Chuyện về vị võ sư “hùm xám miền Nam”

Lớn lên trong miền đất võ thuật của các anh hùng áo vải cờ đào, cậu bé Hà Trọng Ngự sớm khai tâm học võ tiếp nối truyền thống võ nghiệp của gia đình. Với tố chất thông minh và sự khổ công rèn luyện, ông đã tiếp quản làm chưởng môn phái võ Ta – Tây Sơn Bình Định từ sư phụ của mình.


Ông được coi là “hùm xám miền Nam” vì sáng tạo ra bài quyền “ba chân hổ” huyền thoại một thời, đồng thời là truyền nhân cuối cùng lưu giữ tuyệt kỹ lừng danh của võ phái tưởng chừng bị lãng quên và phát triển vào miền Nam rồi vượt qua lãnh thổ nước Việt. Vị võ sư đã qua tuổi “tri thiên mệnh” ấy luôn tâm niệm rằng: Là người học võ không nên giấu nghề, như vậy sẽ làm mai một tinh hoa võ học của nước nhà.

Vị “thần đồng” dòng dõi võ học
Trải qua hơn nửa đời người cũng là lúc sự nghiệp võ thuật của võ sư Hà Trọng Ngự đạt đến độ “chín muồi” và thăng hoa trong con mắt ngưỡng mộ của giới võ Việt. Dù đã đến tuổi xế chiều nhưng đôi mắt và giọng nói của ông vẫn toát lên sự tinh anh và nội lực của “hùm xám” ngày nào. Hằng ngày, ông vẫn dành hết tâm huyết của mình để truyền dạy võ thuật cho môn sinh trên khắp đất nước đến bái sư. Trong ngôi nhà nằm ở con hẻm đường Quang Trung (Gò Vấp, TP.HCM), chúng tôi đã có cơ hội được cùng ngồi hàn huyên võ học với vị võ sư đặc biệt này, cũng là người lưu giữ cuối cùng tuyệt kỹ của môn phái võ Ta – Tây Sơn Bình Định mà sư phụ ông sáng lập nên.
SONY DSC
Được sinh ra trong cái nôi võ thuật của quê hương Quy Nhơn (Bình Định), Hà Trọng Ngự sớm có tố chất con nhà võ và bước vào con đường võ nghiệp lúc 6 tuổi (năm 1953). Cậu bé được đại võ sư Hà Trọng Sơn – cũng là người bác truyền thụ võ nghệ nức danh của mình. Sau bao năm khổ công tập luyện, cộng với năng khiếu “thần đồng” của mình, cậu bé Ngự đã sớm lĩnh hội những bí kíp võ học của môn phái một cách thành thục. Vì thế, sau 10 năm dùi mài quyền cước, chàng thanh niên 16 tuổi đã đại diện cho môn phái thi đấu võ đài ở giải trẻ võ tự do  Nam Trung bộ. Và quả ngọt đầu tiên, chàng trai trẻ đã làm nên thành tích vẻ vang cho môn phái với 10 trận thắng, 2 trận hòa và đoạt chức vô địch trẻ hạng cân 54kg. Điều đó đã đánh dấu cho sự phát triển võ học lẫy lừng về sau của cậu bé “thần đồng” từ quê hương võ Việt.
Với khả năng vượt trội của mình, khi bước vào tuổi 25, Hà Trọng Ngự đã đứng ra mở võ đường dạy võ Tây Sơn – Bình Định tại quê nhà, thu hút nhiều người mê võ đến tập luyện. Chưa hài lòng với thành quả ban đầu, ông nhận thấy cần phải bổ sung, hoàn thiện thêm những chiêu thức của võ phái. Nghĩ là làm, ông vừa dạy võ, vừa học hỏi thêm những tinh túy của phái võ Bắc Phái Thiếu Lâm Tự do Đại võ sư Trịnh Thiếu Anh truyền dạy. Từ đó, tiếng tăm của võ đường do vị võ sư trẻ tuổi càng ngày càng lan nhanh trên quê hương áo vải cờ đào. Trong thời gian này, võ đường của ông đã đào tạo được hàng ngàn môn sinh và hàng ngàn võ sĩ từ khắp nơi đổ về. Với những đóng góp trên, năm 1996, ông vinh dự được bầu làm Chủ tịch hội võ thuật Thành phố Quy Nhơn.
