Hỏi đáp – Những thắc mắc thường thấy trong võ thuật (P2)

Cũng như nhiều bộ môn khác, dù võ thuật tiềm ẩn một sức hút khó tả, thế nhưng một lời khuyên không bao giờ thừa vẫn dành cho bạn lúc này: hãy xem qua vài mục hỏi đáp trước khi thực sự xác nhận rằng mình có thể bắt đầu luyện võ thuật. Sau đây là những vấn đề thường gặp nhất:

Hỏi đáp – Những thắc mắc thường thấy trong võ thuật (P1)

Lời khuyên : Ăn gì trước, trong và sau khi tập luyện võ thuật

11. Việc luyện tập võ thuật có giúp làm giảm bớt tính nóng nảy hiếu chiến không?

Đáp: Lẽ tất nhiên. Chúng ta biết nguồn gốc và thái độ nóng nảy hiếu chiến là do một tình trạng dồn nén, bức xúc. Luyện tập võ nghệ giúp bạn giải tỏa bớt năng lực dư thừa và mặc cảm ức chế. Khi bạn ném Koshi (đòn hông) người đồng luyện với mình, với một tâm trạng chung vui chia sẻ thì chẳng những nó không làm tăng mà làm giảm tâm trạng hiếu chiến trong bạn. thêm vào đó nó giúp giải tỏa số calori làm căng tinh thần và thể xác.

12. Thi đấu có phải là một tất yếu trong luyện tập võ thuật?

Đáp: Hiện nay các bộ môn võ thuật càng ngày càng hướng về khía cạnh thể thao, thi đấu với các bộ huy chương, các chúc danh vô địch, á quân … Tuy nhiên việc luyện tập không nhất thiết bao gồm đối luyện, dù đó là một phương sách tốt để thử nghiệm các kỹ năng của mình. Ví dụ trong Ken Jutsu có Tameshi giri (chém cột trúc), hay trong Aikido có Futari gake, Sanin gake, …

13. Làm cách nào nhận ra một thầy võ tốt?

Đáp: Trước tiên một thầy võ tốt là tác phong đạo đức tốt, có khả năng thu hút và quảng diễn các nguyên lý võ thuật trong mỗi chiêu thức, kiên nhẫn và tận tâm. Để chọn thầy cho con mình, phụ huynh nên đến dự lớp trước khi ghi danh vào lớp. Đừng nhắm mắt chọn bộ môn rồi “đưa con vô nội”.

14. Nội gia và Ngoại gia khi nói về võ thuật Trung Quốc?

Đáp: Tại Trung Hoa thời nhà Thanh, quan quân Mãn Châu để dễ bề cai trị đã tạo ra và quảng bá ý niệm Nội gia và Ngoại gia. Các môn phái Nội gia bao gồm: Thái Cực Quyền, Hình Ý, Bát Quái, …Phần lớn phát xuất từ Võ Đang và dựa trên nền tư tưởng Đạo giáo, Khổng giáo: Vô vi, Âm dương ngũ hành … Trong khi đó nói đến Ngoại gia là Thiếu Lâm Nam Bắc phái, Phật gia quyền … Đối với Tây phương Nội gia nhằm vào việc phát triển toàn diện con người còn Ngoại gia chủ yếu hướng về chiến đấu. Về khía cạnh này đường ranh giới khá mù mờ: Trong Thái Cực Quyền có Tán thủ và trong Thiếu Lâm có Dịch cân kinh.

15. Để hiểu rõ các danh xưng Vovinam và Việt võ đạo?

Đáp: Đại đa số những người chưa tìm hiểu kỹ thường thắc mắc tại sao tồn tại 2 cái tên: Vovinam, khi thì Việt võ đạo.

Môn phái do Tổ sư Nguyễn Lộc sáng tạo nguyên thủy được gọi là Vovinam (Võ Việt Nam). Cách gọi này tiện lợi cho việc phổ biến cho người ngoại quốc. Sau đó danh xưng Việt võ đạo được dùng để nói rõ tinh ý của môn võ. Hiện nay hai từ được ghép lại, theo thiển ý vừa giữ được cái gốc vừa nói được tinh ý của môn võ.

16. MMA là gì?

Đáp: MMA là tên viết tắt của Mixed Martial Arts (võ tổng hợp), sự thật rằng MMA không phải môn võ mà là một trường phái võ thuật tổng hợp tất cả lại. Rất khó để định nghĩa giới hạn của MMA, thế nhưng chúng ta có thể điểm qua một số môn võ được hầu hết các võ sĩ luyện tập để thi đấu MMA: Boxing, Muay Thái, Vật, Jiujitsu, BJJ, Kickboxing, …