Quyền Anh, môn thể thao được ưu chuộng nhất sau bóng đá ở trên toàn thế giới mà giới mộ điệu thường gọi là “đấm bốc”. Chiến thắng của võ sĩ đấm bốc trên võ đài là phần thưởng xứng đáng cho quá trình tập luyện gian khổ của mình. Đằng sau sức mạnh cú đấm làm nên những hào quang trên võ đài của các võ sĩ đấm bốc là gì ???

ĐẤM BỐC VIỆT NAM, MỘT THỜI HOÀNG KIM

Quyền Anh du nhập vào nước ta theo bước chân của người Pháp vào giữa thập niên 20 thế kỷ trước, sau đó tỏa dần trong giới thanh niên bản xứ. Ở Sài Gòn, môn này đã “nổi đình nổi đám” trong thập niên 40 – 60 với các nhà VĐ Đông Dương: Minh Cảnh, Kid Dempsey…, các giải hữu nghị với Philippines, Thái Lan, Đại Hàn, Lào… và nhất là những lần góp mặt tại SEA Games đã tạo nên phong trào tập luyện quyền Anh khá bài bản…

Nguyễn Kiên Cường tại SEA Games 22. Ảnh: Hồng Long.

Từ đây, quyền Anh TPHCM tưng bước hồi sinh, gây được tiếng vang đến các tỉnh, thành bạn. Các giải giao hữu liên tỉnh lần lượt, liên tục được tổ chức tại TPHCM và nhiều nơi khác, trải dài suốt thập niên 80 như : giải hữu nghị giữa TPHCM, Hà Nội va Nghĩa Bình được tổ chức luân phiên tại TPHCM (2 – 4/9/1983) Nghĩa Bình (9 – 11/9/83) và Hà Nội ( 18 – 20/9/1983). Tháng 9/1985 có thêm Phú Khánh, Quảng Nam – Đà Nẵng; rồi đến 1988 – 1989 mở rộng đến các tỉnh : Kiên Giang, Đồng Nai, An Giang, Tiền Giang, Sông Bé, Tây Ninh… Trong những lần “thử lửa” này các võ sĩ TPHCM đều chiếm thế thượng phong, đa số trận đều toàn thắng, đó là thời của Vũ Mạnh Hùng, Vũ Mạnh Trung, Lê Đình Duy, Nguyễn Văn Be, Tào Đức Cơ, Phan Văn Sáu, Nguyễn An Tâm Khánh , Tăng Kim Tài, Trần Thanh Dũng, Lê Phượng Vũ, Huỳnh Viết Khánh, Phan Văn Mười, Lê Hoài Bảo, Lê Bảo Quốc… đem lại cho phong trào quyền Anh TPHCM nói riêng và Việt Nam thời hoàng kim.

Còn nhớ dạo những năm đầu thập niên 90, quyền Anh là môn thể thao được ưu thích nhất sau bóng đá. Những trận “đả lôi đài” ở các sân Tinh Võ, Phú Nhuận, Thủ Đức, NTĐ Nguyễn Du luôn đầy ắp khán giả. Lúc ấy, cứ nghe tiếng “thượng đài” là oách lắm, được bước lên võ đài luôn là mơ ước của những võ sĩ mới tập tành vào nghề. Như các fan hâm mộ ca sĩ thời bây giờ, lúc đấy, mỗi võ sĩ đều có lượng khán giả riêng của mình. Mỗi trận thắng luôn mang đến cho mọi người niềm vui mừng tột độ. Và ngược lại, các võ sĩ luôn được khán giả săn đón hệt như các ca sĩ bây giờ chỉ để hỏi thăm, động viên và … tặng tiền. Những bước đường phát triển của võ sĩ quyền Anh luôn có dấu chân của những khán giả hâm mộ. Đằng sau hào quang của tay đấm quyền Anh đó là gì ???

