Krabi Krabong: môn võ xứ Thái độc đáo (Kì 2)

Khả năng an toàn khi thi đấu 

Không giới hạn thời gian, trận đấu Krabi Krabong quả thật đã thử thách sức chịu đựng dẻo dai của các đấu thủ. Trận đấu chỉ kết thúc khi nào kẻ bại trận thật sự quy phục đối phương của mình.

Không như những thế kỷ trước đây, khi mà danh dự, uy thế và giá trị của hai lãnh địa còn đè nặng trên đôi vai các nhà quý tộc, ngày nay các đấu thủ của môn võ Krabi Krabong phải chứng tỏ khả năng vượt bực của họ bằng cách biểu dương sức chịu đựng và kỹ thuật chiến đấu tuyệt diệu của mình. Từ khi các đấu thủ được trang bị những dụng cụ phòng thân thì việc đổ máu bị thương tích không còn xảy ra nữa, có chăng chỉ là sự va chạm đau đớn hoặc rách quần áo mà thôi. Đôi khi các đấu thủ bị chịu sự đau đớn do các vết thương nơi cổ tay, cổ chân hoặc bị quặp ngón tay cái, có khi bị chảy máu mũi, nhưng không đi đến trầm trọng hoặc tử vong được.

KK4

 Võ Krabi Krabong có từ bao giờ ?

 Lịch sử của Krabi Krabong hết sức mơ hồ. Người ta có thể tin rằng khoảng 500 năm về trước, môn võ này đã được dùng để huấn luyện cho binh sĩ trong quân đội. Người ta cũng kể rằng những chiến sĩ rỗi rảnh trong thời binh đã sáng lập ra môn võ này để thử sức chịu đựng dẻo dai, thử tài xông trận, và tinh thần chiến đấu của ba quân.

 Ngày nay, môn võ Krabi Krabong sử dụng tất cả 6 loại binh khí : Kiếm công Krabi (miền Tây Thái), gươm thép Daab, xích búa (dài 2 thước), côn gỗ (dài 1m8), đôi song gỗ (dài 0m45) và khiên da (đủ cỡ).

 Krabi Krabong là môn võ có tới 400 ngón đòn kỹ thuật sử dụng với các loại vũ khí khác nhau, tùy theo từng trận đấu. Một người muốn thâu thập được hết các ngón đòn căn bản cũng phải trải qua một thời gian học hỏi là 5 năm. Số võ sinh học được cách sử dụng một hay vài vũ khí cũng rất ít vì Krabi Krabong đòi hỏi thời gian khổ luyện khá công phu và lâu dài.

 Lúc biểu diễn trước mắt hàng trăm, hàng ngàn khán giả, người chuyên môn thường mang theo ít nhất ba loại vũ khí. Phần lớn những vũ khí đó là những đồ cổ đắt giá, thường chỉ được đem ra lúc biểu diễn mà thôi. Loại vũ khí được chế tạo theo kiểu ấy thường rất phức tạp và hào nhoáng chỉ thích hợp với những buổi biểu diễn võ thuật mang tính cách lễ nghi. Còn loại vũ khí dùng để chiến đấu hoặc huấn luyện thì thường được làm bằng gỗ, bằng tre hay bằng mây.

mike-meders

 Môn võ của giới  trí thức

 Ngày nay, các võ sư Krabi Krabong được mời vào huấn luyện cho Hoàng gia Thái lan và các trường Đại học hoặc Trung học. Các trường Đại học Thái thường vẫn tự hào về đội võ Krabi Krabong của mình. Ngay như Đại học Vật Lý, Giáo Dục ở Bangkok chỉ chuyên về khoa học kỹ thuật cũng rất ưa chuộng môn võ này.

 Tại các viện Đại học, các sinh viên vẫn ganh đua nhau trong những lần biểu diễn. Nghi thức mở đầu trận đấu hào hùng trong các cuộc ganh đua hay biểu diễn đã diễn tả được sức sống mãnh liệt của con người. Các học sinh, sinh viên mặc những võ phục có màu sắc thay đổi tùy theo trường, rập khuôn theo tập quán và truyền thống sẵn có.

 Hiện nay các trận đấu được quy định trong giới hạn từ 3(?) tới 5 phút cho mỗi hiệp đấu đối với nam đấu thủ. Còn với các nữ đấu thủ thì trận đấu chỉ được kéo dài tối đa 3 phút cho mỗi hiệp.

 Bất cứ nơi nào trên thân thể cũng có thể bị tấn công. Chỉ trừ những trận đấu giao hữu, kẻ nào phạm luật cấm tức là “lăng nhục trận đấu”. Vì vậy, tự vệ bằng cách sử dụng ngón hậu cước hoặc thế võ quyền anh lúc đấu thủ bị rơi kiếm là chuyện ít khi xảy ra. Đấu thủ nào vi phạm các điều luật đã quy định cho trận đấu sẽ bị trừ 1 điểm. Do đó đấu thủ nào ít lỗi nhất, đạt được những cú đánh đẹp sẽ là người thắng cuộc, chứ không như ngày xưa, phải đợi đấu thủ gục ngã, qui hàng thì mới được gọi là thắng cuộc.

 Qua môn võ Krabi Krabong, người Thái đã thể hiện được lòng say mê mãnh liệt đối với thiên nhiên. Chính những sôi nổi mang tính cách đặc thù của môn võ này luôn luôn nung nấu trong lòng người dân Thái. Đó cũng là niềm hãnh diện của dân tộc Thái vậy.

Theo Sổ tay võ thuật