Đụng nhầm “sát thủ” võ Việt, 6 tên côn đồ bặm trợn ở Sài Gòn bị đánh đến tơi tả

(VoThuat.vn) – Bọn côn đồ ngã văng ra nhưng liền áp vô. Đứa cầm ghế, đứa cầm đá cùng lúc tấn công. Thanh Bạch vớ ngay cây gậy vung lên đâm tả, thọc hữu rồi tung liền mấy ngọn cước vào tụi côn đồ.

Đụng nhầm “sát thủ” võ Việt, 6 tên côn đồ bặm trợn ở Sài Gòn bị đánh đến tơi tả

Theo lời kể của nhà nghiên cứu võ thuật Hồ Tường (Chưởng môn phái Thiếu Lâm Tân Khánh Bà Trà) thì khoảng năm 1964, từ một vùng quê của tỉnh Phong Dinh (Cần Thơ ngày nay), một thiếu niên tên Trần Thanh Bạch, mới 16 tuổi, đã từ giã người mẹ đơn thân lên Sài Gòn học hành với hoài bão thay đổi cuộc sống nghèo khó của gia đình từ bấy lâu nay.

Với số tiền mang theo vốn đã ít ỏi, trong mấy tháng đầu nơi phồn hoa đô hội Sài Gòn, chàng trai trẻ Thanh Bạch rất lo lắng vì số tiền cứ ngày càng vơi đi. Thanh Bạch đã dành thời gian ngoài giờ đi học văn hóa để đi phụ bán hủ tíu mì cho một ông chủ người Hoa ở khu vực chợ Cầu Muối.

Từ ngày làm vai trò “tiểu nhị” cho xe hủ tíu mì, Thanh Bạch hầu như ngày nào cũng thấy uất ức, vì mấy tay anh chị tại khu vực chợ Cầu Muối thường xuyên đến ăn quỵt. Tuy nhiên, Thanh Bạch một mặt thấy khả năng của bản thân mình chưa phải là đối thủ của bất cứ một tên nào trong đám côn đồ đó, mặt khác ông chủ xe hủ tíu mì cũng luôn giữ yên lặng, không phản ứng, bởi vì sợ bọn chúng phá đám.

Được nhiều người ở chợ Cầu Muối chỉ dẫn, Thanh Bạch đã đến thọ giáo môn phái Võ Lâm Tân Khánh Bà Trà với võ sư Hồ Văn Lành, trưởng võ đường Từ Thiện, vị thầy dạy võ tại một con hẻm gần chợ Cầu Muối khá lâu cũng như đã đào tạo được một số võ sĩ thượng đài có tên tuổi.

Đụng nhầm “sát thủ” võ Việt, 6 tên côn đồ bặm trợn ở Sài Gòn bị đánh đến tơi tả - Ảnh 1.

Võ sĩ Thanh Bạch (Từ Trung Hiếu) – thứ hai từ phải qua, hàng trên (ảnh do võ sư Hồ Tường cung cấp).

Võ sư Hồ Tường kể: “Đồng môn của Thanh Bạch đã gọi anh với cái tên gắn với nghề nghiệp của anh: Bảy Nước Lèo. Chẳng bao lâu sau, Thanh Bạch đã được võ sư Hồ Văn Lành thương mến, vì võ sư thấy được tấm lòng hiếu thảo và sự chăm chỉ của Thanh Bạch.

Võ sư Hồ Văn Lành đã kêu Thanh Bạch về sống chung với ông, vì ông đang sống một mình khi dạy võ từ bao nhiêu năm nay. Thấm thoát thời gian một năm đã trôi qua. Thấy Thanh Bạch to con, chiều cao khoảng 1,75 mét, võ sư Hồ Văn Lành đã hướng cậu học trò người Tây Đô tập luyện nhiều về những đòn chân và cả bộ tay của môn quyền Anh, bởi võ sư nhận thấy Thanh Bạch rất có tố chất để trở thành một võ sĩ giỏi.

Võ sư Hồ Văn Lành đã cho Thanh Bạch tập luyện theo một chương trình đặc biệt giúp phát triển tối đa sức mạnh của đôi tay và đôi chân. Về đôi tay, Thanh Bạch phải hít đất với bao cát nặng đặt trên lưng. Sau đó, Thanh bạch còn phải cầm hai thanh chì trong tay để đánh tất cả những đòn tay đã học.

Về đôi chân, Thanh Bạch phải mang giáp chì để đá tất cả những đòn đá đã học. Nhờ vậy, đôi tay và đôi chân của Thanh Bạch tung ra với tốc độ nhanh hơn và sức mạnh tăng lên gấp bội…

Sau những lần tập giao đấu trong nội bộ võ đường Từ Thiện, võ sư Hồ Văn Lành thấy Thanh Bạch đã có sự tiến bộ rất nhiều và quyết định đưa Thanh Bạch thượng đài, với biệt danh Từ Trung Hiếu.

Lần đó, Từ Trung Hiếu đã giao đấu quyền Anh (nay gọi là Boxing) với võ sĩ Kid Trọng, một võ sĩ được đào tạo từ võ sư nổi tiếng về quyền Anh là Kid Dempsey. Trận đấu đã mang lại cho Từ Trung Hiếu một kết quả ngoài sự mong đợi: thắng điểm 5/5.