Để đổi lấy những vinh quang, họ phải đánh đổi bằng sự mưu sinh vất vả của cuộc sống thường nhật.

GIAN TRUÂN ĐỜI ĐẤM BỐC

Phải khẳng định rằng, trong các môn võ thuật nói riêng và thể thao nói chung, quyền Anh là môn võ thuật đòi hỏi người tập phải có quá trình tập luyện lâu dài và nhọc nhằn. Không thể đốt giai đoạn như các môn võ khác, quyền Anh cần quá quá trình tập luyện lâu dài, tự trui rèn đòn thế sao cho thật “bén” mới có thể hạ được đối thủ của mình. Chưa hết, võ sĩ thi đấu môn võ thuật đầy tính quyết liệt và có tính đối kháng cao luôn tự trang bị cho mình đầy đủ, từ khả năng di chuyển bằng các bước đờ-tăng, các đòn đấm chính xác, mà khả năng chịu đòn đóng vai trò cực kỳ quan trọng.

Ngoài việc phải đấu tập luân phiên với các võ sĩ từ hạng cân nhẹ cho đến hạng cân nặng nhất để tập luyện khả năng thi đấu và chịu đòn, võ sĩ quyền Anh còn phải tự tập riêng ở nhà với các bài tập “tự đấm vào mặt” để quen cảm giác trúng đòn (vì thường xuyên xảy ra trên võ đài). Thế mới biết, nhiều khi người ta nói vui mà cũng là nói thật là khi thi đấu quyền Anh một thời gian, các võ sĩ dễ bị “tưng tưng” vì ảnh hưởng thần kinh não. Nhưng ở Việt Nam, quyền Anh chỉ là amater nên vấn đề này không mấy ảnh hưởng đến sức khỏe của các võ sĩ.

Chưa hết, là môn võ thuật đòi hỏi phải có nền tảng thể lực tuyệt vời, những buổi tập luyện tại võ đường không đủ giúp các võ sĩ trụ nổi trên võ đài khi đến hiệp đấu thứ 3 là “bơi” (trước đây chỉ đánh 3 hiệp, mỗi hiệp 3 phút; còn nay là 4 hiệp/2phút/hiệp), trên võ đài ngỡ rằng địa ngục. Lúc này, chỉ có ý chí mãnh liệt mới vượt qua được. Do vậy, tự bản thân mỗi võ sĩ phải biết tự trang bị cho mình thể lực trong các buổi tập thêm ở nhà mọi lúc mọi nơi. Có ai đã từng đi ngoài đường vào những buổi sang sớm ban mai, vào những buổi trưa hè rực lửa mà thấy hình ảnh những người mặc áo mưa vừa chạy vừa “múa tay múa chân” thì đích thực đó chính là võ sĩ quyền Anh. Và chưa hết…

ÉP CÂN, THOÁT MÌNH ĐỂ THĂNG HOA

Những VĐV thi đấu trong những môn thể thao có quy định hạng cân như quyền Anh thường cố gắng đạt lợi thế hơn đối thủ bằng cách thi đấu ở một hạng cân nhẹ cân hơn cân nặng bình thường của mình. Và đối thủ của họ cũng vậy, cũng phải đều thực hiện việc ép cân như họ. Sự giảm cân nhanh có thể đưa VĐV đến một bất lợi nghiêm trọng. Chính vì thế, việc chọn phương cách ép cân sao cho khoa học và giữ được sức khỏe luôn là bài toán khó đối với hầu hết các võ sĩ quyền Anh luôn chọn phương cách ép cân để duy trì hạng cân mà mình có thành tích cao. Trước đây, khi chưa có một hội thảo nào về dinh dưỡng cho VĐV, đặc biệt là cách ép cân sao cho khoa học để mang lại sức khỏe tốt nhất để thi đấu vẫn chưa có, do vậy mà trước đây, hầu hết các VĐV ép ký chỉ biết làm theo những chỉ dạy từ những kinh nghiệm của lớp võ sĩ đàn anh đi trước.