Ngang dọc trên võ lâm, võ sư Hà Trọng Ngự biết bao lần tỉ thí trên các võ đài như một cách chứng tỏ bản lĩnh võ công và học hỏi võ thuật môn phái khác. Thời đó, uy tín của võ công họ Hà khiến cả giới võ lâm phải kính nể bởi những trận thắng liên tiếp, dường như không có đối thủ. Thế nhưng, trận đấu khiến vị võ sư nhớ nhất lại là một trận hòa. Đó là vào năm 1970, tại Nha Trang, Hà Trọng Ngự thi đấu với võ sĩ Trọng Dũng – học trò của võ sư Trọng Đãi, chưởng môn Thiếu lâm Bắc phái, đấu thủ năm xưa của sư phụ mình. Cả hai bên ngang sức ngang tài, liên tục xuất ra những chiêu hiểm hóc của môn phái khiến đối phương phải ra sức chống đỡ. Suốt ba hiệp đấu trong đêm hôm ấy, cả hai như con mãnh hổ lao vào vờn nhau, đọ sức với nhau nhưng đành bất phân thắng bại. Đó là trận đấu “khó nuốt” nhất, cũng là trận tỉ thí để đời của võ sư Hà Trọng Ngự mỗi khi ôn lại chuyện xưa.
“Hùm xám miền Nam”- người phát triển bí kíp “ba chân hổ” huyền thoại
SONY DSC
Mong muốn bí kíp môn phái được phát triển xa hơn, ông đã rời quê hương để vào miền Nam tạo lập nhiều võ đường ở khắp Biên Hòa và Sài thành, nơi hoạt động của giới võ lâm đang rất nhộn nhịp. Nếu sư phụ Hà Trọng Sơn được mệnh danh là “hùm xám miền Trung” thì võ sư Hà Trọng Ngự được mọi người xem như “hùm xám miền Nam” với công lao gìn giữ và phát triển bí kíp võ phái ra toàn thị trường võ thuật miền nam sôi động. Không những thế, những võ sư thành tài mà ông truyền dạy đã ở lại mở võ đường ở phương trời Tây. Đến nay, phái võ do võ sư Hà Trọng Ngự làm chưởng môn đã mở tất cả 15 võ đường ở Việt Namvà 3 võ đường ở Pháp, Mỹ, Nauy, thu hút hàng ngàn môn sinh trong và ngoài nước theo học.
Những tinh hoa của phái võ Ta – Tây Sơn Bình Định được vị chưởng môn kế tục lưu giữ và phát triển đạt đến trình độ điêu luyện. Trong nhiều bộ quyền pháp độc đáo của môn phái như: Linh miêu độc chiến, độc đăng thương, roi thiết lĩnh,… thì bài quyền “Ba chân hổ” được xem là một tuyệt kỹ bí truyền mà võ sư Hà Trọng Ngự là vị truyền nhân cuối cùng. Bài quyền về “diệt chúa sơn lâm” ấy đã từng lừng danh một thuở bởi sức mạnh “hổ vồ” và huyền thoại ly kỳ của nó.
Tương truyền, trên 200 năm trước, trên khu vực núi bà thuộc huyện Phù Cát (Bình Định) xuất hiện một con cọp ba chân khổng lồ, vô cùng tinh ranh và hung dữ. Nó đi khắp nơi lùng sục thịt người để ăn, khiến cho dân làng ở đây vô cùng khiếp sợ bởi những người chết mất xác. Một hôm, một người tiều phu đang gánh củi về làng khi trời đã xẩm tối, xoay người quay gánh củi phang ngang vào mãnh hổ. Sau đó, nhanh như cắt, ông liền rút cây đòn gánh đã được vuốt nhọn hai đầu để giao chiến với cọp dữ suốt đêm hôm ấy.Ánh trăng mờ ảo đủ để tiền nhân nhìn thấy được các thế cọp nhảy tới vồ, tát, chồm tới, nhảy cao rồi trụt xuống nằm ẩn mình, hụp lặn né đòn của cọp khi người tiều phu phản công quyết liệt. Biết gặp phải thứ dữ, con cọp với tấm thân đầy thương tích, chạy sâu vào rừng để lại chiến trường tan tành cùng người tiều phu toàn thân nhuốm máu. Sau trận tử chiến ấy, cọp ba chân bặt vô âm tín, không còn xuất hiện nữa.
