“Cánh tay thép” vang danh và trận tử chiến giã từ nghiệp võ

Từng hạ knockout nhiều đối thủ bằng cú đấm tay trái được xem như “cánh tay thép”, rồi sau một trận thua đau, võ sỹ Ngọc Anh rút khỏi làng võ. Phía sau sàn đấu lừng danh của anh là cuộc đời lầm lũi mưu sinh ở chợ cá…

Những trận knock-out bằng cùi chỏ

Người được giới võ lâm đồng trang lứa nhớ đến là võ sỹ Trần Ngọc Anh (SN 1965, ngụ quận 4, TP.HCM), là môn đệ của võ sư Mai Thái Hòa (cao thủ Sài Gòn xưa). Thời nhỏ Trần Ngọc Anh sinh ra trong gia đình nghèo khó, lại hay bị đám bạn bắt nạt do nhỏ con, anh ước mong một ngày sẽ học được võ nghệ cao siêu để không bị đánh nữa. Năm 1978, Ngọc Anh tìm đến võ đường của võ sư Mai Thái Hòa bái sư và chỉ một năm sau anh đã tham gia các giải đấu.

Võ sỹ Trần Ngọc Anh nhớ lại: “Tôi chơi từ năm 1978 đến năm 1982 thì tranh giải vô địch và giành được giải bạc. Sau giải đấu, tôi đi đánh tỉnh nhiều ở môn quyền Anh tự do. Còn ở TP.HCM thì chỉ đánh quyền Anh thôi, tranh giải này giải kia, quận này qua quận kia. Năm 1984 tôi ra Hà Nội đánh giao hữu, một trận hòa, một trận thắng”. Theo võ sỹ Ngọc Anh, ngày xưa anh học thầy Mai Thái Hòa, thầy rất nghiêm khắc. Khi võ sinh mới vào học được khoảng ba tháng thì thầy sẽ xem thực lực thế nào để cho đi thi đấu.

Võ sỹ Ngọc Anh kể lại: “Thầy Hòa rất đặc biệt ở chỗ nếu nhắm thấy võ sỹ của mình có tố chất thì sẽ cho đi đấu ngay. Trước khi đi đấu thầy thường hỏi có muốn thi đấu không, có chịu đòn được không. Thầy thường bắt kèo với các võ sư ở môn phái khác, xin cho võ sinh của mình đấu với những võ sỹ đoạt giải vàng, bạc bên võ đường khác. Theo thầy thì chỉ đấu với những người nổi trội hơn mình thì mình mới tiến bộ được”.

quyen anh tu do xua luon khac nghiet (anh minh hoa)
Quyền Anh tự do xưa luôn khắc nghiệt. ảnh minh họa.

Kỷ niệm ấn tượng với võ sỹ Ngọc Anh là vào năm 1983, khi đoàn Bến Tre mời đoàn võ cổ truyền của TP.HCM xuống giao lưu võ thuật. Lúc này ở TP.HCM đang cấm đấu đài tự do vì rất nguy hiểm, chỉ có ở các tỉnh là tổ chức giao lưu.

Kể lại lần đấu đài, võ sỹ Ngọc Anh bảo: “Khi mới vào cuộc đối thủ tung nhiều cú đá rất mạnh về phía tôi, hiệp một gần như tôi bị tấn công. Rồi qua hiệp thứ hai, tôi áp sát đối thủ vung tay đánh cùi chỏ vào mặt đối thủ, lúc này tay tôi tê cứng. Sau đòn đánh đối phương ngã rầm xuống sàn, mặt rách một đường khoảng 4cm, xong ban tổ chức không cho đánh nữa, tôi thắng knockout. Ngày hôm sau thì ban tổ chức nói thua lỗ quá vì toàn con nít chui rào vào coi nên thôi không đấu nữa”.

Năm 87 nước bạn Campuchia sang thi đấu giao hữu với Việt Nam. Lúc này võ sỹ Ngọc Anh cũng tham gia thi đấu. Trong trận giao hữu vì tung đòn tay quá mạnh nên Ngọc Anh đã làm gãy sống mũi của đối thủ. Trận đấu vẫn tiếp tục nhưng một hồi sau thấy đối thủ chảy máu quá nhiều, ban tổ chức cho dừng trận đấu và xử hòa cho hai bên.

Sau những trận giao hữu mãn nhãn, Campuchia mời Việt Nam qua thi đấu giao hữu trong những ngày sắp tới. Tuy nhiên, kế hoạch chưa kịp thực hiện thì bên nước bạn xảy ra biến cố nên ngưng lại. Những năm sau đó, võ sỹ Trần Ngọc Anh liên tiếp đi đấu các tỉnh và gặt nhiều trận thắng vang dội.

Bao nhiêu trận thắng, võ sỹ Trần Ngọc Anh không nhớ, nhưng anh nhớ như in một trận thua đau đớn. Đó là năm 1996 khi tranh giải vô địch toàn quốc, Ngọc Anh trải qua hai trận đấu. Trận đấu thứ nhất anh vượt qua nhẹ nhàng, đến trận thứ hai anh gặp phải cao thủ và thất thủ.