Tập luyện trên tàu hỏa. Ảnh: Hồng Long.

H.T, một cựu võ sĩ quyền Anh, Võ cổ truyền tâm sự về nỗi khổ của mình khi phải ép cân: Năm 13 tuổi, tham gia đội tuyển ngành Q.Đ nên phải tự điều chính trọng lượng cơ thể của mình để đảm bảo hạng cân mà Ban huấn luyện giao để tham dự các giải đấu cấp toàn quốc. Cứ hễ còn khoảng một tháng rưỡi là đến ngày thi đấu, tự các VĐV phải biết tự diều chỉnh trọng lượng cơ thể của mình. Giai đoạn đầu tiên, việc phải mặc nhiều áo để cơ thể đủ nóng nhằm tiết ra nhiều mồ hôi trong lúc tập luyện. Thường thì ngoài việc mặc nhiều áo ấm, những VĐV ép cân phải gia tăng cường độ, khối lượng tập luyện hơn gấp hai, ba lần so với những VĐV không ép cân.

H.T cho biết, những hôm đầu, rất khó chịu, nhưng dần dần quen dần nên trở nên bình thường. Buổi sáng sớm, khoảng 5 giờ sáng, bắt đầu buổi tự tập đầu tiên với bài tập chạy việt dã ít nhất là 5.000m, thường thì với cự ly này, H.T phải chọn phương thức chạy biến tốc (50m nhanh, 50m chậm). Sau khi nuốt trọn bài tập này, H.T về nhà và ăn sáng nhẹ. Đúng 7 giờ, buổi tập thể lực cùng với đội, vẫn mặc ba áo ấm khi thực hiện bài tập, phải cố gắng lắm mới theo nổi các VĐV trong đội. Kết thúc buổi tập, trong khi các VĐV co thể nghỉ ngơi, thư giãn, thì H.T phải tiếp tục hành trình xông hơi của mình.

Dụng cụ xông hơi đơn giản, một nồi nước sôi với các lá cây (lá xông), một tấm mền lớn trùm kín từ đầu đến chân và ngồi… một giờ đồng hồ. Mộtt ngày, xen kẽ với các buổi tập, H.T phải thực hiện việc xông hơi ít nhất 3 lần/ngày. Với mật độ 4 buổi tập/ngày, xông hơi 3 lần/ngày kết hợp với việc ăn uống hợp lý để giảm cân, thường H.T ép được ít nhất 7kg trọng lượng cơ thể của mình trước khi lên sàn đấu. Vê việc chọn cách thức ăn uống như thế nào để có thể đảm bảo giảm được lượng mỡ trong cơ thể, vừa có sức khỏe để đáp ứng bài tập nặng hàng ngày? H.T thường chọn những món ăn nhẹ giàu chất dinh dưỡng: thịt bò, trứng gà la-cót (nửa sống nửa chín), hột vịt lộn, sữa, các loại thuốc bổ Vitamin, B Comlex-C… để tăng cường sức khỏe. Ngoài ra, việc chống lại việc hạn chế lượng nước uống gây mất nước cơ thể cũng như giữ được bao tử của mình không ảnh hưởng khi giảm khẩu phần ăn của mình, H.T thường chọn các loại rau xanh, hoa quả giàu dinh dưỡng nhưng tiêu hóa tốt (rau xà lách, khoai tây, chuối, đu đủ). Do thế, việc vẫn giữ được bao tử, nhiệt độ cơ thể mà không bị tăng cân (vì tiêu hóa ít nhất 3 lần/ngày). Nỗi ám ảnh nhất không chỉ đối với H.T mà đối với cả các VĐV ép cân, đó là việc kiểm tra trọng lượng bất ngờ của các HLV, bơi lẽ, không ai lo lắng bằng các HLV, vì những tính toán chiến thuật đã được các vị HLV này tính toán từ đầu giai đoạn tập huấn.

