5 phương pháp luyện tập sức mạnh đôi chân cho người học võ

“Muốn học võ trước hết phải tập đứng tấn” – Bởi lẽ đó, đôi chân chính là trụ cột sức mạnh trong việc triển khai các lối đánh hoa mỹ nhưng đầy uy lực.

1. Độ dẻo dai – Bắt đầu với bài tập xoạc chân

Một đôi chân dẻo dai là điều thiết yếu của người tập võ. Nó khiến cho người học võ có thể hoàn thành được những động tác đá kỹ thuật kết hợp động tác độ khó cao. Đồng thời, nó giúp cho người học võ tránh được và giảm bớt những chấn thương phát sinh. Biện pháp rèn luyện độ dẻo dai của đôi chân thông thường bao gồm ép chân và ép dẻo (xoạc). Thông thường người tập sẽ kết hợp cả 2 phương pháp trên, chú ý khi tập phải kiên trì và tránh lực ép đột ngột hay ép quá lâu dễ dẫn đến tổn thương cơ và dây chằng.Lưu ý nên tập đều đối với 2 chân.

2.Tốc độ và sức mạnh: đeo thêm vật nặng

Khi tập võ hay tập thể dục chúng ta có thể mang thêm các vật nặng hay đeo tạ chân để tăng lên tốc độ, lực lượng ở chân. Mặt khác đeo thêm vật nặng còn giúp tăng khả năng cân bằng của cơ thể, giúp cho chúng ta có thể hoàn thành nhiều động tác khó. Khi tập đeo thêm vật nặng chúng ta cần phải cố định vật nặng và cân nặng tùy theo tình trạng của mỗi người để tránh bị tổn thương cơ bắp, cần phải tập từ chậm đến nhanh, từ nhẹ đến nặng, từ dễ đến khó mà tiến hành.

3.Độ chính xác: Điều khiển chân

Điều khiển chân là luyện khả năng điều chỉnh chân dừng ở nhiều độ cao, nhiều vị trí khác nhau tạo cảm giác quen thuộc với vị trí cho đôi chân khi ra đòn. Tăng cảm giác quen thuộc cho đôi chân giúp ta ra đòn chính xác hơn. Vị trí luyện giữ vững chân tùy theo nhu cầu, thường thì hay có bạn tập để dễ xác định từ dưới lên trên là đầu gối, bắp đùi, eo, mạng sườn, cổ, đầu, để tăng cảm giác cho đôi chân người ta còn nhắm mắt lại và tập trung cảm nhận vị trí chân. Thời gian giữ vững chân tùy theo khả năng của mỗi người, càng lâu càng tốt.

4.Kiểm soát lực: Luyện tập đá vật thật

Phương pháp này thường được dùng nhiều nhất và dễ thấy hiệu quả nhất. Trong luyện tập vật thật thường dùng là các loại bao cát hay đích đánh như đích tay, giáp đấu, ván gỗ,… Luyện đá vật thật giúp tăng khả năng phát lực, độ chính xác của chân.

Đá vật thật có nhiều mức độ như vật tĩnh, vật di động và thường được huấn luyện kết hợp. Khi đá cần tưởng tượng mục tiêu như mục tiêu trong khi chiến đấu, luyện tập hết sức nghiêm túc, cần luyện đều hai chân và dùng nhiều các động tác tổ hợp. Khi đã thuần thục rồi thì chuyển sang đá vật ở vị trí tùy ý tức là đá vật không ở vị trí xác định trước, luyện tập như vậy giúp tăng phản xạ, tốc độ, độ chuẩn xác cho đôi chân một cách nhanh chóng.

5.Toàn diện: Chịu đòn và Thực chiến

Huấn luyện chịu đòn bao gồm chịu đá, đánh bởi nhiều phương pháp khác nhau khiến đôi chân cứng cáp hơn. Huấn luyện tấn công là dùng đôi chân phá vỡ các vật định sẵn thường tập từ dễ đến khó là : giấy, ván gỗ, gậy gỗ, viên ngói, gạch,… cần chú ý trong quá trình luyện tập tránh bị chấn thương.

Huấn luyện thực chiến là biện pháp toàn diện nhất. Người luyện tập thực chiến cần phải học tập kinh nghiệm, kỹ xảo qua các cuộc thực chiến. Không nên luyện với cùng một đối thủ nhiều lần, rất khó có thêm kinh nghiệm thực chiến, đồng thời cần phải có người giám sát khi thực chiến tránh xảy ra việc ngoài ý muốn.

K.Q