Những đệ nhất cao thủ võ Việt…

Ai là thiên hạ đệ nhất cao thủ võ Việt? “Đó người cả đời cống hiến, hi sinh cho võ thuật và hết mình với nền võ học nước nhà” – lời Huyền Đạo Công Trần Công.

dsa Huyền Công Đạo Trần Công khí công cự phách, ám khí kinh hồn; Thanh Hư Chân nhân Đoàn Tâm ảnh xuất quỷ nhập thần, nghiệp võ huy hoàng vài thập kỉ; lão võ sư Trần Tiến, Hà Châu tuổi đã xấp xỉ bách niên nhưng quyền thuật thì vẫn mạnh như mãnh thú, gần xa nô nức khen tài… Kế đến, “lớp trẻ” như võ sư Chu Há, Băng Sơn, Vũ Quang Tín, Văn Thắng… cũng tài danh lừng lẫy, gây dựng nghiệp võ khiến người người thán phục, ngợi ca.

Vậy, trong số những “ngôi sao sáng chói” ấy, ai là thiên hạ đệ nhất?

Hùng kê đệ nhất?
Ông Trương Quang Trung, Phó Chủ tịch Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam, nguyên là Vụ trưởng Vụ Thể dục Thể thao quần chúng (đồng thời là Tổng Thư ký đầu tiên của Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam, từ năm 1991 tới năm 2007), đã được sống, được gắn bó với nhiều võ sư tên tuổi của làng võ Việt Nam.
Đặc biệt hơn, ông chính là người đã tiến hành biên soạn, xuất bản cuốn sách “Đời người – Nghiệp võ”, được tạm gọi là phác thảo đầu tiên về “khuôn mặt” những cao thủ của võ lâm Việt Nam suốt từ Nam chí Bắc.
Trong cuốn sách ấy, ông đã giới thiệu 23 võ sư, họ đều là những người nổi tiếng, có đóng góp tích cực cho phong trào võ thuật nước nhà. Tuy thế, khi hỏi ông về nhân vật số một trong làng võ đương đại, quan điểm cá nhân, ông đã không ngần ngại mà trả lời, người ấy là lão võ sư Ngô Bông, truyền nhân của bài võ Hùng kê quyền, hiện đang sinh sống ở Quảng Ngãi.
Theo ông Trung, lão võ sư Ngô Bông là người vô cùng say mê với võ thuật. Bất cứ nơi nào có “chuyện võ” là nơi ấy có sự “góp vui” của lão võ sư ấy.
Lão võ sư Ngô Bông sinh năm 1923, trong một gia đình nghèo ở Tư Nghĩa, Quảng Ngãi. Cha bị giặc Pháp sát hại, mẹ mất sớm nên ông phải về ở với nhà ngoại của mình. Tại đó, ông đã được hai cậu ruột của mình là Lê Chót và Lê Thuỳ dạy võ Tây Sơn. Trong số những bài võ ấy có Hùng kê quyền, tương truyền do Nguyễn Lữ sáng tác từ các thế đánh của gà chọi.
Tiếp đến, khi đã thành một thanh niên vạm vỡ, ông đã theo học Thiếu lâm với hai người thầy nổi tiếng ở Quảng Ngãi là Bảo Truy Phong (Gấu già) và Lâm Võ. Và cũng như nhiều võ sinh lúc bấy giờ, võ sư Ngô Bông cũng đã nhiều lần thượng đài thi đấu quyền Anh và võ tự do. Ông đã từng thắng nhiều võ sĩ tên tuổi lúc bấy giờ như Đinh Hổ (võ sĩ Campuchia), Đinh Đam (võ sĩ người Huế), Trực Hùng, Trực Ninh…
Với những đóng góp của mình cho phong trào võ thuật, khi Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam được thành lập, ông được mời làm cố vấn. Năm 1993, trong một hội thảo chuyên môn, bài Hùng kê quyền do ông là truyền nhân đã được bình chọn là một trong những bài võ thống nhất (nằm trong thể thức thi đấu) của Liên đoàn. Đặc biệt hơn, năm 2004, khi đã ngoài 80 tuổi, tại Liên hoan võ thuật truyền thống thế giới tổ chức tại Hàn Quốc, trước 70 môn phái Võ thuật nổi tiếng của khắp các quốc gia, với bài Hùng kê quyền do chính lão võ sư Ngô Bông thể hiện đã nhận được sự hoan nghênh nhiệt liệt của tất thảy mọi người.
