Sư phụ của Lý Huỳnh và cuộc chiến hi hữu với bậc cao thủ ít người ngờ tới

Cách đây nhiều năm, võ sư Hồ Tường từng là người cáp độ để huyền thoại Huỳnh Tiền tỉ thí với chính anh trai cùng cha khác mẹ là một huyền thoại khác, Kid Dempsey.

“CÂY TRỤ ĐỒNG” CỦA LÀNG ĐẤM MIỀN NAM VỚI KỸ NĂNG THƯỢNG THỪA

Ở miền Nam trước năm 1975, những ai từng say mê đi xem võ đài của hai môn quyền Anh và võ tự do (tức môn Võ Việt Nam thi đấu đối kháng), đều biết đến võ sĩ – người sau thành võ sư, Huỳnh Tiền.

Theo nhà nghiên cứu võ thuật Hồ Tường thì Huỳnh Tiền là biệt danh để đấu đài, còn ông tên thật là Huỳnh Văn Tiền, sinh năm 1916, con của một võ sư dạy Võ Việt Nam tên là Huỳnh Văn Hinh. Huỳnh Tiền có một người anh cùng cha khác mẹ chính là Nguyễn Văn Phát, khi thượng đài đấu quyền Anh lấy biệt danh Kid Dempsey, lớn hơn Huỳnh Tiền 3 tuổi.

Năm 15 tuổi, mặc dù bị gia đình cấm đoán, bắt phải lo việc học văn hóa, nhưng Huỳnh Tiền đã trốn gia đình, lén đi học thêm môn Thiếu Lâm nam phái với một võ sư người Hoa và môn quyền Anh với 2 vị võ sư người Pháp là Lepudeur và Caterat. Sau 3 năm tầm sư học đạo và chuyên cần khổ luyện, năm 18 tuổi, Huỳnh Tiền bắt đầu thượng đài, trước là đấu quyền Anh và 10 năm sau, ông đấu cả hai môn quyền Anh và võ tự do.

Sư phụ của Lý Huỳnh và cuộc chiến hi hữu với bậc cao thủ ít người ngờ tới - Ảnh 1.

Chân dung huyền thoại Huỳnh Tiền.

Đặc biệt, Huỳnh Tiền từng so găng môn quyền Anh với võ sĩ huyền thoại Minh Cảnh tổng cộng 4 lần, với thành tích 1 trận thắng, 1 trận hòa và 2 trận thua. Sau đó, võ sĩ Minh Cảnh đoạt chức vô địch toàn Đông Dương về quyền Anh năm 1949. Huỳnh Tiền cũng đánh bại nhiều võ sĩ quyền Anh nổi tiếng khác như Văn Hoán (vô địch miền Bắc), Trịnh Thiếu Anh (Khánh Hòa), Trần Cơ (Hải Phòng), Lê Hữu Vĩnh (Kiên Giang), Nguyễn Son (vô địch miền Tây)…

Trên võ đài đấu tự do môn Võ Việt Nam, Huỳnh Tiền đã chiến thắng nhiều tay đấm lừng danh đương thời, như Võ Châu Long, Hồ Thanh Xuân (Bình Định), Trần Văn Ngọ (tức Kim Sang – Quảng Ngãi), Phan Thành Sự (Bến Tre), Lý Soul, Văn Thọ (Campuchia), Mouse Tesar (võ đường Long Hổ Hội)…

Huỳnh Tiền từng đoạt chức vô địch Việt Nam về quyền Anh và về quyền tự do trong các năm 1948, 1949, 1953. Những chiến thắng vang dội này khiến ông được báo chí Sài Gòn tôn vinh biệt danh “Cây trụ đồng của làng đấm miền Nam”.

Ngoài ra, Huỳnh Tiền có lối thi đấu khôn ngoan, điềm tĩnh, luôn hạ knock-out đối phương ở những thời khắc ít ai ngờ tới, cho nên có người đã gán cho ông biệt danh “Con cáo già”.

BA CUỘC THƯ HÙNG VANG DỘI KHẮP MIỀN NAM

Trước năm 1975, giới mê võ ở miền Nam vẫn thường nhắc đến những trận đài thi đấu võ tự do giữa Huỳnh Tiền với Hà Trọng Sơn – cao thủ vốn được mệnh danh là “Hùm xám miền Trung”.

Trong khi Hà Trọng Sơn cao to, nặng trên 80 kg thì võ sư Huỳnh Tiền chỉ tầm 1,60 mét và nặng trên 50 kg. Tuy vậy, trận nào hai võ sĩ cũng đều thi đấu rất cân tài, cân sức. Cả hai đánh đến khi đều mệt nhừ mà vẫn không phân thắng bại nên trận đấu nào cũng khép lại với kết quả hòa.