Sau đó, trong thời gian hai năm, Từ Trung Hiếu còn thượng đài mấy lần nữa và lần nào cũng mang lại vinh quang cho màu áo của võ đường Từ Thiện. Thời đó, Từ Trung Hiếu là võ sĩ bất khả chiến bại, có lối đánh giàu sức mạnh, được rất nhiều võ sĩ ở miền Nam kính trọng”.

Đụng nhầm “sát thủ” võ Việt, 6 tên côn đồ bặm trợn ở Sài Gòn bị đánh đến tơi tả - Ảnh 2.

Võ sư Hồ Tường là đồng môn của võ sĩ Thanh Bạch (Từ Trung Hiếu) ở môn phái Võ Lâm Tân Khánh Bà Trà.

Cũng theo võ sư Hồ Tường thì với số tiền dành dụm được trong những ngày làm “tiểu nhị” cộng với số tiền thắng cuộc của mấy năm đấu võ đài, Thanh Bạch (Từ Trung Hiếu) đã quyết định làm chủ xe mì hủ tíu bán ở khu vực chợ Cá ở gần cầu Ông Lãnh, vì ông thấy làm thuê thì mãi mãi phận nghèo, chỉ có thể kiếm được nhiều tiền khi làm chủ mà thôi. Đặc biệt, năm đó là năm Thanh Bạch phải hoàn tất chương trình trung học đệ nhị cấp và thi lấy bằng tú tài toàn phần.

Từ khi ra làm chủ, Thanh Bạch kiếm được nhiều tiền hơn để gửi về quê cho mẹ, nhưng ông cũng lại gặp phải tình trạng bị đám côn đồ đến ăn quỵt. Ban đầu thì năm, bảy ngày bọn chúng mới đến, nhưng về sau thời gian thu ngắn lại. Cứ hai, ba ngày và cuối cùng là mỗi ngày. Tuy Thanh Bạch thấy mình đã có khả năng đánh bại được mấy tên côn đồ này, nhưng vì kiếm sống nên ông vẫn nhẫn nhịn.

Mùa thi năm đó, Thanh Bạch tốt nghiệp trung học đệ nhị cấp (tức trung học phổ thông ngày nay), thi đậu tú tài toàn phần. Ông mừng quá, báo tin vui cho thầy Hồ Văn Lành và người mẹ già ở quê. Nhưng Thanh Bạch cũng đồng thời nhận giấy báo tin tháng sau đó ông phải lên đường đi quân dịch. Thanh Bạch đã âm thầm tìm người để sang xe hủ tíu mì và tính toán công việc phải làm trước khi đi lính.

Hôm cuối cùng đẩy xe ra bán thì tụi côn đồ chợ Cá đã kéo tới. Sáu tên côn đồ bặm trợn ra lệnh Thanh Bạch phải nấu cho chúng sáu tô hủ tíu mì đặc biệt nhất. Thanh Bạch nói ngay rằng đồ đạc để bán hủ tíu mì lúc này lên giá quá, cho nên đề nghị bọn chúng ăn phải trả tiền thì anh mới nấu.

Dĩ nhiên, bọn côn đồ lớn tiếng mắng chửi và áp vô cùng đánh Thanh Bạch tới tấp. Thanh Bạch đã chuẩn bị sẵn sàng, cho nên ông đã tung ngay một ngọn đá vào mặt tên đầu sỏ, rồi đấm luôn vài quả thôi sơn vào mặt mấy tên còn lại.

Bị phản ứng bất ngờ, bọn côn đồ tuy bị văng ra, nhưng đã áp vô. Đứa cầm ghế, đứa xô bàn, đứa cầm đá cùng lúc tấn công ông chủ xe mì. Thanh Bạch vớ ngay cây gậy đã chuẩn bị sẵn nghênh đỡ đòn tấn công của đối phương, rồi vung lên đâm tả, thọc hữu, cùng lúc hai chân tung liên hồi mấy ngọn cước vào tụi côn đồ. Chỉ trong phút chốc, sáu tên côn đồ đều đã bị đánh tơi tả bằng gậy lẫn quyền cước.

Sau vụ đó thì liên tục mấy ngày tiếp theo, bọn côn đồ mặt mày, tay chân băng bó trắng hếu, đã kéo đến tìm ông chủ xe mì trẻ tuổi để… xin bái ông làm thầy dạy võ. Thế nhưng khi đến nơi thì hay tin ông đã nghỉ để đi quân dịch.

Sau giải phóng, anh Thanh Bạch (Từ Trung Hiếu) có cùng đi dạy võ với chúng tôi một thời gian nhưng sau đó ông bị bệnh nên đã nghỉ dạy và qua đời vào khoảng những năm 1990, hưởng thọ 65 tuổi” – võ sư Hồ Tường cho biết.

(Bài viết được ghi theo lời kể của võ sư – tiến sĩ Hồ Tường – Chưởng môn phái Võ Lâm Tân Khánh Bà Trà, Chủ nhiệm võ đường Nhà văn hóa Thanh niên, số 4 đường Phạm Ngọc Thạch, Quận 1, TP.HCM).

Theo Pháp luật và Bạn đọc