Mãnh sư Trần Tiến ở ngôi đầu?
Võ sư Phan Dương Bình (Bình “bún”) lại có “quan điểm” khác. Luận bàn về chủ đề này, quan điểm cá nhân, võ sư Phan Dương Bình “đề cử” ngay rằng trong số những võ sư đương đại, ông thấy lão võ sư Trần Tiến xứng đáng được ngồi vào “ghế” đầu tiên.
Võ sư Phan Dương Bình kể, ông vừa mới đi Nam về. Chuyến đi ấy, vào Thành phố Hồ Chí Minh, ông và lão võ sư Trần Tiến đã có nhiều thời gian để trao đổi với nhau những điều tâm huyết về võ thuật. Điều ông thấy mừng là dù tuổi đã xấp xỉ bách niên nhưng lão võ sư Trần Tiến vẫn vô cùng rắn rỏi, minh mẫn. Điều ấy là minh chứng rõ ràng nhất cho sự uyên thâm của lão võ sư trên “con đường” võ học của mình.
Lão võ sư Trần Tiến sinh năm 1911, trong một gia đình có truyền thống võ học ở Bắc Giang. Ông nội ông là cụ Hoàng Hảo, bố là Hoàng Tân, cùng chi họ và từng tham gia nghĩa quân của hùm xám Yên Thế Hoàng Hoa Thám.
Khi nghĩa quân tan rã, để tránh sự truy sát của quân giặc, gia đình ông đã phải dạt về Đồ Sơn, Hải Phòng và đổi sang họ Trần. Ông được ông nội và cha mình truyền dạy võ công từ khi còn nhỏ. Năm 15 tuổi, cơ duyên, ông đã được lãnh hội võ công của một nhà sư người Trung Quốc sang Việt Nam lánh nạn, tên là Lý Giang Nam, quê ở Phúc Kiến, thuộc phái Thiếu Lâm.
5 năm sau đó, ông tiếp tục thụ giáo Nhu thuật và Judo của 2 võ sĩ người Nhật tên là Tanabe và Karachi. Với tinh thần ham học hỏi, ông còn tập cả quyền Anh do võ sĩ người Pháp Lafeur chỉ dạy.
Khi mới ngoài 20 tuổi, võ sư Trần Tiến đã danh nổi như cồn khi giành ngôi vô địch kiếm thuật ở Bắc Kỳ. Bởi bị giặc Pháp săn đuổi vì lý do “kích động kẻ xấu luyện võ gây mất an ninh trật tự” nên cuối năm 1936, võ sư Trần Tiến phải khăn gói vào Nam. Quãng thời gian này, bởi mưu sinh và cũng bởi sự sốc nổi của tuổi trẻ nên võ sư Trần Tiến đã rất nhiều lần thượng đài ở khắp các nước Đông Nam Á với nhiều đối thủ khác nhau và đều giành về mình phần thắng.
Theo võ sư Trần Tiến thì trận thượng đài cuối cùng của ông diễn ra trên đất Singapore. Sau khi loại hàng loạt các đấu thủ, trận “chung kết” ông gặp một đối thủ là võ sĩ người bản địa có biệt hiệu là Tiểu Lâm Xung.
Tiểu Lâm Xung là võ sĩ có thân hình cao lớn, rắn chắc. Trước đó, nhiều trận đấu, Tiểu Lâm Xung để đối thủ thoải mái tung quyền, cước vào người mà chẳng hề hấn gì. Khi đã thấm mệt, chỉ một đòn là Tiểu Lâm Xung hạ nốc ao đối thủ. Trước trận đấu căng thẳng ấy, trong lần tổ chức họp báo, Tiểu Lâm Xung đã thề sẽ đánh gục võ sĩ người Việt để “rửa hận” cho những “chiến hữu” đã bị ông triệt hạ. Thời gian ấy, võ sư Trần Tiến đang là nhân vật để một hãng giày nổi tiếng thực hiện quảng bá hình ảnh. Bởi thế, sự quan tâm của công chúng tới trận đấu “sinh tử” của ông là cơ hội tuyệt vời để hãng giày đó khuếch trương thương hiệu của mình. Do vậy, trước trận đấu, ông đã nhận được “tối hậu thư” của “đơn vị tài trợ”, buộc ông phải thắng.
