện Việt Nam thi đấu ở một kì đại hội thể thao quan trọng. Do đó, bên cạnh việc đạt được thành tích tốt, các vận động viên còn một nhiệm vụ bên lề là mang những hình ảnh đẹp nhất, mạnh mẽ nhất của môn võ cổ truyền đến với bạn bè trong khu vực.

Ở loạt trận chung kết, nữ vận động viên Nguyễn Thị Tuyết Mai là người nhận được sự chú ý lớn nhất. Bởi cô chính là một vận động viên võ cổ truyền “chính gốc” với hơn 20 năm tập luyện và thi đấu. Trong quá khứ, cô từng đại diện Việt Nam tham dự 2 kì SEA Games 2009 và 2011, tuy nhiên đều phải thi đấu dưới tên gọi của các môn võ khác nhau là Muay Lào (HCV) và Boxing (HCĐ). Do đó, lần thi đấu tại SEA Games 32 là cơ hội để đời của Tuyết Mai ở độ tuổi 34 – thời điểm tưởng chừng cô đã có thể kết thúc sự nghiệp thi đấu.

“Trước khi tham gia thi đấu, các vận động viên nước bạn Campuchia, Lào cũng hỏi tôi tập luyện môn võ gì, vì họ đều biết ở Việt Nam không có Kun Bokator. Tôi cũng giới thiệu mình tập môn võ cổ truyền của Việt Nam và may mắn được chọn đi thi đấu.” – Tuyết Mai chia sẻ khi được hỏi về hành trình thi đấu tại SEA Games 32.

Tuyết Mai (giáp đỏ) là “chị đại” của tuyển Võ cổ truyền Việt Nam thi đấu Kun Bokator khi đã ở tuổi 34.

Trên thực tế, trường hợp của Nguyễn Thị Tuyết Mai không hiếm với các vận động viên Võ thuật cổ truyền Việt Nam. Những vận động viên tài năng của làng võ việt như Nguyễn Trần Duy Nhất, Trương Cao Minh Phát, Nguyễn Kế Nhơn, Bùi Yến Ly, …. vốn xuất thân từ võ cổ truyền, tuy nhiên chỉ tìm được sự nổi tiếng khi đầu quân cho các môn võ mới du nhập vào Việt Nam từ giai đoạn 2009-2011 như Muay Thái, Kickboxing, nghịch lý này xảy đến bởi hai lý do chính.

Một, vận động viên võ cổ truyền thiếu những giải đấu được quảng bá đúng nghĩa với truyền thống võ thuật lâu đời của Việt Nam. Các giải Vô địch quốc gia, Vô địch Võ cổ truyền thế giới chưa nhận được sự quan tâm đủ để tạo sức bật cả về hình ảnh và chuyên môn cho vận động viên.

Hai, võ thuật cổ truyền không nằm trong nhóm các môn thể thao thành tích cao, do đó chưa có cơ hội được đưa vào chương trình thi đấu của những đại hội thể thao quan trọng như SEA Games. Đây là điều mà các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á đang nỗ lực tiến hành như Muay Thái của Thái Lan, Pencak Silat của Indonesia, Arnis của Philippines hay gần nhất là Kun Bokator và Kun Khmer của Campuchia. Với Việt Nam, môn võ đang được thực hiện quá trình này lại là Vovinam.

Vovinam đã có 4 lần xuất hiện tại SEA Games với số quốc gia tham dự tăng dần.

Nhìn vào “người anh em” Vovinam, môn võ từ khi chỉ có 4 nước tham gia tại SEA Games 26 (Indonesia), đã lên thành 7 quốc gia tại SEA Games 31 (Việt Nam) và giữ được con số này tại SEA Games 32. Trên thực tế, những môn thi đấu như Arnis, Kun Khmer, Kun Bokator tại SEA Games 32 cũng chỉ có từ 4-6 nước tham gia thi đấu. Đây là những sự khởi đầu cần thiết để các môn võ cổ truyền trở thành những môn thể thao thường xuyên tại kì đại hội có tính chất văn hóa như SEA Games.

Đặt bên cạnh các môn thi đấu có bề dày lịch sử tại SEA Games tốt hơn như Pencak Silat hay Muay Thái – quốc võ của Thái Lan bắt đầu xuất hiện từ SEA Games 2005, các Liên đoàn thể thao, Liên đoàn Võ thuật trong quá trình quốc tế hóa môn võ của quốc gia mình đóng vai trò cực quan trọng. Nhìn vào quá trình phát triển các môn võ truyền thống trong khu vực, Võ cổ truyền Việt Nam hoàn toàn có cơ hội trở thành môn thể thao thường xuyên tại các kì SEA Games.

Theo Webthethao.vn

Nguồn: giaitri.thoibaovhnt.com.vn | Copy Link