Võ sỹ Ngọc Anh chia sẻ: “Đáng lẽ tôi thắng nhưng cuối cùng lại thua vì bị xử ép. Tui tức quá, ông thầy tôi nói vậy dứt khoát là không chơi nữa. Qua mấy ngày sau nghỉ khỏe rồi ra đánh trận tranh ba tư, tôi không đánh nữa, bỏ. Sau khi lên chào khán giả tôi đi xuống là tất cả khán giả ồ lên, la lối um sùm luôn. Từ đó về sau, tôi nghỉ hẳn tới giờ”.

Phía sau võ đài

Ngồi bần thần bên ly cà phê như nhớ lại những khoảnh khắc oanh liệt, võ sỹ Ngọc Anh bảo: “Nghiệp võ xưa thì không có thu nhập. Hồi xưa tôi đánh là do tự nguyện, ham vui. Còn bây giờ đánh thì còn có nhiều thứ, được quận chu cấp tiền mỗi tháng. Nhưng hồi xưa mà đánh là được hoãn nghĩa vụ quân sự cho những người đoạt giải nhất, nhì, ba. Võ đường lúc bấy giờ chúng tôi rất tôn trọng nguyên tắc, kỹ thuật thi đấu. Vì vậy nếu mình có thắng người khác mà không đúng kỹ thuật là thầy không vui”.

Bình thường để mưu sinh, võ sỹ Trần Ngọc Anh thường chạy chợ cá, chở cá thuê cho những người buôn bán cá. Lúc trước chưa có xe máy, anh dùng xe xích lô để chở hàng tạ cá mỗi lần. Cứ như thế đều đặn, sáng chở cá, chiều chở cá đến 4h chiều, mỗi ngày anh cũng kiếm được đủ tiền trang trải trong gia đình. Đến giờ luyện võ thì anh lại lên võ đường tập luyện, ngày nào đi thi đấu thì anh phải bỏ chạy cá.

Giữa đời thường và trên sàn đấu, võ sỹ Trần Ngọc Anh là hai con người khác nhau hoàn toàn. Trên võ đài võ sỹ Ngọc Anh được tán thưởng và nổi tiếng biết bao thì về với đời thường anh lại lầm lũi, vất vả mưu sinh và hầu như ít người biết tới.

Ngọc Anh tâm sự: “Kể từ khi nghỉ đấu, nghỉ luyện võ, tôi về chỉ làm nghề chở cá thuê. Bây giờ chạy cá bằng xe máy, chở cá ra tận Bình Điền để giao, mỗi chuyến không cần biết chở nhiều hay ít, tôi được trả công 120.000 đồng. Buổi sáng tôi dậy từ 2h sáng và chạy được hai chuyến rồi về nghỉ. Đến khoảng 13h chiều thì tôi lại lọc cọc chạy xe ra đứng gần Dinh Độc Lập chờ như những người chạy xe ôm, có ai kêu thì bắt đầu công việc chở cá tiếp”.

Vợ của võ sỹ Ngọc Anh làm công nhân ở xí nghiệp bao bì, khu chế xuất Tân Thuận (quận 7). Võ sỹ Ngọc Anh ngậm ngùi bảo: “Hồi mới lấy nhau, vợ tôi cũng có bầu. Nhưng bỗng dưng cha tôi té bể đầu rồi hôn mê. Gia đình tôi có năm anh chị em, tôi là lớn nhất nên gánh nặng gia đình đè lên hai vai. Lúc đó gia đình và vợ chồng tôi đều nghèo, tiền làm lụng, thi đấu cố gắng lắm cũng chỉ đủ trang trải giản đơn và chữa trị cho cha. Tôi cứ nghĩ nếu không sinh đứa con ấy thì sau sẽ sinh đứa khác thôi. Lúc ấy tôi chỉ nghĩ được thế và bàn với vợ bỏ cái thai đi. Cô ấy thương tôi, thương cha đã bỏ thai và không bao giờ có lại được nữa, buồn lắm…”.

Lặng đi giây lát, người đàn ông chở cá Ngọc Anh tiếp lời: “Hồi đó tôi cố tình đi đánh “chui” không chỉ vì đam mê mà còn mục đích thắng trận mang tiền về nuôi gia đình. Nhưng số tôi không may mắn được vào đội tuyển nào. Khi ấy cứ mỗi trận đấu “chui”, bất kể thắng thua thì mỗi người cũng đều có 80 ngàn đồng. Vợ tôi vốn dĩ cũng là một võ sỹ học chung lớp võ ra, nhưng sau khi lấy tôi thì cô ấy không học võ nữa. Sau khi những quyết định sai lầm dẫn đến những hậu quả đáng tiếc, tôi rất hối hận. Dường như cô ấy cũng hiểu mà không trách móc gì. Tôi vẫn là anh chạy cá như ngày nào, vẫn tự tập luyện, nhưng mọi hào quang đã thuộc về quá khứ”.

sds

Theo Đời Sống & Pháp Luật