Thậm chí nhiều khi thèm được ăn uống, H.T vẫn tranh thủ ăn uống cho “đã miệng” rồi tự động “móc miệng” ói cho bằng hết để đảm bảo trọng lượng đang ép. Cứ như thế, mỗi tuần xuống khoảng hơn 1/2kg, đến sát ngày lên đường, trọng lượng cơ thể của H.T chỉ lệch khoảng hơn nửa ký so với hạng cân đăng ký thi đấu của mình, đó là đảm bảo việc ép cân để thi đấu tốt nhất. Hành trình di chuyển đến địa điểm thi đấu, khí hậu thay đổi, lạ khẩu vị cũng như tâm lý thi đấu cũng phần nào làm giảm lượng trọng lượng còn dư này. Nhiều trường hợp đến sát ngày thi đấu, nếu không thể xuống cân được nữa, việc đành phải chọn cách sử dụng thuốc “laxit” (thuốc lợi tiểu) để can tiệp cho việc xuống cân tức thời đã ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe thi đấu của VĐV.

Cách dùng thuốc này trước đây các VĐV thường dùng vì chỉ cân có một lần duy nhất trước giải thi đấu, nhưng sau này, việc các bộ môn đã thay đổi điều lệ, quy định các VĐV phải cân trước khi thi đấu nửa buổi (quyền Anh), trước một giờ (Võ cổ truyền, Vovinam, Tán thủ) hay trước trận đấu 15 phút (Pencak Silat) các VĐV phải chọn cách ép cân từ xa khoảng hơn một tháng

H.T tâm sự, trong thời gian cuối của quá trình ép cân, việc xuống cân, hạn chế uống nước mà vẫn phải đảm bảo việc tập luyện tốt nhất để giữ được thể lực và sức khỏe để đáp ứng việc thi đấu tốt nhằm giành thành tích cao, đó là cả một quá trình chiến thắng bản thân, gian khổ cùng cực, điều để vượt qua tất cả chính là ý chí và lòng quyết tâm, bởi lẽ, nếu không có những yếu tố đó, chắc chắn là sẽ bỏ cuộc giữa chừng. Ép cân riết đâm ra nghiện, giải nào mà không ép cân, đâm ra thấy trống vắng và mất đi thi vị. Nhưng việc ép cân quá sớm đã ảnh hưởng đến quá trình phát triển tự nhiên của cơ thể, từ năm 13 tuổi đến bây giờ, H.T đã 26 tuổi, cơ thể vẫn như ngày nào, cứ bị bạn bè chọc ghẹo: “Ép cân quá lớn không nổi!”. Mỗi lần như thế, H.T chỉ cười trừ, vì từ sâu đáy lòng, H.T tự hào vì những sự hy sinh đó đã được đánh đổi bằng những vinh quang giành được trên võ đài.

MỆT NHƯNG MÊ

Tuy vậy, những ai tập môn võ thuật này đều có niềm đam mê cực kỳ mãnh liệt. Những ai đã dấn thân vào quyền Anh, tự khắc sẽ tìm thấy sự đam mệ cùng cực. Chính vì lẽ đó, lý giải tại sao khi bộ môn võ thuật này bị tạm ngưng hoạt động cuối năm 1994, đại đa số anh em võ sĩ vẫn theo đuổi niềm đam mê bằng việc chuyển sang các môn võ thuật tương tự. Môn Võ cổ truyền gần tương tự quyền Anh, vẫn thi đấu trên ring đài quen thuộc, chỉ tập thêm vài đòn đá nữa là “thượng đài” thoải mái. Rất nhiều võ sĩ quyền Anh, khi chuyển sang Võ cổ truyền cũng nhanh chóng bắt nhịp với môn võ mới và tô thêm tên tuổi của mình.

Huy Tường