Người tiều phu giỏi võ ngày nào đã ghi chép lại những thế đánh cận chiến với mãnh hổ. Từ đó, ông hệ thống lại bài bản và khai sinh ra bài “Quyền ba chân hổ” với ý chí chiến đấu với thú dữ hay kẻ thù xâm lược để bảo vệ đất nước. Cứ thế, bài quyền được lưu truyền từ đời này sang đời khác trong cộng đồng dân cư núi Bà và cố võ sư Hà Trọng Sơn với biệt danh “Hùm xám miền Trung” may mắn học được bài quyền ấy. Và đến năm 1986, võ sư Hà Trọng Ngự đã được sư phụ mình truyền lại bài quyền “độc nhất vô nhị” này và khổ luyện suốt một tháng trời mới nắm bắt được hết thần thái linh hoạt của “hổ quyền”. Bởi nó có tính sát thương rất cao nên giờ đây, ông không tùy tiện mà chỉ truyền lại cho em trai Hà Trọng Khánh và con trai Hà Trọng Kha Vy đều là những võ sư tài năng.
“Quyền ba chân hổ” là một tuyệt kỹ nghệ thuật của nền võ học Bình Định. Người học quyền ba chân hổ phải hội tụ đầy đủ đầy đủ các yếu tố cơ bản như võ đức, võ đạo, võ tâm, võ lý, võ y và võ pháp. Đó là nhu – cương – cường – nhược đều hội tụ đủ trong bài quyền, linh hoạt, nhạy bén nhưng không kém phần uy lực trong từng thế đánh. Võ sư Hà Trọng Ngự từng răn dạy học trò mình rằng: “Quyền ba chân hổ với sự điêu luyện, các đòn thế có tính sát thương cao, không nên sử dụng một cách vô tâm. Nó chỉ được sử dụng khi bất khả kháng giữa sự sống và cái chết ta chỉ chọn một mà thôi. Vì học võ không phải cất kỹ để chết mang theo xuống mồ mà phải dùng sao cho đúng nghĩa và đúng đối tượng phù hợp với tinh thần thiêng liêng cao quý.”
Để luyện được tuyệt kỹ này, người bắt đầu học võ đến khi nhuần nhuyễn phải mất một thời gian khá dài là 2 năm hoặc lâu hơn nữa. Muốn thực hiện bài quyền mang đủ sắc thái, tính năng, thần sắc đồng thời thân pháp dẻo dai giống như Hổ thật đòi hỏi người luyện võ phải thật kiên trì và có tố chất võ học. Quan trọng nhất trong bài quyền là bộ “trảo” với bàn tay cứng như sắt thép, uy lực như mãnh hổ đã phải trải qua giai đoạn luyện công hết sức nghiêm ngặt. Tất cả những thao tác rình mồi, vờn mồi, vồ mồi, tung và xé mồi trong bài quyền do võ sư Hà Trọng Ngự biểu diễn tạo cho người thưởng thức cảm giác giống như đang xem một con hổ bắt mồi chứ không nghĩ là một võ sư múa võ.
Giờ đây, khi tóc đã hoa râm, vị võ sư “hùm xám” ấy vẫn dẻo dai và có thể lực sung mãn của một mãnh hổ để truyền dạy cho các thế hệ học trò nối tiếp. Ông tâm sự: “Tôi chỉ mong muốn rằng bí kíp võ phái mà sư phụ để lại không bị mai một theo năm tháng. Giờ đây, quyền ba chân hổ đã trở lại mạnh mẽ hơn xưa là niềm hạnh phúc lớn nhất trong nghiệp võ của tôi lúc này”.
Nguồn: Diệu Linh (Giadinh.net)