Đáng nhớ bậc nhất có lẽ là trận võ đài đấu Võ Việt Nam trong 4 hiệp, mỗi hiệp 3 phút của võ sĩ Huỳnh Tiền gặp võ sĩ Thạch Sum ngay giữa khu hội chợ giải trí Thị Nghè cạnh sở thú vào năm 1956.

Khi trận đấu trôi đến hiệp thứ ba, Thạch Sum đã tung một cú đá cao hướng vào mặt đối thủ, nhưng bị Huỳnh Tiền né khỏi, làm cho chân của Thạch Sum bị lọt qua khỏi dây đài. Huỳnh Tiền nhân đó đã hất Sum văng ra và rớt xuống sàn đài. Trán của Thạch Sum đập xuống sàn, máu chảy xối xả. Trọng tài buộc phải ngưng trận đấu và tuyên bố Huỳnh Tiền thắng knock-out.

Trận đấu giữa Huỳnh Tiền và Thạch Sum hấp dẫn đến độ khán giả đã xô đẩy chen lấn, làm sập cả chiếc cầu bê tông nhỏ bắc từ sở thú sang khu hội chợ giải trí Thị Nghè” – võ sư Hồ Tường kể lại.

Theo võ sư Hồ Tường thì trận đấu đặc biệt nhất của Huỳnh Tiền phải kể tới lần ông thượng đài với chính người anh trai cùng cha khác mẹ, đó là huyền thoại Kid Dempsey. Ở trận này, võ sư Hồ Tường đóng vai trò chính là người cáp độ.

Sư phụ của Lý Huỳnh và cuộc chiến hi hữu với bậc cao thủ ít người ngờ tới - Ảnh 2.

Võ sư Huỳnh Tiền từng thi đấu bất phân thắng bại với “Hùm xám miền Trung” Hà Trọng Sơn hay người anh cùng cha khác mẹ với mình là Kid Dempsey.

Võ sư Hồ Tường kể: “Sau khi phong trào võ thuật được khôi phục lại ở TP.HCM từ năm 1979, chính chúng tôi là người đã tổ chức một chương trình võ đài về cả hai môn đấu quyền Anh và đấu tự do của Võ Việt Nam tại Nhà văn hóa Thanh niên, ở số 4 đường Phạm Ngọc Thạch, phường Bến Nghé, quận 1, TP.HCM.

Trận đấu quyền Anh then chốt của đêm võ đài đầu tiên chính là cuộc so tài giữa võ sư Huỳnh Tiền và võ sư Kid Dempsey. Đây là trận đấu rất đặc biệt bởi nó là cuộc chiến của hai huyền thoại mà hai người lại là anh em cùng cha khác mẹ với nhau.

Tuy là hai anh em cùng cha khác mẹ như vậy nhưng ngay từ những năm trước 1975, võ sư Huỳnh Tiền đã từng tuyên bố “Có Kid Dempsey thì không có Huỳnh Tiền”, cho nên trận đấu đã diễn ra vô cùng ác liệt.

Nếu Huỳnh Tiền có lối tấn công dũng mãnh thì Kid Dempsey lại có lối tránh né rất điệu nghệ. Hai bên thi đấu ăn miếng trả miếng với những pha tấn công liên hồi làm khán giả phải cổ vũ vô cùng cuồng nhiệt. Cuối cùng, sau những màn đôi công rất căng thẳng thì trận đấu này được kết thúc với kết quả hòa trong trạng thái mãn nhãn của giới mộ điệu”.

BẬC THẦY TỪNG ĐÀO TẠO NHIỀU TAY ĐẤM KHÉT TIẾNG

Theo nhà nghiên cứu Hồ Tường thì từ khoảng năm 1964 trở đi, Huỳnh Tiền là người có công phát hiện và đào tạo nhiều tay đấm sừng sỏ như Dương Văn Me, Remy Huỳnh, Michael Huỳnh, Hiệp Huỳnh, Huỳnh Sơn, Lý Huỳnh, Vũ Huỳnh… Tuy vậy, các học trò do ông đào tạo khi đấu đài không bao giờ lấy danh nghĩa thuộc “Võ đường Huỳnh Tiền”.

Ban đầu, Huỳnh Tiền cho lấy tên là “Võ đường 75 Phan Đình Phùng” (địa chỉ chỗ ông dạy, đó chính là Nhà thi đấu Phan Đình Phùng, nay ở số 75 đường Nguyễn Đình Chiểu, quận 3, TP.HCM). Nhưng điều đáng nói là trên áo choàng khoác lên cho các võ sĩ của ông lúc lên đài, bên trên dòng chữ “Võ đường 75 Phan Đình Phùng” là hình một cai sọ người đặt trên hai cái xương đặt chéo nhau màu trắng nổi bật hẳn lên trên nền máu đen của áo choàng.