Lên đài, với “bàn tay sắt” của mình, như để thị uy, doạ nạt đối phương, Tiểu Lâm Xung đã tung những cú đấm sấm sét của mình vào những tấm gỗ dày đến 5 cm khiến chúng vỡ tan. Trước đòn phủ đầu ấy, ông vẫn không hề nao núng. Cậy sức, Tiểu Lâm Xung ra đòn tới tấp,  nhưng với thân thủ nhanh nhẹn, võ sư Trần Tiến đã khéo léo tránh, né, đỡ đòn. Già nửa thời gian của trận đấu trôi qua, tuy chưa bị dính đòn nào nhưng phần thắng đã có vẻ nghiêng hẳn về võ sĩ người bản địa vì lợi thế tấn công nhiều hơn. Trong lúc say máu tấn công, Tiểu Lâm Xung đã bộc lộ nhiều sơ hở. Và, trong một tích tắc “ham công bỏ thủ” ấy, võ sư Trần Tiến đã nhanh chóng áp sát. Hạ thấp tấn, bằng một thế xà quyền, ông đã đánh thốc vào hạ bộ đối phương. Chỉ một đòn ấy, Tiểu Lâm Xung đã đổ đánh huỵch xuống sàn, không tài nào gượng dậy được. Vậy là, phần thắng đã thuộc về võ sư người Việt.
Thế nhưng, trong phút giây vinh quang ấy, thấy Tiểu Lâm Xung nằm bất động trên sàn, ông bỗng thấy ăn năn, day dứt. Thật ra, đòn ấy, với võ đài thi đấu kiểu tự do như trên thì chẳng có gì là sai luật, nay với tinh thần võ đạo, cú đánh ấy lại là cấm kỵ bởi tính sát thủ kinh hồn. Vậy nên ông tự nhận mình là người thua cuộc. Sau trận đấu ấy, ông đã tránh xa “kiếp sống võ đài”.
Năm 1945, ra Hà Nội, được Việt Minh giác ngộ, lão võ sư Trần Tiến tham gia cách mạng. Vào quân ngũ, với khả năng quyền thuật siêu phàm của mình, ông đã được tổ chức phân công huấn luyện bộ đội tinh nhuệ (lực lượng đặc công sau này).
Năm 1978, ông rời quân ngũ nhưng vẫn tự nguyện tham gia dạy võ thuật cho một số sĩ quan quân đội Campuchia suốt hơn chục năm trời. “Về hưu” nhưng với nghiệp võ thì ông vẫn miệt mài theo đuổi.
Chắt lọc, đúc kết những tinh hoa võ học mà mình cả đời tích luỹ, lão võ sư Trần Tiến đã sáng lập võ phái Thiếu lâm nội gia võ thuật đạo Việt Nam. Đến giờ, võ phái của ông đã thu hút cả ngàn môn sinh. Trong số ấy, có rất nhiều môn sinh người Âu, Mỹ, Phi… bởi nghe danh mà lặn lội tìm về theo học. Với một sự nghiệp huy hoàng như trên, theo võ sư Phan Dương Bình, trong số những võ sư Việt Nam hiện đang còn sống và tham gia hoạt động võ thuật, lão võ sư Trần Tiến xứng đáng được xếp ở ngôi đầu.
Nhất Công nhì Ảnh?
Lão võ sư Trần Hưng Quang (Quang “ốc”, Chưởng môn phái Bình Định Gia) là người vô cùng nghiêm túc trên con đường võ đạo đồng thời rất khắt khe với những nhận xét của mình. Tuy vậy, khi hỏi người đầu tiên mà ông nghĩ tới khi “lập bảng phong thần” thì ông đã trả lời ngay, người ấy là Huyền Công Đạo Trần Công, Chưởng môn phái Không Động.
