Sư Thiếu Lâm dạy võ nữ cứu hộ gây tranh cãi

Hình ảnh các cô gái trong trang phục bikini luyện võ thuật với các võ sư Thiếu Lâm gây xôn xao dư luận Trung Quốc những ngày qua khi điều tiếng xung quanh ngôi chùa không hề ít.

Những bí ẩn bên trong Thiếu Lâm Tự
Thiếu Lâm Tự – Cội nguồn của võ học

Ngày 17/6, hơn 30 cô gái trong trang phục gợi cảm tham gia khóa đào tạo cứu hộ tại khu du lịch Cổ Long Hiệp, tỉnh Quảng Đông, dưới sự hướng dẫn của hai võ sư chùa Thiếu Lâm.

Để trở thành thành viên của đội “Nữ thần cứu hộ”, chuyên hỗ trợ các du khách nữ trong chuyến tham quan, các ứng viên phải luyện tập các kỹ năng võ thuật dưới nước và vượt qua bài kiểm tra sau đó. Hoạt động trong đội “Nữ thần cứu hộ”, các cô gái có thể nhận mức lương lên tới hàng chục nghìn nhân dân tệ mỗi tháng.

Hai đệ tử chùa Thiếu Lâm được mời huấn luyện, truyền dạy kỹ năng võ thuật cho các nữ nhân viên cứu hộ tương lai. Họ dạy các cô gái 5 thế trong võ thuật Trung Hoa, gồm hổ, sếu, báo đốm, rắn và rồng.

s11
Hai đệ tử chùa Thiếu Lâm trực tiếp hướng dẫn các nữ nhân viên cứu hộ tương lai trong trang phục gợi cảm. Ảnh: REX

Mỗi thí sinh phải thành thạo ít nhất hai quyền thuật mới đạt yêu cầu. Điều này có lẽ không quá khó khăn khi phần lớn họ đều là sinh viên tốt nghiệp các trường đào tạo thể dục thể thao, theo Daily Mail.

Theo truyền thống, các nhà sư Thiếu Lâm phát triển kỹ năng võ thuật để giữ gìn sức khỏe cũng như một hình thức kỷ luật về tinh thần và thể chất, đồng thời có thể phòng thủ sự tấn công của kẻ địch.

Tuy nhiên, hình ảnh những cô gái trong trang phục gợi cảm luyện tập võ thuật trên dòng suối với các võ sư lại tiếp tục gây xôn xao dư luận Trung Quốc, giữa nhiều điều tiếng về ngôi chùa Thiếu Lâm. Nhiều người cho rằng, “văn hóa Phật giáo hàng nghìn năm tuổi đã bị hủy hoại” bởi những hình ảnh như vậy.

Thương mại hóa

Chùa Thiếu Lâm hay Thiếu Lâm Tự là một ngôi chùa tại núi Tung Sơn ở thành phố Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc. Chùa nổi tiếng từ lâu nhờ mối liên hệ giữa Phật giáo và võ thuật. Là cái nôi của Thiền tông Trung Hoa, đây được cho là một cơ sở Phật giáo nổi tiếng nhất đối với phương Tây.

Tuy nhiên, nhiều năm qua, câu chuyện về ngôi chùa cổ và môn võ Thiếu Lâm đã và đang trở thành “món hàng thương mại” là chủ đề tranh cãi trong dư luận Trung Quốc và giới tu hành. Cái tên Thiếu Lâm Tự thường xuyên được đặt bên cạnh những chiến dịch quảng cáo để tăng thêm sức hút cho các sự kiện, thương hiệu.

s12
Chùa Thiếu Lâm nổi tiếng của Trung Quốc. Ảnh: Gscn

Sau khi Hành Chính đại sư qua đời, Thích Vĩnh Tín được chọn làm trụ trì Thiếu Lâm Tự vào năm 1999. Không thể phủ nhận công lao của ông khi vựng dậy ngôi chùa sau giai đoạn suy thoái kinh tế của Trung Quốc. Nhưng cũng trong giai đoạn này, trụ trì Thích Vĩnh Tiến thực hiện chủ trương dựa vào tiềm lực kinh tế để phô trương thanh thế của Thiếu Lâm Tự.