Về sau, một học trò xuất sắc của Huỳnh Tiền là võ sư Lý Huỳnh khi mở võ đường, thì hầu như học trò nào của ông đào tạo đưa đi đấu võ đài đều lấy biệt danh bắt đầu bằng hai chữ “Lý Huỳnh”, như: Lý Huỳnh Cường chẳng hạn…

Ngoài ra, võ sư Huỳnh Tiền cũng khác người ở chỗ đặt biệt danh cho học trò. Chẳng hạn như sau sự kiện phi thuyền của Mỹ đổ bộ lên mặt trăng ngày 20 tháng 7 năm 1969 thì võ sư Huỳnh Tiền đã có ngay một võ sĩ thượng đài với tên gọi là Apollo…

Hay khi truyện tranh Astro Boy của Nhật làm say lòng bao nhiêu người đọc Việt Nam thì võ sư Huỳnh Tiền cũng đã đưa lên đài võ sĩ quyền Anh có tên là Astro Boy. Khi nói về các học trò của mình, lần nào võ sư Huỳnh Tiền cũng đều nhắc đến một người khá đặc biệt, đó là võ sĩ quyền Anh bất bại có biệt danh Huỳnh Sơn.

Võ sĩ này vốn là một tay anh chị ở vùng chợ Tân Định (nay thuộc phường Tân Định, quận 1, TP.HCM), có tên thật Cà Na – một chàng trai lai Ấn. Khoảng cuối thập niên 1950, trong một kỳ võ đài, võ sư Huỳnh Tiền thấy võ sĩ Cà Na tuy thua trận nhưng hết sức gan lì, liền đến bên hỏi xem võ sĩ này đã học với ai.

Võ sĩ Cà Na đã trả lời một cách chắc nịch là anh đã học với võ sư Huỳnh Tiền! Võ sư Huỳnh Tiền vô cùng bất ngờ vì ông chưa biết võ sĩ này bao giờ, ông mới nói chính ông là Huỳnh Tiền và ông có dạy anh ta bao giờ đâu. Tức thì Cà Na đã xin lỗi về việc mạo nhận, nhưng võ sư Huỳnh Tiền đã không chấp nhặt, mà quyết định nhận ngay làm học trò và sau này trở thành một trong những võ sĩ giỏi của ông đào tạo” – võ sư Hồ Tường kể.

Sư phụ của Lý Huỳnh và cuộc chiến hi hữu với bậc cao thủ ít người ngờ tới - Ảnh 3.

Võ sư Huỳnh Tiền đang tuyên bố nữ võ sĩ Hồ Thanh Sương (võ đường Từ Thiện, môn phái Võ Lâm Tân Khánh Bà Trà) thắng cuộc Xuân Cúc (con gái võ sư nổi tiếng Xuân Bình).

Võ sư Huỳnh Tiền đào tạo nhiều học trò giỏi về môn quyền Anh trước và sau năm 1975. Bằng chứng cụ thể nhất là hai võ sĩ quyền Anh của Việt Nam đầu tiên đoạt huy chương khu vực Đông Nam Á trước 1975, Nguyễn Sỹ Nguyễn và Minh Thành thì Nguyễn Sỹ Nguyễn chính là học trò của Huỳnh Tiền.

Những tháng ngày của thập niên 1980, võ sư Huỳnh Tiền tiếp tục việc đào tạo nhiều võ sĩ quyền Anh cho làng đấm TP.HCM. Chẳng hạn như Nguyễn Phi Hùng (đôi khi lấy tên thật là Nguyễn Văn Hùng), một võ sĩ từng nhiều người biết tới.

Những năm đầu của thập niên 1990, võ sư Huỳnh Tiền vẫn còn tới lui với sân võ để rồi trở về căn nhà nhỏ gần Quán Bảy Hổ nằm trên đường Trần Quý Cáp (nay là đường Võ Văn Tần), thuộc quận 3, thành phố Hồ Chí Minh.

Võ sư Huỳnh Tiền khá bình dị, dễ hòa đồng với mọi người, cho nên tất cả học trò của ông đã không gọi ông là “Thầy” như nhiều học trò võ khác đã gọi người dạy võ cho mình, mà đều gọi ông là “Anh Ba”, “Chú Ba” một cách rất thân thương. Năm 1996, ông qua đời, thọ 80 tuổi, để lại nhiều niềm thương mến cho biết bao học trò và người mộ điệu” – võ sư Hồ Tường kết lại.

Sư phụ của Lý Huỳnh và cuộc chiến hi hữu với bậc cao thủ ít người ngờ tới - Ảnh 4.

Lý Huỳnh là một học trò xuất sắc của huyền thoại Huỳnh Tiền.

(Bài viết được ghi theo lời kể của võ sư – tiến sĩ Hồ Tường – Chưởng môn phái Võ Lâm Tân Khánh Bà Trà, Chủ nhiệm võ đường Nhà văn hóa Thanh niên, số 4 đường Phạm Ngọc Thạch, Quận 1, TP.HCM).

Theo Pháp luật và Bạn đọc