Theo lão võ sư Trần Hưng Quang thì Huyền Công Đạo là người có đóng góp rất lớn cho võ thuật cổ truyền, đặc biệt là làng võ thủ đô Hà Nội. Huyền Công Đạo được biết tới như một người có nội công, khí công siêu phàm đồng thời là “cha đẻ” của rất nhiều binh khí đặc dị. Trong số ấy, độc môn ám khí của lão võ sư đã danh trấn giang hồ, không ai bì kịp. Làng võ Việt Nam, rất nhiều những võ sư nổi tiếng đều đã tìm đến lão võ sư để nhờ người chỉ giáo.
Nhận xét trên của lão võ sư Trần Hưng Quang cũng trùng với ý kiến của nhiều người. Bắc Phong Chân nhân Băng Sơn, Chưởng môn phái Võ lâm Phật gia cũng đồng quan điểm ấy. Có một giai thoại do võ sư Băng Sơn kể lại, năm 1991, khi Đại hội võ thuật toàn quốc được tổ chức tại Hà Nội, một số võ sư đã tiến hành “bình bầu” xem ai là đệ nhất cao thủ võ Việt. Và theo như kết quả của cuộc “bầu chọn” ấy, lão võ sư Trần Công đã ở ngôi đầu, kế đến là Thanh Hư Chân nhân Đoàn Tâm Ảnh.
Khi chúng tôi gặp để xác minh thông tin này, thì viện lý do tuổi cao, lão võ sư Trần Công bảo ông không còn nhớ gì đến chi tiết này nữa. Và, nếu điều này thực sự… đã diễn ra thì ông cám ơn mọi người đã tỏ lòng mến mộ.
Còn với riêng Huyền Công Đạo, vị võ sư mà ông nể phục phải là người vẹn đức vẹn tài. Theo đại sư Trần Công, võ lâm Việt Nam đương đại, người ấy chính là hai lão võ sư Trần Tiến và Thanh Hư Chân nhân Đoàn Tâm Ảnh. Theo Huyền Công Đạo, tuy chỉ gặp gỡ một vài lần hiếm hoi nhưng tính cách, khả năng chuyên môn của hai đồng đạo trên đã khiến ông cảm phục. Giống như lão võ sư Trần Công, võ sư Nguyễn Văn Thắng, Chưởng môn phái Thăng Long võ đạo cũng vô cùng hâm mộ nghiệp võ của hai lão võ sư trên, đặc biệt là với quyền sư Đoàn Tâm Ảnh. Theo võ sư Văn Thắng thì danh tiếng, khả năng siêu phàm của lão võ sư giờ đã 107 tuổi ấy (Đoàn Tâm Ảnh) không chỉ người trong nước biết tới mà nhiều môn sinh của các môn phái khác trên thế giới đều xuýt xoa, nể phục khi nhắc tới tên. Đoàn Tâm Ảnh chính là một huyền thoại của làng võ Việt Nam.

Những “người kế thừa vĩ đại”
Võ thuật có tính kế thừa và phát triển. Từ những năm đầu thập niên 80 của thế kỷ trước, khi phong trào võ thuật được khôi phục, trên bầu trời vốn đã nhiều tinh tú ấy lại xuất hiện thêm những ngôi sao sáng chói. Những “ngôi sao” ấy không những kế thừa tinh thần thượng võ – “vốn liếng”, tinh hoa của thế hệ đi trước, mà còn đưa nền võ thuật nước nhà phát dương quang đại.
Võ sư Chu Há thuộc tuýp người khiêm tốn, rất ít khi đưa ra nhận xét về người khác. Tuy thế, khi đề cập đến vấn đề này, quan điểm cá nhân, với “thế hệ kế thừa” hiện nay, ông đã “tiến cử” hai võ sư, một của môn phái Vịnh Xuân, một của môn phái Võ lâm Phật gia.
Môn đồ của Vịnh Xuân, theo võ sư Chu Há, là võ sư Trương Quốc định, đệ tử của  cố võ sư Trần Văn Phùng (một trong 5 học trò ưu tú nhất của võ sư Tế Công). Hiện tại, võ sư Định đang dạy Vịnh Xuân ở làng Ngọc Hà (Hà Nội).