Theo đường hướng đó, Thiếu Lâm Tự không chỉ còn là ngôi chùa nổi tiếng về võ thuật mà còn thu lời từ kinh doanh dược phẩm, bản quyền thương hiệu từ các công ty giải khát, phim ảnh…

Từ năm 1986, khi chưa trở thành trụ trì, Thích Vĩnh Tín đã phát triển hoạt động quảng cáo, tuyên truyền về Thiếu Lâm Tự và tinh hoa võ thuật Thiếu Lâm. Ông thường xuyên dẫn đầu đoàn võ thuật Thiếu Lâm đi biểu diễn công phu khắp trong và ngoài nước.

Các nhà sư trong chùa vốn là người tu hành, thường đóng cửa giữ tâm thanh tịnh, nghiên cứu Phật pháp. Việc đưa các sư xuất ngoại biểu diễn võ thuật, nhằm thu tiền và phô trương thanh thế cũng bị nhiều người đánh giá là không phù hợp với chủ trương và đường lối của Phật giáo.

Thị phi

Hồi tháng 7 năm ngoái, thông tin về trụ trì Thiếu Lâm Tự Thích Vĩnh Tín bị cáo buộc có quan hệ tình dục với nhiều phụ nữ, trong đó có hai ni cô và thậm chí còn có con với họ, đã khiến dư luận Trung Quốc dậy sóng.

Những lời tố cáo hành vi không đúng mực của sư Thích Vĩnh Tín xuất phát từ một nhân vật xưng là đồ đệ từng tu học tại Thiếu Lâm Tự. Người này khẳng định anh ta sở hữu những bằng chứng sư Thích Vĩnh Tín đã khai báo không đúng về lý lịch bản thân.

Theo đó, nhà sư từng bị trục xuất khỏi một ngôi chùa lớn ở tỉnh Hà Nam vào cuối thập niên 80 do làm giả các văn bằng và giấy tờ, sống với 2 thân phận cùng lúc, quan hệ và có con với nhiều phụ nữ. Ngoài ra, sư Thích Vĩnh Tín còn bị cáo buộc đã chuyển quyền sở hữu một số khu đất của Thiếu Lâm Tự cho một tình nhân trẻ.

s17
Trụ trì Thiếu Lâm Tự Thích Vĩnh Tín. Ảnh: SCMP

Tốc độ lan truyền của những lời tố cáo trên mạng nhanh đến mức Cơ quan Các vấn đề Tôn giáo Nhà nước phải yêu cầu mở cuộc điều tra. Giáo hội Phật giáo Trung Quốc cũng bày tỏ quan điểm rằng sự việc “ảnh hưởng đến hình ảnh và thanh danh của Phật giáo”.

Từ ngày 1/8/2015, trụ trì Thích Vĩnh Tín dẫn đầu phái đoàn gồm 100 người đến Thái Lan để giao lưu võ thuật. Do vậy, nhiều người lo ngại nhà sư sẽ tìm cớ để ở lại nước ngoài, từ đó không tham gia vụ điều tra cáo buộc ông quan hệ với nhiều phụ nữ, theo tờ Beijing News.

Tuy nhiên, đây không phải lần đầu tiên sư trụ trì Thích Vĩnh Tín vướng vào các bê bối. Ông từng được cho là sở hữu bằng thạc sĩ về quản trị kinh doanh, thường sử dụng điện thoại iPhone, “biến” một khu đất của ngôi chùa thành phim trường cho thuê, qua đó phá hỏng các giá trị tôn giáo. Lời tố cáo gây ồn ào nhất đối với vị trụ trì là khi ông nhận ôtô trị giá một triệu nhân dân tệ (hơn 160.000 USD) từ chính quyền địa phương do “sự đóng góp phát triển du lịch” năm 2006.

Những bức ảnh các cô gái trong trang phục gợi cảm luyện tập võ thuật với các võ sư Thiếu Lâm tại khu du lịch Cổ Long Hiệp gần đây lại đưa chùa Thiếu Lâm vào tâm điểm bàn tán, chỉ trích của dư luận Trung Quốc.

Video: Bí mật bên trong Thiếu Lâm Tự 

https://www.youtube.com/watch?v=zuesAaYx4P8

Theo Zing