Người thuộc môn phái Võ lâm Phật gia không ai khác là võ sư chưởng môn Băng Sơn (Bắc Phong Chân nhân). Theo võ sư Chu Há, những năm gần đây, môn phái của võ sư Băng Sơn đã “gặt hái” được nhiều thành công rực rỡ, thể hiện qua những tấm huy chương từ các lần “võ lâm đại hội”…

Võ học thâm như Đông Hải…
“Văn vô đệ nhất, võ vô đệ nhị”, đó là quan điểm của ông Trương Quang Trung, Phó Chủ tịch Liên đoàn võ thuật cổ truyền và cũng là quan điểm chung của tất cả các võ sư khi nói về anh tài làng võ. Bởi thế, rất khó có thể tìm ra trong số rất nhiều những ngôi sao sáng trên bầu trời võ thuật Việt Nam, ngôi sao nào sáng nhất.
Điều này, càng được khẳng định qua câu nói của sáng tổ Trương Tam Phong, Chưởng môn phái Võ Đang, một võ phái nổi tiếng ở Trung Quốc. Câu nói này đã được lão võ sư Nguyễn Tỵ, Chưởng môn phái Nam Hồng Sơn, một môn phái đang thu hút rất đông đệ tử hiện nay ghi nắn nót ngay trên… tường nhà mình: “Võ học thâm như Đông Hải – Siêu quần võ sĩ đa thi sa số hằng hà”. Nghĩa câu nói ấy, theo lão võ sư Nguyễn Tỵ thì võ học thâm sâu chẳng khác gì bể đông, anh tài thì đông đảo chẳng khác gì sao ở trên trời. Bởi thế, trong võ luôn có đạo, người học võ phải biết giữ lấy cái đạo của mình. Trong đạo ấy, thì điều đầu tiên là phải xóa bỏ cái tôi, không tự kiêu, tự phụ, coi thường người khác. Mình tài nhưng bể học bao la, ra ngoài xã hội chắc chắn có người tài giỏi hơn. Bởi thế, theo lão võ sư, viết câu đó lên tường, ngày ngày nhìn thấy thì mọi nơi, mọi lúc ông đều tự điều chỉnh tất cả những hành vi của bản thân mình.
Võ sư Văn Thắng có một kỷ niệm mà đến giờ, ông vẫn chẳng giây phút nào quên. Kỷ niệm ấy đã nhắc nhở ông rằng, trong thiên hạ, người tài là vô số kể. Cách đây cỡ độ chục năm, bởi chưa xây dựng được võ đường qui mô như bây giờ, ông phải dạy môn đồ của mình ở một sân chùa gần nhà. Tối nào cũng vậy, hễ khi những tiếng “hây ha” của buổi tập bắt đầu thì lại có một ông già không biết từ đâu ra khoảng sân ấy thảnh thơi hóng mát.
Một buổi, ngồi nhìn ông đi một bài quyền làm mẫu cho học trò, ông già kỳ lạ ấy đã đến bên nhẹ nhàng… góp ý. Theo ông lão thì võ sư Văn Thắng đi quyền quá chính xác, nhưng về cuối bài quyền, động tác cần mạnh và dứt khoát hơn, có vậy mới lộ rõ uy lực. Đó là những lời hoàn toàn chính xác.
Biết ông lão cũng chẳng phải “người thường”, võ sư Văn Thắng đã mời ông chỉ giáo thêm. Ngay tối đó, trước rất đông môn sinh của Thăng Long võ đạo, ông già kỳ lạ ấy đã đi liên tiếp mấy bài quyền, côn khiến mọi người được một phen… mở mắt. Biểu diễn xong, ông lịch sự cúi chào mọi người rồi vội vã rút lui, không để lại danh tính dù võ sư Văn Thắng đã nằng nặc hỏi. Các tối sau, dù đã cố tình chờ đợi, nhưng chẳng biết bởi lí do gì, ông lão ấy đã không trở lại thêm một lần nào nữa.
Ai là thiên hạ đệ nhất cao thủ võ Việt? “Đó người cả đời cống hiến, hi sinh cho võ thuật và hết mình với nền võ học nước nhà” (lời võ sư Trần Công). Từ quan điểm này, thì bất cứ người nào đam mê nghiệp võ, giương cao tinh thần võ đạo và xả thân vì nền võ học nước nhà thì đều xứng đáng được tôn vinh là những đệ nhất anh tài trong rừng võ Việt Nam.
Theo Dichcankinh